Lược thuật về kỳ kết tập kinh điển lần 1 & nội dung bốn bộ kinh A-hàm

Lúc Đức Phật còn tại thế, Ngài vân du khắp xứ Ấn Độ, thuyết pháp cho đủ hạng người, đối tượng, giáo pháp của Ngài vì vậy rất đa dạng, hình thức bất định; tuy vậy, cho đến khi nhập diệt, do yếu tố khách quan, những ngôn giáo của Ngài vẫn không được ghi chép thành văn bản. Và do vì sau khi đức Phật nhập diệt, trong Tăng chúng lại phát sinh một số vấn đề, cho nên các đại đệ tử của Đức Phật đã tổ chức tiến hành kết tập những ngôn giáo ấy, lấy đó làm y chỉ cho việc tu hành sau này.
Nhân duyên kết tập kinh điển

Thiết nghĩ, trước khi đi vào nội dung chính, cũng cần tìm hiểu sơ qua hai từ kết tập (結集) và kinh điển (經典). Vậy kết tập là gì? Có thể hiểu một cách nôm na như thế này, trong đại hội, sau khi trong chúng cử ra những cao Tăng có trí nhớ tốt, am tường, thông thạo, mang tính đại diện cho các mảng kinh, luật đọc lên, được đại chúng đồng ý, thông qua; tiếp đó, biên tập thành kinh sách có hệ thống, thì gọi đó là kết tập.  Còn kinh điển thì là được ghi lại những điển tịch do Đức Phật thuyết giáo, thì gọi là kinh điển. Chỉ có cách tổ chức kết tập kinh điển, chánh Pháp mới có thể gìn giữ và lưu truyền mãi mãi.

Về nguồn gốc kinh điển, căn cứ vào kinh Du hành trong bộ kinh Trường A hàm  ghi chép, Đức Phật sau khi nhập diệt, đa số các đệ tử đều nương theo những lời giáo huấn của Ngài mà tu tập; tuy nhiên, trong chúng có một vị Tỳ-kheo ngu si, vô trí tên là Bạt-nan-đà (Upananda) thì lại tỏ ra phấn khởi, vui vẻ khi biết Đức Phật đã nhập diệt; kể từ đó, vị này sống buông lơi, phóng dật, không tuân theo giới luật của Đức Phật. Sau khi Ngài Đại ca-diếp (Mahakassapa) nghe được thông tin này thì trong lòng vô cùng xót xa; để đề phòng những sự cố, tai họa có thể xảy ra sau này, Ngài Mahakassapa đã khởi xướng việc tố chức kết tập lại tất cả ngôn giáo của Đức Phật.

Ngài Mahakassapa trước tiên mời vua A-xà-thế (Ajatashatru) nước Ma-kiệt-đà (Magadha), một tín đồ thuần thành đứng ra gìn giữ và bảo vệ Phật pháp, cung cấp tất cả y thực ngọa cụ, và chọn ra 500 vị Tỳ-kheo, Thượng tọa có đức có học, đi về hướng thạch hang thất diệp (Sapta-parn!a-guha^) ở núi Tỳ-bà-la (Vebha^ra) gần cận thành Vương-xá (Rajagrha) để bắt tay vào công việc kết tập kinh điển. Đại hội kết tập do Ngài Mahakassapa làm chủ trì hội nghị, Ngài Ưu-bà-ly (Upāli) trì luật đệ nhất đọc tụng luật. Nội trong ba tháng, hàng ngày Ngài Upāli đều thăng tọa đọc tụng giới điều (những điều cấm kỵ), cộng cả thảy 80 lần đọc tụng mới hoàn thành, sau đó soạn thành bộ Bát thập tụng luật, đây là tất cả căn bản của giới luật Phật giáo. Bát thập tụng luật là được cấu thành từ tám bộ phận lớn, nhập chung lại gọi là “ngũ thiên”. Những giới điều này là do Đức Phật căn cứ vào các trường hợp phạm tội cụ thể phát sinh từ Tăng đoàn lúc bấy giờ mà chế định. Các học giả đời sau nương vào luật căn bản này, tiếp tục suy diễn phát triển ra Tứ phần luật, Ngũ phần luật. Hiện nay Bát thập tụng luật đã bị thất lạc, không tìm thấy.

Trong đại hội, A-nan-đà (Ānanda) - đa văn đệ nhất được đại chúng cử tụng đọc kinh (pháp) tạng. Nhiệm vụ của Ngài Ānanda là đem tất cả những lời giáo huấn với các địa điểm, thời gian…khác nhau lúc Đức Phật còn tại thế thuật lại, đồng thời khẳng định nói: “Tôi quả thực là nghe Đức Phật thuyết như vậy.” Đấy chính là lý do tại sao mở đầu tất cả kinh điển đều có câu: “Như thị ngã văn” (Tôi nghe như vầy). Các Tỳ-kheo, Thượng Tọa trong đại hội lắng nghe các nội dung Ānanda thuật lại, hễ cho rằng nội dung ấy phù hợp với ngôn giáo của Đức Phật, thì biểu thị đồng ý; còn nếu cho rằng có chỗ còn sai sót, thì nêu ra để sửa chữa, bổ sung. Như thế, cho thấy việc biên tập thành kinh sách nhất thiết phải thông qua sự thẩm định và tán thành của đại chúng, và đó chính là kinh A-hàm (Āgama/阿含) mà đến nay vẫn còn được lưu truyền.

Nội dung bốn bộ kinh A-hàm

Bốn bộ A hàm được thành lập theo thứ tự, đó là kinh Tạp A-hàm (Samyuktagama/雜阿含), kinh Trung A-hàm (Madh yamagama/中阿含), kinh Trường A-hàm (Dirghagama/長阿含), và kinh Tăng nhất A-hàm (Ekottaragama/增一阿含). 

Kinh Tạp A-hàm được thành lập sớm nhất trong bốn bộ A-hàm, trên cơ bản là thể tài ghi chép lời nói và việc làm, ghi lại việc tu hành và các hoạt động hoằng pháp của Đức Phật và các đệ tử của Ngài. Trong kinh trình bày các giáo nghĩa căn bản của Phật giáo như Duyên khởi, Thập nhị nhân duyên, Tam pháp ấn, Tứ thánh đế, Tứ niệm xứ, Bát chánh đạo v.v…. Nội dung cốt lõi của nó là thuyết minh nỗi khổ đau của nhân sinh trong thế giới hiện thực cũng như phương pháp loại trừ khổ đau ấy, nhìn chung đều là nguồn gốc tư tưởng của Phật giáo nhân gian. Kinh này không đặt nặng ở huyền lý (đạo lý huyền diệu) hay nghĩa giải (giải thích nghĩa lý), mà đặt nặng ở thực tiễn tu hành; vì vậy, đọc tụng kinh này, sẽ có ích cho người hiện đại trong việc tu hành, sống đời sống hạnh phúc, an vui.

Kinh Trung A-hàm chủ yếu luận thuật về giáo nghĩa cơ bản như Tứ thánh đế, Duyên khởi; trình bày về chân lý vũ trụ, vạn vật như vô thường, vô ngã; bên cạnh đó nói rõ các phương pháp tu trì, cho đến mối quan hệ với con đường giải thoát Niết-bàn (Nibbāna). Kinh này trình bày khá rõ ràng về giáo nghĩa căn bản của Phật giáo Tiểu thừa.

Kinh Trường A-hàm giống với ba bộ A-hàm khác, ngoài việc ghi chép giáo nghĩa cơ bản Phật giáo thời kỳ đầu ra; điểm độc đáo của nó ở chỗ chủ trương phá đổ các thuyết khác của ngoại đạo. Như các kinh Tệ-túc còn gọi là Tì-tứ (Pāyāsi), kinh A-ma-trú (Ambattha), kinh Khỏa hình phạm chí, đều ghi chép tỉ mỉ nội dung chủ yếu Phật giáo thời kỳ đầu bài xích các dị thuyết ngoại đạo. 

Kinh Tăng nhất A-hàm được biên soạn sau cùng trong bốn bộ kinh A-hàm, nội dung chủ yếu bao gồm giáo nghĩa cơ bản của Phật giáo thời kỳ đầu, cuộc đời Đức Phật, các việc của chúng đệ tử, nhân duyên chế luật và giáo nghĩa giới kinh. Ngoài ra, còn xuất hiện rải rác tư tưởng Phật giáo Đại thừa, như sự biến hóa của Bồ-tát (Bodhisattva), đề cao nghĩa không, cũng như sự xuất hiện của tha phương Phật thổ.

Bốn bộ kinh A hàm mặc dù là giáo điển Tiểu thừa của Phật giáo nguyên thủy, nhưng lại là y cứ quan trọng sinh khởi tư tưởng Đại thừa. Không nghĩa, Duyên khởi, Trung đạo, cho đến Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Tam học giới định tuệ, Tứ nhiếp pháp… của Đại thừa giáo, đều có thể tìm thấy trong kinh  A-hàm. Khái niệm “không” () của Long Thọ, hay như khái niệm “có” () của Vô Trước, rõ ràng đều chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của kinh A-hàm.

Tóm lại, qua những trình bày tổng hợp trên, cho chúng ta thấy rằng, Bát thập tụng luật và bốn bộ kinh A-hàm là những kinh điển được thành lập sớm nhất. Chính nhờ vào việc kết tập kinh điển nguyên thủy này, mới có thể làm cho nguồn mạch chánh Pháp tiếp tục được lưu truyền và phổ biến rộng rãi khắp năm châu bốn bể; nó cũng là cứ liệu làm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo Đại thừa.

Nguyễn Phước Tâm

Nguyệt san Giác Ngộ, số 208/ra ngày 15/7/2013


Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Một chút cho đời - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger