Ngoài đời cũng như trên báo chí, kể cả trên blog, một số người hay đề
cập đến vấn đề suy nghĩ có tính phê phán (critical thinking). Tuy
nhiên, nghe hay đọc họ, rất hiếm khi chúng ta bắt gặp bất cứ dấu hiệu
nào cho thấy họ có khả năng, thậm chí, thiện chí để suy nghĩ có tính phê
phán. Ngược lại, trong hầu hết các trường hợp, chúng ta chỉ bắt gặp
những lối suy nghĩ rất cảm tính, hơn nữa, hoàn toàn nô lệ theo quán
tính.
Đọc, thấy một câu nào đó không vừa ý đã nhảy nhổm lên phản đối, bất kể lập luận chung của toàn bài, nhất định không phải là lối suy nghĩ có tính phê phán. Bất đồng với ý kiến nào đó bèn lôi tác giả ra chửi cũng nhất định không phải là lối suy nghĩ có tính phê phán. Thậm chí, đọc mà chỉ chăm chăm tìm cách để phản bác hay phê phán cũng không phải là lối suy nghĩ có tính phê phán.
Đọc, thấy một câu nào đó không vừa ý đã nhảy nhổm lên phản đối, bất kể lập luận chung của toàn bài, nhất định không phải là lối suy nghĩ có tính phê phán. Bất đồng với ý kiến nào đó bèn lôi tác giả ra chửi cũng nhất định không phải là lối suy nghĩ có tính phê phán. Thậm chí, đọc mà chỉ chăm chăm tìm cách để phản bác hay phê phán cũng không phải là lối suy nghĩ có tính phê phán.
Chữ “phê phán” (critical), trong tiếng Việt cũng như trong tiếng Anh,
dễ gợi liên tưởng đến sự chê bai, bới móc, nghĩa là thiên về ý nghĩa
tiêu cực. Thật ra, không phải. Lối suy nghĩ có tính phê phán, ngược lại,
bao giờ cũng xuất phát từ thiện chí muốn tìm sự thực bằng cách lục lọi
chứng cứ và thay đổi góc nhìn để xác minh tính chính xác của một ý kiến
trước khi tin tưởng hoặc chấp nhận.
Trong cuốn “Critical Thinking and Everyday Argument” (Southbank:
Thomson – Wadsworth, 2005), Jay Verlinden (tr. 18-19) điểm qua các định
nghĩa nổi tiếng về lối suy nghĩ có tính phê phán từ trước đến nay, và
nhận ra tất cả các các định nghĩa ấy đều nhấn mạnh đến năm đặc điểm
chính: Một, nó có tính chủ động và tự giác cao; hai, nó liên quan đến ý
tưởng và niềm tin; ba, nó tập trung chủ yếu vào lý tính và lý luận; bốn,
nó giúp hình thành các phán đoán; và năm, nó gắn liền với một số kỹ
năng nhất định. Jay Verlinden bổ sung thêm hai đặc điểm nữa: Thứ nhất,
suy nghĩ có tính phê phán được áp dụng không phải đối với các ý tưởng
của người khác mà còn đối với cả các ý tưởng của chính mình; và thứ hai,
nó nhắm đến việc tiếp cận chân lý chứ không phải chỉ nhằm khẳng định
những điều chúng ta đã tin tưởng từ trước.
Nói một cách tóm tắt, suy nghĩ một cách có tính phê phán là không phủ
nhận cũng không chấp nhận bất cứ một ý kiến nào ngay trước khi chúng ta
có đầy đủ bằng chứng và đã đi hết con đường lý luận để cảm thấy mình
thực sự được/bị thuyết phục. Nói gọn hơn nữa, suy nghĩ có tính phê phán,
trước hết, là một nghệ thuật đặt câu hỏi.
Xuất phát điểm của lối suy nghĩ có tính phê phán là nhiệt tình truy
tìm sự thật và sự hoài nghi. Nên lưu ý: hai điểm này lúc nào cũng gắn
liền với nhau. Nhiệt tình rất dễ biến thành một sự nhẹ dạ nếu không đi
liền với sự hoài nghi. Nhưng nếu thiếu nhiệt tình đối với sự thật, sự
hoài nghi chỉ dẫn đến thái độ phủ nhận sạch trơn để khư khư giữ lấy
những thành kiến cũ kỹ cố hữu vốn rất thường thấy ở những kẻ lười biếng,
cố chấp và cuồng tín.
Một sự hoài nghi gắn liền với nhiệt tình tìm kiếm sự thật như vậy
không những là khởi điểm của lối suy nghĩ có tính phê phán mà còn là của
kiến thức nói chung. Thánh Anselm, một nhà tư tưởng lớn thời Trung cổ,
tuyên bố “Tôi hoài nghi, vậy tôi biết”. Lời tuyên bố ấy gợi hứng cho một
câu nói khác, nổi tiếng hơn, của Descartes: “Tôi tư duy, vậy tôi hiện
hữu”. Xin lưu ý: với Descartes, khởi thuỷ của cái gọi là tư duy ấy cũng
là sự hoài nghi, hay nói theo chữ của ông, một thứ hoài nghi hệ thống
(systematic doubt) hoặc hoài nghi khoa học (scientific doubt), sau này
gắn liền với tên tuổi của ông: “Cartesian doubt”. Một thứ hoài nghi như
vậy, thật ra, đã manh nha từ thời cổ đại với Socrates, người không ngừng
đặt câu hỏi. Đặt câu hỏi về các khái niệm. Đặt câu hỏi về các tiền đề
đằng sau các khái niệm ấy. Lúc nào cũng hỏi. Hỏi trở thành một trong
những bài học lớn nhất mà Socrates để lại cho đời: “Socratic
Questioning”.
Những bài học của Socrates và của Descartes không phải dễ thực hiện.
Trước hết, hoài nghi là một hành vi chống lại quyền lực. Theo Michel
Foucault, bất cứ kiến thức nào cũng là quyền lực. Những điều chúng ta
biết và tin, dù sai lầm và ấu trĩ đến mấy, cũng thường gắn liền với một
số truyền thống nào đó. Mà truyền thống cũng lại là quyền lực: quyền lực
của đám đông, và sau đám đông, quyền lực của cơ chế, từ các cơ chế xã
hội đến các cơ chế chính trị, tất cả đều nhắm tới việc duy trì sự ổn
định dựa trên tính ngoan ngoãn của con người.
Quan trọng hơn, hoài nghi cũng là một hành vi chống lại chính mình:
cái “mình” nào cũng chủ yếu là sản phẩm của một nền văn hoá và một nền
giáo dục nhất định, trong đó, có vô số điều không chính xác hoặc không
còn chính xác nữa. Cái “mình” ấy cũng bị chi phối bởi vô số yếu tố hoàn
toàn nằm ngoài lý trí và lý tính, những yếu tố hoặc mang tính bản năng
hoặc gắn liền với thành kiến và quyền lợi. Bởi vậy, hoài nghi ít khi là
một tính cách. Đó là một sự lựa chọn. Là một lựa chọn, hoài nghi cần sự
tự ý thức, cần quyết tâm và cần tập luyện. Chỉ cần lơ đễnh một chút,
người ta có thể đánh mất sự hoài nghi, nghĩa là, đánh mất sự suy nghĩ có
tính phê phán, để trở thành nô lệ cho cảm tính và quán tính. Không có
gì đáng ngạc nhiên khi thấy nhiều người, lúc này hoặc trong lãnh vực này
thì rất có tinh thần phê phán, nhưng lúc khác hoặc đi vào lãnh vực khác
thì trở thành nhẹ dạ hẳn.
Ngoài hoài nghi, lối suy nghĩ có tính phê phán còn một nguyên tắc
khác nữa: lúc nào cũng cần chứng cứ. Theo nguyên tắc này, không có gì có
thể được chứng minh là đúng nếu chưa có đầy đủ chứng cứ. Nhưng chứng cứ
không phải là những gì có sẵn. Người biết hoặc muốn suy nghĩ có tính
phê phán bao giờ cũng, trước hết, là người có khả năng tìm kiếm thông
tin và biết cách xử lý thông tin. Cái gọi là xử lý thông tin ấy bao gồm
bốn việc: một, xác minh tính khả tín của thông tin; hai, phân tích để
tìm kiếm các quan hệ tiềm ẩn bên trong các thông tin ấy; ba, diễn dịch
để tìm kiếm ý nghĩa đích thực của các thông tin ấy; và bốn, tập hợp các
thông tin ấy lại theo một trật tự nhất định nào đó để tạo nên một khối
tư liệu thống nhất nhằm chứng minh cho một luận điểm nào đó.
Nguyên tắc thứ ba của lối suy nghĩ có tính phê phán là phải tin cậy
vào lý trí, nghĩa là: một, chỉ tập trung vào ý tưởng và sự kiện chứ
không phải là con người; hai, phải tuân thủ các quy luật luận lý: không
tự mâu thuẫn, không khái quát hoá vội khi chưa đủ chứng cứ, không nguỵ
biện, v.v…
Nguyên tắc thứ tư là không được thành kiến. Là không được có kết luận
trước khi đi hết con đường lý luận. Điều đó có nghĩa là, để suy nghĩ có
tính phê phán, chúng ta phải thực sự trong sáng và cởi mở, hơn nữa, can
đảm để sẵn sàng chấp nhận một trong hai điều vốn rất khó được chấp nhận
trong hoàn cảnh và tâm lý bình thường: một, chấp nhận điều thoạt đầu
mình tin hoặc muốn tin là sai; và hai, chấp nhận một ý kiến khác thoạt
đầu mình không tin hoặc không thích, có khi xuất phát từ một kẻ hoặc một
lực lượng thù nghịch, là đúng.
Dĩ nhiên, lối suy nghĩ có tính phê phán còn một số nguyên tắc khác.
Nhưng kể thêm các nguyên tắc ấy, theo tôi, không quan trọng bằng nhấn
mạnh lại điều này: Trong khi suy nghĩ là một điều tự nhiên (ai cũng suy
nghĩ, ngay cả một đứa cực kỳ ngốc!), suy nghĩ có tính phê phán lại chỉ
có thể là kết quả của giáo dục: Đó là điều người ta phải học và phải tập
thường xuyên. Ngay từ nhỏ. Và kéo dài cả đời.
Nhưng học và tập không phải chỉ là chuyện của cá nhân. Cả hai đều gắn
liền với hai môi trường: giáo dục và xã hội. Cả giáo dục và xã hội đều
gắn liền với một yếu tố khác nữa: chính trị.
Có những nền chính trị sẵn sàng treo cổ những người suy nghĩ có tính phê phán.
Nguyễn Hưng Quốc
Nguồn: http://hocthenao.vn/2013/08/12/giao-duc-suy-nghi-co-tinh-phe-phan-nguyen-hung-quoc/
Đăng nhận xét