Học là một quyền
Sinh viên tiếng Anh khóa 2007, TVU
Tất cả trẻ em đều có quyền được đi học. “Ngọc bất
trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý” - ngọc mà không mài thì
không tỏa sáng, người không học thì không biết lý lẽ ở đời. Con người là
một con vật sống trong xã hội, và để có thể sống trong xã hội, ngày
xưa, các bậc cao lão truyền hiểu biết kinh nghiệm cho trẻ. Ngày nay xã
hội giao cho trường học, ít nhất, là dạy trẻ một số vốn liếng cơ sở để
làm người.
Quyền được đi học là như thế. Nhưng đi học không có nghĩa là phải vào
khuôn mẫu mà xã hội định đoạt, như kiểu rèn các chú lính chì. Trẻ có
quyền được đi học trong sự tôn trọng bản thể của chúng, quyền của một
người tự do, được kính trọng – như chúng được dạy để kính trọng người
khác.
Học một cách tích cực
Không có nghĩa là phải theo “khuôn vàng thước ngọc
của thánh hiền”, một kiểu “nhồi sọ”. Học là để thỏa mãn cái tò mò của
trẻ, để chúng có thể giải mã môi trường sống, để sống tự do chứ không lệ
thuộc người khác, để có thể suy nghĩ, quyết định với những ý thức cần
thiết để có thể lựa chọn con đường mình đi. Trẻ có quyền chọn cách học,
học chậm hay học nhanh, học với bạn hay với thầy. Trường học ở đó để đưa
ra một số giải pháp thích hợp nhất đối với đặc thù của lớp, của trường,
của nhóm học trò… Chương trình học phải được dự trù với những khả năng
uyển chuyển thay đổi tùy đối tượng… Để trẻ có thể phát triển, thành
người. Học để hạnh phúc nữa. Nếu không, trường học thành… nhà tù.
Học suốt đời
Đúng rồi, quá trình học không ngừng lại khi trẻ tròn
18 tuổi. Cũng không giới hạn trong sáu giờ học ở trường mỗi ngày. Trẻ
cũng có quyền học… thêm với điều kiện là các em tự do chọn lựa khi các
em có nhu cầu. Người lớn cũng có quyền tiếp tục đi học. Chung quanh ta,
xã hội biến đổi, khoa học tiến triển… Học suốt đời để hòa hợp tốt trong
xã hội đi theo đoàn tàu chứ không bị bỏ rơi trên sân ga vắng lạnh. Ở các
nước như Bỉ, Pháp, giáo dục thường xuyên Education permanente là một
sinh hoạt rất “nhộn nhịp”. Ngay tại các làng hẻo lánh cũng có những sinh
hoạt về văn hóa sinh ngữ, âm nhạc hội họa… cho tất cả mọi người, mọi
lứa tuổi… Những sinh hoạt miễn phí vì nằm trong ngân sách quốc gia hay
của những cơ quan như tổ chức tương trợ Mutuelle, nghiệp đoàn…
Học với người đồng hành, với bạn
Tất cả mọi người trong xã hội đều có thể giúp ta
thêm kiến thức, kinh nghiệm sống. Trẻ ở trường chơi với bạn, học cùng
với bạn. Bạn có thể là một nguồn cho thêm “sinh khí”, hay “cạnh tranh”
làm cho sự học sống động và có ý nghĩa hơn. Bạn cũng có thể là một người
thầy tốt vì đồng hàng, đồng hội đồng thuyền, ta không bị “áp lực” như
lúc ta phải nhận sự truyền hiểu biết từ thầy.
Học làm quen với đa văn hóa và với văn hóa đại đồng
Không phải đi ra nước ngoài mới đối diện với một văn
hóa khác. Đa văn hóa ở đây dùng trong nghĩa rộng: văn hóa thành thị,
văn hóa nông thôn, văn hóa của người lớn tuổi, văn hóa của giới trẻ…
Tôn trọng văn hóa của người khác và được người khác tôn trọng văn hóa
mình phải là điều kiện cần cho mọi giáo dục. Bao nhiêu máu đã đổ vì kỳ
thị. Học là để biết hòa mình vào với tất cả cách suy nghĩ hành động của
người khác, đồng thời được quyền giữ “lập trường” của mình chứ không
phải “bán hồn cho quỷ sứ”. Dĩ nhiên, sống trong xã hội thì phải có một
số “thương lượng”, “nhân nhượng” với nhau, tìm mẫu số chung cho nhau. Vã
lại, khi tranh luận, với những tiếp thu về khoa học… có thể chính bản
thân ta sẽ tự nguyện thay đổi ý kiến. Trường học hay môi trường chung sẽ
làm nẩy sinh ra một văn hóa chung.
Đa văn hóa còn có nghĩa là văn hóa của mỗi một trong chúng ta được
tôn trọng như nhau. Không có một văn hóa áp đặt và một văn hóa bị đặt.
Thỏa thuận phải là phương kế chính để thiết lập liên hệ giữa những
người… “văn minh” với nhau.
Học với thầy
E-learning càng ngày càng được nhiều người theo. Thế
nhưng học với thầy vẫn cần. Thầy có thể là người truyền cảm xúc, chia
sẻ đam mê, tạo tình người…(1)
Thầy cũng có thể là một cái gương, một mẫu mực soi đường cho ta đi.
Trong tiểu sử của mỗi một trong chúng ta có lẻ ai cũng còn giữ vài hình
ảnh của một người thầy của ta lúc ta còn niên thiếu…
Quan niệm về quyền của người đi học và rộng hơn, về giáo dục nhân
bản, khai phóng đã được nhiều tác giả bàn đến. Điển hình nhất là
Philippe Perrenoud (2) và Jean Therer (3).
Nguyễn Huỳnh Mai
Tham khảo:
Nguyễn Huỳnh Mai là nhà xã hội học về giáo dục hiện đã nghỉ hưu. Bà
Huỳnh Mai hiện đang sinh sống tại Bỉ và là cộng tác viên của ĐH Liège.
Nguồn: http://hocthenao.vn/2013/06/07/vai-suy-nghi-ve-viec-hoc-nguyen-huynh-mai/
Đăng nhận xét