Sáng 10/5, GS Hồ Ngọc Đại - người sáng lập mô hình
trường thực nghiệm ở Việt Nam – đến nói chuyện với các văn nghệ sĩ và
nhà giáo ở Hội Nhà văn Hà Nội.
GS Hồ Ngọc Đại. Ảnh: Mi Ly
1. “Cách
đây nhiều năm, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đến thăm tôi và nói
chuyện về cái khó của nền giáo dục” - GS kể. “Tôi nói, mục tiêu giáo dục
hiện nay đang xoay quanh 4 chữ: Ai cũng được học. Còn mục tiêu
của tôi lâu nay cũng xoay quanh 4 chữ, chỉ khác một chút: Ai cũng học
được. Nếu hai mục tiêu đó kết hợp với nhau thì kết quả sẽ rất tốt”.
“Nền
giáo dục của ta “ậm ờ” về mục tiêu đã 2.000 năm rồi, từ khi bắt đầu
chịu ảnh hưởng của Nho giáo và Khổng Tử. Khổng Tử chủ trương một điều
rất vô nhân đạo mà qua mấy nghìn năm người ta vẫn cứ tin: Cả nước phục
tùng một ông vua, trò phục tùng thầy, vợ phục tùng chồng. Cả xã hội chỉ
có những mối quan hệ một chiều như vậy. Điều đó không thể tồn tại trong
xã hội hiện nay”.
Theo GS Hồ Ngọc Đại, nền giáo dục cũ đó tồn tại song song với nền sản xuất tiểu nông, với cách làm ăn tùy tiện “Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày trông đêm”,
mà không ai dám “trông vào chính mình”. Thi cử thì có câu “học tài thi
phận” đầy may rủi và phó mặc, không dám tin vào khả năng của mình. “Đến
bây giờ mà vẫn còn nghĩ thế thì hoàn toàn bỏ đi” - GS nói.
GS
Đại tự hào cả đời chỉ làm mỗi một việc là giáo dục. Học trò của ông, GS
Ngô Bảo Châu, từng nói: anh cũng “không làm gì khác ngoài việc đi học,
sau đó dạy học và nghiên cứu khoa học”. Giáo dục là công việc mãi mãi
không lỗi thời, vấn đề là tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với từng
thời đại.
2. Với
GS Đại, xã hội hiện đại là khi 100% lao động đều là sản phẩm của giáo
dục. Ông dự đoán, nước ta sẽ đạt con số đó vào năm 2020. Còn giáo dục có
vai trò giúp cá nhân sống bình thường trong xã hội. “Trước đây, 95% dân
cư thất học vẫn sống bình thường, nhưng ngày nay, để được sống bình
thường thì 100% dân cư phải đi học”.
“Xã hội hiện đại là
nơi tồn tại những cá nhân. Tôi nói với các thầy cô giáo trẻ: Đừng nói
mình dạy một lớp có 30 em mà hãy nói mình dạy 30 em trong một lớp. Mỗi
em là một cá nhân trong tập thể, học để trở thành chính các em”.
“Thế
hệ chúng ta là những người lỗi thời. Ngày nay, lấy tuổi tác ra để dạy
bảo trẻ con là sai lầm. Nếu người lớn nói “Tao già thế này mà mày dám
không nghe tao?”, trẻ con sẽ nghĩ: “Ông biết những gì để tôi phải nghe
ông?”. Không thể dạy trẻ con thế kỷ 21 theo cách chúng ta đã “dạy” ông
bà, bố mẹ chúng”.
GS Hồ Ngọc Đại đi trước thời đại khá xa, ông
nghĩ và làm theo cách đó từ cách đây gần 40 năm (ông thành lập Trường
Thực nghiệm ở Hà Nội năm 1978). Giờ đây, ông không còn là lãnh đạo của
ngôi trường mình đã dựng nên với bao tâm huyết.
Lần “thao diễn”
đó, GS nhớ lại, trong mắt nhiều người có thể không phải là một thành
công, nhưng ông luôn tự hào vì học sinh Trường Thực nghiệm sau khi rời
trường đều rất tự tin vào bản thân, dù cũng phải cần 1, 2 tháng làm quen
với môi trường mới.
GS kể một câu chuyện nhỏ khiến ông không
khỏi vui mừng, về 2 người học trò cũ của trường gặp nhau ở Pháp, khi đó
họ là những người hoàn toàn xa lạ. Nhưng họ nhận ra phong thái tự tin
hiếm thấy ở người kia và thấy ngờ ngợ, khi hỏi thăm, hóa ra lại đều là
cựu học sinh Trường Thực nghiệm. Cả hai ôm chầm lấy nhau.
“Nếu các cá nhân tin vào chính mình, dân tộc sẽ vĩ đại” - ông nói.
Nguồn :http://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/gs-ho-ngoc-dai-ca-nhan-tu-tin-dan-toc-se-vi-dai-n20130611003858338.htm
Đăng nhận xét