GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, nạn “bằng thật học
giả” hiện nay khó chữa do bắt nguồn từ tham nhũng. Nếu thay đổi được vấn
đề này phải thay đổi từ nhận thức, tu dưỡng đạo đức.
>> “Bằng cấp chỉ là cái áo, không làm nên thầy tu”
>> Phát hiện “học giả bằng thật” không khó!
>> Bằng giả chỉ “lọt” được vào cơ quan nhà nước
GS.TS Phạm Tất Dong.
Sân chơi tinh vi!
Thưa GS, vừa qua, sau câu nói của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận
về bằng giả, bằng thật học giả chỉ có thể “chui” vào cơ quan nhà nước,
nhiều ý kiến đã bình luận về vấn đề này và cho rằng khó giải quyết được.
Theo GS Hoàng Tụy, có 3 chướng ngại vật khi triệt bằng giả là “hậu duệ,
quan hệ và tiền tệ”. Ý kiến ông thế nào?
GS Hoàng Tụy là bậc thầy của tôi, thầy nói đúng. Hiện nay, người ta
không chơi bằng giả vì dễ phát hiện mà chơi bằng thật mới an toàn nhưng
làm sao để có bằng thật đó mới là chuyện. Đây là một sân chơi tinh vi và
nó tai hại hơn bằng giả rất nhiều. Sân chơi này có cơ chế của nó, người
đứng ngoài biết nhưng đành chịu.
Tại sao cơ quan nhà nước tuyển cả người dù có bằng cấp thật nhưng học
giả, năng lực kém, đúng như thầy Hoàng Tụy nói vì đó là con ông cháu
cha, con quan chức. Nhưng theo tôi hiểu không phải đơn giản như vậy,
người có con cháu gửi vào cơ quan đó, họ sẽ nhận nhưng như vậy chưa đủ
mà còn đi kèm đó là cơ chế “phong bì”, tất nhiên tiền không nhiều so với
người không phải con ông cháu cha. Sân chơi này dành cho người học
không thật.
Thậm chí, thi công chức hiện nay không công bằng. Tôi không tin hình
thức thi này vì hiện nay thi công chức là dành cho các mối quan hệ và
người thi còn có cả một cơ chế giúp đỡ. Cuộc thi cũng có hội đồng chấm,
dọc phách nhưng đó chỉ là để che mắt thôi. Theo tôi quan hệ tiền tệ chi
phối tất cả, cả hậu duệ và quan hệ.
Như vậy vấn đề này có thể nói trở thành "quốc nạn". Tội vạ này do đâu thưa ông?
Tội vạ ở đâu là ở quan lý. Bộ máy quản lý hiện nay quá nhũng nhiễu.
Tôi cực kỳ lo lắng. Thực ra đi đến đâu cũng gặp những cán bộ ấm ớ nhiều
lắm. Hiện nay, trong cơ quan nhà nước nổi lên một hiện tượng nhiều cán
bộ trẻ rất hách dịch, coi thường người khác.
Nguyên nhân bắt nguồn từ tham nhũng, người ta dùng bằng thật để bán, dưới mọi hình thức. Động đến cái gì cũng phải có tiền.
Khó giải quyết vì người ta tham tiền
Như ông nói, nạn “bằng thật học giả” bắt nguồn từ tham nhũng. Theo ông làm cách nào để giải quyết tình trạng này?
Khó giải quyết vì người ta tham tiền. Bằng đó được đóng dấu chính
thức còn bằng cách nào đến người tiêu dùng thì đó là một vấn đề.
Do vậy, cần nghiên cứu lại xem các doanh nghiệp, tư nhân tuyển dụng
theo cơ chế gì, nhà nước còn có quyền lực hơn tại sao không tuyển được.
Cái này phải có bài học.
Còn bảo chữa bằng cách nào thì khó thật. Khó lắm!. Bản thân những
người biết được việc này muốn tố cáo nhưng bản thân họ bị guồng máy
“nghiến” luôn. Ai muốn con cháu mình muốn thi vào đâu, làm ở đâu, nếu
không có lời nhờ, khó đỗ.
Vậy cũng phải có một cơ chế, hành lang pháp lý để giải quyết việc này?
Tất cả là con người, không có cơ chế nào thay đổi con người được. Nên
bây giờ chỉ có quy trách nhiệm. Trả lương cao cho người lãnh đạo, để họ
không dám buông trách nhiệm ra.Trả lương gánh với trách nhiệm, nếu lãnh
đạo không làm hết trách nhiệm của mình thì có thể sa thải. Bởi, người
đứng đầu cơ quan biết chắc nhân viên của mình có làm được việc hay
không, tại sao không tiến bộ được, không thăng tiến được. Sử dụng người
phải công tâm và vì sự phát triển của cơ quan mình. Chứ nương nhẹ thì
chết.
Nói tóm lại vấn đề này quy về đạo đức. Phải xây dựng lại vấn đề đạo đức.
Tu dưỡng đạo đức
Nếu quy về đạo đức thì lại quy về trách nhiệm nhà trường, thưa ông?
Không chỉ nhà trường mà từ trong Đảng mà ra. Nói về triết lý trên đời
này chỉ có thiện và ác. Chỉ có tốt và không tốt. Cái này tùy thuộc vào
sự hiểu biết về con người. Ở đây không chỉ giáo dục nhà trường mà cả xã
hội và từ gia đình mà ra.
Trong xã hội mà chuẩn mực đạo đức không được người dân coi trọng sẽ
nhiễu nhương ngay, sẽ xảy ra trộm cắp, đánh nhau… Nếu một xã hội nghiêm
minh, nghiêm minh từ trên xuống dưới sẽ không có tiêu cực xảy ra. Hiện
nay, sờ đến cấp nào cũng có phạm lỗi, nói không ai nghe nữa, người ta
trông vào gương đó để thực hiện. Thủ trưởng mà nghiêm túc, nhân viên
không dám làm bậy nhưng thủ trưởng không nghiêm túc, nhân viên sẽ coi
thường và làm bậy ngay.
Vậy nên tất cả quan hệ xã hội, lấy đạo đức làm trục cơ bản mà thiếu trục cơ bản là hỏng.
Do vậy, phải tu dưỡng đạo đức mà có tu dưỡng thì đừng có tu dưỡng
theo kiểu tuyên huấn. Tu dưỡng là làm sao từng năm một cán bộ phải làm
tốt công việc của mình, căn cứ vào việc làm thực. Không ai nói đạo đức
bằng miệng được mà nói đạo đức phải thể hiện bằng công việc cụ thể.
Không thể cả năm không làm gì, mà không làm gì không thể nói là tốt mà
đó là cái tội, ăn hại.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Hồng Hạnh (thực hiện)
Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/hoc-gia-bang-that-bat-nguon-tu-tham-nhung-847206.htm
Đăng nhận xét