Niên đại đức Phật ra đời
Về thời gian cụ thể ngày Phật đản sinh, mặc dù trong Phật truyện của Nam Bắc truyền Ấn Độ đều có ghi chép rõ ràng, song cách nói bất nhất. Sách Đại Đường Tây Vực kí quyển 6, quyển 8 từng thuật sự khác nhau được truyền lại trong Thượng tọa bộ (Theravada) và các bộ. Ngoài ra, trong nhiều kinh điển Phật giáo, về ngày Phật đản cũng có nhiều ý kiến không nhất quán. Trong kinh Trường A- hàm (Dirghagama-sutra) quyển 4, kinh Quá khứ hiện tại nhân quả quyển 1, kinh Phật-bản-hạnh-tập (Abhinis!kraman!a-su^tra) quyển 7, Tát-bà-đa-tỳ-ni-bà-sa quyển 2, xác định ngày Phật đản là ngày mồng 8 tháng 2; kinh Tu hành bản khởi quyển thượng, ghi chép ngày Phật đản là ngày 7 tháng 4 hoặc ngày 8 tháng 4; kinh Thái tử thụy ứng bản khởi quyển thượng, kinh Dị xuất Bồ-tát bản khởi, Phật sở hành tán quyển 1, kinh Thập nhị du quyển thượng, kinh Quán tẩy Phật hình tượng, xác định ngày Phật đản là ngày 8 tháng 4. Nhìn chung lịch sử Trung Quốc ghi chép, Bắc triều (386-581) đa phần lấy ngày 8 tháng 4 làm ngày Phật đản; từ Nam triều (420-589) Lương qua Đường đến đầu nhà Liêu, đại để xác định là ngày 8 tháng 2; phương Nam nhà Tống dùng ngày 8 tháng 4, phương Bắc lại đổi làm ngày 8 tháng 12 (tức ngày mồng tám tháng chạp); kể từ nhà Nguyên đến nay, Nam Bắc đi đến hướng thống nhất, đều lấy ngày 8 tháng 4 làm ngày Phật đản. Còn Phật giáo Nam truyền, Tạng truyền thì xưa nay lấy ngày trăng tròn tháng 5 Dương lịch (tương đương với Âm lịch Trung Quốc tức ngày 15 của tháng) làm ngày Phật đản, và trong đại hội lần thứ 3 “Hội ái hữu tín đồ Phật giáo thế giới” (World Fellowship of Buddhists, gọi tắt là WFB) được tổ chức tại Ngưỡng Quang (Yangon) Miến Điện (Myanmar) vào năm 1954, xác định ngày này là “ngày Phật-đà thế giới”. Vì vậy nhằm một mặt tôn trọng truyền thống lịch sử của Trung Quốc, mặt khác lại thể hiện tính trang nghiêm và tính thống nhất của Phật pháp, các chùa viện lớn nhỏ Trung Quốc ngoài việc vẫn duy trì ngày 8 tháng 4 Âm lịch làm ngày Phật đản, thì bắt đầu từ năm 1990, thêm ngày trăng tròn tháng 5 Dương lịch của mỗi năm làm ngày Phật-đà.
Câu chuyện truyền thuyết
Tương truyền hơn 2.600 năm trước, dưới chân núi Hy-mã-lạp-nhã (Himalaya), nay phụ cận Đề-la-lạp-khoa-đặc (Tilaurakot) tiếp giáp giữa miền Nam Nepal với Ấn Độ, có một cái tên nước gọi là Ca- tỳ-la-vệ (Kapilavastu) thuộc địa của nước Câu-tát-la (Kosala). Quốc gia này là nơi mà dòng tộc Thích-ca (Sakya) cư trú sinh sống, dòng họ này là hậu duệ của Ý-sư-ma vương (Iks!va^ku) thuộc dòng dõi vua chúa nổi tiếng thời kỳ bấy giờ ở Ấn Độ cổ (Hán ngữ “Cam Giá vương”). Quốc vương lúc ấy có tên Thủ-đồ-đà-na (Śuddhodana/Hán dịch “Tịnh Phạn vương”), thê tử Ma-ha-ma-da (Mahā-māya) là trưởng nữ của vua Thiện Giác ở nước lân cận là Kosala. Theo phong túc bấy giờ, phụ nữ sau khi thọ thai tất phải về nhà mẹ ruột sinh con, phu nhân Ma-da trước lúc về quê nhà, giữa đường đã hạ sinh thái tử Tất-đạt-đa (Siddhārtha/Hán dịch “Thành tựu giả”) dưới cội cây Vô Ưu (Saraca asoca) vườn Lâm-tỳ-ni (lumbini). Bởi do dòng dõi Thích-ca họ Kiều-đáp-ma (Gautama), cho nên thái tử có tên đầy đủ là Kiều-đáp-ma Tất-đạt-đa (Siddhārtha Gautama).
Truyền thuyết, thái tử vừa đản sinh xuống đất, thì không cần người khác nâng đỡ, Ngài hướng về các hướng Đông Tây Nam Bắc bước bảy bước, một tay chỉ trời một tay chỉ đất, miệng nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn.” Vị thái tử này chính là Phật Thích-ca-mâu-ni tổ khai sáng Phật giáo. Phật giáo xem ngày giáng sinh dưới cội cây Vô Ưu làm ngày Phật đản.
Các nước chào mừng Phật đản
Từ trước đến nay, vào đúng ngày này, các chùa chiền Phật giáo đều tổ chức hàng loạt hoạt động chào mừng long trọng như: nghi thức tắm Phật, lễ cầu nguyện Phật tổ ban phước lành cho toàn dân, tiêu trừ tai nạn, cũng như thỉnh Pháp sư khai đàn thuyết pháp, bàn giáo luận đạo… Trong không khí ấm áp và hân hoan này đây, hàng ngàn tín đồ Phật giáo ngồi lại bên nhau, hồi tưởng và học tập những lời dạy dỗ về lòng từ bi của đức Phật.
Các quốc gia và khu vực chào mừng lễ Phật đản gồm có Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mông Cổ, Việt Nam, Hồng Kông, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Bangladesh, Ma-cao v.v… Trong lịch sử, do vì sự hoán đổi lịch pháp của các địa phương, sự ghi chép khác nhau trong các bản kinh, cũng như truyền thống của từng quốc gia, có thể sự chênh lệch rất lớn trong ngày Dương lịch.
Đại đa số các quốc gia có Phật giáo Bắc truyền, ít nhiều chịu sự ảnh hưởng Trung Quốc. Với Trung Quốc mà nói, lịch pháp của họ tin rằng ngày 8 đầu tháng 4 Âm lịch là ngày tốt đẹp, may mắn nhất, cho nên thường đem ngày Phật đản định vào ngày này; tuy nhiên, cũng có các ý kiến không thống nhất như ngày 8 đầu tháng 2, hay ngày 8 đầu tháng 12. Phật giáo các nước khác như Triều Tiên, Nhật Bản có thể nói bắt nguồn từ Trung Quốc, trên cơ bản vẫn tiếp tục dùng ngày 8 đầu tháng 4 làm ngày Phật đản.
Tại Nhật Bản ngày này còn gọi là Quán Phật hội (灌仏会,かんぶつえ). Cũng gọi là Giáng đản hội, Phật sanh hội, dục Phật hội, Long Hoa hội, Hoa hội thức, Hoa tế (cúng hoa).
Tập tục trong ngày Phật đản
Tín chúng đến tự viện, tham gia tắm tượng Phật, dâng hoa, hiến quả, cúng dường chư Tăng, cúng dường xá-lợi (sāri), hoặc tổ chức các chương trình ca múa, diễn kịch các tiết mục hoành tráng v.v… Có một vài truyền thống địa phương lại thỉnh tượng Phật diễu hành trên đường phố, thiết trí trên lưng những chú voi lớn, hoặc kết xe hoa đủ màu sắc, kiểu dáng; ở Việt Nam, có nhiều hoạt động chào mừng rất đặc trưng như treo lồng đèn khắp chùa, buổi tối thì phóng sinh, thả hoa đăng trên sông, có năm thì diễu hành xe hoa, chiếc nọ nối tiếp chiếc kia, chạy quanh phố phường; có năm thì kết thuyền hoa, trôi chạy trên dòng sông Hương thơ mộng, trông rất ấn tượng. Các tự viện mở rộng thiền môn cho tín đồ đi vào bên trong thắp hương, lễ bái Phật tượng, cúng dường chư tăng. Riêng những khu vực có người Hoa, họ thường đem tập quán chúc mừng kiểu thế gian vào, như múa rồng múa sư tử, giăng đèn kết hoa, thậm chí có nơi còn bắn pháo hoa, tạo nên một không khí hoan lạc mà trang nghiêm và ấm cúng đặc biệt.
Phật đản ngày nay, không chỉ thu hút sự quan tâm của một địa phương, quốc gia Phật giáo riêng lẻ nào, mà đã được cộng đồng quốc tế chú ý, bởi nhiều lẽ mà trong đó nổi bật nhất là qua ngày này người ta nghĩ tới giá trị đạo đức, tính nhân văn, văn hóa, tư tưởng hòa bình của một nhân vật vĩ đại - Phật Thích-ca-mâu-ni. Những giá trị ấy, những tư tưởng ấy càng trở nên quan trọng và cần thiết xiết bao trong xã hội ngày một xô bồ, náo nhiệt, nghèo nàn về tính người như hiện nay.
Nguyễn Phước Tâm
Nguồn: NSGN, số 206. Tháng 5/2013
Đăng nhận xét