Sự trăn trở của một kẻ lười biếng (1)

Lời Nhóm biên tập: Trong tuần qua dư luận cộng đồng mạng xôn xao bởi clip diễn thuyết của một nam sinh học lớp 12 nói về những bất cập trong giáo dục phổ thông hiện nay do nick Châu Chấu post lên mạng Youtube. Từ hôm nay, Học Thế Nào xin trân trọng giới thiệu lần lượt bản chép lại lời diễn thuyết của nam nhân vật trong clip dưới đây.
Phân đoạn 1: Nền giáo dục đối phó
 
Tôi là một học sinh lớp 12. Ở Việt Nam thì đây là giai đoạn khắc nghiệt nhất trong đời mỗi học sinh. Và chính sự khắc nghiệt này sẽ khiến cho câu hỏi tích tụ qua bao tháng ngày dài sẽ đánh bật ra ngoài thành những quan điểm. Và thật là tiếc nếu những quan điểm đúng với thực tại mà không được nói lên, không được phản ánh. Bởi cái thực tại mà tôi nói lên ở đây nói về việc tôi và rất nhiều người khác đã, đang, sẽ, vâng, vẫn thực hiện hàng ngày, đó là đi học. Vì vậy tôi rất muốn có sự lắng nghe từ những ai quan tâm tới chuyện học hành và quan tâm tới chuyện giáo dục. Bởi với tư cách là một học sinh tôi thấy những gì mà chúng ta đang gọi là giáo dục đây hậu quả không hề tươi sáng với bất kỳ với thành phần trong xã hội.

Trước hết không có gì gọi là mới mẻ khi than vãn kiến thức thừa ở THPT hiện nay. Để phủ nhận toàn bộ những ý kiến cho rằng đây là lời kêu ca phàn nàn của một kẻ có bảng điểm bết bát như tôi, phải khẳng định luôn tôi không hề bài trừ hay ghét bỏ một môn học nào cả. Tất cả những kiến thức mà chúng ta đang phải học là những kiến thức mà chúng ta nên biết. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử đó là một gia tài vô biên và vô giá của loài người. Nếu không có sự cống hiến và nghiên cứu của những người đi trước sẽ không bao giờ có cho chúng ta được cuộc sống tân tiến và hiện đại như ngày hôm nay.

Nếu chúng ta chối bỏ nó, những tri thức ấy, có nghĩa là ta tự phủ nhận đi nguồn gốc của mình, ta tự tay bóp chết tương lai của nhân loại. Tuy nhiên, những kiến thức đó nó cần thiết ở mỗi mức độ nào đối với mỗi người thì lại là một vấn đề khác.

Con người ta sinh ra là khác nhau, tại sao tất cả lại phải hát triển theo cùng một hướng giống nhau? Đồng ý rằng anh phải biết đọc, biết viết, biết cộng trừ nhân chia, biết rất nhiều thứ, những thứ được gọi là kiến thức phổ thông để làm nền tảng cho một cá nhân trước khi bước vào cuộc sống tự  lập. Nhưng có lẽ chăng chúng ta quy quá nhiều kiến thức vào hai chữ “cơ bản”?

Nếu có người hỏi tôi kiến thức đến lớp mấy là “cơ bản”? Với tôi lớp nào cũng có những kiến thức cần phải học cơ bản cần phải học. Nhưng song hành với chúng lại có quá nhiều thứ chẳng cơ bản và chẳng cần thiết chút nào.

Nếu có người hỏi tiếp, thế học đến lớp mấy mấy thì đủ? Lớp 9 là câu trả lời. Nhưng đủ của cái gì? Tại sao lại là lớp 9? Bởi vì tôi tin rằng ở độ tuổi 14, 15 nhiều người đã đủ nhận thức được khả năng và xác định được mục tiêu và xứng đáng được chọn lối đi riêng. Có những mục tiêu không cần người theo đuổi phải nắm toàn bộ kiến thức THPT hiện nay. Có người muốn làm lập trình viên. Người muốn làm đầu bếp nhà hàng. Người muốn làm giám đốc ngân hàng, muốn làm thiết kế thời trang, người muốn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục…, vô vàn các nghề. Đâu phải nghề nào cũng cần biết đến phương trình chuyển động của chất điểm! Và nếu về sau anh làm một kỹ sư vật lý liệu có cần phân tích hình tượng nghệ thuật trong một bài văn? Nếu về sau anh làm một nhà văn liệu có cần dùng đến công thức tính tần số alen hay là ghi  nhớ một loạt danh pháp và phản ứng hoá học của một loạt các thể loại ankan, anken, ankin, ancol, andehit….. abcxyz? Với những hiểu biết hèn mọn của mình tôi không tin rằng có một nghề nào cần đến toàn bộ kiến thức THPT cả. Giáo viên hay giáo sư cũng chỉ đi theo một vài chuyên môn của mình, kiến thức liên ngành rộng đến đâu cũng tùy vào tầm của anh. Vậy mà học sinh lại phải đáp ứng toàn bộ bài tập và bài học của hơn một chục môn học như vậy hàng tuần thì phải làm thế nào?

Biết nhiều thì cũng tốt thôi, nhưng để làm gì? Làm bài tập, làm kiểm tra, làm bài thi. Thi đỗ rồi thì làm gì với chúng nữa? Nếu không làm được gì có ích cho bản thân thì cuối cùng anh học để làm gì? Đánh giá nhau không quan trọng ở việc anh biết được bao nhiêu, mà là anh làm được bao nhiêu với những gì anh biết? Học lý thuyết lượng tử ánh sáng mà không mắc được cái bóng đèn thì học làm gì? Học về phương pháp lai phân tích, quy luật di truyền mà trồng một cái cây không lớn nổi thì học làm gì?

Kiến thức chỉ có ích khi áp dụng vào thực tiễn, dù là lao động trí óc hay lao động chân tay. Học phải đi đôi với hành. Có hành thì mới có hứng. Không đủ điều kiện để hành mà cứ phải học thì chỉ có hại. Học phải có mục đích, mỗi bài học phải tỏ rõ được vai trò của nó đối với cuộc sống của 100% học sinh. Và cho đến giờ tôi không nhớ có lần nào giáo viên có thể đề cập được đến mục đích thực dụng của tiết học hôm đó, trước khi đi vào bài giảng. Không thể nói là hãy cứ học đi, chưa đủ trưởng thành nên phải học tiếp, tiếp, tiếp mới chọn được con đường cho mình. Nếu coi đây là một giai đoạn để thích nghi và lựa chọn cho tương lai thì tại sao tất cả điểm số là một gánh nặng do phụ huynh và thầy cô luôn đòi hỏi phải cân bằng được tất cả các môn như thế?

Kiến thức SGK thì toàn lý thuyết thiếu thực tiễn, nhiều chỗ mang tính chất hàn lâm đem đến cho số đông học sinh mà đâu phải ai cũng đầy đủ năng lực, điều kiện và niềm yêu thích. Quỹ thời gian thì không đủ, nhiều bạn trẻ thức thâu đêm học bài, như thế chỉ tổn thọ chứ chẳng được cái lợi lộc gì. Giáo viên nào thông cảm thì lại dạy cho có hình thức, học sinh như thế lại thiếu tôn trọng môn học, và gián tiếp ảnh hưởng đến tinh thần đối phó trong công việc. Làm như thế mà mong có một tương lai sáng lạn. Rất là thê thảm!

Ai cũng phải thừa nhận rằng trong một cộng đồng cần có người giỏi ở lĩnh vực này, người khá ở lĩnh vực kia. Trong một cộng đồng mỗi người làm tốt chuyên môn của mình và chúng ta cộng cho nhau để tất cả lĩnh vực ngành nghề được phát triển đồng đều một cách tốt nhất. Không cần đến một thế hệ toàn những con người được đào tạo bài bản tất cả các kiến thức, lượng giác tích phân đủ các loại định luật đủ các loại chất đủ các loại tác phẩm văn học rồi đến khi hỏi thì nhiều người không biết mình sẽ làm các công việc gì, mong muốn đạt được những điều gì, mục đích sống trên đời là để làm gì? Rồi đến khi vào đại học, thì tùy những trường khác nhau mà những kiến thức khác nhau, thứ mà chúng ta đã bỏ 3 năm trời ra để mà nhồi nhét nó dần trở nên vô dụng do học sinh lãng quên.

Vì sao quên? Có phải vì chẳng bao giờ dùng đến? Không. Không bao giờ dùng đến nhưng học để biết thì vẫn nhớ được. Thế có phải vì vượt quá dung lượng bộ nhớ cho phép nên nó tự đào thải? Cũng không. Một khi ta đã muốn nhớ thì không bao giờ bị đào thải. Quên vì đa phần chúng ta không học để mở mang hiểu biết cho bản thân mình. Ngay từ khi bước chân vào lớp Một chúng ta đã lao theo cuộc đua của những điểm số, thành tích, danh hiệu và xếp hạng. Mười hai năm học là 12 năm chạy đua với các kỳ thi bao và kiểm tra. Kiểm tra miệng 15 phút, 45 phút, học kỳ 1, học kỳ 2, cuối năm, thi tốt nghiệp, thi chuyển cấp, thi vào, thi ra, thi lên, thi xuống…

Cái mục đích cao cả của việc học là để trang bị cho người ta năng lượng sống, năng lực tự học để có thể học tập và nghiên cứu cả đời thì bây giờ nó đã biến dạng thành một mục mục tiêu khác: học để thi! Chúng ta đang học để thi. Học để kiểm tra. Học vì đơn giản ai cũng làm như thế. Học để không bị tách rời khỏi số đông. Làm theo số đông để cảm thấy mình được an toàn. Học để có được một cái bằng, để người ta nhìn mình với con mắt bao dung hơn. Hay nói cách khác học để đối phó với cuộc đời này mà không hề có một niềm đam mê. Người ta bảo học gì học nấy, làm thế nào làm thế nấy. Nay kiểm tra môn này, mai kiểm tra môn kia. Cắm đầu vào mà đối phó. Đó là học thụ động. Tư duy thụ động chỉ có làm nô lệ mà thôi. Trong khi chúng ta, theo cách mà người ta vẫn hay gọi là những chủ nhân tương lai của đất nước.

Chính cách giáo dục này đã tạo tiền đề cho tính cách đối phó được hình thành và phát triển nên thói quen trong cả suy nghĩ lẫn hành động.

Trước tiên phải nói thế nào là đối phó. Đối phó là một biểu hiện đặc trưng điển hình của sự bị động. Nó thể hiện vị thế bị động của cá thể trước các tác nhân không mong muốn. Sự đối phó sẽ xuất hiện khi ta cảm thấy hay lường trước một nguy cơ sẽ hoặc đang ảnh hưởng xấu tới mình. Đối phó tồn tại hai mặt có ích và có hại. Khi nó giúp chúng ta sinh tồn, chống lại, chiến đấu với các mối đe dọa ở nhiều mặt, thì kết quả cuối cùng mang lại sẽ cải thiện được cuộc sống của ta, đó là có ích. Nhưng nó sẽ có hại khi trở thành bản chất, trở thành người bạn đời chung thủy trong lối sống, nó biến ta thành kẻ bị động trong mọi vấn đề của xã hội. Nếu không nhận thức được rõ nó rất dễ bị chi phối.

Có lẽ ai cũng biết rằng cái cách mà chúng ta đang học ở trường cũng chỉ là đối phó. Ở đây tôi không nói đến việc mang phao vào trước mỗi giờ kiểm tra, bởi đó là điều hiển nhiên, tất yếu. Điều tôi muốn hỏi những ai là học sinh: Nếu sáng mai không kiểm tra thì tối nay bạn có mở sách ra để học không? Nếu mai được nghỉ mà ngày kia cũng chẳng kiểm tra môn gì thì bạn có mở sách ra để đọc không? Nếu không có bất cứ một khái niệm nào về thi cử, bạn có mở sách ra để làm giàu cho bản thân mình không? Nếu có thì rất tốt, bởi cuộc đời này cần đến những con người như bạn. Còn nếu không thì bạn cũng giống như tôi và tuyệt đại đa số đều học để đối phó với các kỳ thi.

Chúng ta đều tạo điều kiện cho tính đối phó được ký sinh trong nhân cách, trong lối sống của mình. Như một cơn mưa dầm thấm lâu và nếu bị cảm nặng thì có lẽ cả đời làm gì cũng sẽ chỉ làm hời hợt cho qua, không bao giờ toàn tâm nghiêm túc với công việc được giao. Có rất nhiều biểu hiện từ nhỏ đến lớn trong đời sống hàng ngày mà nếu hiểu rõ bản thân ta đều có thể nhận ra. Thật đáng sợ nếu một ngày kia ta lại đối phó với chính lĩnh vực mà mình đã từng đam mê, đã từng yêu thích. Nhưng xét cho cùng thì biết làm sao được! Đó là hệ quả tất yếu của những kỳ kiểm tra liên miên cộng với đống kiến thức nặng nề và đặc biệt là những đòi hỏi về điểm số thành tích đến từ cả gia đình và nhà trường.

Nhìn mặt ai cũng sáng sủa thế thôi, nhưng thực sự giáo dục đã biến phần nhiều học sinh trở thành những con lừa lười biếng và dối trá, phải đánh, phải thúc, phải ép mới chịu đi. Sẽ như thế nào khi đây là viễn cảnh của những con người sẽ phục vụ đất nước trong tương lai? Vì khi đó chúng ta không đối phó với giáo viên, với nội quy mà chúng ta đối phó với tất cả mọi thứ.

Người ta vẫn hay nói “học thì ấm vào thân”. Không thể phủ nhận câu này. Thậm chí tính xác đáng của nó còn thể hiện trong từng từ ngữ, đặc biệt là từ “ấm”. Không những là một nghệ thuật tu từ, nó còn chỉ ra một cảm giác có thực. Có những lúc sau một thời gian dài tụt dốc, bắt đầu lo lắng, bạn thấy chuyên tâm hơn vào môn mà bạn không thích vì bạn sợ bị trượt, và đến lúc mà bạn giải được một bài toán mà cách đây mấy ngày bạn đọc còn không hiểu được đề bài thì bỗng  nhiên có một cảm giác nào đó nó vui vui, có thể nói là “ấm áp”, nó lan tỏa khắp cơ thể. Bạn cảm thấy thoải mái với môn học này hơn, và những ý nghĩ về sự đáng ghét chắc không còn, thay vào đó bạn khoái chí với bản thân mình khi mỗi lúc lại thêm được nhiều bài tập. Nhưng rốt cục, cái cảm giác ấm áp đó xuất phát từ đâu? Nguồn gốc sâu xa của nó là cảm giác bạn được an toàn trước mỗi bài kiểm tra, trước mỗi kỳ thi. Nó khác với sự hưng phấn mà chúng ta có được khi đánh được một bản nhạc yêu thích trên cây đàn của mình sau một thời gian dài luyện tập. Cái sự ấm áp đó giống như ta vừa dựng được túp lều bé con để bảo bọc cho mình trước sự khắc nghiệt trên hòn đảo mà ta ghét cay, ghét đắng. Thế thì đó là gì nếu không là một biểu hiện khác của sự đối phó? Trừ khi môn học đó trở thành một trong những niềm đam mê yêu thích của bạn. Có lẽ nhiều người không còn để ý rõ sự khác biệt của cảm giác đạt được điều mình muốn, so với cảm giác làm được điều người ta muốn mình phải làm được. Thế nên nhiều khi chúng ta cứ làm việc mà quên đặt ra những câu hỏi. Có những người bằng lòng với sự đều đặn ấy đến mức chỉ lo ăn học và kiểm tra mà không hề nghĩ đến công việc cho tương lai. Có những người đi trước đã vượt qua các kỳ thi cũng không hề ngoảnh lại nhìn để trả lời một cách thỏa đáng những tích cực, những hạn chế cũng như những sự cần thiết của kiến thức ấy đối với cuộc đời họ. Và hậu thế lại mãi mãi tiếp nối con đường như vậy.

Tôi lại muốn đặt ra một câu hỏi: Thi cử là cái gì mà con người ta lại phải đối phó với nó? Trong tình huống buộc phải đối mặt thì chúng ta lại đối phó. Thi cử có phải là bắt buộc? Có. Không thi thì làm sao có điểm? Làm sao có bằng? Làm sao được vào trường, ra trường? Không thi thì làm sao có thể thi tiếp?

Bản chất của một cuộc thi là tìm ra ai là người chiến thắng. Là sự tranh đua giữa những con người có chung một niềm đam mê, một niềm toàn tâm mong muốn được thể hiện bản thân và khát khao được về đích với vị trí thứ nhất. Còn thi cử trong học hành ngày nay là xem ai có thể vuốt mồ hôi mà thở phào nhẹ nhõm. Một đằng hoàn toàn chủ động, một đằng gần như bị động.

Vậy ý nghĩa của giáo dục có phải là đẩy con em thế bị động, vào sự căng thẳng, mệt mỏi sau mỗi kỳ thi, mỗi ngày lên lớp? Thay vì ảo tưởng mỗi khi giáo viên lên giảng bài học sinh hào hứng giơ tay đóng góp thì thực tế học sinh chỉ sung sướng khi được thông báo nghỉ học. Người ta hào hứng để chờ đợi tham gia các cuộc thi khác bao nhiêu thì học sinh lại phát ớn trước mỗi kỳ thi bắt đầu bấy nhiêu.

Tại sao chúng ta lại sợ nó đến vậy? Điểm số chính là nguyên nhân! Điểm số là một khái niệm đầy bất cập. Trước hết ta tạm chấp nhận nó như một chiếc thước minh bạch và sáng suốt để đo cái gọi là trình độ của con người. Tạm chấp nhận nó đại diện cho lý tính, tài giỏi thì điểm cao, dốt nát thì điểm thấp, trắng đen rạch ròi. Nhưng không! Để phủ nhận cho chính lý tính đó, thì hiện nay, thậm chí từ trước đến nay điểm số luôn dính dáng phần nào đến cảm tính. Nó có thể được nâng lên nâng xuống, được trừ một, được cộng hai. Nó có thể trở thành công cụ bày để người ta bày tỏ tình thương, để thể hiện lòng từ bi, chiếu cố, hay thậm chí để đem ra dọa nhau. Cho nên điểm cao cũng có thể đạt được bằng gian lận mà thôi.

Vậy thì chiếc thước này đã mất đi tính chất thứ nhất, đó là minh bạch. Và chúng ta đều biết rằng chỉ số IQ chỉ là một phần nhỏ để nói đến trình độ một cá nhân. Bên cạnh đó một bài kiểm tra luôn phụ thuộc vào tâm trạng tức thời và vốn hiểu biết tức thời của người chấm điểm. Vậy thì cớ gì mà điểm số còn giữ được tính sáng suốt của nó? Thêm nữa, điểm số bản thân nó đã là công cụ để phân loại con người, hiển nhiên sẽ phát sinh sự bất bình đẳng, sự tự phụ, sự tự ti, sự tị nạnh, cạnh khóe. Và đó là điều không đáng có ở bất kỳ đâu, đặc biệt là bậc tiểu học. Tóm lại là nó không minh bạch, không sáng suốt, nó chẳng có gì tốt đẹp. Chúng ta cuống cả lên để chạy theo một thứ giá trị hão mà tưởng rằng là đang khẳng định bản thân mình. Mà nếu lúc nào cũng lăn tăn hơn thua ba thứ điểm cao thấp như vậy thì có lẽ cuộc sống sẽ luẩn quẩn trong những thứ đơn điệu vô vị đến thế mà thôi.

Bệnh thành tích từ đâu mà ra? Sẽ không có bệnh thành tích khi người ta không biến bằng cấp thành tiêu chuẩn của quy chế để xét tuyển. Muốn không như thế ta phải cắt bỏ cái gốc, cái rễ, nghĩa là cắt bỏ thành tích. Muốn cai nghiện đương nhiên phải ngừng cung cấp thuốc cho con nghiện. Người ta đánh giá nhau chủ yếu qua bằng cấp mà không phải đánh giá bằng chính năng lực. Đó không chỉ là tâm lý chung mà còn là quy định chính thức ở nhiều nơi.

Vậy thì nhân đây tôi cũng nói luôn. Xét trong một chuyên môn hay một ngành nghề, hay một cơ quan, chỉ có những thằng ngu mới không biết thằng nào là thằng giỏi. Một người tài giỏi khi đứng ở vị trí lãnh đạo sẽ biết dùng óc quan sát và năng lực của chính bản thân để đánh giá năng lực của người khác. Còn một thằng ngu sẽ phải dựa dẫm vào những địa vị, bằng cấp, học hàm để mà tuyển dụng nhau. Vậy thì chúng ta còn tiếp tay cho những thằng ngu làm cái gì? Hay chúng ta lại muốn tiếp tay cho những thằng tham ô, hối lộ?

Không muốn có bệnh thành tích, ta phải cắt bỏ bệnh thành tích. Với tư tưởng đó xét trong phạm vi nhà trường thành tích chính là điểm số. Đừng tạo ra những điểm số. Đi học mà không có điểm đương nhiên nghe có vẻ điên rồ. Nếu không dựa vào điểm thì lấy gì làm chỉ tiêu cho đánh giá. Với tôi điểm số có cũng được nhưng đừng quan trọng hóa nó. Điểm số thực chất chỉ là kết quả của một bài kiểm tra mà ở trường, ngoài môn thể dục, thì một bài kiểm tra được định nghĩa là tập hợp những câu hỏi có tính hệ thống. Những câu hỏi này đặt ra luôn có sẵn đáp án, câu trả lời cố định để tính điểm. Người nào trả lời đúng vào cái đã có sẵn thì được điểm. Không trả lời đúng cái đã có sẵn, không điểm. Như vậy điểm số rõ rang chỉ thể hiện năng lực ghi nhớ những thứ đã được học mà không nói lên được những năng lực khác, thậm chí không kiểm chứng được việc anh có hiểu những gì mà anh nhớ hay không. Và vì điểm số mà người ta sẽ tìm ra nhanh nhất câu trả lời có sẵn vào bài kiểm tra bao gồm các hình thức học tủ, học vẹt, và gian lận. Làm như thế này không hề mang tính nghiên cứu và sáng tạo. Nó đã và đang xảy ra ở hầu hết các môn trong trường học, ở các thái cực khác nhau. Thậm chí những môn khoa học tự nhiên, tưởng như nó đòi hỏi tư duy logic rất cao nhưng cũng đã trở thành những môn học thuộc lòng các công thức để mà áp dụng vào giải bài tập. Bây giờ anh không muốn học để thi, anh  không muốn học thuộc bảng quy tắc lượng giác, rồi anh không làm được bài tập, cuối cùng anh lại bị đánh giá là yếu kém về tư duy. Thế thì quá mỉa mai và không đời nào tôi ủng hộ. Một khi đã có điểm người ta sẽ chỉ học vì điểm.

Hãy để cuộc đời cho điểm mỗi cá nhân, nâng tất cả lên cao rồi sẽ biết ai là người có đôi cánh.

Năng lực thì rất đa dạng. Trong xã hội có bao nhiêu hoạt động thì có bấy nhiêu loại năng lực. Nói chung muốn đánh giá hãy nhìn sự tồn tại của cá nhân đó, ảnh hưởng sự tồn tại của cá nhân ấy đến xã hội và môi trường xung quanh. Nhưng ảnh hưởng đó là gì? Là công việc, là mọi hình thức tác động của họ lên đời sống xung quanh, thông qua quá trình sinh hoạt cá nhân và tương tác với tập thể, là giá trị của những sản phẩm họ tạo ra ở mọi lĩnh vực, từ vật thể đến cho phi vật thể. Sản phẩm có sự ảnh hưởng càng lớn có giá trị càng cao, không có ảnh hưởng là đồ vô dụng. Để trở thành một cá nhân có giá trị và có ích cho cộng đồng anh phải tạo ra các sản phẩm có giá trị. Mà những thứ có giá trị ảnh hưởng không bao giờ là những thứ có sẵn bày ra cho ta thấy như đáp án trong bài kiểm tra.

Con người ta khác cỗ máy ở chỗ nào? Chúng ta lập trình cho một phần mềm toán học thì chiếc máy tính này có thể tính được mọi phép tính nằm trong phạm vi nó được khoanh vùng. Ta đưa vào càng nhiều khái niệm toán học, càng nhiều phương pháp giải cho phần mềm thì phạm vi hoạt động của nó càng rộng lớn. Nhưng đến phút cuối cùng nó vẫn chỉ là một chiếc máy tính không hơn không kém! Một công cụ lao động nô lệ cho con người! Đâu là sự khác biệt giữa một con người tự do và một cái máy nô lệ? Đó chính là khả năng đi tìm tòi khám phá những thứ mới mẻ mà không đợi ai viết ra cho mình. Thế mà thật là kỳ lạ! Từ khi nào mà những con số này đã quyết định cuộc đời tôi? Tôi không chọn học những thứ đó. Tôi không có nhu cầu đạt điểm cao những thứ đó. Rõ ràng là tôi đủ sáng suốt để nhận ra sự vô bổ của nó tác động tới vốn thời gian của mình như thế nào? Tôi muốn bước đi trên một xa lộ. Tại sao lại cứ lôi tôi chạy vào trong các con ngõ nhỏ để rồi phải vòng vèo mãi mới quay trở lại đường cái, khi lốp đã mòn và khi gót đã già nua?

Sẽ có những người lôi những tấm gương học tập ra mà nói. Người ta làm được thì không có lý gì chúng mày không làm được. Thứ nhất,  những người làm được điều đó là số ít. Chúng ta không thể lấy số ít ra bắt số nhiều làm theo. Không thể lấy cái cá biệt áp dụng cho toàn thể. Con người ta sinh ra là khác nhau. Mục tiêu phấn đấu cũng khác nhau. Thứ hai, sự cố gắng đó thường có ở những con người tự nhận thấy rằng đó là lối thoát duy nhất để giúp cho họ vượt qua hoàn cảnh hiện tại mà không muốn sống mãi với nó. Thế còn nếu trước mặt họ có một màn hình máy tính thì rõ ràng có nhiều hơn một sự lựa chọn trong tay. Thật là vô lý khi chúng ta phải tốn thời gian vào việc vô ích. Thứ ba, không phải chúng ta không làm được. Chúng ta đều có thể làm được như những tấm gương kia bởi khả năng của con người là vô hạn. Thậm chí rơi vào hoàn cảnh càng ngặt nghèo khó khăn thì con người ta càng làm được những điều phi thường. Lịch sử và khoa học đã chứng minh được điều đó.

Đúng là không có lý gì mà chúng ta lại không làm được! Nhưng vì cái lý gì mà chúng ta phải làm cho bằng được? Học với cái kiểu này thì điểm cao cũng đâu có chứng minh được cái gì với thiên hạ? Ba cái điểm số với thành tích học tập chẳng bao giờ có thể nói lên được bộ não của một con người. Không nói đến chuyện anh có gian lận hay không! Nhưng giả sử với một người được điểm 9 toán bằng thực lực đi, khi được hỏi bản chất của đạo hàm là gì chưa chắc đã trả lời được trong khi vẫn làm được bài khảo sát hàm số nhanh như chớp.

Đó là thực trạng. Đó là phần lớn. Bởi học để thi nên giáo dục chỉ tạo ra những cái đầu chỉ biết làm theo những cái gì người ta cho mà không cần hiểu. Đó là những con người chỉ biết tính theo những công thức có sẵn được học để làm cho xong bài tập mà không bao giờ để trở thành người tìm được ra công thức. Nó thụ động là thế. Nó thiếu chủ động là thế. Đó là vì sao TS Phạm Anh Tuấn nói với lối dạy áp đặt nhồi sọ, học vẹt, học… thì trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ cung ứng được cho xã hội những cá nhân giỏi chuyên môn thật đấy song mang tư cách của kẻ nô lệ.

Giáo dục phải đem lại cho con người ta năng lực tự học, tự nghiên cứu. Không phải đem lại một mớ kiến thức, một đống đề luyện để mà đi thi. Thực chất người làm giáo dục cũng chỉ muốn thế hệ nối tiếp có được một vốn kiến thức vững vàng sâu rộng để đóng góp thật nhiều cho đất nước từ lĩnh vực kinh tế, chính trị cho đến khoa học kỹ thuật, nghệ thuật. Nhưng có lẽ cũng chính vì thế mà nó phát sinh tâm lý thừa còn hơn thiếu ở người viết sách chăng? Có lẽ chúng ta muốn học sinh có kiến thức toàn diện nhất ở mức có thể qua những quyển sách giáo khoa. Thừa thì đương nhiên là tốt hơn thiếu. Và kiến thức thì nó luôn thú vị theo nhiều cách. Nhưng chúng ta lại quên mất một điều rằng, phần thừa hãy để dành cho những người có hứng thú có đam mê. Khuyến khích thái độ ham tìm tòi học hỏi một cách tự giác, từ thiếu cho đến thừa, phải có một mức ở giữa dành cho tất cả mọi người. Một cái ngưỡng thực sự là cơ bản bao gồm những kiến thức, những kỹ năng, những lối sống mà ai cũng cần phải nắm vững trong cuộc sống này, bất kể anh chọn con đường nào để đi. Cơ bản không có nghĩa 1 + 1 = 2. Kết thúc một chương trình học cơ bản cũng phải đồng nghĩa với việc anh phải chứng minh anh là người văn minh, có văn hóa. Mà học hết lớp 12 hiện nay ra ngoài đường chưa chắc đã được gọi là có văn hóa đâu, tuy rằng người ta vẫn quan niệm học ở trường là học văn hóa. Và cơ bản cũng phải là học chắc kiến thức cơ bản chứ không phải là học những kiến thức cơ bản một cách không đến nơi đến chốn. Học bao nhiêu tác phẩm văn học đỉnh cao rồi mà thỉnh thoảng vẫn thấy có người phải chữa lỗi chính tả rất ấu trĩ. Cái móng không chắc thì làm sao xây được nhà? Cuối cùng chẳng có gì ra hồn.

Mà thực sự là mâu thuẫn rất nhiều. Kiến thức thì mang tính hàn lâm lại đem đi kiểm tra học sinh một cách rất bắt buộc.Chính sự bắt buộc này nó lại khiến cho vẻ đẹp của tri thức nó trở nên xấu đi trong mắt rất nhiều người. Tôi sợ học toán, tôi ghét học văn, tôi không thích các môn tự nhiên, tôi chẳng ưa các môn xã hội. Các nhà văn nhà thơ quá cố đến giờ còn sống hẳn phải xót xa khi thấy chính những đứa con tinh thần của mình chỉ vì do lối giáo dục gượng ép đã vô tình đẩy học sinh ra xa của văn chương như thế nào! Tự tay chúng ta dập tắt tinh thần hiếu học khi khiến học sinh quay lưng với tri thức. Và như vậy học rất nhiều nhưng chẳng mấy ai thích học. Và như vậy thay vì ảo tưởng là nhân dân càng ngày càng chăm học thì nhân dân càng ngày càng lười học. Chúng ta bắt học sinh học tất cả, nếu không thi trượt sẽ không có bằng. Vai trò sức mạnh của bằng cấp trong xã hội ngày nay là nguyên nhân khiến cho người ta học để thi. Kiến thức nặng nề là nguyên nhân khiến cho người ta phải đối phó. Có người nói quá trình thi cử là một thử thách giúp các em rèn luyện ý chí nghị lực vượt qua  khó khăn để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Nhầm to!

Thử thách nghĩa là phải chịu khó, chịu khổ. Học mà còn thấy khổ thì cái gì mới là không khổ? Người ta đi học là để giải quyết nỗi khổ, không phải để rước nó vào thân. Chúng ta hoàn toàn nhầm khi nhắc đi nhắc lại câu phải chịu khó. Tại sao lại phải chịu khó? Con người ta khi học phải thấy sướng. Phải thấy thích học khi được tiếp thu tinh hoa bí kíp. Người ta phải thấy hạnh phúc khi được chiếm lĩnh tri thức. Ai còn nhớ ngày bé chúng ta cảm giác hào hứng vồ vập phấn khởi như thế nào khi được cầm trên tay cuốn sách quyển truyện mà bố mẹ mang về sau mỗi giờ đi làm? Càng lớn dần lên thì niềm ham thích tìm tòi hiểu biết nó đã mai một dần rồi. Chỉ vì học!

Hơn nữa một kỳ thi sẽ là rèn luyện ý chí nghị lực ở những người có đam mê. Còn những người không có đam mê sẽ là rèn luyện khả năng học thuộc lòng, học tủ, và sự luồn lách, dối trá. Cạnh tranh lành mạnh là chuyện phù phiếm. Đã cạnh tranh thì không bao giờ có chuyện lành mạnh, nhất là khi chúng quá đông! Chính những kỳ thi góp phần chặn lối tương lai. Ai cũng phải cố bằng mọi cách để mà vượt qua! Tuy rằng một kỳ thi không nhiều thì ít cũng cho điểm một cái gì đó của người đi thi. Nhưng những nội dung thi mới là quan trọng thì vô bổ! Tốt nhất là nên bỏ đi. Vì ở đây tôi dùng từ hại não. Chính vì cái sự nhọc nhằn này nhiều người coi đỗ đại học là cái đích của cuộc đời. Đến khi đạt được rồi thì bắt đầu buông thả. Coi như là sự trả đũa cho 12 năm gò lưng trâu bò vô tội vạ. Chính chúng ta tự dồn mình vào thế bị động. Phải đối phó, dối trá, và lười biếng. Tất cả là để hướng đến một tương lai tốt đẹp. Nhưng hãy mở to mắt ra mà nhìn cái nền giáo dục nát bét dưới chân!

(Còn nữa)

Q.H ghi
Nguồn: http://hocthenao.vn/2013/04/22/su-tran-tro-cua-mot-ke-luoi-bieng-chau-chau-q-h-ghi/
Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Một chút cho đời - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger