Lời Nhóm biên tập: Học Thế Nào đã từng giới thiệu phân đoạn 1 bản chép lại lời diễn thuyết của nam nhân vật trong clip Sự trăn trở của một kẻ lười biếng.
Hôm nay xin trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc phân đoạn 2. Việc
đặt tên cho các phân đoạn cũng như cách ngắt câu, sử dụng các dấu chấm
câu, chia ý là do nhóm biên tập Học Thế Nào thực hiện.
Phân đoạn 2: Giáo dục không phải để học sinh thi đỗ mà để họ nên người
Phân đoạn 2: Giáo dục không phải để học sinh thi đỗ mà để họ nên người
(Từ 23’58’’ đến 31’00’’)
Nhân cách, giá trị của một con người có thể nói là được cấu thành bởi
2 yếu tố: tri thức và đạo đức. Nhà trường phải là cái nôi trau dồi, bồi
dưỡng cả về tri thức lẫn đạo đức đối với học sinh. Bàn về đạo đức, thực
sự không thể đổ lỗi hết cho gia đình khi một đứa trẻ tỏ ra vô lễ. Bởi
trẻ em không có quyền chọn cha mẹ, may thì được nhờ, rủi thành chịu, cha
mẹ không tốt, không dạy được con, nhà trường phải là nơi làm điều đó.
Trong gia đình những thứ tình cảm như tình mẫu tử, tình phụ tử ta đều
tìm thấy được ở động vật bậc thấp. Nhà trường phải là nơi giúp các em
thành người. Đạo đức rất quan trọng.
Nếu tri thức là một cỗ xe thì đạo đức là cái vô-lăng, nếu tri thức là
chiến mã thì đạo đức là dây cương. Với đạo đức, tri thức sẽ hướng
thiện. Một người không có tri thức cùng lắm là gây hại một cách vô ý.
Một người không có đạo đức thì cố ý hại người khác thì tạt axit, thì tấn
công bằng bom nguyên tử.
Nền tảng đạo đức được hình thành rất sớm từ những năm tháng đầu đời,
nó có khuynh hướng trở thành bản chất cố định, khó thay đổi. Chính vì
vậy, phải giáo dục cho học sinh về đạo đức có tầm quan trọng quyết định
số phận con người. Nhà trường có 1000 học sinh quyết định 1000 số phận.
Số phận cá nhân sẽ quyết định số phận của cả một dân tộc. Một đứa trẻ hư
chứng tỏ nhà trường đã thất bại, nhà trường thất bại thì cả dân tộc
thất bại.
Việt Nam đứng thứ 13 trong số những nước vô cảm nhất thế giới. Tôi
không quan tâm đến những lời ngụy biện để phủ nhận con số đó. Một thực
tế văn hóa đạo đức xuống cấp đến mức nào cũng chẳng cần kể ra và cũng
chẳng thể kể hết. Chúng ta hô hào báo chí đủ các kiểu nhưng hầu như
không đem lại một kết quả gì ra hồn. Tất cả đều có nguyên nhân khởi phát
từ giáo dục.
Bắt đầu mỗi năm học mới luôn có một cái bản mà giáo viên đọc cho học
sinh chép vào vở, đó là nội quy nhà trường. Nội quy nhà trường luôn có
mối quan hệ với các chuẩn mực văn hóa cơ bản, như là giữ gìn vệ sinh
chung. Nhưng không nhiều người làm được đó vì mối quan tâm của người đi
dạy và đi học vẫn là điểm số. Mặt khác, nội quy thuộc về luật pháp, luật
pháp phải đứng đằng sau đạo đức, khi nào đạo đức không thể cứu vớt được
nữa thì luật pháp mới can thiệp. Chúng ta lại cứ thích kỷ luật và cấm
đoán nhiều hơn là cảm hóa.
Nhìn thẳng mà nói, môn giáo dục công dân từ lâu đã trở thành một
trong những môn kém được coi trọng nhất trong bảng điểm cùng với những
môn như mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, tin học, công nghệ, quân sự. Việc
học nó chỉ mang tính hình thức và đối phó. Tôi nói như vậy không phải
ủng hộ môn này sẽ thành môn trọng tâm để mà chúng ta thi đua nhau. Mà
như vậy sẽ chỉ khiến cho học sinh khổ thêm. Điều quan trọng cần nhìn rõ
là có học chăm như thế nào đi chăng nữa cũng không bao giờ là đủ. Bởi vì
mặc dù đạo đức là thứ cũng được lý luận và ghi chép trong sách trong vở
như bao nhiêu tri thức khác nhưng cách học lại hoàn toàn không giống
nhau.
Nếu như tri thức chỉ đọc hiểu qua lý trí thì đạo đức có thể cảm nhận
và biểu lộ qua trái tim. Để hình thành một con người đạo đức, không thể
việc chỉ bắt người ta ngồi đọc ê a những đạo lý, những phần ghi nhớ cuối
bài, không thể hiểu qua lý thuyết suông hay điểm 10 phẩy trung bình
môn. Tất cả những thứ đó không hề có liên quan đến tiêu chí đạo đức
trong con người ta, mà chỉ có nguy cơ biến họ thành những kẻ đạo đức
giả.
Trong suy nghĩ của đại bộ phận hiện nay thì “đầu tiên là tiền đâu?”.
Sống vì lợi ích bản thân, trục lợi, bất kể ảnh hưởng tới người khác.
Giữa xã hội sống đầy lý tính này thì đạo đức chỉ là thứ gì đó mơ hồ và
xa xỉ. Khi ta cho một thứ, lý trí sẽ bảo ta rằng có nên không? Liệu ta
có được nhận lại được trả ơn điều gì không? Ta không tin rằng khi làm
được một việc tốt sẽ đem lại niềm vui và sự thanh thản trong tâm hồn. Về
lý thuyết thì mơ hồ. Chỉ có trải nghiệm mới khiến ta thực sự hiểu đạo
đức là gì. Vậy trách nhiệm cao cả của giáo viên là tìm ra con đường dẫn
đến trái tim của học sinh, phải khơi gợi tình thương yêu giữa con người
với con người, giữa con người với vạn vật, và thực sự có nhiều hơn một
con đường như thế!
Mấu chốt không phải ở môn giáo dục công dân hay môn đạo đức mà các
môn như văn học, lịch sử và các môn nghệ thuật khác cũng là để nuôi
dưỡng tâm hồn. Nhưng chúng ta không làm được. Bởi vì chưa có cảm tình gì
với tác phẩm tác giả đã phải miễn cưỡng học thuộc lòng tiểu sử năm sinh
năm mất của người ta, thậm chí là cả một bài dài. Các giá trị nhân văn
rất khó đi vào lòng người khi chỉ nói suông, viết lên tự ca như những
con vẹt. Lịch sử quá chi tiết, những bài học thừa thãi viết ra rập khuôn
trong khi không truyền được tinh thần yêu nước đến cho học sinh.
Thời gian càng trôi đi thì càng khó nhìn lại, khó tưởng tượng, khó
xúc động. Ở một người bình thường, những hình ảnh chủ quan do trí tưởng
tượng mang lại bao giờ cũng yếu ớt và mờ nhạt hơn so với những phản ứng
do các giác quan trực tiếp gây nên. Thế hệ đi sau không thể bồi hồi nhớ
lại ký ức của những thế hệ đi trước. Trách làm sao được chúng nó chỉ
nhìn thấy hàng hiệu, xe tay ga? Đâu có biết được nước mắt của người mẹ
già thời kháng chiến? Cho nên cứ chỉ đọc chép và nhai lại không thôi
chưa thể giúp được các học sinh cảm nhận những gì đang được học. Và tâm
hồn sẽ càng mai một đi khi những giá trị rất đẹp lại bị học thuộc lòng
một cách vô cảm. Bản sắc dân tộc cũng từ đó mà rơi vào hố đen.
Tất cả nguyên nhân cũng chỉ vì tất cả đều cắm đầu giúp nhau vào đối
phó những kỳ thi. Thầy giáo, cô giáo, những ngày đầu bước chân vào ngành
sư phạm hẳn ai cũng muốn được cống hiến, muốn được đóng góp, muốn có
thiên lương cao đẹp, muốn có lứa lứa học trò của mình dạy dỗ được khôn
lớn nên người. Họ đã chọn cái nghề cao quý nhất trong những nghề cao
quý. Nhưng rồi thời gian lại trôi đi, cái lúc mà trời nắng chang chang,
mồ hôi nhỏ giọt, con đeo trước mặt, vợ bám trên lưng lấy cái gì mà làm
động lực? Tất cả sẽ mãi chỉ là viển vông khi lương của giáo viên vẫn còn
thấp như vậy. Mà lương lậu lại là vấn đề của kinh tế. Kinh tế có vấn đề
phần nhiều là do tham nhũng, mà những kể tham nhũng muốn đứng được ở vị
trí có thể tham nhũng cũng phải ít nhất từng phải trải qua 12 năm giáo
dục. Và thế là ta thấy vòng tuần hoàn này cứ luẩn quanh luẩn quẩn một
cách thật ảm đạm, thảm hại và bế tắc.
Chúng ta học rất nhiều! Chúng ta học rất nhiều! Học từ vi mô cho đến
vĩ mô. Học từ sao Thổ cho đến sao Kim nhưng chúng ta học rất ít về con
người. Trí thông minh của con người được chia làm 8 loại hình: trí thông
minh ngôn ngữ, trí thông minh cảm nhận không gian, trí thông minh cảm
nhận âm nhạc, trí thông minh vận động cơ thể, trí thông minh tương tác
giữa các cá nhân, trí thông minh cảm nhận thiên nhiên, trí thông minh
nội tâm, trí thông minh logic toán. Trong khi những môn đang là trọng
tâm như toán, lý, hóa nếu học chuẩn cũng chỉ giúp học sinh nâng cao trí
thông minh logic toán. Để trở thành một người văn minh, văn hóa, có đạo
đức, trước hết học sinh phải được trau dồi trí thông minh nội tâm, con
người phải hiểu chính bản thân con người để có sự tự vấn, tự giằng xé
trong tâm can, để vạch rõ đúng sai, trắng đen, thiện ác, để có thể trụ
vững trong một xã hội với phần đông là những kẻ vô văn hóa, vô đạo đức.
Càng hiểu rõ bản thân hơn ta càng có đề kháng trước những thói hư tật
xấu của người đời mà cái đó ở trường không có ai dạy. SGK chỉ quan tâm
đến những con số và những con chữ. Cái khó của giáo dục không phải ở chỗ
làm sao cho học sinh thi đỗ mà phải dạy sao cho học sinh nên người mới
đúng.
(Còn nữa)
(Q.H ghi)
http://hocthenao.vn/2013/04/24/su-tran-tro-cua-mot-ke-luoi-bieng-2-chau-chau-q-h-ghi/comment-page-1/#comment-250
Đăng nhận xét