Bên cạnh nhược điểm thiếu kinh nghiệm, nóng vội và “háo đá”, thì trẻ trung dường như năng động hơn già cỗi ? Thậm chí, đôi lúc có những ý nghĩ táo bạo, mà không kém phần thiết thực và đúng đắn. Kể cả trong môi trường giáo dục cũng vậy. Có những ý tưởng của một số bạn trẻ đưa ra, mới xem qua như là “loạn” – theo cách nghĩ thông thường của một người, tốp người hoặc một “phái” nào đó đang nằm trong diện mà báo chí gọi là “lợi ích nhóm”. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, với đôi mắt khách quan, đầu óc khoa học không vụ lợi, thì công nhận rằng ấy là những ý kiến rất ấn tượng, ẩn tàng những dòng tâm huyết sục sôi, nóng hổi, nhiệt thành, có ích cho ngành, nhà trường và đất nước. Với mục địch và ý nghĩa đó, xin giới thiệu bài viết: “Một số ý kiến đóng góp cho Hội nghị CN-VC 2012”của một người bạn trẻ Nguyễn Thanh Phong – Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang tới những ai quan tâm lãnh vực này, như một góc nhìn để suy ngẫm.
Cùng Tử
Tác giả Nguyễn Thanh Phong
(Ảnh chụp tại KTX. Trường ĐH Nguyên Trí,Đài Loan, năm 2011)
Nhằm mục đích
nâng cao chất lượng dạy học và nghiên cứu khoa học trong môi trường đại học,
thúc đẩy Nhà trường khai thác hiệu quả những lợi thế sẵn có để phát triển mạnh
mẽ, hội nhập vào môi trường giáo dục đại học trong nước và quốc tế, bản thân
tôi có vài góp ý tâm huyết xin được trao đổi thẳng thắn như dưới đây:
1. Hoạt động giảng dạy và học tập:
- Cần giao quyền quyết định kết quả học tập (điểm số) học
phần cho giảng viên phụ trách giảng dạy học phần đó, không nhất thiết phải tổ
chức thi kết thúc học phần theo từng đợt như hiện nay, mà tùy đặc trưng từng
môn học, giảng viên bộ môn được quyền cho SV làm bài báo cáo hay tiểu luận cuối
học phần để lấy điểm chung cho toàn môn học.
- Giảm bớt thời lượng
học tập các học phần Kinh tế chính trị, Đường lối Đảng Cộng sản Việt Nam, Triết
học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh… Việc giảng dạy cần làm cho SV thấy
rõ Triết học Mác- Lênin chỉ là một trong số rất nhiều hệ thống tư tưởng triết học
vốn chứa đựng cả mặt ưu điểm và khuyết điểm trên thế giới hiện nay. SV phải có
cái nhìn tổng quan về tư tưởng triết học nhân loại để rút tỉa từ đó những cái
hay làm nền tảng nhận thức và ý thức đạo đức cho bản thân. Nhà trường tránh kéo một ngọn núi đến quá gần làm che khuất tầm nhìn của
người học về trùng trùng điệp điệp núi đồi trước mặt.
- Tăng cường giáo dục thường thức cho SV, tức giáo dục những
nội dung thiết thực, cần thiết để trở thành một công dân bình thường trong xã hội,
một công dân có khả năng hòa nhập với thế giới, có tri thức để có thể sẻ chia,
thấu hiểu cuộc sống mọi đối tượng khác nhau trong xã hội. Cụ thế là, xây dựng một
loạt các buổi báo cáo theo hình thức mô-đun về các vấn đề xã hội, thiết thực với
cuộc sống để sinh viên lựa chọn và học tập theo nhu cầu bản thân. Ví dụ: Báo
cáo chủ đề “Đời sống người Chăm An Giang và đạo Hồi” sẽ giúp SV hiểu sâu về văn
hóa, tín ngưỡng người Chăm để có thể cùng với người Chăm sống hòa bình, đoàn kết
cùng phát triển; báo cáo chủ đề “Phong cách âm nhạc Lady Gaga và hành trình
chinh phục khán giả khắp thế giới” giúp cho SV có cái nhìn rộng xa hơn về xu hướng
phát triển âm nhạc thế giới; báo cáo chủ đề “Tại sao tín đồ Hồi giáo Trung Đông
nhiệt thành với hoạt động đánh bom tự sát?” để giúp SV hiểu hơn về tình hình
chính trị – xã hội Trung Đông và thế giới… Đó là những kiến thức thiết yếu nhất
để SV có thể hòa nhập thế giới và trở thành công dân toàn cầu. Trên thực tế,
trường đại học ở hầu khắp các nước xung quanh đang quan tâm giáo dục những kiến
thức như vậy cho SV của họ.
- Không nên đặt ra những quy định về mặt đồng phục (để áo
vào quần, quần tây áo sơ mi, đồng phục thể dục, mặc áo Đoàn ngày thứ hai…) đối
với GV và SV trong bất cứ môi trường học tập hay làm việc nào trong toàn trường.
Cần thấy rằng, môi trường dạy học càng tự do, bao gồm cả tự do về thân thể và tự
do tư tưởng, thì chất lượng dạy học và học thuật càng được nâng cao. Điều này
đã được học giả thế giới kiểm chứng và thừa nhận. Việc ăn mặc thoải mái, xinh đẹp,
phù hợp trào lưu hiện đại… sẽ góp phần khẳng định cá tính của con người, góp phần
thúc đẩy quá trình hiện đại hóa và hòa nhập thế giới. Có thể việc tự do ăn mặc
thời điểm đầu sẽ gây ra nhiều xáo trộn, nhưng hãy tin tưởng khả năng tự nhận thức
thẩm mỹ và thay đổi của bản thân SV cũng như dư luận trong nhà trường.
- Phổ cập những kiến thức về âm nhạc, kĩ năng ca hát, sử dụng
các loại nhạc cụ cho GV và SV. Việc làm này giúp cho SV thêm tự tin và dễ dàng
hòa nhập vào tập thể lao động ở các cơ quan, đơn vị sau khi tốt nghiệp ra trường.
Âm nhạc góp phần bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nhận thức thẩm mỹ, tinh thần nhân
văn… cho con người, giúp con người sống có chiều sâu nhân bản hơn, dễ dàng kết
nối với nhau hơn, hòa giải tất cả mọi mâu thuẫn, xung đột và hận thù. Hiểu biết
và có thể biểu diễn âm nhạc sẽ giúp cho khả năng hội nhập vào môi trường sống mới
của SV được tốt hơn.
2. Hoạt động nghiên cứu khoa học:
Để thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học phát triển mạnh
trong toàn trường, cần thực hiện đồng bộ một loạt các giải pháp sau:
- Có những chính sách đãi ngộ tốt đối với người tham gia
nghiên cứu khoa học nhằm phân loại người tích cực dấn thân vào hoạt động nghiên
cứu và người không thích làm công việc nghiên cứu, tình trạng trợ cấp mang tính
cào bằng như hiện nay không có tác dụng thúc đẩy nghiên cứu phát triển. Chính
sách đãi ngộ có thể là:
+ Trang bị phòng nghiên cứu, phòng làm việc cá nhân hay một
góc làm việc cố định trong phòng máy thư viện… cho những người tích cực tham
gia NCKH và có thành quả nghiên cứu, đồng thời đó sẽ là nơi giải đáp thắc mắc
và hướng dẫn chuyên môn cho SV. Ở các trường đại học nước ngoài có quy mô và cơ
sở vật chất tương đương Trường Đại học An Giang, thì mỗi GV được ưu tiên có một
phòng làm việc riêng, khi đó hoạt động nghiên cứu của GV sẽ diễn ra ở đây chứ
không phải chủ yếu diễn ra ở nhà riêng như GV trường ta hiện nay. Đây là cách
thu hút GV thường xuyên đến trường, thường xuyên gặp mặt trao đổi với đồng nghiệp
và SV, tạo nên một không khí nghiên cứu học thuật sôi nổi hào hứng. Để các nhà
khoa học nghiên cứu và làm việc ở nhà mà không lôi kéo họ đến trường là một thiếu
sót lớn của một trường đại học.
+ Xây dựng chính sách khen thưởng hợp lý đối với người tham
gia nghiên cứu khoa học, những người có bài đăng trên các tạp chí trong và
ngoài nước để kích thích tinh thần NCKH của CB-GV. Cũng có thể xây dựng chính
sách trả lương nghiên cứu khoa học dành riêng cho những người tham gia nghiên cứu và có thành
quả thường xuyên theo một hạn mức nào đó.
- Không nên quá đặt nặng việc viết giáo trình giảng dạy, nhất
là khi GV chỉ góp nhặt, tổng hợp những nội dung và kiến thức có sẵn trong sách
vở, tài liệu của các giáo sư đầu ngành rồi thêm vào câu “Lưu hành nội bộ”. Về nguyên tắc,
chỉ có thể gọi đó là sưu tầm, tập hợp chứ không phải là biên soạn. Việc làm này
có thể vi phạm tác quyền và trên thực tế đã có báo chí phản ánh. Nếu soạn giáo
trình, cần khuyến khích GV xuất bản thành sách phát hành rộng rãi để việc đầu
tư viết sách được tốt hơn. Cần thấy rằng,
việc sử dụng giáo trình, sách vở tài liệu của các giáo sư đầu ngành hay các nhà
nghiên cứu khác để giảng dạy là việc bình thường.
- Cần khuyến khích CB-GV viết bài cho các tạp chí chuyên
ngành và hội thảo khoa học trong và ngoài nước. Một đề tài nghiên cứu cấp khoa
hay cấp trường có mức độ ảnh hưởng rất hẹp, khi làm xong thường chỉ được cất
vào trong thư viện hay xếp vào một góc nào đó mà ít khi lưu truyền rộng rãi.
Trong khi đó, bài báo cho tạp chí hay bài viết hội thảo sẽ có tầm ảnh hưởng rộng
khắp, tạo được sự giao lưu học thuật mạnh mẽ hơn.
- Nhà trường cần chú trọng đẩy mạnh các hoạt động trao đổi
học thuật, hội thảo khoa học chuyên ngành, mời người nổi tiếng về giao lưu học
tập, báo cáo chuyên đề, báo cáo kết quả nghiên cứu, báo cáo luận văn luận án…
Nhất là trong bối cảnh chuyển sang đào tạo tín chỉ và mở ngành đào tạo sau đại
học, hoạt động giao lưu học thuật diễn ra thường xuyên sẽ góp phần đắc lực nâng
cao chất lượng đào tạo.
- Xây dựng Logo có ý nghĩa ấn chứng cho các tài liệu nội
sinh, tức những tài liệu do nhà trường tạo ra và phát hành rộng rãi trong và
ngoài trường, bao gồm: Khóa luận tốt nghiệp, Bài viết trên TTKH, các tài liệu
mang tính học thuật… để một mặt khẳng định tác quyền, một mặt quảng bá thành quả
nghiên cứu của nhà trường ra bên ngoài. Đồng thời, thiết kế mẫu Powerpoint dùng
để trình chiếu báo cáo thống nhất của Trường Đại học An Giang. Mẫu này sẽ được
dùng để các CB-GV nhà trường trình chiếu báo cáo tại các hội thảo, hội nghị… trong
và ngoài trường. Việc này tuy nhỏ nhưng góp phần rất lớn trong việc giới thiệu,
quảng bá về ĐHAG ra bên ngoài, khắc sâu ấn tượng của nhà trường với xã hội.
- Xin phép thành lập nhà xuất bản của Trường Đại học An
Giang để in ấn sách vở, tài liệu do GV nhà trường biên soạn hay sáng tác, phục
vụ cho nhu cầu in ấn, xuất bản của các cơ quan ban ngành khác trong toàn tỉnh.
- Giảm thiểu các hoạt
động bồi dưỡng chính trị, pháp luật, học Nghị quyết, hội họp không gắn liền
chuyên môn… vì
vừa lãng phí thời gian, vừa không góp phần đắc lực cho việc nâng cao chất lượng
giảng dạy và NCKH trong nhà trường, nguy hiểm nhất là gieo rắc sự sợ hãi vào
tâm trí những người trí thức làm khoa học, những người đúng ra phải dũng cảm dấn
thân nghiên cứu và bảo vệ chân lý khoa học.
- Biên chế mỗi bộ môn một cán bộ văn thư, phụ trách các
công việc hành chính giúp đỡ cho trưởng phó Bộ môn, để trưởng phó Bộ môn có thời
gian tập trung cho hoạt động chuyên môn và học thuật. Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, mỗi BM đều có cán bộ
văn thư, không như ta hiện nay nhiều BM không có cán bộ văn thư để gánh vác các
công việc hành chính.
Trên đây là một vài ý kiến đóng góp cá nhân, xin được trình
lên để các cấp lãnh đạo tham khảo!
Nguyễn
Thanh Phong
Đăng nhận xét