Hán Nôm học là một ngành khoa học liên kết con người hiện
đại, xã hội hiện đại với lịch sử và truyền thống văn hóa. Ngành khoa học
này có một độ lùi nhất định so với cách ngành sử học, triết học, văn
hóa..., nhưng độ lùi đó là cần thiết cho những nghiên cứu chuyên sâu
luôn được khai thác từ những tư liệu gốc (original texts).
Ở khía cạnh rộng rãi, Hán Nôm học là một khoa học
liên ngành, ngoài ba chuyên ngành “chính danh” là văn bản học, thư tịch
học và văn tự học ra, thì Hán Nôm học còn bao quát một phạm vi rộng lớn
của rất nhiều ngành khoa học khác như trình bày dưới đây.
Hán Nôm học là ngành nghiên cửu về cổ sử và lịch sử Trung đại Việt
Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “dân ta phải biết sử ta, cho tường
gốc tích nước nhà Việt Nam”. Muốn biết lịch sử Việt Nam 4000 năm ra sao
chúng ta chỉ có hai ngành khoa học chính đó là Khảo cổ học và Hán Nôm
học. Khảo cổ học cho ta những hiện vật của quá khứ để giải mã lịch sử
của con người Việt Nam từ thuở mới xuất hiện loài người trên lãnh thổ
Việt Nam cho đến các giai đoạn văn minh Đông Sơn, Óc Eo, Sa Huỳnh … Còn
Hán Nôm học cho chúng ta biết các sử liệu thành văn (chữ Hán và chữ Nôm)
trong khoảng thời gian 2000 năm trở lại đây. Người làm về lịch sử cổ -
trung cận đại Việt Nam biết Hán Nôm cũng như đã nắm được chiếc chìa
khóa vạn năng để nghiên cứu về lịch sử của dân tộc. Những bản dịch,
những công trình nghiên cứu của giới Hán Nôm học trong nhiều thập kỷ qua
là những thành quả khó có thể bác bỏ, ví dụ Giáo sư Đào Duy Anh với các
công trình Đất nước Việt Nam qua các đời, Lịch sử cổ đại Việt Nam, giáo
sư Hà Văn Tấn với các công trình Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên
Mông, Giáo sư Trần Quốc Vượng với bản dịch Việt sử lược, Tiến sĩ Hoàng
Văn Lâu, Pgs Ngô Đức Thọ với các bài nghiên cứu chuyên sâu và bản dịch
nổi tiếng của sách Đại Việt sử ký toàn thư…
Đó chỉ là một số ít những công trình về lịch sử của các giáo sư các
nhà nghiên cứu lão thành có sử dụng Hán Nôm như là một công cụ để nghiên
cứu về lịch sử dân tộc. Những công trình này có ý nghĩa hết sức quan
trọng đối với xã hội. Nó giúp nhiều thế hệ người Việt Nam hiểu rõ hơn về
lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, lịch sử xây
dựng một đất nước văn hiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhiều công trình
trong số này đã có những ảnh hưởng lớn đối với quốc tế.
Muốn nghiên cứu triết học trước hết phải biết ngôn ngữ gốc của mỗi
một nền triết học đó. Nghiên cứu triết học Mác ta phải đọc được và tư
duy triết học bằng tiếng Đức, muốn hiểu triết học Phật giáo nguyên thủy
ta phải đọc được chữ Sanscrit, muốn hiểu tư tưởng Nho- Phật- Đạo chúng
ta cần phải biết chữ Hán. Không những thế Hán Nôm còn là công cụ ghi
chép, phiên dịch của cả đạo Thiên chúa giáo. Mặc dù Thiên chúa giáo mới
chỉ vào Việt Nam từ thế kỷ XVI- XVII, nhưng ngay lập tức, các giáo sĩ
phương Tây đã phải học chữ Nôm học tiếng Việt và chuyển dịch các văn bản
kinh Thiên chúa sang tiếng Việt. Chúng ta có thể kể đến các văn bản
Majiorica thế kỷ XVII với 4000 ngàn trang kinh điển dịch sang chữ Nôm.
Đây là một nguồn tư liệu hết sức phong phú để chúng ta nghiên cứu về
giáo lý cũng như lịch sử truyền giáo của Thiên chúa và nước ta. Từ những
nghiên cứu toàn diện về lịch sử tư tưởng, lịch sử triết học đó, chúng
ta sẽ có những tư duy hợp lý để điều chính và đóng góp thêm những giá
trị vững bền cho minh triết Việt Nam và những tư tưởng có giá trị cho
công cuộc xây dựng đời sống tâm linh, đời sống văn hóa, đời sống tinh
thần của con người Việt Nam hiện đại, góp phần xây dựng đất nước ngày
một giàu mạnh hơn, nhân văn hơn, nhân bản hơn.
Hán Nôm học còn là ngành nghiên cứu về lịch sử địa lý, lịch sử cương
vực của Việt Nam. Như chúng ta biết, lãnh thổ Việt Nam có được như ngày
hôm nay là phải trải qua 4000 năm dựng nước, giữ nước. Quá trình dựng
nước không chỉ gói hẹp trong việc thành lập các chế độ nhà nước, mà còn
bao hàm cả việc các nhà nước dần dần tiến hành mở rộng lãnh thổ và xác
lập chủ quyền trên những vùng đất mới: “từ thuở mang gươm đi mở nước,
ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Những quá trình mở nước, cắm mốc
chủ quyền đó đều được ghi chép lại trong các thư tịch Hán Nôm. Vì thế,
Hán Nôm học góp phần xây dựng một bộ môn khoa học chuyên sâu, đó là “địa
lý học lịch sử”- diễn đạt phổ thông ta gọi đó là “lịch sử hình thành
lãnh thổ đất nước”.
Chính những nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này sẽ góp phần quan
trọng vào quá trình xác lập chủ quyền và giữ vững lãnh thổ. Như những
năm vừa qua, tình hình biển Đông và các vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa luôn
là những điểm nóng của đất nước. Lúc này các nhà Hán Nôm học cùng với
các nhà sử học, luật học… cùng phải chung lưng đấu cật trên từng con
chữ, trên từng văn bản, trên từng bản đồ để chứng minh về tính pháp lý,
và chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo này. Đó là những đóng góp
thiết thực và có ý nghĩa quan trọng của chuyên ngành hẹp đối với đất
nước.
Hán Nôm học còn là ngành nghiên cứu về lịch sử văn học. Việt Nam
trước nay vẫn được biết đến là đất nước của thơ ca. Từ những câu ca dao,
hò, vè thân thuộc từ thuở nằm nôi, ngoài việc “truyền khẩu” qua lời ru
của mẹ, còn có sự truyền bản của các văn bản Hán Nôm. Truyền khẩu có
chức năng như là truyền cảm xúc, truyền yêu thương; còn truyền bản bằng
chữ Hán chữ Nôm thì văn tự đã tồn tại như một mã gen văn hóa có khả năng
truyền qua nhiều thế hệ, truyền xuyên thời gian. Rất nhiều mảng của văn
học dân gian đều được mã hóa qua các văn bản Hán Nôm.
Chúng ta đều biết công trình Truyện cổ tích Việt Nam của nguyên viện
trưởng Viện NC Hán Nôm- GS Nguyễn Đổng Chi được coi như là cuốn sách làm
nên tuổi thơ của bao thế hệ người dân Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ
qua. Chúng ta cũng biết đến công trình Ca dao Việt Nam của Giáo sư Vũ
Ngọc Phan. Cả hai công trình này ngoài việc sưu tầm dân gian, còn dựa
trên rất nhiều văn bản chữ Nôm hiện còn lưu trữ được. Ngoài ra còn phải
kể đến hàng loạt các tác phẩm văn học khác như Tổng tập văn học Việt Nam
(42 tập) trong đó phần lớn là các văn học Việt Nam cổ trung đại do hàng
loạt các thế hệ Hán học biên soạn, dịch chú. Hàng trăm cuốn sách chuyên
luận, các bản dịch thơ văn của các nhà Hán học, Nôm học đã xuất bản
trong vòng vài chục năm qua là những đóng góp to lớn của ngành Hán Nôm
đối với nền văn học cổ điển nước nhà. Hiểu rõ hơn nền văn học của cha
ông chúng ta đó là một yếu tố quan trọng để làm nên diện mạo và bản sắc
của văn học Việt Nam hiện nay.
Hán Nôm học còn là ngành nghiên cứu về văn hóa dân tộc. Việt Nam còn
được biết đến với lịch sử văn hiến lâu đời. Chữ “văn hiến” là một khái
niệm gồm hai yếu tố “văn” và “hiến”. Trong đó, “văn” là “văn tự, văn
chương, văn tịch, văn bản”, “hiến” là “con người hiền tài” là “nguyên
khí quốc gia”. Trong bản thân khái niệm “văn hiến” đã bao gồm cả khía
cạnh các yếu tố văn vật của một nền văn hóa và chủ thể của nền văn hóa
đó. Khái niệm “văn hiến” còn bao quát luôn cả khái niệm “nguồn nhân lực”
theo quan điểm của khoa học hiện đại. Nghiên cứu Hán Nôm học là nghiên
cứu về các văn bản có ghi chép về mọi đời sống văn hóa của con người
Việt Nam xưa. Văn hóa làng xã được phản ánh trong hàng ngàn khoán ước,
hương ước. Văn hóa gia đình được lưu trữ trong các gia phả, tộc giả. Văn
hóa tôn giáo được ghi chép các bộ sách nghi quỹ của Phật giáo, lễ nghi
của Nho giáo, sách cầu cùng bùa chú của Đạo giáo… Không chỉ cung cấp
nguồn tư liệu về dân tộc Kinh, Hán Nôm học còn nghiên cứu về lịch sử văn
hóa của các dan tộc thiểu số Việt Nam, như Mường, Mông, Tày, Nùng,…
Các dân tộc này trong thời gian dài cũng đã sử dụng chữ Hán để ghi
chép lại đời sống văn hóa của mình. Nghiên cứu Hán Nôm học như vậy đã mở
rộng biên độ và đối tượng của mình để tiếp cận cả đến dân tộc học lịch
sử- và lịch sử văn hóa dân tộc- hai ngành khoa học mà cho đến nay vẫn
còn đang hứa hẹn. Từ những nghiên cứu ấy, Hán Nôm học sẽ góp phần giúp
các dân tộc hiểu nhau hơn, xích gần lại nhau hơn, và quan trọng nhất
củng cố sức mạnh đoàn kết các dân tộc anh em.
Hán Nôm học còn là ngành nghiên cứu về ngôn ngữ, về lịch sử tiếng
Việt. Theo giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và nhiều nhà ngữ học hàng đầu hiện
nay, tiếng Việt có một lịch sử 12 thế kỷ. Để nghiên cứu được lịch sử của
tiếng Việt và những đóng góp của nó cho văn hóa Việt Nam, chúng ta
không thể nào bỏ qua một bộ phận quan trọng đó là các văn bản chữ Nôm
dùng để ghi tiếng Việt từ thời Lý Trần cho đến nay. Như ta biết, tiếng
Việt đã được dùng để dịch thuật kinh Phật từ thế kỷ XII, và trong suốt
gần một ngàn năm, tiếng Việt luôn là ngôn ngữ của triết học, được dùng
để dịch cả Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Thiên chúa giáo. Tiếng Việt
còn được dùng để sáng tác văn học, từ các bài phú Nôm của các hoàng đế
và thiền sư đời Trần, cho đến thơ Nôm Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông,
“Truyện Kiều” của Nguyễn Du… Đó là những bước phát triển quan trọng của
tiếng Việt với tư cách là một ngôn ngữ văn chương.
Để có được một kiến thức cơ bản như vậy về lịch sử tiếng Việt, chúng
ta cũng phải kể đến công sức của nhiều thế hệ các nhà Hán Nôm học- Việt
ngữ học nổi tiếng như Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp, Nguyễn Tài Cẩn,
Nguyễn Quang Hồng, Nguyễn Ngọc San… Nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, làm
rõ những đặc điểm của tiếng Việt qua từng giai đoạn phát triển của nó,
đó chính là những đóng góp to lớn của ngành Hán Nôm học cho sự giàu đẹp
của tiếng Việt. Tiếng Việt có khả năng hòa nhập với thế giới, tiếng Việt
có khả năng diễn đạt được ngôn ngữ của triết học, của văn chương, của
khoa học hay không, đó đều từ sự nhận thức của người Việt Nam về ngọn
nguồn lịch sử của nó.
Hán Nôm học còn là ngành khoa học nghiên cứu về lịch sử của các ngành
khoa học. Như ta biết, Hán và Nôm là hai văn tự chính để ghi chép lại
toàn bộ đời sống xã hội của con người Việt Nam xưa. Vì thế, Hán Nôm học
về bản chất chính là Việt Nam học. Ngành khoa học này nghiên cứu mọi
khía cạnh của đời sống của người Việt trong lịch sử. Chúng ta muốn biết
nông nghiệp Việt Nam thời cổ ra sao, cây trồng, vật nuôi thế nào, chúng
ta đều phải khai thác qua các nguồn tư liệu Hán Nôm. Muốn biết người
Việt Nam xưa đã biết dùng các phép toán gì, chúng ta buộc phải nghiên
cứu về lịch sử toán học Việt Nam qua các tư liệu Hán Nôm còn lại. Rồi
rất nhiều các ngành khác như kiến trúc, mỹ thuật, nghệ thuật, đê điều,
giao thông, y học, dược học, thú y, nông học, lịch pháp, chiêm tinh học,
nhân tướng học, địa lý học, ngoại thương, ngoại giao, thương mại, khai
khoáng, ứng xử tự nhiên… mọi lĩnh vực đời sống đều có thể nghiên cứu qua
các tư liệu Hán Nôm.
Những nghiên cứu ấy sẽ góp phần giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mọi khía
cạnh của đời sống tinh thần, đời sống vật chất của con người Việt Nam
xưa. Hiểu được như vậy, chúng ta sẽ thấy được sẽ phải tiếp tục làm gì để
kế thừa và phát huy nền khoa học, nền văn hóa cổ truyền mà cha ông ta
đã dày công vun đắp. Những hiểu biết về quá khứ dân tộc sẽ giúp chúng ta
biết được con đường phải đi trong tương lai. Hán Nôm học với tư cách
một khoa học xã hội- nhân văn, một khoa học đa ngành, liên ngành cùng
với những ngành khoa học khác sẽ góp phần tạo dựng nên những yếu tố mới,
những yếu tố tiên tiến đủ để hòa nhập với thế giới trong xu hướng toàn
cầu hóa, nhưng những yếu tố ấy luôn có độ đằm của quá khứ, của lịch sử
của bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trần Trọng Dương
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/97186/han-nom-hoc---khoa-hoc-lien-nganh-de-phat-trien-dat-nuoc.html
Đăng nhận xét