Xung quanh những ý kiến tranh luận về việc giọng Hà Nội có thực sự chuẩn để được
coi là tiếng nói quốc gia hay chưa? PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với GS
Trần Trí Dõi, khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà
Nội.
Giọng Hà Nội, nếu nhìn ở bình diện ngôn ngữ thuần túy thì cũng giống như giọng của các vùng miền khác trên đất nước Việt Nam, là một phương ngữ của tiếng Việt, là giọng của người Hà Nội. Vậy tại sao giọng Hà Nội xưa nay lại được coi là giọng nói chuẩn, thưa giáo sư?
Tiếng Hà Nội, nhìn ở bình diện ngôn ngữ thuần túy thì cũng giống như tiếng của các vùng miền khác trên đất nước Việt Nam (như tiếng Nghệ An, tiếng Huế, tiếng Sài Gòn v.v) và trong ngôn ngữ học nó không phải “là một phương ngữ của Tiếng Việt” mà chỉ “là một bộ phận của phương ngữ Bắc Bộ”.
Giáo sư Trần Trí Dõi. |
Nói về phương ngữ thì hiện nay đa số các nhà ngôn ngữ học ở Việt Nam và nước ngoài thường coi tiếng Việt là một ngôn ngữ có ba phương ngữ trên đại thể gồm: phương ngữ Bắc Bộ, phương ngữ Trung Bộ và phương ngữ Nam Bộ. Như vậy, khi nói về ngôn ngữ cần phân biệt nội dung được gọi là “tiếng địa phương (như tiếng Hà Nội)” với nội dung được gọi là “phương ngữ (như phương ngữ Bắc Bộ)”.
Theo như tôi biết, cho đến hiện nay chỉ có “dư luận” cho rằng tiếng Hà Nội được coi là tiếng nói chuẩn thôi. Còn tiếng chuẩn theo đúng nghĩa của nó phải là tiếng Việt được dùng giảng dạy trong nhà trường, là ngôn ngữ của của người Việt. Về cơ bản là dựa trên phương ngữ Bắc Bộ trong đó có tiếp nhận thêm một số yếu tố từ những phương ngữ khác mà người Hà Nội không “nói” được.
Còn vì sao có chuyện dư luận cho rằng “tiếng Hà Nội xưa nay được coi là tiếng nói chuẩn” lại là một chuyện khác và chắc chắn nó có lý do chính đáng của nó.
Chúng ta biết rằng Hà Nội hiện nay và Thăng Long trước kia là thủ đô ngàn năm văn hiến của người Việt. Việc người Việt hướng tới việc coi văn hóa vùng thủ đô (trong đó có tiếng nói) là chuẩn mực, âu cũng là điều không có gì lạ.
Hơn nữa, tiếng Hà Nội lại là một bộ phận của phương ngữ Bắc Bộ, một phương ngữ trên cơ bản được dùng giảng dạy trong nhà trường. Cho nên, điều này cũng bình thường, giống như người Pháp coi tiếng Paris (đúng hơn là vùng Paris) là tiếng nói đại diện cho tiếng Pháp vậy thôi.
Thưa GS theo hiểu biết của tôi thì trong ngôn ngữ, chúng ta chỉ có thể xác định hai chuẩn đó là chuẩn chính tả và chuẩn phát âm. Vậy thì căn cứ vào đâu lại nói tiếng Hà Nội là chuẩn trong khi người Hà Nội rất ít khi phát âm rõ được các từ bắt đầu bằng “s” và “x”, “ch” và “tr”, “d’, “r” và “gi”?
Khi nói “chuẩn chính tả và chuẩn phát âm” là nói về ngôn ngữ nhà trường và rộng ra hơn là ngôn ngữ văn học, ngôn ngữ chính thức trong hành chính và ngôn ngữ trên báo chí, phát thanh truyền hình.
Đúng là trong giao tiếp thông thường người Hà Nội rất ít khi phát âm rõ được các từ bắt đầu bằng “s” và “x”, “ch” và “tr”, “d’, “r” và “gi” như chị nói. Nhưng dù người Hà Nội có phát âm như thế đi nữa thì cũng không ai có thể căn cứ vào đó để nói rằng họ nói không đúng tiếng Việt. Bởi vì đó là họ nói tiếng Việt chuẩn giọng Hà Nội, cũng như người Huế nói tiếng Việt chuẩn giọng Huế, người Sài Gòn nói tiếng Việt chuẩn giọng Sài Gòn, người Nghệ An nói tiếng Việt chuẩn giọng Nghệ An v.v.
Có phải ngày nay, quy định về ngôn ngữ chuẩn đã được thay đổi? bởi nếu như đã coi giọng Hà Nội là ngôn ngữ chuẩn quốc gia, thì tại sao trên đài truyền hình Trung ương, cụ thể là chương trình thời sự lại thấy có cả phát thanh viên giọng miền nam?
Tôi xin nhắc lại là cho đến nay chưa có văn bản pháp quy nào quy định tiếng Hà Nội là ngôn ngữ chuẩn quốc gia. Và vì thế cũng sẽ không có chuyện ngày nay quy định về ngôn ngữ chuẩn đã được thay đổi.
Còn chuyện trên Đài Truyền hình Trung ương, cụ thể là chương trình thời sự người ta lại thấy có cả phát thanh viên giọng miền nam lại là một chuyện khác. Xét ở bình diện chuẩn ngôn ngữ thì phát thanh viên giọng miền nam vẫn nói tiếng Việt chuẩn đấy chứ. Nhưng ở đây là “chuẩn tiếng Việt giọng Sài Gòn”.
Nhân đây, tôi cũng xin nói thêm là hiện nay nhiều người cho rằng tiếng Hà Nội được coi là tiếng nói chuẩn cũng là chuyện bình thường. Vì nó là tiếng thủ đô, nơi mà người Việt ta đã cho rằng “chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”; vì nó là tiếng nói của một vùng đất mà “một thuở mang gươm đi mở đất, nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Chỉ khi có ai đó cho rằng những người khác cho dù nói đúng tiếng Việt nhưng không nói theo giọng Hà Nội là không chuẩn thì mới là không bình thường.
Ngôn ngữ của một đất nước chắc chắn phải có sự đa dạng: giọng Hà Nội, giọng Huế, giọng Sài Gòn v.v. Coi giọng nói của người thủ đô là là tiểu biểu cho giọng nói của tiếng Việt không có nghĩa là coi giọng nói của những vùng khác không phải là tiếng Việt chuẩn.
Có ý kiến cho rằng người Hà Nội quý giọng Hà Nội, nhưng người Sài Gòn cũng quý giọng Sài Gòn, người Huế cũng quý giọng Huế... vậy thì việc coi tiếng Hà Nội là ngôn ngữ chuẩn quốc gia sẽ khiến cho nhiều người nghĩ rằng, ở đây có sự phân biệt vùng miền, và có những phản ứng không tốt. GS nghĩ sao về ý kiến này?
Là người nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam và người nước ngoài tôi thực sự vui mừng khi biết rằng người Hà Nội biết quý giọng Hà Nội, người Sài Gòn cũng quý giọng Sài Gòn, người Huế cũng quý giọng Huế v.v. Còn việc nhiều người coi tiếng Hà Nội là “biểu tượng” ngôn ngữ chuẩn của quốc gia cũng không có gì là thái quá. Ở đây là sự tự nguyện hướng tới giọng nói thủ đô đại diện cho quốc gia chứ có phải là quy định có tính pháp luật đâu mà là sự phân biệt vùng miền. Nói giọng nào mà vẫn đúng tiếng Việt thì đều đáng tự hào cả thôi.
Xin trân trọng cảm ơn GS!
Vũ Lụa (thực hiện)
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/101568/chua-co-quy-dinh-giong-ha-noi-la-chuan-quoc-gia.html
Đăng nhận xét