Lời Nhóm biên tập: Học Thế Nào đã giới thiệu phân đoạn 1, phân đoạn 2, phân đoạn 3, phân đoạn 4, phân đoạn 5 bản chép lại lời diễn thuyết của nam nhân vật trong clip Sự trăn trở của một kẻ lười biếng. Xin trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc những phân đoạn cuối cùng.
Việc đặt tên cho các phân đoạn cũng như cách ngắt câu, sử dụng các dấu
chấm câu, chia ý là do nhóm biên tập Học Thế Nào thực hiện.
Phân đoạn 6: Giáo dục là chính bản thân cuộc sống
(Từ 58’07 đến )
Ta vẫn thấy những kiểu đánh đồng xếp loại học lực với xếp loại hạnh
kiểm. Một học sinh ngoan xứng đáng được nhận hạnh kiểm tốt nhưng nếu học
lực yếu thì điều đó sẽ không xảy ra. Vì sao vậy? Vì sao không thuộc
bài, không làm bài tập người học bị coi là một hình thức vô trách nhiệm?
Vậy chúng ta lại quy về câu hỏi tại sao việc học lại được coi là có ý
thức, có trách nhiệm? Điều này thể hiện rằng chúng ta coi học là cái
trách nhiệm, nghĩa vụ của con cái, của học sinh. Nghiễm nhiên chúng ta
đã coi nó như một thứ thủ tục bắt buộc trong hành chính sống, và bằng
cái lối suy nghĩ như vậy chúng ta chờ đợi một chứng nhận, một cái chứng
nhận ở đầu ra thay vì qua tâm sen.
Điều gì đã thay đổi?
Chúng ta cứ nói phải cố mà học đi con ạ, cố mà học cho xong đi con ạ
rồi mai sau mày muốn làm gì thì làm. Sao tất cả ai ai cũng khổ sở như
thế? Suốt bao năm không biết có bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu tuổi thanh
xuân bị thẳng tay ném một cách không thương tiếc vào cái máy nghiền tàn
bạo của thi cử? Kiến thức vô bổ dẫn đến hàng vạn hành động vô nghĩa.
Bày ra thi cử rồi lại bán sách hướng dẫn ôn thi. Có vô nghĩa hay không?
Rõ ràng chỉ đối phó là giỏi. Rồi thì đủ các loại học thêm, đủ các loại
lò luyện thi mọc lên. Tất cả toàn là những hành động vô nghĩa, bòn rút
sức khỏe, thời gian, tiền bạc lẫn nhau. Suốt bao nhiêu năm cố mà học đã
trở thành một hệ tư tưởng chây lì trong đầu của cả thế hệ già trẻ lớn
bé.
Cố mà học! Cố mà học! Cố mãi cuối cùng cũng hỏng!
Chúng ta mặc định coi việc đi học, lên lớp và lấy bằng như một thứ
thủ tục bắt buộc trong hành trình sống mà không hề quan tâm xem những
hoạt động đó có mục đích gì, có liên quan tương tác như thế nào tới đầu
vào và đầu ra, tới cuộc đời của chúng ta cho dù nó cứ từ trên trời rơi
xuống. Nhà trường bỗng trở thành một cửa ải khiên cưỡng mà người ta cắn
răng chi tiền bước vào chỉ để mong có được một miếng bánh đền bù ở lối
thoát. Trẻ em, trẻ em giống như một thứ nguyên liệu tươi mới gia đình
đưa vào nhà trường rồi nhà trường đùn ra xã hội. Lúc bước vào trong tay
không có gì nhưng sở hữu những năng lực tiềm tàng. Lúc bước ra tay ôm
cái bằng nhưng năng lực không những không được phát huy mà còn bị thui
chột. Kiến thức kỹ năng cần cho cuộc sống không có, lại còn lười học.
Đạo đức không được trau dồi lại còn mất đi. Chúng ta cắp sách tới trường
hàng ngày một cách vô thức để làm gì? Đi học không phải là để sống sót
qua hơn chục năm thi cử để rồi với lấy một cái bằng.
Giáo dục không phải để chuẩn bị cho con em một cuộc sống tương lai!
Giáo dục không phải để chuẩn bị cho con em một cuộc sống tương lai!
Giáo dục chính là bản thân cuộc sống!
Cuộc sống! Cuộc sống! Cuộc sống!
Học là để phục vụ nhu cầu cuộc sống. Học là để trở thành người có văn
hóa, không phải để thi. Học những thứ cần thiết cho cuộc sống và tương
lai, không học những thứ vô ích cho chúng ta sở hữu những tờ giấy vô
dụng. Đừng trả tiền cho chục năm chỉ để mua được một cái vé thông hành.
Chính bản thân chúng ta phải được đào tạo ra để trở thành người lái tàu
của chính cuộc đời mình.
Đoạn 7: Tất cả vì một nền giáo dục khai phóng
(Từ 61’09’’ đến 66’55’’ )
Rồi một ngày không xa những con rô bốt do chúng ta tạo ra sẽ sở hữu
trí nhớ khổng lồ. Ta biết tất cả mọi thứ, ta cho nó sở hữu, một kiến
thức rất lớn gấp trăm ngàn lần một người bằng xương bằng thịt. Nhưng đó
là giới hạn, là cực điểm, là không thể hơn nữa. Nó không bao giờ có thể
trở thành con người, nó chỉ là cái máy. Và một nền giáo dục nô lệ hóa
con người ta chỉ biến người ta trở thành cái máy tích lũy kiến thức, mất
đi khả năng làm người.
Trong vật lý có một quy tắc chuyển hóa năng lượng bất di bất dịch, đó
là hấp thụ, tích lũy và phát xạ. Trí thông minh của con người cũng như
vậy. Chúng ta hấp thụ kiến thức, chúng ta tích lũy kiến thức, nhưng nếu
chúng ta không phát xạ kiến thức, không chuyển hóa nó thành một trạng
thái mới, một dạng thù hình – một khuôn mặt mới hay một giá trị mới thì
chúng ta sẽ chỉ là một cái máy mà thôi.
Tôi thấy rất nhiều người họ rất tự hào về những gì mình biết. Họ tự
biến mình thành một cái kho, một cái bảo tàng và tung tăng vui vẻ với
điều đó. Thật thảm hại! Thứ duy nhất họ sở hữu chỉ là sĩ diện. Thứ sĩ
diện vớt vát được một cách ngồi lãng phí thời gian ngồi chém gió với
những người nói chung có nhận thức hẹp hòi. Tại sao người nông dân không
được học quá nhiều nhưng phát minh ra bao thứ máy móc? Còn các giáo sư
tiến sĩ học đến rất cao kia lại không có nổi cái sáng chế cho riêng
mình? Đừng chỉ ngồi đó hấp thụ và tích lũy. Hãy phát xạ nó đi, nếu không
thì tất cả kiến thức sớm muộn rồi cũng sẽ đóng sập trong trí não của
anh.
Chúng ta biết con gì chỉ tiêu thụ mà không bao giờ làm việc? Đó là
con đỉa, con vắt, những loại ký sinh trùng! Chúng ta không muốn làm ký
sinh trùng! Chúng ta muốn làm con người. Con người kiến tạo xã hội. Ký
sinh trùng tiêu hủy xã hội. Con người làm chủ, ký sinh trùng làm nô lệ.
Đừng tự hào với những gì mình biết, hãy tự hào vì những gì mình làm
được. Tất cả những thứ điểm số, điểm sàn, điểm trên trường lớp không
quan trọng. Điểm cao không có nghĩa là tài giỏi và điểm thấp không có
nghĩa là đần ngu. Những điểm số, những sĩ diện, hãy biến chúng thành phù
du!
Những người đang nắm trong tay quyền hành hãy hành động ngay, hãy
thay đổi ngay bây giờ. Các vị hãy xếp từng viên gạch ngang ngả đường vận
mệnh những chủ nhân tương lai của đất nước! Các vị là người tốt. Các vị
hãy mong muốn điều tốt đẹp cho dân tộc này. Dân tộc nào có những nhà
trường tốt nhất dân tộc đó đứng trên các dân tộc khác. Hôm nay chưa vào
vị trí đó thì ngày mai! Hôm nay ta chưa hoàn thành nghĩa vụ thì mai sẽ
hoàn thành. Hôm nay còn cồng kềnh mai sẽ nhẹ như bay. Hôm nay chưa thể
phân luồng đúng đắn mai sẽ đúng. Lương giáo viên hôm nay còn ngặt nghèo
mai sẽ đổ xô vào ngành sư phạm. Hôm nay chất lượng giảng dạy còn thấp
mai phụ huynh cũng biết dạy con. Hôm nay chưa thể tư duy độc lập mai sẽ
có những phát minh. Hôm nay định kiến vẫn còn, mai sẽ không cánh mà bay.
Tất cả những gì còn phế phẩm cặn bã của ngày hôm nay rồi một ngày mai
sẽ được đào thải và tái chế. Giáo dục là cái gốc của mọi vấn đề. Giáo
dục phát triển kéo mọi thứ còn lại lên theo.
Và có một điều chúng ta có thể thực hiện ngay, có thể thay đổi ngay
bây giờ đó là hãy gỡ bỏ kỳ thi tốt nghiệp! Hãy gỡ bỏ kỳ thi tốt nghiệp
THPT! Chương trình học vô bổ như thế nào giờ thì ai cũng thấy rõ. Không
một người nào muốn một kỳ thi khiên cưỡng lại quyết định số phận của
mình bởi thi đại học đã quá đủ! Khẩn thiết mà nói, ta ra quyết định này
càng sớm bao nhiêu càng có lợi bấy nhiêu. Không biết bao nhiêu người nói
lên lợi ích của việc bỏ thi tốt nghiệp, lợi ích vì sức khỏe tất cả, lợi
ích kinh tế – dành tiền để mà đầu tư vào cơ sở vật chất, để trả lương
để bồi dưỡng cho giáo viên. Chúng ta chưa thể bỏ kỳ thi đại học nhưng có
thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp. Mục đích của hầu hết người học hiện nay vẫn
là đỗ đại học. Vì vậy học sinh phải tập trung năng lượng để đối phó với
chỉ một kỳ thi. Còn nếu vẫn thi tốt nghiệp thì sẽ thế nào? Thì ta lại
tiếp tục dang rộng cánh tay hào phóng của mình để chào mừng kẻ kí sinh
mang tên đối phó một lần nữa được tiếp tục phát huy sức mạnh để hút hết
sức sống của học sinh. Và chúng ta lại tiếp tục ngu hóa dân thêm một
bước cuối cùng.
Chúng ta sáng suốt. Chúng ta nhân từ. Hãy đặt nét bút đầu tiên chấm
phá một tia sáng lên thảm cảnh đen tối đã ở nơi đây. Hãy giải thoát cho
sự bị động chảy khắp dưới đáy sông được nâng đầu dậy. Hãy gạt bỏ tự ái.
Hãy nâng cao tự trọng mà làm với cái tâm của mình.
Những ai đến cùng tôi chúng ta nhìn thấy tiêu cực nhưng chúng ta
không suy nghĩ tiêu cực, và chúng ta muốn mong mọi thứ trở nên tích cực
hơn. Chúng ta hướng tới một tương lai tươi sáng. Khi đó trẻ em không có
khái niệm giữa ngày đi học và ngày nghỉ học bởi mỗi ngày đến trường là
một ngày vui. Khi đó ở một cấp học tương đương THPT bây giờ học sớm hơn
ai cũng được tự do nghiên cứu tất cả những lĩnh vực ở chính môi trường
mà họ đang học. Khi đó tình trạng phân ban không còn chênh lệch vì chẳng
có ban nào hết. Khi đó sẽ chẳng còn ai học để đối phó mà đều học cho
bản thân mình. Khi đó tất cả học sinh đều được theo đuổi đam mê một cách
chủ động. Những kỳ thi đa dạng được tổ chức một cách chủ động và những
còn người chủ động sẽ đến với nó để thể hiện bản thân, để chiến thắng và
danh tiếng của nhà trường, của dân tộc cũng lên cao, cao mãi như gió
mùa thu.
Những ai đến cùng tôi, chúng ta không phải máy móc, chúng ta là con
người. Chúng ta không phải là loài ký sinh, chúng ta là những con người
độc lập. Sự tồn tại của chúng ta độc lập trên cuộc đời này. Không có thứ
gì được động chạm đến ngón tay sự tồn tại đó nếu chúng ta cho phép.
Không phải một kỳ thi! Không phải một tờ giấy! Không phải lời phán xét
từ trên cao mà là chính chúng ta – con người làm chủ tương lai của mình!
Hãy bỏ những rác rưởi sau lưng mà lao ra ngoài biển xa trước mắt! Đừng
lãng phí thời gian nữa! Không có gì quý hơn độc lập tự do! Và tự do khi
tâm hồn được giải thoát. Chỉ có tự giải thoát cho chính bản thân mà có
thể giải thoát cho tất cả.
Tất cả vì một nền giáo dục khai phóng!
—HẾT—
(Q.H ghi)
http://hocthenao.vn/2013/04/28/493/
Đăng nhận xét