2.1. Trước hết là thành tố Trà gốc thuần Việt.
Trà Mi
là huyện cũ của tỉnh Quảng Nam. Tháng 6-2003, chia làm hai huyện Bắc
Trà Mi và Nam Trà Mi. Trà Mi là loại “cây thuộc loại hoa hồng, hoa
trắng hoặc đỏ, không thơm, trồng làm cảnh”. Thành tố Trà này không phải
là từ Hán Việt.
2.2. Tiếp theo là thành tố Trà gốc Hán Việt. Các địa danh sau đây thuộc loại này.
Trà Bản là
đảo lớn nhất thuộc quần đảo Vân Hải trong vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng
Ninh. Chiều dài 30km. Trà Bản là “cái gốc của cây trà” vì đảo này là nơi
sản xuất loại trà ngon nổi tiếng.
Trà Cổ là địa điểm nghỉ mát thuộc thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.Trà Cổ, do ghép tên hai làng cũ của ngư dân ở quê gốc tại Đồ Sơn là Trà Phương và Cổ Trai [7, 284]. Trà Phương là “hương thơm của trà”.
Trà Lân là
địa danh lịch sử, nay thuộc các huyện Tương Dương, Anh Sơn, tỉnh Nghệ
An, nơi Lê Lợi thắng lớn quân Minh.Trà Lân là “xóm chè”.
Trà Lý sông nhánh của sông Hồng, chảy qua thành phố Thái Bình, rồi đổ ra cửa Trà Lý. Trà Lý là “làng trà”.
2.3. Sau cùng, thành tố Trà bắt nguồn từ các ngôn ngữ dân tộc anh em.
2.3.1.Một số thành tố gốc Chăm. Trà do âm tiết Ca chuyển thành.
Trà Co là làng ở tỉnh Ninh Thuận.Trà Co gốc Chăm Cako, nghĩa là “móng (tay, chân)” [4].
Trà Văn là làng ở tỉnh Ninh Thuận. Trà Văn gốc Chăm Capal, chưa biết nghĩa [4].
2.3.2.Một số khác do từ Chăm Ia chuyển thành. Ia là “sông, nước”. Các địa danh Trà Bồng, Trà Khúc, Trà Câu (Quảng Ngãi) và Trà Bình (Bình Định) thuộc loại này.
Trà Bồng ban đầu là tên sông, sau chuyển thành tên huyện của tỉnh. Vì sông bắt nguồn từ vùng Thanh Bồng ở phía tây Quảng Ngãi, dài độ 55km, nên người địa phương đã ghép thành tố Trà với yếu tố sau của vùng Thanh Bồng mà thành [3].
Trà Câu
là sông nhỏ hẹp, bắt nguồn từ huyện Ba Tơ, chảy qua huyện Đức Phổ, tỉnh
Quảng Ngãi, rồi đổ ra cửa biển Mỹ Á. Trà Câu vừa gốc Chăm vừa gốc Hán
Việt: Trà là “sông”, Câu là “cái rãnh nước” [3].
Trà Khúc ban đầu là tên sông,
sau trở thành tên cầu. Sông phát nguyên từ Tây Nguyên, chảy qua thành
phố Quảng Ngãi, dài 135km, rồi đổ ra biển Đông ở cửa Cổ Luỹ. Trà Khúc
vừa gốc Chăm vừa gốc Hán Việt. Khúc là “đoạn”; Trà Khúc do Trà Giang cửu khúc nói rút gọn vì dòng sông này có nhiều khúc quanh rất nguy hiểm ở thượng nguồn [1].Trong Mê Kông ký sự (tập 7, 8, 9), ở Trung Quốc có các sông mang từ Khúc phía sau, như Ngang Khúc, Trác Khúc, Tử Khúc.
Còn Trà Bình
là tên sông, có lẽ vừa gốc Chăm vừa gốc Hán Việt như Trà Bồng, Trà
Khúc, Trà Câu. Sông bắt nguồn từ huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, chảy qua
các huyện An Lão, Hoài Ân, tỉnh Bình Định, hợp lưu với sông Lại Giang ở
huyện lỵ Hoài Nhơn, rồi đổ ra biển. Còn gọi là sông An Lão. Vì sông chảy
qua tỉnh Bình Định nên Trà Bình có lẽ là “con sông chảy qua tỉnh Bình Định”.
2.3.2. Số thành tố Trà gốc Khmer nhiều hơn.
2.3.2.1. Một số do âm tiết Tra chuyển thành.
Trà Cuông là ấp ở tỉnh Sóc Trăng. Trà Cuông gốc Khmer Trakun (hay Tra Kuoon, Ta Kuoon), nghĩa là “rau muống” [8].
Trà Vinh là tỉnh ven biển miền tây Nam Bộ, diện tích 2.228,8km2; dân số 969.000 người (2006), gồm một thị xã và 7 huyện. Trà Vinh gốc Khmer, dạng gốc là Préah Trapeng. Préah là “Phật”; Trapeng là “cái ao”. Và Préah Trapeng nghĩa là “tượng Phật ở trong ao”. Chính từ Trapeng là dạng gốc của Trà Vinh. Theo truyền thuyết, tại nơi đây trước kia người dân đào được một tượng Phật trong cái ao [9].
Trà Vơn là một địa điểm ở tỉnh Tây Ninh.Trà Vơn gốc Khmer Travieng, chưa rõ nghĩa [6, 87].
2.3.2.2. Nhiều thành tố do từ Tà, nghĩa là “Ông” chuyển thành.
Trà Canh là địa điểm ở tỉnh Sóc Trăng. Trà Canh gốc Khmer Tà Canh, nghĩa là “ông Canh”, một người đưa đò trên sông [8].
Trà Lọt là rạch lớn chảy ra sông Tiền, tỉnh Tiền Giang. Trà Lọt gốc Khmer Tà Lọt, nghĩa là “ông Lọt”.
Trà Luộc là rạch nhỏ của rach Trà Tân, tỉnh Tiền Giang. Trà Luộc có gốc Khmer Tà Lok, nghĩa là “ông Lok”, bị đọc chệch thành Trà Luộc.
Trà Quýt là một địa điểm ở tỉnh Sóc Trăng. Trà Quýt gốc Khmer Tà Khvich, nghĩa là “ông Quýt”, một người sống tại vàm kinh [8].
Trà Men là tên một chiếc cầu ở tỉnh Sóc Trăng. Trà Men gốc Khmer Tà Men, nghĩa là “ông Men”.
Trà Vong
là cánh đồng ở phủ Tân Ninh, nay là xã của huyện Tân Biên, tỉnh Tây
Nỉnh. Cũng gọi Trà Vơng. Trà Vong gốc Khmer, nguyên dạng là Tà Vông,
nghĩa là “ông quan lớn”, để chỉ tri phủ Tân Ninh Huỳnh Công Giản, người
đã anh dũng hi sinh để ngăn bước tiến quân xâm lược Miên [2, 93, 136].
2.3.2.3. Ngoài ra, một số yếu tố Trà do một từ Khmer tương đối xa lạ về mặt ngữ âm chuyển thành.
Trà Nho là vịnh ở tỉnh Sóc Trăng. Trà Nho gốc Khmer Chrui Nho, nghĩa là “vịnh cây nhàu” [5, 78].
Trà Tâm là một địa điểm ở tỉnh Sóc Trăng. Trà Tâm gốc Khmer Chrui Tum, nghĩa là “(chỗ) khuỷu tay” [5, 78].
2.3.2.4. Một thành tố Trà do một phụ âm trong tiếng Khmer chuyển thành.
Trà Cú là huyện của tỉnh Trà Vinh, diện tích 367,3km2, dân số 163.100 người (2006), gồm thị trấn Trà Cú và 16 xã. Trà Cú gốc Khmer Prêk Comnik Thkó có nghĩa là “rạch kinh con sâu” [9]. Thkó người Việt đọc thành Trà Cú.
2.3.2.5. Sau cùng, một thành tố Trà do từ Tà trong tiếng Tày – Nùng biến thành.
Trà Lĩnh là huyện của tỉnh Cao Bằng, diện tích 257km2, dân số 21.300 người (2006), gồm thị trấn Hùng Quốc và 9 xã. Trà Lĩnh gốc Tày - Nùng, nguyên dạng Tà Lệnh. Tà: bến nước; Lệnh: chưa biết nghĩa.
3.
Như vậy, nguồn gốc và ý nghĩa của thành tố Trà cũng tương đối phức tạp.
Soi sáng được từ nguyên của các thành tố này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ
hơn cấu tạo của địa danh Việt Nam. Vì vậy công việc này cần được tiếp
tục nghiên cứu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cao Chư, Từ tỉnh thành đến thành phố Quảng Ngãi, Nxb Đà Nẵng, 2006.
2 Huỳnh Minh, Tây Ninh xưa, HN, Nxb Thanh niên, 2001.
3. Lê Trung Hoa, Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam, bản thảo chưa xuất bản.
4. Moussay, G., Dictionnaire Căm-Vietnamien-Francais (Từ điển Chăm-Việt Pháp), Phan Rang, Trung tâm Văn hóa Chăm, 1971. TS. Phú Văn Hẳn dịch một số địa danh Chăm trong từ điển này.
5. Nguyễn Tấn Anh, Những đặc điểm chính của địa danh ở Vĩnh Long, Luận văn thạc sĩ khoa học ngữ văn, Trường ĐHKHXH – NV, tp.HCM, 2008.
6. Nguyễn Văn Nữa (cb), Địa chí Tây Ninh, Ủy ban nhân dân tỉnh Ty Ninh xb, 2006.Thi Sảnh, Quảng Ninh – miền đất những trầm tích, Nxb Trẻ, 2004.
7. Thi Sảnh, Quảng Ninh – miền đất những trầm tích, Nxb Trẻ, 2004.
8. Trần Thị Mỹ Yến, Địa danh có nguồn gốc từ tiếng Khmer ở tỉnh Sóc Trăng, Ngôn ngữ học trẻ, 2006, tr. 512 – 517.
9. Trương Vĩnh Ký, x. Lê Hương, Người Việt gốc Miên, tr. 253 – 264. TS. Thái Văn Chải dịch các địa danh gốc Khmer trong sách này.
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=4084%3Aa-danh-vit-nam-mang-thanh-t-tra&catid=71%3Angon-ng-hc&Itemid=107&lang=vi
Đăng nhận xét