Tư tưởng Trần Tung qua bài 'Phật tâm ca'

Sau khi tìm hiểu một số thi phẩm của các vị thiền sư đời Trần nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, tác giả đã dừng lại và ngẫm suy về tư tưởng, hay đặc chất tinh thần trong “Phật tâm ca”, một bài thiền ca khá dài, có thể nói là hàm chứa nhiều “gam màu ý thức hệ không cùng nguồn gốc”[1] của Tuệ Trung. Nhưng, qua sự đan dệt, lắm “gam màu” ấy, chúng ta lại có thể dễ dàng phát hiện ra tư tưởng cốt lõi của ông chứa chan một khát vọng: hòa Đạo vào đời.
Tuệ Trung, một nhân vật quan trọng và đặc biệt trong thiền phái Trúc Lâm, một thiền phái mang dáng dấp, phong cách rất riêng của một Việt Nam. Cái đặc biệt ở đây, không phải coi ông như là tổng hợp của mọi tư tưởng “vừa Nho, vừa Phật, lại vừa Lão Trang”[2], mà chỉ đơn thuần coi ông là một cư sĩ giác ngộ, sống tùy duyên và rất cá tính. Đương nhiên, tư tưởng nhập thể của ông mà chúng ta sẽ luận, không nhằm mục đích cổ xúy một lối hành đạo duy nhất nào đó... Chỉ là để suy ngẫm tính cách, hành động giúp đời của ông, từ đó giúp chúng ta có cái nhìn cởi mở và đúng đắn hơn về đạo Phật.
I. LỜI NÓI ĐẦU
Trước khi thành lập thiền phái Trúc Lâm đời Trần (1226-1400), Phật giáo Việt Nam chủ yếu có ba thiền phái lớn được truyền vào từ nước ngoài[3]. Dựa vào lịch sử Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu Phật học nhận định, đời Trần là thời đại hoàng kim nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là thiền tông cực kỳ hưng thịnh. Thời đại này có không ít quân vương và cư sĩ không chỉ sùng bái Phật pháp, mà còn tinh thông văn- thiền học. Nếu các tác phẩm văn- thiền học thuộc các đời trước đó nghiêng về chủ nghĩa duy lý, thì đến đời Trần, nội dung sáng tác đã phản ánh tinh thần chủ nghĩa hiện thực, mang lại cho cuộc sống lúc bấy giờ những tri thức lý luận phong phú và đa dạng. Rất có lý khi tác giả Trần Hồng Liên trong bài viết “Vài suy nghĩ về thiền tông Việt Nam”cho rằng: “Ở các thiền sư đời Trần, thiền lý và thiền hành đã nhập làm một, không phân biệt”[4]. Nhắc đến đời Trần, một trong những đại biểu sáng lạn, trở thành nhân vật then chốt trong thiền phái Trúc Lâm[5], không thể không nhắc đến thiền sư cư sĩ Tuệ Trung.  
Tuệ Trung, sinh năm 1230, và mất vào năm 1291. Ông có tước hiệu là Hưng Ninh Vương, và tên là Trần Quốc Tung, “là con đầu của Khâm Minh Từ Thiện Ðại Vương và là anh cả của Hoàng Thái Hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Khi Ðại Vương mất, hoàng đế Trần Thái Tông cảm nghĩa phong cho thượng sĩ tước Hưng Ninh Vương”[6], người Thiên Trường phủ triều Trần, nay thuộc tỉnh Nam Định, vùng ngoại thành thị xã Nam Định. Theo Nguyễn Lang, tác giả quyển “Việt Nam Phật giáo sử luận” ghi chép: Tuệ Trung là một con người có khí lượng thâm trầm, phong thần nhàn nhã. Lúc nhỏ, ông đã tỏ ra có bẩm chất cao sáng, thuần hậu, và yêu mến đạo Phật. Lớn lên, Tuệ Trung được cử trấn đất Hồng Lộ, tức là Hải Dương bây giờ. Ông đã có công trong việc ngăn giặc Bắc xâm lăng. Sau được thăng chuyển giữ chức tiết độ sứ trấn giữ hải đạo Thái Bình. Sau ông lui về ấp Tịnh Bang (nay là huyện Vĩnh Lại, làng Yên Quảng) và đổi tên là Vạn Niên, tự hiệu là Tuệ Trung. Tại thực ấp của ông, ông có dựng lên Dưỡng Chân Trang làm nơi tọa thiền và tu niệm[7].
Tuệ Trung một đời chuyên tâm tham thiền học đạo, không màng đến những phù hoa thế gian, nhưng gặp những lúc đất nước ngui nan (tức lúc bấy giờ, giặc Nguyên Mông xâm chiếm bờ cõi nước Nam), ông tích cực tham gia kháng chiến ở cả ba trận chiến (1257, 1285 và 1288)[8] (?). Vì bảo vệ quốc thổ, ông đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, do thế đã được triều đình ngợi khen, ban thưởng. Tuy nhiên, ông đối với chốn quan trường không chút hứng thú, ngày ngày lấy thiền duyệt làm niềm vui. Ông không xuống tóc xuất gia, mà lấy thân phận của một cư sĩ, tích cực tham gia các hoạt động Phật sự, cứu đời, giúp người như các nhà xuất gia đích thực, và rồi cuối cùng ông đã đắc pháp với thiền sư Tiêu Dao[9], thế kỷ thứ 16 thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông.
Sinh tiền, Tuệ Trung sáng tác không ít thiền ca, vần kệ mang tư tưởng tùy duyên, nhập thế; những tác phẩm ấy của ông đã được kết tập trong “Thượng sĩ ngữ lục”, rất nổi tiếng. Thông qua những áng văn chương sáng tác đó, đã lưu lại một dấu ấn tâm linh sâu sắc trong thiền đạo, đã góp phần cống hiến không nhỏ cho nền văn học thiền và văn học trung đại Việt Nam. Có thể nói, ông là một nhà thơ, một thiền sư tại gia nổi tiếng trong thời nhà Trần. Ông cũng là một trong những nhân vật trụ cột trong quá trình hình thành sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm Yên tử, một thiền phái mang màu sắc rất Việt Nam[10]. Học thuyết tư tưởng của ông chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu tư tưởng của ông, đặc biệt là tư tưởng nổi bật “Tức tâm tức Phật” được thể hiện trong bài thơ “Phật Tâm Ca”, giúp chúng ta có một cái nhìn trọn vẹn hơn về giá trị tư tưởng thiền học của ông, và đồng thời càng hiểu rõ thêm tư tưởng nhập thế của Phật giáo thời nhà Trần Việt Nam.  
          
II. TÔNG CHỈ TU HÀNH
Trước tiên, chúng ta thử tìm hiểu tư tưởng tu hành cốt lõi của Tuệ Trung là gì. Tư tưởng ấy có lẽ là tư tưởng tu thiền của thiền Tiêu Dao và thiền phái Trúc Lâm. Nói như tác giả Thích Chơn Thiện, tư tưởng then chốt, hay tông chỉ ở đây thực sự là bí quyết quyết định công phu đi vào Tâm và Tuệ giải thoát[11]. Trong tác phẩm “Tam Tổ Thực Lục” có ghi lại rằng, một hôm Nhân Tông hỏi Tuệ Trung rằng, tôn chỉ tu hành ấy nên tìm ở đâu? (其本分宗旨在何處?- Kỳ bản phân tông chỉ tại hà sở?). Tuệ Trung ứng đáp: Hãy quay về tự thân mà tìm lấy tông chỉ ấy, không thể đạt từ ai khác (返光自己本分事,不從他得 - Phản quang tự kỷ bản phân sự, bất tùng tha đắc). Từ đó, Nhân Tông hốt nhiên đại ngộ. Trở về chính mình để kiếm tìm tông chỉ ấy chính là nói rõ rằng bản thân mỗi một người sẵn có ánh sáng tuệ giác: Phật tính/Thánh nhân. Đồng quan điểm này, trong tiêu mục “Lương Tri thị vị Thánh” (Lương tri là Thánh nhân), Trần Lai đã đề cập đến quan niệm Lương tri của Dương Minh cũng tương tợ như vậy. Ông dẫn bài thứ nhất vịnh thơ Lương Tri nói: “Trong mỗi một con người đều có Trọng Ni”, từ đó ông phát triển giải thích như sau: “Mỗi một người từ gốc độ bản tâm mà nói đều là Thánh nhân. Đương nhiên, bản tâm đó trong tất cả con người hiện thực đều bị che lấp, do vậy mà, chỉ là Thánh nhân đang tiềm tại, mà không phải là Thánh nhân của hiện thực. Cách nói này từ phương diện Lương tri mà xem xét thì chỉ Lương tri là  căn cứ nội tại mà mỗi một người đều có thể thành Thánh, cơ sở này là hoàn toàn đầy đủ, không khiếm khuyết”[12]. Nếu như Dương Minh xem Lương tri của mỗi một người như là mầu mống của Thánh nhân, thì Tuệ Trung cũng xem Tâm của mỗi một người là Phật, không khác. Xem ra, quan điểm của hai nhà chịu ảnh hưởng tư tưởng “Tức tâm tức Phật” của Phật giáo thiền tông.
Phật giáo cho rằng, con người muốn giải thoát khổ đau, đạt đến cảnh giới cao nhất, trước hết phải đối diện với chính mình, trở về với con người đang hiện hữu này, phải hiểu rõ thực thể đang tồn tại này là gì. Xưa kia, tăng sĩ và cư sĩ Phật giáo cũng truy tìm cái gọi là tông chỉ ấy, nhưng hầu hết đều tập trung ở cuộc sống thoát tục, hoặc trong nếp sống gia đình. Các vị thiền sư đời Trần, dù là tăng sĩ, hay là cư sĩ, đa phần đều hướng về tinh thần nhập thế. Phật giáo thời xưa, hay Phật giáo đời Trần, có lẽ đã linh động: ứng xử và tu hành theo tinh thần tùy duyên, thực hiện sự nghiệp độ đời thích hợp với tình hình cụ thể. Thế là, trong thời kỳ này, những lễ nghi, giới luật, tụng kinh, gõ mõ, dùng chay, ăn mặn,...tất cả đều trở nên không quan trọng, mà vấn đề quan trọng nhất chính là những hành động giúp người, cứu đời, xây dựng, gìn giữ và bảo vệ tổ quốc. Tinh thần nhập thế này của các vị thiền sư đời Trần vô cùng nổi bật, như Lí Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Thánh Tông,...Các vị không chỉ là thiền sư, mà còn là hoàng đế của triều Đình. Trong đó, nhân vật đặc biệt không thể thiếu sót, đó chính là thiền sư cư sĩ Tuệ Trung. Ông vừa là thiền sư, vừa là danh tướng của hoàng tộc đời Trần. Nước Nam gặp thời loạn lạc, ông dốc sức toàn tâm phò trợ các hoàng đế, bảo vệ tổ quốc, đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, sau đó được thăng nhậm chức thái bình tiết độ sứ như phần mở đầu đã đề cập. Những trường hợp này nói rõ rằng, tinh thần Phật giáo lúc bấy giờ rất tùy duyên- không câu nệ vào hình thức bên ngoài. Một khi nhìn thâu vạn sự vạn vật trên đời đều được cấu tạo nên bởi tính duyên khởi, là giả danh, không thật, thì hành giả có thể buông bỏ mọi ngã chấp hữu vô—tức khắc, tâm Phật sẽ hiện hữu. Điều này cố nhiên như tác giả Thích Chơn Thiện cô kết[13], là nội dung mà các thiền sư đời Trần đã chứng đắc, đồng thời đấy cũng là nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh vĩ đại, làm sáng ngời lịch sử một thời của triều Trần nói chung, cũng như của Phật giáo Việt Nam nói riêng.
III. HÒA QUANG ĐỒNG TRẦN
Như trước đã trình bày, Tuệ Trung là một cư sĩ ngộ đạo, kiến thức thiền học của ông uyên thâm. Ông vốn có cuộc sống của một người thế tục mỹ mãn, nhưng ngược lại, ông đã sống một cuộc đời giản đơn giống như một tăng nhân, luôn thành kính mộ đạo, chuyên nghiên cứu Phật pháp, đồng thời trong đời sống bình dị hằng ngày hiển lộ một phong cách thiền học vô cùng siêu việt, thoát tục, chỉ có những con người thực chứng ngộ đạo như ông mới có khả năng thể hiện được điều đó. Ông là người thuộc dòng tộc vua quan cao quý, lại là danh tướng trong triều đình. Nhưng không vì vậy mà bị công danh lợi lộc của chốn phù dung đẩy đưa, trói buộc. Ông nhìn thâu trần thế, rằng chiếc thân này, hay hết thảy vinh hoa phú quý,...tất cả rốt cuộc rồi cũng sẽ đổi thay, biến hoại, như những áng mây bay trên bầu trời bao la không tận kia, hay như những dòng thời gian không có điểm cuối cùng mải miết tuôn chảy này. Chúng dịch chuyển theo lẽ vô thường, thành- trụ- hoại- không, quy luật muôn thuở của vạn hữu:
功名富貴等浮雲,
身世光陰若飛箭(《凡聖不異》)
Công dân phú quý đẳng phù vân,
Thân thế quang âm nhược phi tiễn. (Phàm Thánh bất dị)
Công danh, phú quý... như áng mây trôi,
Cảnh đời, thời gian... tợ tên bắn. (Phàm và Thánh không có khác nhau)
Nhận chân về thực tại như vậy, không có nghĩa là ông chuẩn bị tâm lý sống gấp, một thái độ dửng dưng, hay tìm cách bỏ trốn trần gian huyễn mộng, còn đầy huyền bí này, mà mục đích nhận chân mọi hiện hữu như thật là để, tìm lối sống đúng và ý nghĩa ngay tại thế gian này. Ông cho rằng, tu thiền mà cụ thể ở đây, là biết áp dụng giáo lý nhà Phât vào công cuộc xây dựng đạo Pháp và dân tộc một cách cụ thể, linh động và thực tế, mới là con đường duy nhất có khả năng cứu cánh chính mình và cuộc đời ô trọc này. Do đó, trong những thiền ca, hay những ngữ ý mà ông thốt ra, hầu hết đều chứa chan tư tưởng nhập thế, khát vọng hòa Đạo vào đời của ông. Ông chủ trương Phật pháp tại thế gian, không nên xa rời cuộc sống thực tại để tìm cầu Phật. Hành thiền không chỗ nào mà không thể; không thao tác nào không thể. Ăn cơm, uống nước, học tập,...tất cả hoạt động đó của chúng ta nếu chánh niệm, đều có thể là thiền, cho nên mới gọi là “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mích bồ đề, kháp như cẩu thố giác”[14]. Có nghĩa là, khi tâm hòa bình, hành vi quang minh chánh đại, thì không nhất thiết phải đến tự miếu, cũng không nhất thiết dồn hết tâm trí tu thiền; khi tâm dao động không tốt, suốt ngày ngồi thiền cũng không đạt được điều gì. Có lẽ như thế, cho nên Trần Nhân Tông đã có lần xưng tán ông như sau: Tuệ Trung sống giữa lòng đời, “hòa lẫn ánh sáng của mình vào bụi trần, chưa hề có tâm hại người và vật, cho nên có thể tiếp nối hạt giống Thánh, có thể dìu dắt những kẻ sơ cơ, bất cứ ai đến học hỏi đều được chỉ bày rõ ràng phần cương yếu của đạo Pháp, khiến họ có chỗ nương tựa, tính cách phóng khoáng lúc ẩn lúc hiện, không bị ràng buộc, ông không chấp vào hình thức bên ngoài”[15] (hỗn tục hòa quang, dữ vật vị thưởng xúc ngố, cố năng thiệu long pháp chủng, dụ dịch sơ cơ, nhân hoặc tham tầm, lược thị cương yếu, linh kỳ trú tâm, tính nhậm hành tàng, đô vô danh thực).
“Hòa quang đồng trần” vốn là một từ ngữ của đạo Lão. Tính đồ Phật giáo đã mượn nó để miêu tả thái độ dấn thân và hòa mình. Nghĩa là, thân thể này mặc dù hòa đồng với trần thế, nhưng trái lại, không bị nhiễm bởi thế tục, mà là tùy tục. Trong “Việt Nam Phật giáo sử luận” của Nguyễn Lang có ghi lại câu chuyện đầy thú vị liên quan đến tính đồng trần, tùy duyên như sau: Thái Hậu Thiên Cảm lúc còn tại thế, một hôm trong cung mở tiệc thiết đãi thịnh soạn, mời Tuệ Trung vào tham dự, trên bàn gồm có các món ăn mặn và chay, nhưng ông gặp gì ăn đó, gặp rau ăn rau, gặp thịt ăn thịt, không có phân biệt. Thái Hậu cảm thấy kỳ lạ bèn hỏi: “Anh tu thiền mà ăn thịt, làm sao có thể thành Phật được”. Ông cười rồi nói: “Phật là Phật, anh là anh, anh không cần thành Phật, Phật cũng đâu cần thành anh, em không nghe cổ đức nói sao: “Văn thù là Văn Thù. Giải thoát là giải thoát?’”[16]. Do đó, có thể thấy thiền của Tuệ Trung tự tại giải thoát, không chấp vào hình tướng giới điều, không nhận bất cứ sự bó buộc nào. Trong cuộc sống hằng ngày, nếu ý thức được nhịp thở của con tim, ý thức được hành vi, cử chỉ rồi nuôi dưỡng khơi dậy tình thương yêu trong từng ý niệm mỗi phút giây của chính ta, đấy là thiền. Đơn giản thế thôi:
行亦禪,
坐亦禪,
一朵紅爐火裏蓮 (《佛心歌》)
Hành diệc thiền,
tọa diệc thiền,
nhất đóa hồng lô hỏa lý liên. (Phật Tâm ca)
Đi cũng thiền,
ngồi cũng thiền,
một đóa hoa sen trong lò lửa rực. (Bài ca Tâm Phật)
Dưới ánh sáng duyên khởi, mọi hiện hữu của trần thế nương tựa và hỗ trợ lẫn nhau, không thể tách rời, lìa xa: cái này có mặt thì cái kia có mặt, và ngược lại. Đó là lý do ông phát biểu một đóa hoa sen (“liên”) có mặt trong (“lý”) lò lửa đỏ rực (“hồng lô hỏa”). Với ông, vạn pháp thâu nhiếp, hòa quyện trong nhau, dù các hiện tượng ấy theo nhãn quan của người đời có khi lại là trái ngược, đối lập, khó thể chấp nhận. Từ nguyên lý này, ông đưa ra cặp mệnh đề quan hệ “nếu...thì...” để thuyết minh sự tồn tại trong nhau của vạn hữu tương sinh tương diệt này:   
若心生時是佛生,
若佛滅時是心滅(《心佛歌》)  
Nhược tâm sinh thời Phật sinh,
Nhược tâm diệt thời Phật diệt. (Phật Tâm ca)
Nếu Tâm sinh, thì Phật sinh,
Nếu Phật diệt, thì Tâm diệt. (Bài ca Tâm Phật)
Tâm, hay Phật, đều hiện hữu giữa cõi phù dung, kiều diễm này là thế đó. Phật là hạt giống của tình yêu không biên giới trong tâm, tình yêu ấy được xây dưng trên cơ sở, nền tảng của chất liệu hiểu biết. Vì vậy, hạt giống Phật trong tâm này dù thị hiện giữa trần tục, nhưng tuyệt nhiên không bị nhiễm hồng trần, như hoa sen sinh giữa chốn bùn lầy mà không bị bùn lầy làm nhiễm ô:
秋光黑白隨緣色,
蓮蕊紅香不著泥。(《示眾》)
Thu quang hắc bạch tùy duyên sắc,
Liên nhị hồng hương bất trước nê. (Thị chúng)
Trắng đen trong ánh sáng mùa thu là tùy theo sắc màu kết hợp của duyên,   .
Mùi hương hồng thắm trong nhị sen tỏa ra không chút nhuốm bùi lầy. (Dạy bảo mọi người)
Kỳ thực, chủ trương nhập thế trong kinh điển Phật giáo nguyên thỉ, vốn không phải hoàn toàn không có, chỉ là rất ít thấy mà thôi; có thể nói, chủ trương này mãi đến “đời Đường Trung Quốc mới sản sinh một Trung Quốc hóa Phật giáo thật sự – thiền tông”[17] thì càng thêm rõ ràng hơn. Nhân vật đại biểu cho thời đại này là Lục Tổ Huệ Năng (638-713), người Trung Quốc. Trong “Lục Tổ Pháp Bảo Đàn Kinh” ông nói: “Tìm Phật hướng vào tính này, chớ tìm ngoài thân. Tự tính mê tức chúng sinh, tự tính giác tức Phật. Từ bi tức Quan âm, hỉ xả gọi là Thế Chí, năng tịnh tức Thích Ca, bình dị và ngay thật là Di Đà,...hư vọng là quỷ thần...tham sân là địa ngục, ngu si là súc sinh”[18] (Phật hướng tính trung tác, mạc hướng thân ngoại cầu. Tự tính mê tức thị chúng sinh, tự tính giác tức thị Phật. Từ bi tức thị Quan Âm, hỷ xả danh vị Thế Chí, năng tịnh tức Thích Ca, bình trực tức Di Đà,...Hư ngụy thị quỷ thần...tham sân thị địa ngục, ngu si thị xúc sinh). Như vậy, Phật hay quỷ/ Thánh hay phàm/ phiền não hay Bồ đề, đều ở trong tâm. Xa rời tâm, thì mãi mãi không thể tìm thấy Phật. Ông đã dùng lý luận cao sâu khó hiểu, biến thành tôn giáo trong cuộc sống hằng ngày, đã đặt nền móng lý luận của thiền tông nói chung.
Thiền tông từ Trung Quốc truyền vào Việt Nam vừa có hệ thống truyền thừa, và hẳn nhiên vừa có đặc tính riêng của thiền tông Việt Nam. Đó là điều tất nhiên. Bởi vì, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có địa hình, phong thổ,...tạo nên con người có đặc điểm riêng biệt, nếu chúng ta áp dụng như đúc các hệ thống tư tưởng thuộc quốc thổ nào đó vào đất nước mình thì hệ thống đó sẽ chết dần, chết mòn. Vì vậy, như một quy luật hiển nhiên, sau khi tiếp nhận, kế thừa một hệ thống tư tưởng mới nào đó, muốn thích nghi, muốn tồn tại lâu bền, thì tự thân nó sẽ thay đổi. Sự thay đổi này, đương nhiên sẽ tạo ra một nét riêng, rất riêng của dân tộc đó. Cho nên, không có gì là lạ khi nhiều học giả nghiên cứu về thiền tông thời Lý- Trần đều có nhận định chung là thiền phái này mang kiểu cách rất riêng của Việt Nam. Nhưng nếu cho rằng, thiền phái này hoàn toàn là của Việt Nam, thì người viết cho là khập khiểng. Bởi vì, phán định như thế có khi chúng ta vô tình phủ nhận sạch trơn nguồn gốc sản sinh ra nó. Giống như chúng ta thường hay ca ngợi hoa sen trong bùn, mà ít ai ca ngợi chính bùn nhơ đó đã làm nên chất liệu hoa sen thơm ngát.              
Trở lại vấn đề, Phật giáo ra đời cố nhiên không phải vì bản thân của nó, mà là vì thực tại cuộc sống. Hòa quang đồng trần, hay hòa mình vào đời sống, nghĩa là phải dấn thân vào trần thế, vì con người mà phục vụ. Trên cơ sở đó, Tuệ Trung đã phát biểu tinh thần nhập thế này dưới nhiều góc độ khác nhau. Ông đặc biệt không chỉ dừng lại ở những phát ngôn mang tính thuyết giáo, mà còn là người tiên phong trong tinh thần ấy. Qua trải nghiệm, ông ý thức được rằng, muốn đạt đến chân lý tuyệt đối, ở đây chính là cảnh giới niết bàn, thì không thể đi tìm đâu đó xa xôi, mà ngay chính tại con người đang tồn tại này. Ông nói:
涅槃生曼羅籠,
煩惱菩提閑對敵(《心佛歌》)
Niết bàn sinh tử mạn la lung
Phiền não Bồ đề nhàn đối địch. (Phật Tâm ca)
Niết bàn, sinh tử buộc ràng suông,
Phiền não, Bồ đề đối địch rỗng. (Bài ca Tâm Phật)
Có lẽ, nguồn gốc tạo nên khổ đau của chốn tà huân này chính là do tâm sai biệt của chúng ta. Do vậy, để giải quyết vấn đề sinh tử, thì không còn con đường nào khác ngoài việc đánh tan khái niệm lưỡng nguyên trong ý niệm của con người. Với ông, kinh điển, giới luật, niệm Phật, cho đến các hình thức khác trong Phật giáo đều chỉ có tác dụng giới thiệu con đường, phương hướng, phương thức sống. Sống có ý nghĩa, chính là sống đúng (bao gồm làm ăn, buôn bán chân chính, gọi là chánh nghiệp; sinh sống, cư xử theo tinh thần lục hòa, gọi là chánh mạng) trong từng giây phút hiện tại, khoảnh khắc này và tại đây. Ảo tưởng về một tương lai, hay hoài niệm về một quá khứ không cần thiết, không phải là lối sống đưa đến một cuộc sông hạnh phúc miên trường. Chân lý vốn tồn tại trong cuộc đời bình dị, trong từng bước chân này, mà không bị câu thúc bằng các quy ước, điều lệ, phép tắc được dệt nên bởi đầu óc hữu hạn của con người. Một khi nhận thức được một cách sâu sắc như vậy, thì ái thủ, chấp trước không còn hiện hữu nữa, lúc ấy giới luật, và các hình thức khác sẽ chẳng còn ý nghĩa gì. Có lần Nhân Tông hỏi ông tội báo có thể gây ra do việc ăn thịt uống rượu. Ông bảo rằng vấn đề quan trọng của giải thoát là phải vượt qua cả tội lẫn phước, mà không phải là vấn đề chọn lựa giữa một trong hai:
持戒兼忍辱,
    
招罪不招福。
    
欲知無罪福,
     非持戒忍
(《持戒兼忍辱》)
Trì giới kiêm nhẫn nhục,
Chiêu tội bất chiêu phước.
Dục tri vô tội phước,
Phi trì giới nhẫn nhục. (Trì giới kiêm nhẫn nhục)
Giữ giới kiêm nhẫn nhục,
Gây tội không sinh phước.
Muốn siêu việt tội phước,
Chớ giữ giới nhẫn nhục. (Giữ giới ki
êm nhẫn nhục)
Kỳ thực, “giữ giới” và “nhẫn nhục” nếu đứng trên bình diện đạo đức luân lý xã hội và ứng xử giữa người với người, giữa người với vật mà nói thì không thể tùy tiện cho là không quan trọng, rồi từ đó sống một cách phóng túng, buông thả; tuy nhiên, nếu đứng trên bình diện giải thoát thì, cần loại trừ khái niệm lưỡng nguyên ấy. Từng nào con người còn hiện hữu tâm chấp trước bên này, hay bên kia, tức biên giới giữa tà và chánh/tội và phước/sinh tử và Niết bàn, thì từng đó chưa thể đạt được quả vị tối thượng. Từ đây, có thể hiểu được sự tự tại giải thoát của Tuệ Trung, cầu đạo không chấp tướng, không xem vấn đề giữ giới, nhẫn nhục là tội- phước nữa, cũng không xem việc ăn uống sẽ đưa đến tội, hay vô tội, vì tâm và cảnh đối với ông mà nói đều là không, chính vì vậy bất cứ chỗ nào cũng có thể thể hiện Ba la mật:
如人上樹時,
安中自求危。
如人不上樹, 
風月何所為?(《持戒兼忍辱》)
Như nhân thượng thụ thời,
An trung tự cầu nguy,
Như nhân bất thượng thụ,
Phong nguyệt hà sở vi? (Trì giới kiêm nhẫn nhục)
Như khi người leo cây,
Đang yên bỗng tìm nguy.
Không trèo lên cây nữa,
Trăng gió làm gì được? (Giữ giới ki
êm nhẫn nhục
Hình ảnh con người leo lên cây (“nhân thượng thụ”) trong khổ thơ trên, giống như em bé mà Nguyễn Lang đã miêu tả: “... hình ảnh một đứa bé ngồi trong phòng một mình ban đêm thấy bóng mình chiếu lên tường và tưởng đó là một ông ba bị đến dọa mình, đâm ra sợ hãi và chạy trốn quanh phòng, nhưng chạy đến đâu cũng bị chiếc bóng của mình theo đuổi. Nỗi khổ của đứa trẻ là do chính nó tự tạo ra vì cái nhìn “nhị kiến” của nó”[19].
Như vậy, đối với các phạm trù đối lập: sinh tử và Niết bàn/phiền não và Bồ đề/hữu và vô v.v…có thể nói, đến đây Tuệ Trung đã thâu hiểu một cách triệt để. Đối với những tư tưởng này, có lẽ trước đây đã được các vị thiền sư thiền tông Việt Nam đã đề cập. Chỉ có điều, những quan điểm đó có thể là giải quyết chưa thông đạt, khó trở thành hệ thống lý luận chỉnh thể. Vậy thì, có quá không khi đi đến kết luận tư tưởng Phật giáo nhập thế giai đoạn này đã được Tuệ Trung nâng lên một bước hoàn chỉnh, rõ ràng và có hệ thống hơn. Đấy là đặc trưng và là diện mạo mới mà Phật giáo đời Trần mang đến. Do đó, tu thiền với Tuệ Trung không chỉ giới hạn ở tự viện, thâm sơn, cùng cốc, càng không hạn định ở việc tụng kinh, gõ mõ, mà hành thiền lúc này được hiểu rộng và thoáng hơn. Tức chỗ nào cũng có thể hành thiền, thậm chí để bảo vệ giang san, bảo vệ chính nghĩa, ngay trên chiến trường cũng có thể hành thiền. Hành thiền lúc này, được hiểu là tham gia chiến đấu. Đây không chỉ dùng tư duy bạo lực khống chế bạo lực, mà còn biến tư duy này thành hành động hiện thực. Lấy bạo lực thay trời hành Đạo[20], có lẽ là khát vọng mà các tác giả của các tác phẩm như “Tây Du Ký”, “Thủy Hử” và các tác phẩm truyền kỳ kinh điển khác trước đây muốn biểu đạt, vươn đến. Nếu như, Hảo Hán trong “Thủy Hử”, Tôn Ngộ Không trong “Tây Du Ký”, cho đến nhân vật Tế Điền hòa thượng có thể chỉ loại nhân vật mang màu sắc truyền kỳ, lý tưởng thì, Tuệ Trung trái lại, là một danh tướng có thật ngoài đời. Dựa vào hành động của ông mà rõ rằng, chiến trường có lúc được hiểu là thiền đường; từ điểm này không ngại đưa ra kết luận, đây chính là tính đặc sắc, đặc biệt trong thiền tông Việt Nam.
IV.      TỨC TÂM TỨC PHẬT
Thiền pháp của Tuệ Trung không những nhắm đến việc đập vỡ ngôn ngữ khái niệm, mà còn khiến cho học trò có thể dùng tâm vô phân biệt đi thẳng vào thế giới thực chứng. Tâm phân biệt này chính là ranh giới nhị nguyên giữa mê và ngộ, giữa Thánh và phàm. Đây quả là một phương pháp đốn ngộ của đại thừa. Phương pháp này có thể nói chỉ có những người có căn trí tinh thông đặc biệt mới có khả năng lĩnh hội thấu đáo. Thông thường một khi chúng ta đưa ra vấn đề giải thoát, thì trong đầu óc của chúng ta lập tức nghĩ đến một biên giới thứ hai, ngoài biên giới thứ nhất. Tức cặp phạm trù đối lập: triền phược với giải thoát/phàm với Thánh/sinh từ với Niết bàn. Như vậy có nghĩa là, hành giả thầm tự thừa nhận trạng thái nhị nguyên trong thế giới thực tại này. Nếu như cho rằng, chúng ta đang ở trong biên giới triền phược, phàm, sinh tử, dĩ nhiên chúng ta sẽ nghĩ đến biên giới đối lập thứ hai. Nghĩa là, lúc ấy chúng ta muốn lìa bỏ vị trí bên trong chúng ta, để đi tìm một vị trí đâu đó ngoài vị trí hiện tại này, tức vị trí giải thoát, Thánh, Niết bàn...; do đó, đối tượng mà chúng ta nỗ lực tìm kiếm vô tình trở thành một vật ngoại thân. Ông cho rằng, chính biên giới phân biệt ấy là cội nguồn, gốc rễ của khổ đau. Cội nguồn khổ đau này có có danh xưng khác gọi là nhị kiến- cái thấy méo mó, heo hắt, không như thực tại :
身從無相本來空,
幻化分差成二見。
我人似露亦似霜,
凡聖如雷亦如電。
............
瞥起星兒憎愛情,
似覓饅頭而棄麵。
眉毛尖橫鼻孔垂,
佛與眾生都一面。
孰是凡兮孰是聖,
廣劫搜尋沒根性。
非心無是亦無非,
無見非邪也非正。
............
覺他覺自撥迷途,
遍界清涼熱病(《凡聖不異》)
Thân tùng vô tướng bản lai không,
Huyễn hóa phân sai thành nhị kiến.
Ngã nhân tự lộ diệc tự sương,
Phàm Thánh như lôi diệc điện.
……
Phách khởi tinh nhi tằng ái tình,
Tự mịch man đầu nhi khí miến.
Mi mao tiêm hoành tỵ khổng thùy,
Phật dữ chúng sinh đô nhất diện.
Thục thị phàm hề thục thị Thánh,
Quảng kiếp sưu tầm một căn tính.
Phi tâm vô thị diệc vô phi,
Vô kiến phi tà dã phi chánh.
……
Giác tha giác tự bát mê đồ,
Biên giới thanh lương tô nhiệt bệnh. (Phàm Thánh bất dị)

Thân từ vô tướng, vốn là không,
Hư huyễn phân chia, thành nhị kiến.
Ta, ngườ
i như móc, cũng như sương,
Phàm, Thánh như sấm cũng như chớp.
......
Yêu, ghét như mắt liếc ánh sao,
Như tìm bánh bao mà bỏ bột.Mày ngang, mũi dọc đều như nhau,
Mặt Phật v chúng sinh là một.Ai là phàm chừ, ai là Thánh?
Muôn kiếp kiếm tìm không căn tánh.
Không tâm thì chẳng thị, chẳng phi,
Không thấy thì nào có tà chnh.
……
Hiểu mình rõ người, thoát đường mê,
Khắp nơi mát rượi, hết bệnh tật. (Phàm và Thánh không có khác nhau)
“Vô tướng” ở đây là không có trạng thái quyết định, không có bản chất độc lập. “Thân” chỉ là do phục hợp thể của ngũ ấm tập hợp mà thành, mà bản chất của nó là “không”. Như vậy, “vô tướng” ở đây tức là vô ngã, “bản lai không”. Bởi vì, tất cả sự vật đều là do các nhân tố cơ bản hòa hợp tạo nên, cho nên bản thân của sự vật vốn không có tính quy định của tự thân, vì vậy mà chúng huyễn hoặc không thật có. Từ tính giả hợp này, chúng ta khó để phân biệt giữa tự thân với tha thân/phàm với Thánh/Phật với chúng sinh. Tự/tha/phàm/Thánh/Phật vốn tồn tại trong ý niệm của chúng ta. Nếu ý niệm không thực sự tồn tại, thì thị phi/chánh tà/sắc không/hữu vô cũng phi hiện hữu: “Phi tâm vô thị diệc vô phi, vô kiến phi tà dã phi chánh”.
Cùng với khao khát đập tan thế giới lưỡng nguyên, ông còn đề cập đến tư tưởng “Tức tâm tức Phật”. Tư tưởng này có lẽ bắt nguồn từ thiền pháp Mã tổ Đạo Nhất (709- 788) thiền tông triều Đường Trung Quốc, vốn có nội hàm đặc sắc. “Tức tâm tức Phật” biểu thị tâm và Phật không hai, tâm vô phân biệt, tin rằng tâm mình là Phật, tâm này tức là Phật. Trong thiền ca của ông, chúng ta dễ dàng phát hiện sự tự tại giải thoát, không nhận bất cứ sự bám víu, ràng buộc nào. Đấy cũng là phong cách thiền pháp của Mã tổ Đạo Nhất:
默默默, 沈沈沈, 萬法之心即佛心。 佛心卻與我心合, 法爾如然亙古今。(《心佛歌》)
Mặc mặc mặc,
Trầm trầm trầm,
Vạn pháp chi tâm tức Phật tâm.
Phật tâm khước dữ ngã tâm hợp,
Pháp nhĩ như nhiên hằng cổ kim. ( Phật tâm ca)
Lắng! Lắng! Lắng!
Trầm! Trầm! Trầm!
Tâm vạn vật tức tâm Phật. Tâm Phật hợp với tâm ta,
Lẽ ấy như vậy suốt xưa nay. (Bài ca Tâm Phật)
“Phật tâm” châu biến khắp trần gian, trong ta và trong cả vạn pháp. Lắng! Lắng! Lắng!/Trầm! Trầm! Trầm! Hãy lặng yên! Hãy lắng nghe “tâm” đang trôi chảy! Tâm vạn pháp, tâm Phật và tâm ta là ba tâm, hay chỉ là một tâm? Có thể là ba, mà cũng có thể là một. Thật khó! Thật khó!... Cho dù thế nào, qua cách nói của ông, ta thấy rằng tâm của con người khế hợp với tâm Phật, có khi ông lại thu gọn, quả quyết tâm ta chính là tâm Phật. Rộng hơn, “Tâm của vạn pháp” cũng là tâm Phật. Nghĩa là, Phật không phải ở tận Tây phương, mà Phật chính là ở tại trong cõi lòng mỗi người, trong cõi lòng của pháp giới. “Vạn pháp”, bao gồm đại từ ngôi thứ nhất là tôi, đại từ ngôi thứ hai là bạn, và là đại từ ngôi thứ ba là anh ta/chị ấy đều có “tâm Phật”, đều có bản tâm thanh tịnh, giống như Trần Nhân Tông có lần nói: Tâm tịnh độ thuần khiết, bất tất hỏi tây phương; tính sáng trong Di Đà, không cần phải nhọc công cầu ở chốn Cực lạc (Tịnh độ thuần khiết chi tâm, bất tất vấn hướng Tây phương; Di Đà minh triệt chi tính, hà khổ biến cầu Cực lạc).
Theo quan điểm nhà Phật, hết thảy chúng sinh đều có Phật tính. Phật mỗi lúc mỗi nơi đều ở trong bạn, bên bạn, lắng nghe và có khả năng sẻ chia những nỗi khổ đau của bạn. Bạn không cần phải lao tâm khổ tứ hướng ngoại truy tầm Phật, càng hướng ngoại truy tầm, thì càng cách xa mục đích của mình. Hướng ngoại truy tầm khác nào bỏ gốc tìm ngọn, quên hình tầm bóng, cho đến khi nào giác tri Phật ấy chính là ta, chứng đắc Phật tính phải là từ nội tâm, không chịu sự mê hoặc, chi phối từ bên ngoài. Phật tính không phải ở một nơi nào đó xa xôi, mà ở ngay trong lòng của mỗi chúng ta: “Phật ở trong nhà, không cần cầu mong chứng đạt” (Phật tại gia trung, mạc yếu đạt cầu). Chính vì thế, “hữu” và “vô” khởi niệm, liền không có vọng tâm vọng tưởng, nhờ vậy mà vô tham, an nhiên tự tại, cho nên cái mà Tuệ Trung truy cầu chính là “bản tính thanh tịnh”. Ông đã sống trong cõi trần tục, nhưng không hề bị nhiễm ô, đến đi tự do không bị buộc ràng, mắc vướng.
Tuệ Trung vì việc xiển dương “có thể quên cái nhìn lưỡng nguyên, pháp giới dung chứa trong nhau”[21] (năng vọng nhị kiến, pháp giới thuộc bao dung) mà cất cao tiếng hát Phật tâm một cách hào sảng. Ông một mực cho rằng trong cuộc sống bình thường đang chảy trôi này, Phật và ta vốn không có sự sai biệt. Hạt giống từ bi trong lòng chúng ta là “chân nhân”, là Phật; ý niệm tham sân si dấy khởi là “giả nhân”, là quỷ. Mỗi người cần trở về bản lai diện mục của chính mình, trở về con người chân thật (chân nhân) ấy. Điều này có lẽ là một thông điệp mà Tuệ Trung muốn gửi gắm đến loài người, đồng thời đấy cũng chính là giá trị cuộc sống cao thượng nhất của nhân loại.
Quan điểm “Tức tâm tức Phật” có khả năng cung cấp cho con người một lý tưởng sống hòa mỹ, đủ để tạo ra một cảm hứng sáng tạo hướng thượng. Giá trị của nó không những có ích cho đời sống hiện tại, mà còn giúp ích cho một tương lai xa. Quan điểm này hẳn nhiên không tách rời nguyên lý Duyên khởi. Nguyên lý này thuyết minh rằng có “Tâm” mới có “Phật”, không có “Tâm” thì “Phật” cũng không.Nghĩa là, vạn vật trong vũ trụ sum la vạn tượng này rõ ràng không phải tạo nên bởi những thành tố đơn lẻ, mà được dệt nên bởi các mối quan hệ xen kẽ, chằng chịt, và với con mắt thường của con người có khi có thể nhìn thấy và cũng có khi không thể nhìn thấy, Phật giáo gọi mối tương quan đó là nguyên lý Duyên khởi. Ngay khái niệm về Phật, cũng bị chi phối bởi lẽ sinh sinh diệt diệt ấy:
佛佛佛不可見,
心心心不可說。
若心生時是佛生,
若心滅時是佛滅。
滅心存佛是處無,
滅佛存心何時歇。
欲知佛心生滅心,
直待當來彌勒決。(《佛心歌》)
            Phật Phật Phật bất khả kiến,
Tâm tâm tâm bất khả thuyết.
Nhược tâm sinh thời Phật sinh,
Nhược tâm diệt thời Phật diệt.
Diệt tâm tồn Phật thị xứ vô,
Diệt Phật tồn tâm hà thời yết.
Dục tri Phật tâm sinh diệt tâm,
Trực đãi đương lai Di Lặc quyết. ( Phật tâm ca)
Phật! Phật! Phật! không thể thấy,
Tâm! Tâm! Tâm! không thể nói.
Khi tâm sinh, thì Phật sinh,
Khi Phật diệt, thì tâm diệt.
Diệt tâm còn Phật, chuyện không đâu,
Diệt Phật còn tâm, bao giờ thôi.
Muốn biết tâm Phật, tâm sinh diệt,
Hãy đợi sau này, Di Lặc quyết. (Bài ca tâm Phật)
Muốn nhận biết tâm sinh diệt trong lòng Phật, hay nói cách khác muốn nhận biết chính xác về chân lý tuyệt đối, thì hãy buông bỏ sự phân biệt đối lập hữu vô/thị phi/ chánh tà...Lúc nào đạt đến chỗ “Di Lạc” ắt sẽ rõ... Với ý niệm, tư tưởng này, chúng ta có thể suy luận, Tuệ Trung đã kế thừa “giáo ngoại biệt truyền” tiêu biểu của thiền tông triều Đường, Trung Quốc. Ông tái tuyên ngôn và truyền đạt câu thiền pháp của Huệ Năng: “Bất lập văn tự, trực chỉ chân tâm, kiến tính thành Phật”[22]. Thế là, bất cứ lúc nào con người còn an trú trong khái niệm ngôn từ, hay hình thức bên ngoài, thì từng đó con người vĩnh viễn xa rời thực tại: bây giờ và tại đây. Hay nói đơn giản hơn, lúc nào con người có khả năng chuyển hóa tâm thức này thành tuệ giác vô sai biệt, thì lúc ấy mới có khả năng thể nghiệm một cách trọn vẹn về thực tại nhiệm mầu này được. Từ đây, cũng cho thấy rằng, Phật với tâm/Thánh với phàm mà hằng ngày chúng ta luận bàn đều chỉ là khái niệm giả danh. Những khái niệm này đều do “ngã” phân biệt mà ra. Ngôn ngữ, cho đến các hình thức khác, cuối cùng cũng chỉ là công cụ, phương hướng chỉ lối mà thôi. Giống như khi chúng ta ngồi thuyền qua sông vậy. Thuyền cập bến rồi, thì bất tất khiêng thuyền lên vai mà đi; hoặc giống như câu chuyện ngón tay chỉ mặt trăng vậy. Ở đây “ngón tay” chỉ cho công cụ, còn động tác “chỉ” đơn thuần chỉ là phương hướng; “ngón tay có thể chỉ ra mặt trăng đang ở đâu, nhưng ngón tay trái lại không phải là mặt trăng”[23]. Trong trường hợp này, nhìn thấy “ngón tay” đương nhiên không phải là mục tiêu sau cùng của chúng ta, mà thấy được “mặt trăng” mới là mục tiêu sau cùng. Mục tiêu của con người là vậy, không nên chấp trước, cần tùy cơ ứng biến. Cho nên, trên đời cái gì có thể bỏ qua thì nên bỏ qua. Trong cuộc sống, cố chấp mãi là vật cản của hạnh phúc, của giải thoát. Bởi vì, chấp trước cái “ngã” của cá nhân mà có lúc biến những việc vốn giản đơn thành phức tạp. Vì vậy ở đây, nhằm đập vỡ chấp ngã, Tuệ Trung nói:
昔無心, 今無佛, 凡聖人天如電拂。 心體無是亦無非, 佛性非虛又非實。(《佛心歌》)
Tích vô tâm,
Kim vô Phật,
Phàm Thánh nhân thiên như điện phất.
Tâm thể vô thị diệc vô phi,
Phật tính phi hư hựu phi thực. (Phật tâm ca)
Xưa không tâm,
Nay không Phật,
Phàm Thánh nhân thiên như điện giật.
Tâm thể thì không đúng cũng không sai,
Phật tính không hư huyễn cũng không thực hữu. (Bài ca tâm Phật)
Cuộc sống là dòng chảy bất tận. Trong dòng chảy ấy, mỗi một phút giây được làm nên sự kỳ diệu của nó. Qúa khứ là những gì đã qua, không bao giờ trở lại, tương lai là những gì chưa đến, do đó phút giây cần được quan tâm hơn cả là giây phút hiện tại. Chính vì vậy, Tuệ Trung thường xuyên khuyên con người ta hãy trở về cuộc sống hiện thực đang diễn ra từng khoảnh khắc này. Có lẽ ông đã quán triệt một cách sâu sắc lẽ sống ấy, và đã siêu việt các phạm trù nhị nguyên phân biệt đối đãi. Với ông mà nói, suối nguồn hạnh phúc cố nhiên chính là dòng chảy bất tận đang diễn ra này, nó không bị câu nệ, hay hạn chế bởi sự đối đãi bỉ thử. Do vậy, Phật và tâm là đồng đẳng:
心即佛, 佛即心, 妙旨明明達古今。 春來自是春花笑, 到無非秋水深。(《佛心歌》)
Tâm tức Phật,
Phật tức tâm,
Diệu chỉ minh minh đạt cổ kim.
Xuân lai tự thị xuân hoa tiếu,
Thu đến vô phi thu thủy thâm.  (Phật tâm ca)
Tâm là Phật,
Phật là tâm,
Diệu chỉ sáng
ngời, suốt xưa nay.
Xuân đến, tự nhiên hoa xuân nở,
Thu về, nơi nơi nước thu trong. (Bài ca tâm Phật)
Tâm Phật và tâm chúng sinh hoàn toàn đều khế hợp, như nhất. Tương truyền, Thích Ca Mâu Ni vốn là một hoàng tử, một con người bằng da bằng thịt. Sau khi xuất gia thì, đến thâm sơn, cùng cốc tìm cầu sự giải thoát cho nỗi khổ đau của chúng sinh. Trải qua sáu năm tu khổ hạnh, vẫn chưa đạt được gì ngoài chiếc thân héo hon tàn úa. Sau đó, ngài quyết định tọa thiền dưới cội Bồ đề, liên tục 49 ngày đêm, sau cùng ý thức được nỗi thống khổ của chúng sinh là có nguồn gốc từ “vô minh” trong nhận thức, và “phiền não” trong tâm ý, hiểu rõ vạn sự vạn vật trên thế gian này đều biến hóa, vô thường. Chỉ cần buông bỏ sự truy cầu vật chất bên ngoài, đoạn trừ tư tâm tà ý, đặc biệt là đa hành thiện. Như vậy mới có thể chứng đắc Phật Đà[24]. Tóm lại, bất luận thế nào, muốn chứng ngộ thì nhất định trải qua công phu tu luyện, không ngừng nỗ lực, phấn đấu vượt qua sự trói buộc nhị kiến, cái nhìn hữu ngã, có như vậy con người mới có thể thành Phật được. Và từ đây, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng chúng ta có thể thành Phật. Bởi vì, Phật là chúng sinh đã giác ngộ, còn chúng sinh là Phật sẽ thành.
Thích Ca Mâu Ni từng tuyên bố: Chúng sinh trong cõi đời này đều có trí Như Lai, chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà chưa thể chứng đắc. Tâm phàm phu vốn giống như tâm Phật, không có sai biệt, chỉ vì bị vô minh phiền nào che lấp, mà chưa thể phát hiện, giống như gương sáng bị cát bụi che mờ, trăng sáng bị mây đen phủ kín. Học thiền tức là trừ khử đi phiền não, khai thị công phu của Phật tính. Phật thì ở trong tâm chúng ta. Nếu hướng ngoài thân tìm cầu, thì giống như quên hình tìm bóng, bỏ gốc tầm ngọn.
Trong cuộc sống, chúng ta cứ nghĩ rằng, Phật Đà đã nhập diệt rồi, không còn hiện hữu ở trần gian này nữa. Nhưng trên thực tế chúng ta có lúc cũng gặp được những người (ở phương diện nào đó) không khác Phật lắm. Phật Đà, hay Thánh nhân đều đang tồn tại trong tâm của con người. Mỗi một ngày chúng ta không quên giao trồng những hạt giống thiện trong mảnh đất tâm của chúng ta, kỹ lưỡng quan tâm đến nó như bác nông dân chăm sóc cây lúa, thì Phật Đà sẽ dần dần xuất hiện, như cây lúa sẽ cho ra hạt lúa.
Lấy đạo làm lẽ sống. An nhiên tự tại. Không ưu phiền. Giống như, xuân đến thì hoa xuân nở khắp nơi, thu qua thì nước trở lại trong veo, có thể nhìn thấu tận đáy lòng. Đấy chính là bài ca về tâm Phật mà ông sảng khoái ca hát giữa chốn trần thế bồng bềnh, biến hóa, vô thường này. “Tâm bình thường là đạo” (bình thường tâm thị đạo), “Tâm là Phật” (tức tâm tức Phật).

Từ quan điểm Phật “Tức tâm tức Phật”, đã để lại cho chúng ta một suy nghĩ rằng, ta và Phật/Thánh vốn là một, không khác; chỉ vì nhất thời mê muội mà chưa thể thành Thánh được. Và, cũng khẳng định rằng địa vị của mỗi chúng sinh, đặc biệt là thân phận con người trong xã hội huyên náo này hoàn toàn là bình đẳng. Cho nên, khi chúng ta xử lý bất kỳ trường hợp, tình huống nào, cần đặt vị trí của mình vào vị trí của tha nhân. Như thế mới dễ dàng thu hẹp khoảng cách giữa tôi và nó/ta và anh...được. Một khi các vị trí có thể xích lại gần nhau, thì cơ hội giải quyết vấn đề cũng rất lớn. Tại đây, chúng ta có thể thấy, thiền mà Tuệ Trung chủ trương, tuyệt nhiên không có gì gọi là cao siêu, thần bí cả. Đạo lý thiền này có thể nói là rất giản đơn, cụ thể và rất gần gũi với con người có căn cơ như chúng ta.
Trong nhận định Phật giáo, đời người là khổ não. Có thể giải thoát được bao nhiêu khổ não thì có thể đạt được bấy nhiêu hạnh phúc. Thế là, mục đích tu hành của Phật giáo chính là giải thoát mọi ràng buộc khổ đau. Xem ra, hạnh phúc khởi nguyên từ cuộc sống hiện tại, mà không phải là bắt nguồn ở tận Tây phương. Với ý nghĩa này, nếu như có một ai đó cố tình dùng tư duy hữu hạn để phân biệt, hoặc chia cắt thực tại này làm thành nhiều mảnh, hẳn khó mà tìm được hỷ lạc đích thực. Trên thực tế, sinh mệnh của con người bắt đầu từ lúc chào đời, thì đã bị ý niệm hư giả phân biệt trói buộc. Cho nên, con người vội vã đi tìm hạnh phúc từ bên ngoài. Tiếc thay, thứ mà chúng ta cần tìm lại không phải nằm ở bên ngoài, mà chính là ở trong tâm. Thiền sư Lục Tổ Huệ Năng từng nói: “Phật pháp ở thế gian, không rời thể gian giác ngộ, nếu rời thế gian tim Bồ đề, thì giống như tìm sừng thỏ” (Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mích Bồ đề, kháp như cầu thố giác). Phật pháp tại thế gian, không cần lìa xa thế gian để tầm cầu. Nho gia cũng nói: “Đạo không rời xa con người, Đạo mà xa cách con người, thì không thể gọi là Đạo vậy”[25] (Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi Đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi Đạo dã)- Trung Dung. Nếu xa lìa bổn phận làm người ở trần gian này, đi tìm Bồ đề giác đạo, thì không hơn không kém người ngu đi tìm sừng trên đầu con thỏ. Thỏ không có sừng, giống như xa rời thế gian, hẳn không có Bồ đề. Cổ đức cũng thường dùng vàng (“kim”) và vật dụng (“khí”) để làm ví dụ, gọi là “lấy vàng làm khí cụ, thì khí cụ đó đâu đâu cũng đều là vàng”[26]Dĩ kim tác khí, khí khí giai kim, chúng ta nếu bỏ khí cụ để đi tầm vàng, thì giống như người ngu si đi tìm sừng thỏ. Vì vậy, các thiền giả trong giới thiền học thường khuyến cáo đồ đệ, không nên cắt lìa thế giới này thành Phật quốc ,hay quỷ quốc. Sự phân biệt này dễ khiến cho con người càng thôi thúc tìm cầu một thế giới hão huyền hàm chứa tố chất ái thủ. Nếu mỗi một ngày đều là những ngày tốt đẹp, thì mọi chuyện thị phi/chân hư/phước tội đâu còn đáng luận bàn:      
捨妄心,
守真性,
似人尋影而忘鏡。
豈知影現鏡中來,
不覺妄從真裏蹦。
妄來非實亦非虛,
鏡受無邪亦無正。
也無罪,
也無福,
錯比摩尼兼白玉。
玉有瑕兮珠有纇,
性底無紅也無綠。
(《佛心歌》)
X vọng tâm,
Thủ chân tính,
Tự nhân tầm ảnh nhi vong kính.
Khỉ tri ảnh hiện kính trung lai,
Bất giác vọng tùng chân lý bảng.
Vọng lai phi thực diệc phi hư,
Kính thụ vô tà diệc vô chánh.
Dã vô tội,
Dã vô phước,
Thác tỷ ma ni kiêm bạch ngọc.
Ngọc hữu hà hề châu hữu loại,
Tính để vô hồng dã vô lục. (Phật tâm ca)
Bỏ vọng tâm,Giữ chân tính,Như người tìm bóng bỏ quên gương.Đâu biết bóng hiện từ trong gương,Chẳng hay vọng vốn từ chân sinh.Vọng đến không thực cũng không hư,Gương nhận chẳng tà cũng chẳng chnh.
Cũng không tội,
Cũng không phúc,
Lầm
sánh ma-ni cùng bạch ngọc.
Ngọc có vết
chừ, ma-ni có tỳ,Tính vốn không đỏ cũng không xanh. (Bài ca Tâm Phật)
“Tính” vốn viên dung, tròn trịa, châu biến, không hạn định, không thể dùng khái niệm để phô diễn, hay nắm bắt, định nghĩa. Nó vốn không có màu sắc. Nó siêu việt ngã chấp, dù là chấp “chân tính”. Bỏ cái này, giữ cái kia: “xả vọng tâm/thủ chân tính” là không nên cho việc tìm cầu sự giải thoát, bởi điều đó đồng nghĩa với “thủ”. Ông vốn khuyên con người không nên thiên lệch ở bên nào, dù bên đó có ý nghĩa gì. Nhằm nhấn mạnh vấn đề này, ông ví von và giải thích rất cụ thể và sống động: “Tự nhân tầm ảnh nhi vong kính/Khỉ tri ảnh hiện kính trung lai/ Bất giác vọng tùng chân lý bảng.” 
Sau khi thuyết minh về biên kiến: thực- hư, tà- chánh, rồi về cái “vô”, cái giả tạo, và cả cái “chân tính”, ông lại tiếp tục đánh thức con người qua những ngôn từ dồn dập và một không gian bao la với những thực thể bé nhỏ, mỏng manh đang dạt trôi, bồng bềnh, không bến bờ. Thực thể cỏn con này phiêu du, lang bạt cùng sự đổi thay, biến hóa, vô thường của vạn hữu:
咦咦咦, 咄咄咄, 大海中漚閑出沒。 諸行無常一切空, 何處先師覓靈骨(《佛心歌》)
Di di di,
Đốt đốt đốt,
Đại hải trung âu nhàn xuất một.
Chư hạnh vô thường nhất thiết không,
Hà xứ tiên sư mịch linh cốt. (Phật tâm ca)
Chao! Chao! Chao!
Ối! Ối! Ối!
Bọt trong biển cả bồng bềnh nổi.
Các pháp vô thường hết thảy không,
Chỗ nào tiên sư tìm linh cốt?
(Bài ca Tâm Phật)
Hình ảnh “âu” (bọt nước/bong bóng) nổi trôi trong “đại hải” (biển cả) có phải là ông muốn ví von kiếp sống con người nhỏ nhoi, bé bỏng, tội nghiệp, đáng thương đang trôi lăn trong cõi dâu bể này không? Câu trả lời nằm trong câu hỏi. Hay câu trả lời nằm sẵn trong những vọng âm than thở của ông.
Không một hình bóng con người trong cái khoảng không quạnh quẻ, bao la, ớn lạnh đó, nhưng chúng ta vẫn có một cảm nhận rằng hình ảnh “âu” ấy chính là thân phận cô liêu, lẻ loi của kiếp người. Chính vì thế, mở đầu khổ thơ, ông đã không thể kìm nén nỗi lòng, bất giác thảng thốt: “Di di di/Đốt đốt đốt”.
Nếu vạn pháp đều nằm trong quy luật vô thường, thì cũng có nghĩa là không, tức không có một thực thể nào có thể tồn tại đơn lẻ, riêng biệt, cố định. Vậy thì, thực thể của “linh cốt” làm gì có thật mà cất công kiếm tìm? Với mệnh đề thứ nhất “chư hạnh vô thường nhất thiết không”, thì mệnh đề thứ hai đã quá rõ ràng, không cần tìm đáp án trong nghi vấn ấy.
Sau khi than thở, tiêc thay cho kiếp người quạnh hiu, thì ông lại trở về với thực tại, đánh thức những con người đang mê man, chìm nổi trong cuộc đời bể dâu đó:   
醒醒著, 著醒醒, 四稜踏地勿欹傾。 阿誰於此信得及, 高步毗盧頂上行。 喝!              (《佛心歌》)
Tỉnh tỉnh trước,
Trước tỉnh tỉnh,
Tứ lăng đạp địa vật khi khuynh.
A thuỳ ư thử tín đắc cập,
Cao bộ tỳ-lư đính thượng hành.
Hát!
Tỉnh! Tỉnh! Thức!
Thức! Tỉnh! Tỉnh!
Bốn chân giẫm đất không chông chênh.
Người nào tin tưởng ở nơi đây,
Bước lên đỉnh Tỳ-lô cất bước đi.
Hét!
Với những động từ trùng điệp “tỉnh tỉnh trước/trước tỉnh tỉnh” của khổ thơ cuối cùng này, ông đã thêm một lần nữa, đưa chúng ta về thế giới “không”; một thế giới, mà ở đó siêu việt mọi phạm trù sai biệt, phân chia, tỷ giảo nọ kia. Một khi chúng ta có niềm tin vững chắc vào những gì ông đã trình bày trên đây, thì chúng ta có thể tiếp cận và bước đi trên, trong chân lý, hay đỉnh Tỳ-lô (Phật Pháp thân). Khi chúng ta giác ngộ, thì chân lý/Tỳ-lô, và ta là một. Nói “cao bộ Tỳ-lô đỉnh thượng hành” là cách nói mạnh, cách nói đánh thức, đập vào đầu óc chan chứa phiền tạp, những hí luận thị phi hữu hạn của chúng ta.
Bài thơ, với những từ trùng điệp phủ định dồn dập “vô/phi/không” như muốn xác lập, đánh bật triệt để mọi ngã chấp “hữu pháp”; cùng với những trùng điệp đó là những điệp từ nối tiếp liên tục: “Phật phật phật.../Tâm tâm tâm...”, “Mặc mặc mặc/ Trầm trầm trầm”, và cuối cùng là “Tỉnh tỉnh trước/Trước tỉnh tỉnh”, như muốn hối thúc con người mau chóng tỉnh giác, nhận diện vạn pháp “như thị”. Song song việc đánh thức đó, có lẽ ông cũng muốn thức tỉnh con người một vấn đề khác. Đó chính là: Thiền không hạn định không gian, thời gian, và vượt lên trên mọi hiện tương giả tưởng, cho dù đó là Phật.
Khép lại bài thơ, là một tiếng “hát” (hét) vang trời, rợn ngợp, cuộn vào hư vô không tận, khiến chúng ta, những con người đang trên đường mò mẫm tìm cầu giải thoát, hạnh phúc phải giật mình trong bước chân về xuôi...

V. KẾT LUẬN
Qua những luận thuật trên, chúng ta không khó thấy rằng tư tương “Tức tâm tức Phật” của Tuệ Trung chịu ảnh hưởng tư tưởng thiền tông đời Đường, Trung Quốc. Ông đã tiếp nhận, kế thừa, và phát huy yếu chỉ  ấy theo cách riêng của mình. Để thích nghi phong tục, nhân tình, phù hợp với nhu cầu thực tế xã hội, thời đại, ông đã “tùy cơ ứng biến” tư tưởng vốn uyên thâm đó, thậm chí có lúc ông xem chiến trường như là thiền đường. Cho nên có thể nói, Tuệ Trung là một nhân vật đại diện điển hình cho tư tưởng tinh thần nhập thế của Phật giáo đời Trần, Việt Nam; tinh thần ấy cũng là một nét đặc sắc hy hữu của Phật giáo Việt nam trong mọi thời đại.
Chủ trương của cả bài thơ “Phật tâm ca” chính là, đem việc tu thiền dung nhập vào đời sống hằng ngày. Ông cho rằng Phật pháp không thể tách rời thế gian. Sự tu tập pháp môn đốn ngộ mà ông khởi xướng không phải dùng các hình thức tu tập cố định như tọa thiền, tụng kinh, bái Phật….Giác ngộ với ông, phải là đạt được từ trong cuộc sống hiện thực đang là   này. Từ công viêc, các thao tác, hành vi, cử chỉ, ánh măt, nụ cười...trong cuộc sống mà đạt được trí tuệ.
Ngoài ra, ông còn dùng quan điểm vô khu biệt, nhấn mạnh, xóa bỏ phạm trù thế gian và xuất thế gian, như xóa bỏ đi ranh giới giữa phàm và Thánh. Bởi, trong hệ thống tư tưởng Bát nhã, Phật và chúng sinh vốn là nhất thể, bất dị. Trong cuộc sống, chúng ta cần lấy bình thường tâm để đối đãi, xử sự với nhau. Vì, trong tâm của chúng ta không ai không có những hạt giống thiện (Phật), những hạt giống đáng được trân trọng. “Tức tâm tức Phật”, phải chăng còn hàm chứa ý nghĩa này? 
                                                                                                                                             Phước Tâm
 In trong Kỉ yếu: Hội thảo khoa học quốc gia "Văn học, Phật giáo với 1000 năm Thăng Long- Hà nội", năm 2010, tr.463-489 

Tài liệu tham khảo
Sách tiếng Việt
1.     Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo Sử luận. Nxb Văn học Hà Nội.
2.     Lê Mạnh Thát (2002), Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam. Nxb Hồ Chí Minh.
3.     Lê Mạnh Thát (1999), Sử Phật giáo Việt Nam. Nxb Hồ Chí Minh
4.     Thích Thanh Từ (1992), Thiền sư Việt Nam. Nxb Hội Phật giáo Hồ Chí Minh.
Sách tiếng Trung
1.     Đại sư Lục Tổ Huệ Năng (2009), Lục tổ pháp bảo đàn kinh. Nxb Thiền tâm Học Uyển, Đài Loan.
2.     Phương Lập Thiên (1994), Triết học Phật giáo. Nxb Văn hóa Hồng Diệp, Đài Loan.
3.     Y Đằng Anh Tam (2009), Hệ thống tư tưởng sử thiền tông Trung Quốc. Nxb Trung tâm Văn giáo Pháp Ấn tự, Đài Loan.
4.    Trần Lai (1991), Cảnh giới Hữu- Vô: Tinh thần triết học Vương Dương Minh. Nxb Nhân dân Bắc Kinh.
5.     Trương Dục Anh (1994), Thiền và Nghệ thuật. Nxb Văn hóa Dương Trí, Đài Loan.
6.    Trần Văn Tân (1995), Triết học nhân sinh thiền tông. Nxb Văn hóa Dương Trí.
7.     Truyền Thiệu Lương (1999), Văn hóa thiền tông Thạnh Đường và thơ Phật của Vương Duy. Nxb Phật Quang, Đài Bắc.
Các bài luận và trang web
1.    Lý Phong Mạo (?), Trần thuật bạo lực và thần thoại giáng phàm: Vấn đề kết cấu của trần thuật học Trung Quốc. Nxb?
2.   GS. Nguyễn Huệ Chi, Trần Tung, một gương mặt mới trong làng thơ thiền Lý, Trần. (Thích Nhật Từ (2010), Đạo Phật Ngày Nay- tập 2. Nxb Phương Đông).
3.   Trần Hồng Liên, Vài suy nghĩ về thiền tông Việt Nam. (http://www.daophatngaynay.com/vn/phap-mon/thien-dinh/to-su/3354-Vai-suy-nghi-ve-thien-tong-Viet-Nam.html).
4.  Thích Chơn Thiện, Tuệ Trung Thượng sĩ. (http://cusi.free.fr/lsp/lsp0081.htm.)
5.   Khánh Linh, Đáng để chúng ta khóc!     (http://www.tuanvietnam.net/2010-05-23-ta-mat-di-nen-van-hoa-doc-lap).
6.    Thích Phước Đạt, Giá trị tư tưởng Thiền học Bài Phật tâm ca của Tuệ Trung Thượng sĩ. (http://thuonghylenien.com/dongphuonghoc/index.php?topic=83.0) 




[1] Mượn lời của GS. Nguyễn Huệ Chi, Trần Tung, một gương mặt mới trong làng thơ thiền Lý, Trần, tr 82. (Thích Nhật Từ (2010) , Đạo Phật Ngày Nay- tập 2. Nxb Phương Đông.
[2] Như đã dẫn 1. Cho rằng tư tưởng Trần Tung “vừa Nho, vừa Phật, lại vừa Lão Trang” e rằng khó thuyết phục!  
[3] Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Ấn Độ) hình thành vào khoảng năm 580, thiền Phái Vô Ngôn Thông (Trung Quốc) hình thành vào khoảng năm 820, và thiền phái Thảo Đường (Trung Quốc) hình thành vào khoảng năm 1069.
Xem tại: http://www.quangduc.com/lichsu/17vnpgsuluan.html.
[4] Trần Hồng Liên, Vài suy nghĩ về thiền tông Việt Nam. Xem tại: http://www.daophatngaynay.com/vn/phap-mon/thien-dinh/to-su/3354-Vai-suy-nghi-ve-thien-tong-Viet-Nam.html.
[5] Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông triều Trần Việt Nam sáng lập, thiền phái này có tên đầy đủ là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tư tưởng của nó kế thừa thiền phái Vô Ngôn Thông. Phái Trúc Lâm chủ trương tọa thiền và áp dụng phương thức vấn- đáp giữa thầy và trò, một hình thức tham thoại thiền có nguồn gốc từ thiền tông đời Đường Trung Quốc, cho rằng tâm tức thị Phật, Phật ở trong lòng chúng sinh.Xem thêm  tại : http://www.quangduc.com/lichsu/17vnpgsuluan1-12.html..
[6] Nguyễn Lang, Tuệ Trung Thượng sĩ: Diện mục Tuệ Trung (Việt Nam Phật giáo sử luận). Xem tại: http://www.quangduc.com/lichsu/17vnpgsuluan1-11.html.
[7] Như đã dẫn 6.
[8] Thích Chơn Thiện, Tuệ Trung Thượng sĩ. Xem tại: http://cusi.free.fr/lsp/lsp0081.htm.
[9] Tiêu Dao là đệ tử pháp tự của thiền sư Ứng Thuận, đời thứ 15 của thiền phái Vô Ngôn Thông.
[10] Khánh Linh, Đáng để chúng ta khóc! Xem tại: http://www.tuanvietnam.net/2010-05-23-ta-mat-di-nen-van-hoa-doc-lap & Trần Hồng Liên, Vài suy nghĩ về thiền tông Việt Nam. Xem tại trang web như đã dẫn 4.
[11] Như đã dẫn 8.
[12] Phương Lập Thiên (1994, Triết học Phật giáo. Nxb Nhân Dân, Bắc Kinh, tr 171. Vương Dương Minh, tên là Vương Thủ Nhân (1472- 1528), là nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà thư pháp và cũng là nhà quân sự, nhà giáo dục và nhà văn học nổi tiếng nhất đời Minh, Trung Quốc. Nguyên văn đoạn trích: 「個個心中有仲尼」,從此他展開解釋:「每個人就其本心而言都是聖人。當然,一切現實的人其本心均有所遮蔽,因而只是潛在的聖人而不是現成的聖人。這個説法從良知方面來看,是指良知是每個人成聖的内在根據,這個根據是完全充分的,沒有欠缺的」。
[13] Như đã dẫn 8.
[14] Đại sư Lục Tổ Huệ Năng (2009, Lục tổ pháp bảo đàn kinh. Nxb Thiền tâm học uyển, Đài Loan, tr 44. Nguyên văn: 佛法在世間,不離世間覺,離世覓不菩提,恰如求兔角
[15] Nguyên văn: 混俗和與物未嘗觸故能紹隆法誘掖初人或參略示綱要,令其住心,性任行藏,都無名實。
[16] Như đã dẫn 8.
[17] Truyền Thiệu Lương (1999), Văn hóa thiền tông Thạnh Đường và thơ Phật của Vương Duy. Nxb Phật Quang, Đài Bắc, tr 30- 31.
[18] Xem đã dẫn 15, tr 52- 53. Nguyên văn: 佛向性中作,莫向身外求。自性迷即是衆生,自性覺即是佛。慈悲即是觀音,喜捨名為勢至,能淨即釋迦,平直即彌陀,虛妄是鬼神貪嗔是地獄,愚癡是畜生。
[19] Như đã dẫn 6.
[20] Lý Phong Mạo (?), Trần thuật bạo lực và thần thoại giáng phàm: Vấn đề kết cấu của trần thuật học Trung Quốc . Nxb? tr 152.
[21] Nguyên văn: 能忘二見,法界屬包融。
[22] Y Đằng Anh Tam (2009, Hệ thống tư tưởng sử thiền tông Trung Quốc. Nxb Trung tâm Văn giáo Pháp Ấn tự, Đài Loan, t 55. Nguyên văn: 不立文字,直指真心,見性成佛。
[23] Trương Dục Anh (1994), Thiền và Nghệ thuật. Nxb Văn hóa Dương Trí, Đài Loan, tr 206. Nguyên văn: 手指可以指出月亮在哪裏,但手指卻不是月亮。
[24] Như đã dẫn 12, tr 17.
[25] Nguyên văn: 道不遠人,人之為道而遠人,不可以為道也。
[26] Nguyên văn: 以金作器,器器皆金
Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Một chút cho đời - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger