Thi đua, có cần thiết trong môi trường giáo dục đại học?

Tại sao hầu hết các giảng viên ở ta không mấy ai mặn mà về việc Thi giảng viên dạy giỏi? Lẽ ra, người được cử đi Thi giảng viên dạy giỏi thì phải cảm thấy vinh dự, hãnh diện vì được số đông đồng nghiệp tín nhiệm và cử chọn. Bài viết dưới đây sẽ sơ bộ chỉ ra một số bất cập dẫn đến tình trạng không mấy mặn mà ấy; và qua đó, đề xuất một số kiến nghị liên quan đến vấn đề này.

 Ảnh: Hội thảo về đổi mới phương pháp giảng dạy đại học tại đại học Bình Dương

Tôi không biết tự bao giờ phong trào Thi giảng viên dạy giỏi (TGVDG) ra đời và nở rộ ở nước ta; cũng không hiểu vì cớ gì mà nó mãi tồn tại đến thời điểm này và lan truyền vào một số trường đại học? Trong số chúng ta, có mấy ai đã từng suy tư trăn trở về điều này, rằng việc TGVDG là không cần thiết trong môi trường giáo dục đại học? 
Tác giả bài viết chưa có điều kiện đi thực tế khảo sát nhiều nơi. Tuy vậy, qua tìm hiểu một số trường đại học nước ngoài, được biết trường họ hầu như không có phong trào này. Gần đây trên Vietnamnet có đăng bài “Có nên bỏ…thi đua?”của tác giả Đinh Việt Bình, thì xác nhận: Tại nhiều quốc gia trên thế giới, không hề thấy phong trào thi đua[1]. Tại xứ sở tôi du học, cũng chả thấy thi với đua giữa các giảng viên trong Khoa, đừng nói chi đến thi giảng viên dạy giỏi giữa các giảng viên trong các Bộ môn/Khoa- vốn dĩ có nhiều đặc thù khác biệt.
Mục đích TGVDG để làm gì, tôi nghĩ đã đến lúc cần thấy công việc này không cần thiết đối với môi trường đại học, mà thay vào đó thì là giữa các giảng viên của Bộ môn/Khoa (cùng chuyên môn) sắp xếp trong vòng khoảng 2,3 tháng/lần chia sẻ những tâm đắc về một vài bài báo học thuật, hoặc sách, giáo trình liên quan đến chuyên môn, hoặc một năm vài lần thay nhau dạy thử để cùng nhau góp ý, xây dựng, thì có hay hơn không? Về vấn đề dạy thử, trên Báo điện tử Dân Trí, tác giả Nguyễn Phương trong bài “Trò diễn của sự giả dối”, có đoạn viết: “Trong giờ dạy thử, người ta thường thử nghiệm dạy một nội dung mới, một phương pháp hoặc một ý tưởng mới liên quan đến lý luận dạy học.”[2]. Và, mục đích của nó là: “Sau giờ dạy, người ta rút kinh nghiệm và trao đổi giữa giáo viên dự giờ,.... Người ta tiến hành phân tích cái thành công, cái chưa thành công của giờ dạy.”[3] Đoạn trích trên đề cập đến giáo viên tiểu học, mà không phải là giảng viên đại học, nhưng nếu có muốn “thi” kiểu ấy xem ra cũng có chút bổ ích; tất nhiên, cũng cần chú thích thêm, ở đó phải hội đủ những giảng viên có cùng chuyên môn và trình độ... Tại sao phải thế?

Ví dụ, một anh chuyên ngành Tâm lí học, có tư cách đánh giá, cho điểm một anh chuyên ngành Văn hóa học chăng? Một anh chuyên ngành Tiếng Pháp, lên lớp toàn dùng tiếng Pháp, mấy vị chuyên gia Văn học (không biết gì tiếng Pháp) có tư cách đánh giá anh chuyên ngành tiếng Pháp chăng? Hay như các anh tiếng Nga, tiếng Khmer có thể đánh giá cho điểm anh tiếng Pháp chăng? Tôi chưa đi vào cụ thể chi tiết, như ngành văn học chẳng hạn, trong đó hẳn có nhiều mảng nhỏ khác nhau- chứ không phải cứ đụng đến văn học thì cái gì liên quan đến văn học cũng có thể thao thao bất tuyệt.

Chưa hết, quý vị nào từng tham gia Hội thảo, Hội nghị khoa học chuyên đề về Văn học, Tâm lý học, Triết học Đông Tây….sẽ dễ dàng thấy ra một điều, người bình luận đánh giá cho người phát biểu Tham luận sẽ là những người cùng chuyên môn, chuyên ngành, và chí ít là ngang tầm với nhau về sở học. Tất nhiên, ở đó người ta chỉ dừng lại ở khâu đánh giá, góp ý, hoàn toàn không phải cho điểm. Bởi, theo cá nhân tôi, người có tư cách cho điểm phải là những nhà chuyên môn có kiến thức trên người phát biểu Tham luận- Thiết nghĩ điều này không nói cũng rõ!

Lúc trà dư tửu hậu, tôi có tâm sự với một vài đồng nghiệp như thế. Tất nhiên, cũng có vị buột miệng trả lời: “Có thể đánh giá được”, thậm chí có vị còn cho đó là “cũng hay”. Tôi nghĩ, nhận định ấy chỉ là… ngại đụng chạm với “lệnh trên” đã được ban bố xưa nay mà thôi. Tôi không phủ nhận hoàn toàn câu hồi đáp trên, vì nó cũng hệt như việc bình luận các trận bóng đá của những anh nghiệp dư sau mỗi trận đấu; Rõ ràng, cái mức đánh giá của anh chỉ dừng lại ở chừng mực của một vị “nghiệp dư”, “ngoại đạo”, không khác. Có người còn cho rằng, TGVDG chủ yếu chỉ dựa vào hình thức/cách thức/các bước lên lớp có đúng “tuần tự” không/hoặc như thế nào (cách đi đứng, sử dụng phấn màu,...), tôi nghĩ chúng ta không nên quá coi trọng việc này nữa vì thực tế cho thấy nó chỉ phù hợp với các cấp 1, 2 hoặc cao hơn là cấp 3, mà không còn phù hợp với một giảng viên đại học.

Liên quan đến vấn đề này, rất có lí khi tác giả Nguyễn Phương cho rằng: “Những giáo án cứng nhắc không khéo lại là những sợi dây trói buộc kìm hãm tính sáng tạo và làm nghèo nàn phong cách lên lớp của người dạy. Giáo án có thể là chiếc gậy cho người mới tập đi, nhưng khi đã biết đi mà cứ khư khư cầm cái gậy thì không thể đi bình thường được. Không có cách lên lớp nào là duy nhất tốt hay tốt nhất cho mọi giáo viên và mọi đối tượng học sinh.”[4]

Theo cách nhìn đến thời điểm này của tôi, đánh giá về một bài giảng trên học đường, cái quan trọng nhất là nội dung mà anh chuyển tải cho người học là gì và người học tiếp thu được bao nhiêu phần trăm của nội dung ấy; và, qua bài học (nói cho đầy đủ là qua tổng hợp các bài học), người học có khả năng tự học lên, tự tìm tòi nghiên cứu được môn đó hay không, mới là quan trọng; còn lại, hình thức/các bước lên lớp như thế nào không phải là yếu tố quyết định cho một tiết/buổi học, cũng như nó không phải là tiêu chí quyết định để đánh giá bình xét cho một giảng viên. Nó có thể chỉ là một trong những chuỗi “mắc xích” trong khâu đánh giá của một tiết/buổi học mà thôi. Do vậy, chúng ta cần xem lại cách thức đánh giá như hiện nay, hoặc theo tôi, tốt nhất là không cần duy trì hình thức thi đua này nữa.

Tôi nghĩ, không một ai hoặc bộ phận nào là tổng hòa của các kiến thức (văn học, văn hóa học, toán, lí, hóa, điện, luật, kinh tế, kế toán, du lịch, các ngoại ngữ,…) hoặc là tổng hòa của các phương pháp dạy học; nếu có khả năng “tổng hòa” các kiến thức và phương pháp, lẽ dĩ nhiên phải mang tính đại diện, tiêu biểu; nói một cách cụ thể hơn là “tổng hòa” nhưng vẫn phải trên trình độ của một cá thể có trình độ chuyên môn nào đó. Vì sao thế? Vì có ai dưới trình độ hoặc cùng trình độ chuyên môn với người dự thi mà lại đi đánh giá cho điểm để rồi xét kết quả là giỏi hay không giỏi bao giờ?!

Tôi cho rằng, để nâng cao chất lượng giảng dạy, thay vì tổ chức một số cuộc thi đua không có /hoặc thiếu tính khoa học, ngoài việc “chia sẻ những tâm đắc về một vài bài báo học thuật, hoặc sách, giáo trình liên quan đến chuyên môn”, “thay nhau dạy thử để cùng nhau góp ý, xây dựng” như trên có đề cập, thì mỗi giảng viên/chuyên viên thuộc khối học thuật một năm bắt buộc phải có ít nhất là một vài bài báo, hoặc các tác phẩm dịch thuật được công bố, đăng tải trên các Hội thảo, Hội nghị, Tạp chí, Nguyệt san,… trong nước hoặc quốc tế, vì qua các thành quả được công nhận đó chứng tỏ cho thấy sự mài rèn chuyên ngành không ngừng của cá nhân. Và cần lấy đó làm một trong những tiêu chí quan trọng để xét thưởng trong các dịp lễ, cũng như coi đó là tiêu chí để đề bạt lên làm các vị trí trưởng/phó khoa, tổ trưởng/phó bộ môn, hay trưởng/ phó phòng liên quan công tác học thuật nghiên cứu. Tất nhiên, có thể những kiến nghị trên đây không phải là cách duy nhất để nâng cao chất lượng giảng dạy, nhưng theo tôi nó là nhân tố quyết định làm nên giá trị thực sự của một giảng viên đại học. 
Du Tử
Nguồn:  http://www.baomoi.com/Ban-ve-Thi-voi-Dua-trong-giao-duc-dai-hoc/59/9051093.epi

Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Một chút cho đời - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger