Đạo đức: vầng sáng hiển lộ nhân cách

Đạo đức, làm cho thế giới bầy đàn dã thú, một lối sống bản năng kiểu cá lớn nuốt cá bé, mạnh hiếp yếu, trở thành xã hội nhân văn và quốc gia của lễ nghĩa; chỉ có kinh qua hun đúc giáo hóa (giáo dục cảm hóa) của đạo đức, con người mới có thể cởi bỏ thú tính, thành người quân tử khiêm tốn. 



Điểm khác biệt lớn nhất giữa con người và các động vật khác, chính là con người có khả năng tư duy sâu sắc phức tạp, nhờ vậy mà phát triển hoạt động của các diện mạo và hiện tượng tâm lí- xã hội có các kết cấu gồm tri thức, tình cảm, ý chí..., và đồng thời sinh ra ý thức đạo đức, khiến cho con người có đủ năng lực phán đoán các giá trị tốt- xấu (thiện ác), đúng- sai (thị phi), làm cho quần thể loài người từ thế giới dã thú dần hướng về đạo đức nhân văn và xã hội.

Tình cảm đạo đức, khiến cho loài người từ bỏ những thú tính, trở thành con người có tinh thần bất khuất, hiên ngang, và nó cũng khiến cho loài người có khả năng nâng cao nhân tính (人性), từ đó mà bước vào con đường thần tính (神性) hay thánh nhân. Đạo đức là cơ sở của văn minh, cũng là trụ đá giữa dòng văn hóa lịch sử; không có đạo đức, thì không có văn minh, cũng không có con người văn minh và quốc gia văn minh. Đạo đức là điều kiện căn bản của con người vì con người, cũng là trụ cột của an hòa lợi lạc của xã hội, quốc gia trở thành thế giới văn minh và là nền móng của một nước lễ nghĩa.

Đạo, chính là phép tắc mô phạm mà con người cần tuân theo; đức, thì là thực tiễn cụ thể của đạo. Phạm vi đạo đức rất rộng, hàm nghĩa rất sâu, nói một cách gãy gọn, sự biểu hiện căn bản của nó là “thành thật” (thành-) và “ngay thẳng” (chính-). Bởi vì, giả dối là gốc rễ của mọi gian tà, mà gian tà lại là cội nguồn của tất cả tội ác. Không thành thật chính là giả dối, không ngay thẳng chính là gian tà, nghĩa là những biểu hiện bên ngoài xem ra hệt như là quân tử, nhưng kì thực chỉ là màu mè ngụy trang giả tạo; loại người này gọi là “kẻ đạo đức giả” (ngụy quân tử-偽君子), nó quả thực đáng ghét và đáng sợ, rất xứng với danh xưng “kẻ tiểu nhân đích thực” (chân tiểu nhân-真小人).

Người hiện đại của thế kỷ XXI, dường như không còn nói đến “tứ duy-四維” (tức bốn cơ sở lập quốc của đất nước Trung Quốc, gồm lễ-, nghĩa-, liêm- và sỉ-), và “ngũ thường” (nhân-, nghĩa-, lễ-, trí- và tín-), hình như đó là “chum tương” (tương hàng-醬缸) dậy mùi, một khi dính dáng đến nó, thì đều gán cho là “thứ gàn dở/ hủ lậu” (đông hống-冬烘); vì vậy mọi người cố tránh bàn đến nó giống như sợ lạc hậu, quê mùa, nào ai quan tâm nó là cương mục quan trọng của thực tiễn đạo đức làm gì.

“Tứ duy lễ, nghĩa, liêm và sỉ”, là khẩu hiệu chung của các trường cấp 1, cấp 2 và cấp 3: lễ là những phép tắc, cư xử chân tình; nghĩa là phù hợp, chính đáng, đã hành động, thì phải có phẩm đức; liêm là liêm khiết, trong sạch, lấy và cho hợp pháp (phù hợp đạo lí), tuyệt đối không tùy tiện; sỉ là hổ thẹn, tự kiểm điểm, hối lỗi, tỉnh ngộ, biết sai nhất định phải sửa. “Ngũ thường”- những quy ước về đạo đức luân lí của xã hội, là những ứng xử hàng ngày: nhân là luôn mang giữ trong lòng những trắc ẩn, chan chứa tình thương yêu, cảm thông nổi đau và khó khăn của người khác; nghĩa là hành vi quang minh lỗi lạc; lễ là đối xử với mọi người dịu dàng đôn hậu; trí là ham học gắng hành, không ngừng tìm tòi học hỏi như khát nước thì phải đi tìm nước uống; tín là giữ đúng lời hứa, một lời nói tợ một gói vàng, đã nói thì làm. Bây giờ, nếu có người còn dám nói đĩnh đặc những “đồ cổ” (cổ đổng-古董) này, thì những người này quả thật được xếp vào loại lông phượng sừng lân, cực kỳ hiếm hoi, hẳn là như những dòng chảy trong veo giữa cõi đời ô trọc, lắm phiền tạp và cũng là như những viên ngọc quý báu trong đám người xô bồ, chen chúc và náo nhiệt.

Ở trong chùa miếu hoặc giáo đường, chúng ta từng thấy qua trên đỉnh đầu của Phật thần hoặc Thiên sứ, đều có một vầng hào quang. Quầng sáng ấy là tượng trưng cho sự thánh khiết, nhân từ, vĩ đại, và trang nghiêm của các Ngài. Thực ra, chỉ cần bạn có thể lấy đạo làm thân, lấy đức làm mỹ, vì mình mà bồi dưỡng nhân cách thanh cao, tâm hồn nhân từ, thì những ai quen biết bạn, quý trọng bạn, đều có thể nhìn thấy một vầng sáng tươi đẹp trên đĩnh đầu của bạn. Vầng sáng ấy, chính là ánh sáng rực rỡ của tính người, ánh sáng chói lọi của nhân cách, ánh sáng xán lạn của vinh dự; nói một cách giản dị, đấy chính là ánh sáng rạng ngời của đạo đức.

Một trong các vấn đề nghiêm trọng nhất trong xã hội hiện đại, chính là hầu hết mọi người đều tỏ ra xem trọng quyền khinh đức, trọng của khinh nghĩa, tất cả chỉ tập trung bàn đên pháp luật, không trọng đạo đức, chỉ luận đến thiệt hơn, không trọng tình nghĩa, lễ nghĩa liêm sỉ từ lâu đã bó xếp lên gác cao xa hút. Từ miếu đường đến phố phường chợ búa, tất cả chỉ cần trình tự hợp pháp, thì có thể dùng mọi thủ đoạn, làm mọi thứ tùy thích. Khổng Tử nói: “Dùng thủ đoạn chính trị (pháp luật) để quản lí thiên hạ, dùng hình phạt để chỉnh đốn thiên hạ, thì nhân dân chỉ cầu tránh phạm tội, mà sẽ không có lòng liêm sỉ; dùng đạo đức để quản lí thiên hạ, dùng lễ giáo để chỉnh đốn thiên hạ, thì nhân dân sẽ không những có lòng liêm sỉ, mà còn có thể quy thuận lòng người” (Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ; đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách – 導之以政,齊之以刑,民免而無恥;導之以德,齊之以禮,有恥且格). Truyền thống dân tộc Trung Hoa là xem trọng đạo đức, mà xem nhẹ pháp luật, mức độ thấp nhất cũng phải là đức- pháp kiêm trị.

Không có quyền lực, chúng ta vẫn là một công dân tự do; không có của cải, cùng lắm chỉ là sống nghèo khó một chút; không có đạo đức, thì dù cho quyền trọng chức cao, vô cùng giàu sang, cũng chỉ là kẻ mặt người dạ thú, nhân cách bỉ ổi, tâm địa hẹp hòi. Những lời dạy dỗ từ gia đình và giáo dục nhà trường mà chúng ta từng tiếp nhận, ở phương diện này hẳn phải khiến cho chúng ta có một nhận biết rõ ràng và đánh giá chính xác.                


Chủ nhật, ngày 3 tháng 4 năm 2011

Đại học Nguyên Trí Đài Loan

Nhà văn Trương Bồi Canh- Phước Tâm dịch



Nguồn: 張培耕,<道德:彰顯人格的光環> 收入 張培耕,《智慧的鑰匙》,臺北:慈濟文化志業,2003年,頁72-75Đạo đức: Chương hiển nhân cách đích quang hoàn của Nhà văn Đài Loan Trương Bồi Canh, in trong tác phẩm Trí tuệ đích thược chủy (Chìa khóa trí tuệ) của cùng tác giả, Nxb. Từ tế Văn hóa Chí nghiệp, năm 2003, tr.72-75
Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Một chút cho đời - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger