Trao đổi với tác giả bài viết “Nhân một câu văn của Hòa thượng Tinh Vân” - Nguyễn Phước Tâm

LTS: Nguyệt san Giác Ngộ số 192, ra vào giữa tháng 3-2012, ở mục Trao đổi, có đăng bài viết “Nhân một câu văn của Hòa thượng Tinh Vân” của tác giả Huỳnh Ngọc Chiến. Bài viết đã thu hút sự quan tâm của nhiều giới độc giả. Đặc biệt, trong những sự quan tâm đó, có bài viết của tác giả bản dịch tiếng Việt bài văn của Hòa thượng Tinh Vân. Nhận thấy, trong lãnh vực nghiên cứu, học thuật, hoạt động biện chính, trao đổi là việc cần làm; do đó Nguyệt san Giác Ngộ xin trân trọng giới thiệu bài phản biện của tác giả, người dịch bài văn của Hòa thượng Tinh Vân. NSGN
Đại sư Tinh Vân trao tặng bức “Hòa hình hạnh phúc” cho Tổng thống Mã Anh Cửu, Đài Loan 

Sau khi nhận được Nguyệt san Giác Ngộ, số 192, ra tháng 3 năm 2012, lần đọc đến trang 68, tôi bất ngờ vì được đọc bài viết “Nhân một câu văn của Hòa thượng Tinh Vân” của tác giả Huỳnh Ngọc Chiến. Khi đọc đầu đề, tôi không nghĩ đó lại là một bài phản biện với những võ đoán, suy luận thiếu căn cứ khoa học về thế giới Cực Lạc trong kinh A Di Đà mà Đại sư Tinh Vân “mượn bè” làm cơ sở để trình bày vấn đề kinh tế trong Phật giáo. Càng đi xa hơn, tác giả đã cực đoan (như chính tác giả đã tự nhận: “Với một chút cực đoan, tôi cho rằng cuộc sống thỏa mãn[1] về vật chất luôn là trở ngại lớn cho tu tập”[2]), mơ hồ võ đoán “trong đoạn văn” ấy của Đại sư “có hai điểm hầu như không ứng hợp với tinh thần Phật giáo chân chính”[3].
Để làm sáng rõ hơn vấn đề mà tác giả Huỳnh Ngọc Chiến tự cho là ứng hợp hay không ứng hợp với tinh thần Phật giáo chân chính, với tư cách là một người bước đầu tìm hiểu, nghiên cứu về Phật học, tôi xin mạo muội trao đổi với tác giả mấy vấn đề sau đây:

  1. Chung quanh việc “biện chính” thế giới Cực Lạc trong kinh A Đi Đà
Định nghĩa như thế nào mới gọi là thế giới Cực Lạc chân chính, tôi nghĩ không cần thiết trong bài viết này, vì đã có quá nhiều bậc tu hành trình bày, và từ lâu đã trở thành kiến thức phổ thông trong tầm hiểu biết của giới nghiên cứu Phật học và giới tu hành; càng không cần thiết vì thế giới ấy rõ ràng “đối với những người còn muốn dùng ngôn ngữ để diễn đạt, trình chiếu về nó, tìm cách hiểu “bóng gió” hay suy tưởng về nó thì càng xa vời nó. Lẽ dĩ nhiên, không có một khái niệm nào có thể mô tả chính xác về thế giới ấy.

“Nói vậy mà không phải là vậy chăng?”- kiểu như công án của các vị Thiền sư ngày xưa. Nếu vậy thì thật khó cho những nhà làm nghiên cứu khoa học hiện tại, lại càng khó đem giáo lý của Đức Thế Tôn đến với quần chúng ngày nay. Đó là một trong những lý do mà nhiều vị thầy có kinh nghiệm trong giới tu hành, tiêu biểu là Thầy Nhất Hạnh đã có nhiều bài giảng, bài viết có xu hướng nghiêng về thế giới thực tại, khuyên con người cần tập trung sống sao cho vui, cho đẹp, cho có ích ngay tại bây giờ và ở đây.

Với chiều sâu hiểu biết cũng như sự trải nghiệm tâm linh, kinh qua gần một đời giáo hóa và những thành tựu của Đại sư[4], tôi tin rằng Đại sư Tinh Vân thừa hiểu những điều mà ngài đã nói. Có thể tác giả sẽ cho rằng tôi quá thần thánh hóa hay quá tôn sùng một nhân vật nào đó qua hình tướng bên ngoài hay các công trình nghiên cứu của họ. Với tôi, đánh giá vấn đề gì cũng cần có cơ sở, bằng chứng. Tất nhiên, những bằng chứng, cơ sở đó phải được giới chuyên môn thẩm định và phải được đặt trong một chỉnh thể. Khi chưa có cơ sở vững chắc, thì chớ vội hồ đồ cho rằng là một cao Tăng mà hiểu kinh “một cách thô thiển và trần trụi”[5], thậm chí còn cho rằng đó là một cách “hiểu sai lệch về giáo pháp Đại thừa”[6], không phù hợp với thời đại ngày nay.

Con người hiện đại, đa số “nói có sách mách có chứng” người ta mới tin, chứ nói kiểu thiền sư[7] như tác giả: “Trong cảnh giới đó… sỏi đá cũng đều là lưu ly thất bảo”[8], hay lý giải: “Qua ánh sáng tuệ giác, các quốc độ của chư Phật không còn là thế giới của bình thường nữa, mà trở nên cảnh giới siêu nhiên được trang nghiêm bằng thất bảo, qua trí tưởng tượng phong phú dị thường của các Bồ-tát viết kinh”[9], thì chúng thảo dân Phật tử làm sao có thể thấu lý mầu ấy? Thiền sư là Thiền sư. Ấy là chuyện của thế giới Thiền. Riêng tác giả, làm sao tác giả biết đấy là “cảnh giới siêu nhiên được trang nghiêm bằng thất bảo”? Tác giả đã thể ngộ rồi chăng? Tất nhiên, tôi không dám phủ nhận sự thể ngộ của tác giả về điều đó. Rõ ràng, có một điều tôi nghĩ rằng tác giả thừa biết pháp của Phật là “bất định pháp”, hay pháp được ví như chiếc bè qua sông, có khi lại ví von pháp như ngón tay chỉ mặt trăng. Có nhiều cách hiểu về những ví von đó, nhưng theo tôi, sau ngón tay ấy, chúng sanh như chúng ta thấy được điều gì mới là quan trọng nhất. Cũng vậy, vấn đề mà Đại sư dẫn dắt cho hàng Phật tử qua bài viết ngắn gọn, súc tích ấy là gì, rõ ràng là không dừng lại ở chỗ mô tả thế giới ấy có nhiều vàng bạc, châu báu, mà là một thông điệp rất thực tế, đó là khuyến khích hàng Phật tử có thể tu trong công việc, tu trong thời đại công nghiệp hóa, có thể làm giàu bằng nghề nghiệp chân chính[10]. Do đó, người sở hữu nhiều của cải dĩ nhiên không phải là tội lỗi, mà là phước báo kiếp trước - hiểu theo luật nhân quả, nghiệp báo của Phật giáo. Vì kiếp trước vị ấy chuyên bố thí, làm việc thiện. Vậy, muốn bố thí của cải vật chất cho những người có hoàn cảnh khó khăn, những người gặp hoạn nạn, thiên tai thì của cải lấy từ đâu ra, nếu không cố gắng, siêng năng làm ăn? Nó chính là phương tiện giúp chúng ta làm được nhiều việc thiện. Cổ vũ, khuyến khích hàng Phật tử tích cực tham gia vào xã hội, làm ăn, buôn bán theo tinh thần Phật giáo, thay vì ru nhau ngủ bằng việc tu tập lấy kham khổ làm thanh cao mới là việc không ứng hợp với xu thế phát triển ngày nay! Đoạn kết của bài viết, Đại sư cũng không quên trình bày thêm rằng: Phật giáo không chỉ coi trọng của cải tiền bạc theo nghĩa hẹp, mà còn đặc biệt coi trọng của cải theo nghĩa rộng, ví dụ: Pháp Phật, niềm tin, từ bi, trí tuệ, sức khỏe, hoan hỷ, nhân duyên, tự tại, hổ thẹn, phát tâm, đạo đức, nhân cách, v.v… Những của cải vô hình này so với những của cải hữu hình càng tốt hơn[11].

  1. Đối tượng nghe pháp trong bài văn của Đại sư
Và một điều tác giả cần lưu ý, cái quan trọng nhất đối với thời thuyết pháp là đối tượng nào, trong bối cảnh nào. Tác giả hãy đọc cho hết một đoạn văn sau của Đại sư: Kinh tế là sự kết nối mạng mạch dân sinh, trước đây hành giả Phật giáo nguyên thủy mặc dù không coi trọng kinh tế, xem nhẹ của cải, chỉ chú trọng đến tịnh tu, tìm cầu cuộc sống đạm bạc giản dị, đề xướng tư tưởng thanh bần, cho rằng giản dị mới là tu hành, đạm bạc mới là hữu đạo; nhưng mà, nhìn từ góc độ kinh điển Phật giáo Đại thừa, ví dụ thế giới Cực lạc trong “Kinh A Di Đà”, vàng bạc, châu báu lát trên mặt đất, cung điện, lâu các đều làm từ thất bảo, vô cùng trang nghiêm, đường hoàng, Bồ-tát không vị nào không đeo mũ miện quý báu, chuỗi ngọc khoác mình, phú quý không gì sánh bằng. Vì vậy, tu học pháp Phật không nhất định phải lấy sự bần cùng, khốn khổ làm thanh cao. Phật giáo khích lệ tín chúng trong nhà có thể vinh hoa phú quý, có thể kiếm sống tích góp của cải, nhưng cần dành dụm hữu đạo, phải phù hợp với Chánh nghiệp và Chánh mạng trong Bát chánh đạo, như kinh A-hàm nói: “Những người làm nghề kiếm sống, hoặc làm ruộng, con buôn, hoặc chăn bò, nuôi dê có thể kiếm lãi, mở cửa hàng để mưu cầu lợi ích”. Chỉ cần chăm chỉ kiếm sống bằng những nghề nghiệp chân chính, thì cho dù là nông mục thu hoạch, hoặc là kinh doanh buôn bán, xí nghiệp thương mại, đầu tư sinh lợi, tất cả của cải thu được từ các nghề nghiệp ấy, đều được Phật giáo cho phép[12].
Rõ ràng đối tượng mà Đại sư thuyết pháp ở đây là hàng Phật tử tại gia, thông qua nội dung, một người có trình độ phổ thông về Phật học cũng hiểu ý đồ của bài viết là gì. Không quá sa đà đi giải thích thế giới ấy như tác giả tưởng. Vì thực chất những người cố gắng trình bày về nó, thì càng cách xa nó. Qua trích dẫn, Đại sư muốn cho ta thấy, trong kinh có đề cập đến thế giới ấy bằng những thứ quý giá nhất mà trần gian ai cũng mong mỏi kiếm tìm. Tác giả cho rằng hiểu thế giới ấy như thế thì là hóa ra “cõi Cực Lạc chẳng khác gì một đại siêu thị kim hoàn, và trang sức của các Bồ-tát quá đỗi lòe loẹt, hoa hòe!”[13]. Tôi thì không nghĩ như vậy, giả sử, nếu như thật sự có nhiều thứ quý giá như thế, thì vấn đề của nó không phải là vì nhiều mà trở nên “lòe loẹt” hay “hoa hòe”, mà vấn đề ở đây là sự sắp xếp, bố trí như thế nào cho hợp lý. Cứ xem các đại điện cung vua, tác giả sẽ thấy nó hoa hòe, lòe loẹt hay nó đẹp một cách trang nghiêm, lộng lẫy? Nói vậy, nhưng có lúc tác giả cũng thừa nhận: “Dĩ nhiên hình dung, sắc tướng sẽ được tôn vinh thêm nhờ vào hình thức”[14], hay “đành rằng cần phải có các tự viện to lớn hoành tráng để hỗ trợ việc hoằng dương Chánh pháp” [15].

Trong khoa học, nói thì phải có dữ liệu, cơ sở. Nếu tác giả tin kinh điển, cổ tịch là cơ sở, là thật, là lịch sử được ghi chép lại, thì khi trình bày, tác giả cứ lấy nó ra làm dẫn chứng để làm rõ thêm vấn đề của tác giả đang bàn. Muốn hiểu nghĩa bóng, trước tiên cần hiểu nghĩa đen. Chọn một câu mà không xem xét hoàn cảnh, đối tượng nghe pháp để sa đà “biện chính” là cách làm thiếu thận trọng, thiếu khoa học. Không ai trích một câu trong chỉnh thể của một đoạn văn để phân tích, phản biện. Đó là cái làm không hoàn chỉnh, phiến diện và sai lệch. Nó giống như một vài trường hợp không hiểu nhiều về Phật, chỉ biết một vài câu như “đời là bể khổ”, rồi vội cho rằng Phật giáo là yếm thế hay bi quan. Trong khoa học hiện đại, không ai “nghiên cứu” kiểu như thế. Và hẳn nhiên, giới học thuật nghiêm túc cũng chẳng mấy ai đi lấy một câu để viết thành một bài nghiên cứu mang tính phản biện như tác giả. Tôi rất tâm đắc câu đúc kết của Đại sư sau khi dẫn chứng các trường hợp mới xem sơ qua như là tà pháp nhưng lại là Chánh pháp, Đại sư viết: “Phật pháp có lúc không phải là Phật pháp, không phải là Phật pháp có lúc lại là Phật pháp”[16].

  1. “Tu học pháp của Phật không nhất định phải lấy sự bần cùng khốn khổ làm thanh cao”

Tu học pháp của Phật, rõ ràng là “không nhất định phải lấy sự bần cùng khốn khổ làm thanh cao”. Anh muốn tu, thì trước hết cần phải học. Vì “tu mà không học là tu mù”. Như vậy, bàn đến việc tu học thì đồng thời cũng liên quan đến vấn đề giáo dục. Vì anh tu là không chỉ tu cho bản thân, mà còn tu cho người, “tu” cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Anh muốn tu cho người, cho xã hội, thì buộc anh phải học cách (phương pháp) giáo dục tha nhân thành người tốt, có tâm, có tầm. Mà muốn giáo dục một con người phù hợp với thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay, thì người tu cần tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến, do đó cũng cần có đầy đủ các phương tiện, thiết bị tiên tiến để dễ bề hội nhập, học hỏi và truyền đạt, truyền bá Phật pháp thông qua Internet,... Muốn có các phương tiện tiên tiến, anh phải có tiền của để mua thiết bị, nếu không anh sẽ bị lạc hậu. Hơn nữa, câu nói trên của Đại sư không mang tính khẳng định triệt để, mà chỉ dùng từ “không nhất định” (不一定). Vậy thì, những ai muốn tu theo kiểu lấy bần cùng làm thanh cao, thì vẫn không có vấn đề gì. Câu nói quá rõ ràng vậy, sao tác giả lại cho rằng nó có vấn đề, hay chính tác giả đang có vấn đề?

Rõ ràng Đại sư nói “không nhất định phải lấy sự bần cùng, khốn khổ”, ngài không hề đề cập đến vấn đề “thỏa mãn về vật chất”[17] như tác giả cố đưa thêm vào, càng không đề cập gì đến việc ăn chay hay ăn mặn, hoặc ăn chay phải là ăn cho sang trọng, xa xỉ, cho nên tác giả đã thừa khi rút ra kết luận: “Tôi tin rằng, chỉ có những vị giữ nếp thanh tu mới có được đời sống tinh thần thật sự. Bởi vậy trong Phật giáo, vĩnh viễn cần phải gìn giữ nếp sinh hoạt quả dục, thanh bần dù tu tập trong bất kỳ môi trường nào”[18], và rồi lan man luận điểm thứ hai kia. Bài viết của Đại sư đang bàn về vấn đề kinh tế trong Phật giáo, và khuyến khích Phật tử ra sức, chăm chỉ kiếm gạo, kiếm cơm nuôi dưỡng gia đình một cách đầy đủ theo tinh thần trong Bát chánh đạo. Cớ sao tác giả lại nhìn lệch về một hướng vậy? Tôi, một người sơ cơ tìm hiểu Phật học, vẫn không thấy đó là cái hiểu “lệch lạc” của Đại sư; mà trái lại, từ những bài viết ngắn gọn của Đại sư, cho tôi một cách nhìn mới mẻ về Phật giáo. Một Phật giáo năng động, phù hợp với mọi xã hội, mọi thời đại - chí ít là đến thế kỷ này.

Liên quan đến vấn đề bần cùng, trong tác phẩm “Xây dựng luân lý toàn cầu” của Pháp sư Thánh Nghiêm, có đoạn viết: “Chúng ta nên lý giải rằng: bần cùng và ngu muội luôn liên quan với nhau. Do vì bần cùng cho nên không có năng lực tiếp cận những thông tin giáo dục hiện đại hóa, đa nguyên hóa và toàn cầu hóa, vì vậy tạo ra sự khép mình trong tư tưởng văn hóa, rồi kỳ thị, nụy (thấp) hóa, bài xích tất cả những quan điểm khác biệt với quan điểm của mình; do vì bần cùng, cho nên đố kỵ với các nước thuộc chủ nghĩa tư bản, mà lấy nước Mỹ làm đầu, ý thức tự ti thường chuyển thành thái độ kiêu mạn cực độ, do vậy mà nhìn hằn thù, khinh thường, công kích tất cả những ai đối lập”[19].

Nói một cách ngắn gọn, câu nói trên đây của Đại sư Tinh Vân là câu nói mà tôi cho rằng không có gì đáng bàn cãi, vì nó quá rõ ràng trong thời đại ngày nay; hơn nữa, đó là cách nhìn của ông về vấn đề tu tập trong thời hiện đại. Tu, có “tám vạn bốn ngàn pháp môn tu”. Mục đích không ngoài tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân và cho toàn xã hội.

  1. Liên quan về vấn đề học thuật
Như ở mục 1 tôi có đề cập, trong nguyên tắc trích dẫn, không nên trích một vài câu trong một đoạn chỉnh thể, đặc biệt khi phản biện cho rằng đó là vấn đề không đúng hoặc không phù hợp. Vì, khi bạn trích dẫn như thế, tự nó đã biến thành một nghĩa khác ngoài chủ ý mà tác giả bài viết muốn đề cập, đó là nguyên tắc thứ nhất. Tất nhiên, bạn sẽ phản vấn tôi, nếu cơ sở không vững chắc, hiểu sai, thì những lý giải tiếp theo sẽ không đứng vững. Nếu tác giả Huỳnh Ngọc Chiến đặt vấn đề đó với tôi, tôi xin tác giả tìm hiểu thêm về cách phát ngôn của các Tổ sư. Nguyên tắc thứ hai, khi tác giả phản biện cho đó là cách hiểu sai trái hoặc không phù hợp, thì tác giả phải đưa ra đủ các cơ sở để khẳng định ý kiến của mình, tránh cách nói lấp lửng bằng những phó từ mang tính ước chừng, không triệt để, cụ thể như từ “hầu như” trong câu “… hầu như không ứng hợp với tinh thần Phật giáo chân chính”[20], hay những võ đoán “ngẫm cho cùng, cách mô tả sắc tướng đó chỉ là biện pháp tu từ, mang tính ẩn dụ và ước lệ để diễn đạt cái ý ở ngoài lời”[21], “… có lẽ cũng chỉ là cái bồ đoàn đơn sơ bằng cỏ bện,…”[22], “Các Bồ-tát khi viết kinh hẳn đã nhập định trong cảnh giới thù thắng vi diệu”[23]. Cách dùng phó từ và võ đoán trên cho thấy tác giả vẫn chưa chắc chắn câu nói của Đại sư là sai hoàn toàn. Đã không chắc chắn thì khoan vội “biện chính” vấn đề. Bài viết chủ yếu là phản biện nội dung hai câu nói của Đại sư, nhưng đã sử dụng quá nhiều võ đoán.

Ngoài ra, khi đề cập về khuôn mặt của Đức Phật, cho rằng khuôn mặt ấy là do “vay mượn gương mặt thần Appolon trong nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp”[24], thì tài liệu mà tác giả trích dịch tôi không biết là có tính xác thực và độ tin cậy bao nhiêu. Trong giới Phật giáo, có bao nhiêu phần trăm công nhận quan điểm của ông Will Durant như tác giả đã trích dẫn? Trong phần chú thích (3) của tác giả, tôi không hiểu tại sao lại không có chú thích thêm phần tiếng Hán, trong khi đó chú thích (7) thì lại có thêm phần chữ Hán? Thêm vào đó, một số chú thích tác giả có ghi Tên tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản, năm xuất bản, số trang, nhưng có một số chú thích lại không có. Tính học thuật của bài viết do đó cũng mất đi tính nghiêm túc.



Tóm lại, bài viết của Đại sư Tinh Vân tuy ngắn gọn nhưng đã mang một thông điệp đến cho các Phật tử một tinh thần vươn lên, phấn đấu làm ăn, cải thiện đời sống bằng nghề nghiệp chân chính của mình; kích thích, cổ vũ hàng Phật tử tham gia vào các hoạt động xã hội và thế giới. Bài viết cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng xã hội ngày một văn minh hiện đại hơn, hoàn toàn không có vấn đề gì cần “phản chính”. Các bài viết ngắn như thế của Đại sư, đã có tầm ảnh hưởng tích cực sâu rộng, và những bài viết tương tự như vậy đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của đại chúng, thế hệ trẻ chúng tôi, và cũng như đã được sự công nhận của các nhà xuất bản Mỹ[25]. 
Bài “Quan điểm của Phật giáo về kinh tế” của Đại sư Tinh Vân là cách tiếp cận và cách nhìn nhận của Đại sư thông qua kinh điển Đại thừa. Tôi cho rằng nó không có vấn đề gì cần bàn cãi, và phù hợp với cách nhìn cách tu ngày nay. Trên đây là những trao đổi của tôi về bài phản biện của tác giả Huỳnh Ngọc Chiến cũng như cách nhìn của tôi về bài viết của Đại sư. Rất mong sự chỉ giáo.

Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ, số 193, tháng 4 năm 2012

[1] Toàn bài viết của Đại sư Tinh Vân không hề đề cập vấn đề thỏa mãn về vật chất của một vị tu hành chân chính, đây là luận điểm đã đi quá xa vấn đề cần bàn cãi. Cũng nên nói thêm, khi tác giả tự nhận mình “cực đoan” nhưng vẫn liều lĩnh phát biểu quan điểm ấy, thì tác giả đã xa rời giáo lý Trung đạo của Phật giáo.
[2] Xem Nguyệt san Giác Ngộ, số 192, tháng 3 năm 2012, trang 74.
[3] Xem Nguyệt san Giác Ngộ, số 192, tháng 3 năm 2012, trang 69.
[4] Xem tại: http://zh.wikipedia.org/wiki/%E9%87%8B%E6%98%9F%E9%9B%B2 hoặc có thể tìm hiểu thông qua internet bằng cách gõ các từ khóa bằng tiếng Việt Đại sư/Hòa thượng Tinh Vân, hay gõ từ khóa bằng tiếng Trung 星雲大師 bạn sẽ thấy cuộc đời và sự nghiệp của Đại sư. Trong nhiều tác phẩm, gần đây có tác phẩm “Thảo luận vấn đề Phật giáo đương đại” được giải thưởng tại Mỹ ( http://giacngo.vn/phatgiaonuocngoai/2011/06/12/52F008/ )
[5] Ngữ khí phản vấn của tác giả trong trường hợp này, đồng nghĩa với sự khẳng định. Xem Nguyệt san Giác Ngộ, số 192, tháng 3 năm 2012, trang 69.
[6] Xem Nguyệt san Giác Ngộ, số 192, tháng 3 năm 2012, trang 69.
[7] “Đạo vốn không nhan sắc/Mà ngày càng gấm hoa/Trong ba ngàn cõi ấy/ Đâu chẳng phải là nhà”. (Xem Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB. Văn học Hà Nội, trang 245).
[8] Xem Nguyệt san Giác Ngộ, số 192, tháng 3 năm 2012, trang 73.
[9] Xem Nguyệt san Giác Ngộ, số 192, tháng 3 năm 2012, trang 71.
[10] Hòa thượng Tinh Vân - Phước Tâm dịch:“Quan điểm của Phật giáo về vấn đề kinh tế”, in trong Nguyệt san Giác Ngộ, số 189, tháng 1 năm 2012, trang 36.
[11] Xem Nguyệt san Giác Ngộ, số 189, tháng 1 năm 2012, trang 39.
[12] Xem Nguyệt san Giác Ngộ, số 189, tháng 1 năm 2012, trang 36.
[13] Xem Nguyệt san Giác Ngộ, số 192, tháng 3 năm 2012, trang 69.
[14] Xem Nguyệt san Giác Ngộ, số 192, tháng 3 năm 2012, trang 70.
[15] Xem Nguyệt san Giác Ngộ, số 192, tháng 3 năm 2012, trang 74.
[16] Hòa thượng Tinh Vân - Phước Tâm dịch:“Chuẩn mực đạo đức của Phật giáo”, in trong Nguyệt san Giác Ngộ, số 185 - Số đặc biệt, tháng 8 năm 2011, trang 72.
[17] Xem Nguyệt san Giác Ngộ, số 192, tháng 3 năm 2012, trang 74.
[18] Xem Nguyệt san Giác Ngộ, số 192, tháng 3 năm 2012, trang 75.
[19] Pháp sư Thánh Nghiêm (2011), Xây dựng luân lý toàn cầu (建立全球倫理), Trung tâm Văn hóa Pháp Cổ Sơn Đài Loan xuất bản, trang 20-21.
[20] Xem Nguyệt san Giác Ngộ, số 192, tháng 3 năm 2012, trang 69.
[21] Xem Nguyệt san Giác Ngộ, số 192, tháng 3 năm 2012, trang 70.
[22] Xem Nguyệt san Giác Ngộ, số 192, tháng 3 năm 2012, trang 71.
[23] Xem Nguyệt san Giác Ngộ, số 192, tháng 3 năm 2012, trang 71.
[24] Xem Nguyệt san Giác Ngộ, số 192, tháng 3 năm 2012, trang 70.
Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Một chút cho đời - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger