Phật giáo & giáo dục

Giáo dục là phương pháp truyền nối và triển khai văn minh nhân loại, trong báo cáo “Hướng tới giáo dục ở thế kỷ 21”(Education for the Twenty-first Century), Chủ tịch  Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) Jacques Delores từng nói: “Giáo dục là cơ sở trưởng thành chung của nhân loại, phương hướng giáo dục  chính xác, thì tư chất chân, thiện, mỹ của loài người sẽ được phát huy nâng cao, sự tiến bộ hài hòa của thế giới sẽ dễ dàng đạt tới”. Từ đây, có thể thấy rằng giáo dục đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển và tiến bộ của loài người.
 
 

Phật-đà sau khi thành đạo, do nhận biết một cách sâu sắc về tầm quan trọng của giáo dục, cho nên đã không ngừng tuyên truyền giáo hóa trong suốt 49 năm trú tại thế gian, mục đích là nhằm giáo dục chúng sinh khai phá, phát hiện tự tính chân như, để đời người có thể đạt được giải thoát tự tại. Mười hai bộ kinh tam tạng mà Phật-đà thuyết, ngay cả thân giáo vô lời, chẳng những là sự mẫu mực của giáo dục ngày nay, thực ra còn chính là bộ giáo dục sử uyên bác, phàm là những tri thức, đức hạnh, tư tưởng, kỹ năng ở thế gian, đều có thể tổng nhiếp nội trong phạm vi giáo dục của Phật-đà.        
Giáo dục của Phật-đà, đầu tiên trọng ở việc tu dưỡng lời nói việc làm cử chỉ phẩm đức, là “giới học”; thứ đến trọng ở sự chăm sóc chế ngự thân tâm, gọi là “định học”; tiến thêm một bước nữa là coi trọng sự khai phá, phát hiện tự tính chân như, tức là “tuệ học”. Phật-đà không những khéo léo viện dẫn mười hai phân giáo (phương thức thuyết pháp của Phật) như các câu chuyện, ví von, nhân duyên của đời mình, cho đến các pháp môn như Tứ nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, và đồng sự), Tứ tất đàn (thế giới tất đàn, vị nhân tất đàn, đối trị tất đàn, và đệ nhất nghĩa tất đàn), giáo dục Phật giáo nhìn chung đặc biệt chú trọng giáo tài (tài liệu dạy học) và giáo học pháp (phương pháp dạy học), nghĩa là cái gọi là ứng bệnh và đơn thuốc, thì tùy căn cơ mà trị liệu. Ví dụ: Phật-đà thuyết pháp cho trưởng giả, thì nêu ra “Trưởng giả thập đức[1]”; thuyết pháp cho thiếu nhi, thì nêu ra “Tứ tiểu bất khả khinh”[2]; thuyết pháp cho bằng hữu, thì thuyết minh “Hữu hữu tứ phẩm”[3]; thuyết pháp cho phu thê thì ví von “Phu thê như cộng mệnh điểu”[4]. Trong các kinh điển như Thiện sinh kinh, Ưu bà tắc giới kinh,…Phật-đà đối với đạo giữa thân tử, chủ bộc, đều có những chỉ bảo tuyệt vời.       
Còn Phật-đà đối với thương nhân, thì nói đến đạo kinh doanh; đối với người làm ruộng, thì nói đến việc cày cấy trồng trọt; đối với chính trị gia, thì nói đến đạo trị quốc; đối với Châu-lị-bàn-đà-già ngu đần, thì dạy cho việc “phất trần tảo cấu” (quét rửa trần uế), đối với Nhị-bất-ức-nhỉ xuất thân từ nhạc công chơi đàn, thì dùng ví dụ “Tu hành như đàn cầm”; đối với những phu nhân mất đi đứa con yêu quý của mình thì khéo léo lấy “kiết tường thảo” (cỏ kiết tường) hóa độ cho bà ta.    
Phật-đà không những khéo giáo hóa chúng sinh, mà còn đề xướng “giáo dục tự ngã”, như A hàm kinh nói: “Nương tựa vào chính mình, nương tựa vào chánh pháp để sống, không nương tựa vào bất kỳ cái khác” (tự y chỉ, pháp y chỉ, mạc dị y chỉ) xây dựng niềm tin chính mình. Phật-đà coi trọng việc điều phục tâm tính, ví như ngựa tốt thấy bóng roi mà phi, nhưng ngựa hoang hung hãn không thuần, thì cần phải trải qua điều phục, điều phục chính là một kiểu giáo dục, vì vậy Kim cang kinh mở đầu thì nêu đạo “giáng phục kỳ tâm”.    
Phương pháp giáo dục của Phật-đà linh hoạt xảo diệu, vả giáo dục không phân biệt giàu nghèo quý tiện, bất kể là loại người nào đều đối đãi như nhau (hữu giáo vô loại). Ngài nhắm vào căn cơ của chúng sinh, hoặc là thực thi với “giáo dục quyền xảo lấy độc trị độc”, hoặc là thi hành với kiểu “giáo dục viên dung lấy sự rõ lý”, hoặc là thực thi với kiểu “giáo dục khơi gợi lấy cổ chứng kim”, hoặc là thực thi với “giáo dục dí dỏm lấy trí nhập đạo”, hoặc là lấy “giáo dục thọ ký” dành cho sự khích lệ hy vọng của đệ tử. Phật-đà đối với đệ tử, cực ít rầy la, cự tuyệt, quở trách, chối bỏ, phần lớn đều dùng phương thức quan tâm động viên, làm cho đệ tử biết sai có thể sửa đổi, mà không làm tổn thương đến danh dự của họ.     

Kể từ lúc Ấn Độ truyền sang đây đến nay, Phật-đà lấy thân giáo thay thế các quy phạm hành vi ngôn giáo, qua nhiều thế hệ đại đức cao tăng không một vị nào không kế thừa phong thái mô phạm này, dùng để giáo dục dạy dỗ đệ tử. Ví như lời khuyên đối với tên trộm “Đêm lạnh rồi mặc thêm áo vào” của Thiền sư Tiên Nhai hay như câu chuyện “Đêm khuya sương nhiều, cẩn thận chớ để ướt lạnh hãy nhanh vào phòng nghỉ ngơi” đã cảm hóa được một du học tăng ham chơi thừa lúc về đêm trèo tường trốn đi chơi; “Không phải vì giận dỗi mới trồng hoa lan” của thiền sư Kim Đại, khiến cho đệ tử tự nhận chỗ lỗi lầm của mình; “Tiểu tiện người khác không thể thay thế” của thiền sư Triều Châu, nói rõ thành Phật tất phải do bản thân gánh vác; “Tuổi tác lớn rồi, dây giày còn buộc không chặt” của thiền sư Lương Khoan, dạy bảo cháu ngoại hối cải triệt để; “Ly trà đầy rồi” của thiền sư Nam Ẩn; “Giáo dục con cái như chăm sóc hoa cảnh” của thiền sư Viên Đầu v.v…, tất cả đều là thân giáo tốt nhất, cho nên có thể phát huy công năng một cách như vô tình, không nhìn thấy.       

Tự viện tùng lâm cổ đại Trung Quốc, giống như trường học, là nơi cung cấp học trò thanh niên thập phương đến học tập. Đặc biệt từ kiến trúc, tổ chức nhân sự của tùng lâm, cho đến Thánh tượng Phật Bồ-tát thờ cúng ở tự viện, chỗ nào cũng triển hiện nội hàm ý nghĩa của giáo dục.   

Về phương diện kiến trúc, “Linh thủy đường”, đã nói rõ “Nhất bát thiên gia phạn, cô tăng vạn lý du” của người xuất gia, cuộc sống tu hành tiêu diêu tự tại; “Thượng khách đường”, có nghĩa là trong tùng lâm việc tiếp đón tân khách đều coi trọng là thượng khách (khách quý). Việc xưng hô chức sự trong tùng lâm, không “chủ” thì là “đầu”, ví dụ như “Tạng chủ” (chức danh phụ trách chính kinh tạng trong thiền lâm, có khi gọi là tri tạng), “Trang chủ” (chức danh quản lý các sự việc liên quan đến đất đai của thiền viện, còn gọi là trang khách), “Khố đầu” (người phụ trách thu chi trong thiền lâm, còn gọi là tri sự), “Phạn đầu” (chức danh trong tùng lâm thiền tông, chuyên trông coi quản lý về cơm gạo củi nước…cho đại chúng), “Tịnh đầu” (chức danh có trách nhiệm quyét sạch nhà xí) v.v…, cho thấy sự tôn trọng đối với chức vụ nhân cách tăng chúng của Phật giáo, những điều này đều là một trong những đặc sắc của giáo dục Phật giáo. 

Từ Thánh tượng Phật Bồ-tát được thờ cũng trong Phật điện, cũng có thể hiểu được ý nghĩa giáo dục của tùng lâm. Ví dụ: Việc ra vào ở sơn môn (cổng chính) trong tự viện, thường là đặt thờ Bồ- tát Di Lạc vẻ mặt niềm nở đón tiếp khách; khi đã vào sơn môn, đập vào mắt là Bồ-tát Vi-đà (Skanda) uy vũ nghiêm nghị, quắc mắt trừng ngươi trông thật đáng sợ. Điều này chứng tỏ trong Phật môn, việc cảm phục giữa sự nhiếp thọ từ bi và sức mạnh đều có tầm quan trọng như nhau. Và thông thường đại điện trong tự viện, ở chính giữa thờ Phật Thích-ca-mâu-ni, bên phải là tôn giả A-nan “đa văn đệ nhất”, bên trái là tôn giả đại Ca-diếp “đầu đà đệ nhất”. Đa văn trọng giải, đầu đà trọng hành, giải hành coi trọng như nhau, tri hành hợp nhất, phước huệ song tu, đây chính là giáo dục của Phật-đà.
Giáo dục của tùng lâm không chỉ là trao truyền tri thức, mà quan trọng hơn cả là coi trọng đời sống, tư tưởng, luân lý, đạo đức, nhân cách, cho đến bồi dưỡng, hun đúc oai nghi. Vì vậy, cách giáo dục của tùng lâm còn gọi là “giáo dục sinh hoạt lấy củi múc nước, giáo dục khơi gợi dạy theo năng khiếu, trình độ”, giáo dục công án (tiếng thét, la,…) tuyệt tình vô lý, giáo dục tổng hợp phước huệ song tu”. Tất cả điều này, không ngoài mong muốn thông qua việc tôi luyện tu hành chung của đại chúng, để nâng cao phẩm cách tăng nhân, thành tựu pháp khí Như Lai. Do vậy, tùng lâm mới có tên gọi “Đại dã hồng lô” (lò nung lớn).
Sách có nói,“Nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân”[5], thông qua giáo dục, bồi dưỡng nhân tài, giáo pháp của Phật-đà hơn 2000 năm trước được truyền thừa cho đến nay; ngày nay Phật Quang Sơn vì “Phật quang phổ chiếu tam thiên giới, pháp thủy trường lưu ngũ đại châu” (Ánh sáng Phật chiếu khắp ba nghìn cõi, dòng nước pháp chảy dài ngũ đại châu), nhiều năm nay dựa vào phương châm “Giáo dục sinh hoạt trọng hơn giáo dục tri thức, giáo dục đạo đức trọng hơn giáo dục công lợi (công danh lợi lộc), giáo dục phổ tế (giúp đỡ rộng rãi) trọng hơn giáo dục lợi kỷ (vị kỷ chỉ biết bản thân mình), giáo dục tự giác trọng hơn giáo dục chấp nhận”, tích cực đẩy mạnh phát triển giáo dục Tăng-già, giáo dục tín chúng, giáo dục xã hội, giáo dục thiếu nhi, giáo dục thanh niên…, thậm chí có tâm tưởng thay chính phủ xây dựng “Ngôi trường từ tâm”, mong muốn thông qua Phật hóa giáo dục bi trí song vận, khai phá, phát hiện chân thiện mỹ của nhân tính, bắt đầu thực hiện từ giáo dục tịnh hóa nhân tâm, cùng nhau thúc đẩy phát triển hòa bình thế giới, kiến lập cõi Tịnh độ ngay tại nhân gian này, ở đó các vị thiện nhân chân chính cùng hội tụ, sống vui vầy bên nhau.         

Trích dịch: Phật giáo & Thế tục, in trong bộ sách Phật học giáo khoa thư của Đại sư Tinh Vân, NXB. Từ thư Thượng Hải, năm 2008, trang 22 – 25
 Trà Vinh, ngày 7 tháng 8  năm 2012


Nguyễn Phước Tâm dịch
Tạp chí VHPG, số 163.

Ra ngày 15/10/2012, tr.30–32 



[1] Tức quý danh (chỉ gia tộc cao quý), vị cao (địa vị cao, khanh tướng), đại phú (giàu có), uy mãnh (uy nghiêm đôn hậu, được người kính nể), tri thâm (có tầm nhìn sâu xa hơn người), niên kỳ (tuổi cao đức trọng, dáng vẻ hành sự được công chúng tôn ngưỡng), hành tịnh (gìn tâm giữ mình, liêm khiết công chính, ngôn hành thống nhất), lễ bị (oai nghi kính cẩn, được người đời chiêm ngưỡng noi theo), thượng thán (tài đức vẹn toàn, được người trên thán phục), hạ quy (khiêm tốn để khắc kỷ, khoan dung để quản chúng, được người bề dưới hướng về).

[2] Phật-đà từng khai thị nói với Ba-tư-nặc, không thể xem nhẹ những thứ nhỏ bé, đặc biệt là đốm lửa nhỏ, rồng con nhỏ, vương tử nhỏ, và Sa-di nhỏ, gọi là “tứ tiểu bất khả khinh”.

[3] Phật-đà từng nói với các đệ tử, bạn bè có bốn loại: có bạn như hoa, có bạn như cân, có bạn như núi, và có bạn như đất, gọi là “hữu hữu tứ phẩm”.

[4] Trong kinh Phật, thường ví von vợ chồng là “cộng mệnh điểu” (jivajiva). Loài chim này có một thân, hai đầu, chết sống nương nhau.


[5] Nguyên văn: 人能弘道,非道弘人. Dịch nghĩa: Con người có thể làm rạng rỡ đại đạo nội thánh ngoại vương, không phải đại đạo có thể làm rạng rỡ con người. Nói thêm: Về phương diện thế tục, nghĩa là con người trước hết phải nâng cao tu dưỡng bản thân, mới có thể làm rạng rỡ cho đạo, trái lại lấy đạo khuếch trương mình, dùng tri thức tô điểm bên ngoài, lòe thiên hạ, lấy đạo đầu cơ trục lợi, thì đó không phải là hành vi quân tử chân chính. Câu này xuất xứ từ Luận ngữ (Vệ linh công) của Khổng Tử. Người dịch tham khảo Từ Cần Đình (2011), Tế thuyết tứ thư (quyển thượng), NXB. Thánh Hoàn đồ thư, Tân Bắc (Đài Loan), trang 408.
Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Một chút cho đời - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger