Viết tâm thư đến các cấp lãnh đạo có phạm luật không?

"Đừng để dẫn đến tình trạng cán bộ, nhân dân không còn ai dám nói thẳng, nói thật, không ai còn tâm huyết với công việc chung nữa”.
(Kienthuc.net.vn) - GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định việc Thạc sỹ Nguyễn Huỳnh Thuật viết tâm thư là “sự thể hiện niềm tin vào Chủ tịch nước”.

Trao đổi với Kienthuc.net.vn về chuyện thạc sỹ Nguyễn Huỳnh Thuật bị cơ quan xem xét kỷ luật vì lí do viết tâm thư “vượt cấp”, GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Người dân có quyền bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình với các cấp lãnh đạo. Pháp luật nước nào cũng tôn trọng quyền tự do đó. Công chức, viên chức cũng là công dân. Chẳng có lý do gì để kỷ luật công chức, viên chức thực hiện quyền công dân của mình”.
 

"Tôi thấy hành động của thạc sỹ Nguyễn Huỳnh Thuật thật đáng nể"

“Trầm trọng hóa, thậm chí kỷ luật viên chức chỉ vì viết thư cho Chủ tịch nước là một hành vi trái văn minh. Lãnh đạo nhà nước, dù cao đến đâu, cũng là công bộc của dân. Các vị đó phải rất vui vì được nghe tiếng nói, nguyện vọng của dân, qua đó điều chỉnh chính sách cho phù hợp với cuộc sống. Tôi được biết có công dân Việt Nam còn nhiều lần gửi thư cho Tổng thống nước ngoài và văn phòng của vị Tổng thống này không bao giờ không kịp thời trả lời thư của công dân đó.”

“Trong câu chuyện của thạc sỹ Nguyễn Huỳnh Thuật, chúng ta phải thấy rằng cá nhân thạc sĩ này khi viết tâm thư là đang bày tỏ niềm tin vào Chủ tịch nước. Điều đó là đáng mừng, đáng biểu dương chứ không thể là một lý do để kỷ luật, nhất là khi động cơ của người viết hoàn toàn trong sáng vì bảo vệ Vườn quốc gia Cát Tiên”.

“Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng đây chỉ là việc làm tại một cơ quan, đó không thể là đại diện cho ý chí của nhà nước ta”.

Đối với một số ý kiến cho rằng chuyện này cần có sự can thiệp của tổ chức công đoàn, GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Đúng ra tổ chức công đoàn phải lên tiếng bảo vệ đoàn viên của mình nhưng hiện nay ở nước ta vai trò của tổ chức này còn rất mờ nhạt. Cùng với công đoàn, trong trường hợp này, cơ quan cấp trên cũng phải can thiệp. Đừng để dẫn đến tình trạng cán bộ, nhân dân không còn ai dám nói thẳng, nói thật, không ai còn tâm huyết với công việc chung nữa.”

“Lo lắng nhiều người dân có tâm thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ gây quá tải cho lãnh đạo là không cần thiết. Lãnh đạo có cả một đội ngũ giúp việc. Đội ngũ này sẽ giúp lãnh đạo tiếp thu ý kiến hoặc trả lời thắc mắc của người dân. Nếu tình trạng gửi kiến nghị "vượt cấp" là phổ biến thì cái cần lo lắng là người dân đã mất niềm tin với các cơ quan cấp dưới, chỉ còn tin vào các vị lãnh đạo thôi. Lãnh đạo đã không quan tâm đến kiến nghị của người dân, cơ quan lại còn kỷ luật họ nữa thì rồi người dân sẽ tin vào ai?”

“Tôi thấy hành động của thạc sỹ Nguyễn Huỳnh Thuật thật đáng nể. Chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ gửi tâm thư đến lãnh đạo nào, dù không phải một người không đủ tự tin, dũng cảm. ”, GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.
 
 
Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc VQG Cát Tiên cho rằng nếu là bức thư của một người bình thường thì không ai quan tâm nhưng nếu đã lấy danh nghĩa cơ quan gửi thư mà chưa thông qua phòng, ban và lãnh đạo vườn là vượt thẩm quyền, vi phạm quy tắc ứng xử của CBCNV do đơn vị chủ quản là Bộ NN-PTNT ban hành. “Nếu là thư cá nhân thì đừng đề nơi công tác.
“Viên chức khác với một công dân: công dân được làm điều pháp luật không cấm, còn viên chức chỉ được làm những gì cơ quan cho phép mà thôi!” - ông Diện nói.
(Báo Người Lao Động)
Vũ Chương
Nguyên tiêu đề: 
Tâm thư là thể hiện niềm tin vào Chủ tịch nước
Nguồn: http://kienthuc.net.vn/SP/Print.aspx?NewsID=879958
Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Một chút cho đời - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger