Phật giáo & khoa học

Nghĩa gốc khoa học là “tri thức”, là ngành học sử dụng thiết bị thí nghiệm và các nguyên lý, chuyên tiến hành nghiên cứu và khám phá giới tự nhiên và xã hội loài người. Khoa học mặc dù giống với Phật giáo ở chỗ đều cùng tìm tòi, nghiên cứu các mối quan hệ vũ trụ và nhân loại, tuy nhiên tri thức của khoa học đến từ các giác quan, vì thế nó biến đổi vô thường, định luật của hôm nay có thể sẽ bị định luật của ngày mai phủ định, lật đổ, vốn không vĩnh viễn bất biến; còn giáo lý của Phật giáo, lại là quy luật tự nhiên được Phật đà vận dụng trí tuệ Bát nhã chí cao vô thượng phát hiện và chứng ngộ, “pháp” này là chân lý vốn có của vũ trụ, vượt ngoài thời gian, mang tính phổ quát và vĩnh cửu. Cho nên, những khởi xướng của Phật học không những không mâu thuẫn với khoa học, trái lại có thể cung cấp sự kiểm nghiệm chính xác đối với phương pháp và hiệu dụng của khoa học.

Trên thực tế, Phật giáo có thể được cho là ngọn hải đăng dẫn đắt khoa học. Trong giáo lý Phật giáo, uẩn hàm nhiều khái niệm tư tưởng thâm thúy liên quan đến thế giới tinh thần và vật chất, có thể cung cấp những ý tưởng và hướng phát triển nghiên cứu khoa học; mặt khác, khoa học càng phát triển, thì càng có thể chứng minh tính hợp lý và tính xác thực của Phật pháp. Ví dụ kinh Phật ghi chép, “Phật quán nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng” (Phật thấy trong một bát nước, có 84.000 con vi trùng), và bây giờ thông qua các dụng cụ thí nghiệm khoa học, xác nhận điều này là thực, không phải hư huyễn. Kinh điển Phật giáo thường nói, “thập phương hằng hà sa thế giới”, “tam thiên đại thiên thế giới”, cho đến nói “hư không vô lượng”, “pháp giới vô tận”, “quốc thổ chúng sinh vô lượng vô biên”. “Hư không”, “pháp giới”, “vô lượng vô biên” mà kinh Phật đề cập, ngày nay các nhà thiên văn học đã chứng thực: trong vũ trụ tràn đầy hệ ngân hà, hệ thái dương, cụm tinh vân, thiên hà, các hành tinh vô lượng vô số. Thiên văn học Phật giáo không chỉ mở ra lĩnh vực tư tưởng của nhân loại, đặc biệt đã chứng minh rằng Phật pháp vốn không trái với khoa học, thậm chí vượt qua khoa học, bởi trên cơ bản, giáo nghĩa Phật giáo không chỉ phù hợp với biện chứng của khoa học, mà tổ chức của kinh Phật còn phù hợp với phương pháp của khoa học, sự thực hành của Phật pháp lại càng hợp với tinh thần của khoa học.  

Về phương diện giáo nghĩa, Tam pháp ấn của Phật giáo, gọi là “chư hành vô thường”, “chư pháp vô ngã”, và “Niết bàn tịch tịnh”, nếu nói theo Vật lý học thì, tất cả sự vật trên thế gian này không có thứ nào ở trạng thái tĩnh tại, bất động. Mà đã là trạng thái động, tức là vô thường; bởi vô thường, không có cái “ngã” tự tại cố định có thể đạt, vì vậy vô ngã. Nhưng mặt khác, theo quan điểm của thuyết Lượng tử, tất cả vật chất có thể hoàn toàn chuyển đổi thành năng lượng, lưu chứa trong không gian; năng lượng dày đặc trong không gian sau khi trải qua tập hợp, kết tụ, cũng sẽ hình thành vật chất, vì vậy bản tính của hết thảy sự vật là không tịch. Có nghĩa là, bất luận thế gian rối ren, hỗn loạn thế nào, bất luận vạn pháp sai biệt ra sao, cuối cùng chung quy vẫn là tịch tịnh, bình đẳng, đây chính là cảnh giới Niết bàn (Nirvāna).  

Ngay cả lý thuyết về mối quan hệ giữa chất-năng (khối lượng và năng lượng) trong thuyết Tương đối của Albert Einstein (1879 - 1955) cũng chỉ ra rằng: Vạn vật trong vũ trụ này đều chỉ là các hình thái khác nhau của “năng”. “Năng” không có cách nào nhìn thấy, nhưng khoa học có thể chứng minh nó xác thực tồn tại, điều này có thể xác minh sự thật “vạn pháp giai không” mà Phật đà từng tuyên thuyết; “không” này, tuy nhìn không thấy, nhưng không nơi nào không tồn tại. Cả đến thể nhận của Phật đà về thời-không, gọi là “do vật nên có thời, ly vật nào có thời” (nhân vật cố hữu thời, ly vật hà hữu thời), hay nói cách khác, thời-không là không thể chia cắt, tách rời, chỉ khi thời-không nhất thể, thì chân tướng của các pháp mới có thể hiển bày, điều này là tương đồng với thuyết Tương đối của Albert Einstein (vũ trụ là bốn chiều thời-không liên tục, trong đó ba chiều không gian với một chiều thời gian tạo thành một cấu trúc thống nhất, nếu không có tiêu chuẩn của thời-không, thì vũ trụ vốn không có lý luận tồn tại khách quan).

Khoa học là tri thức có tổ chức, có hệ thống, phương pháp nghiên cứu của nó không ngoài sự quy nạp và diễn dịch trong lôgích học, mà tinh thần nghiên cứu khoa học quyết định ở chỗ khách quan, trọng phân tích, dựa vào thực chứng (chứng minh thực tế), nhằm tìm ra kết quả chính xác trong nghiên cứu.

Phương thức tác nghiệp của tổ chức, kết tập và chuyển dịch, sự tỉ mỉ trong phân tích chú sớ, sự nghiêm cẩn trong sắp xếp phân đoạn của kinh điển Phật giáo…, đều phù hợp với tinh thần khoa học. Ví dụ Đại sư Đạo An (312-385) triều đại Đông Tấn (316 - 420) đem hệ thống kinh điển Phật giáo, phân làm ba phần: phần Tự (tựa), phần Chánh tông và phần Lưu thông[1]; phần Tựa lại bắt đầu bằng ngữ “Như thị ngã văn”[2] (tôi nghe như vầy), có đủ sáu loại thành tựu, gần giống với “lục hà”[3] trong tân văn học ngày nay, lại tương đồng với cách viết báo cáo thực nghiệm khoa học của các tác giả hiện đại. Sự mở đầu báo cáo thực nghiệm tất phải nêu rõ người chủ trì (chủ tọa), những người cùng thí nghiệm, thời gian, địa điểm, mục tiêu thí nghiệm, vật liệu thiết bị sử dụng thí nghiệm, tiếp theo ghi chép văn bản thí nghiệm, để chứng tỏ tính chuẩn xác của báo cáo này. Cách ghi chép này vào khoảng hơn 2.000 năm trước đã được Phật giáo áp dụng.   

Sự thu thập ( mà Phật giáo gọi là kết tập) và chuyển dịch cũng là phương thức tác nghiệp rất phù hợp với khoa học, sự kết tập kinh điển mấy lần trong lịch sử Phật giáo, mỗi lần cùng với người tụ hội (số lượng người tham dự kết tập) đều trên 500 người, ở trong hội đọc Tam tạng, lại phải thông qua đại chúng đồng ý, mới định là Phật thuyết. Phiên dịch của kinh Phật, như sự phiên dịch quy mô lớn mấy lần trong lịch sử Trung Quốc, nhân viên hơn ba ngàn, trong dịch trường (nơi phiên dịch kinh điển) có các chức vụ như Dịch chủ, Chứng văn, Chứng nghĩa, Dịch ngữ, Bút thọ, Chuyết văn, San định, và Nhuận văn, mỗi người mỗi việc, phân công hợp tác, tổ chức nghiêm mật, chặt chẽ, phù hợp với phương thức tác nghiệp của khoa học.   

Ngoài ra, những chú sớ (chú giải và chú thích) phân tích trong kinh luận Phật giáo cũng vô cùng kỹ càng tỉ mỉ, ví dụ khoa văn (phân khoa), để tiện cho việc giải thích kinh luận mà phân nội dung thành mấy đoạn, tiếp theo lấy những câu chữ gãy gọn, có khả năng toát lên nội dung chính để làm tiêu đề cho các phần (được chia tách); khoa đồ thì là đem toàn bộ khoa mục dùng biểu đồ biểu thị; với những kinh luận có nội dung chú sớ phức tạp, thường chia toàn thư làm một số quyển nhỏ hơn, lại có khi chia toàn kinh thành ba bộ phận, tiếp đến lấy thiên can địa chi phân chi tiết làm một số mục, sự phân chia tinh tế cẩn trọng này, so với phân tích khoa học, thậm chí còn tốt hơn.

Phật giáo xưa nay luôn chú trọng giải và hành, không phân chính phụ, trong phần Lưu thông của kinh văn phần lớn đều có văn “tín thọ phụng hành”, có thể thấy Phật giáo đặc biệt coi trọng thực hành, thông qua thực hành làm sáng tỏ thêm phần lý thuyết, giữa thực tiễn và lý luận ấn chứng, soi rọi qua lại, đây chính là tinh thần khoa học.    

Sự tu hành của Phật giáo có cấp độ , có hệ thống. Ví như: Tổ sư Thiền tông thường nói “cần nêu ra nghi tình”, “phải giác ngộ triệt để”, đây chính là tinh thần nghiên cứu của các khoa học gia. Sự tu hành của Tịnh độ tông, chủ trương tín- nguyện- hạnh là ba tư lương của vãng sinh Tịnh độ, thật như việc rời nhà đi xa, một cần tiền bạc, hai cần lương thực, thiếu hai điều kiện này, thì khó mà tới đích. Lại ví dụ thứ tự “tín- giải- hạnh- chứng” trong việc tu hành thông thường, nói rõ bước thứ nhất học Phật cần phải quy y Tam bảo, điều này là xác lập niềm tin; từ niềm tin phát tâm đến chứng ngộ rốt ráo, còn có quá trình giải và hạnh, thêm nữa, tín- giải- hạnh- chứng vốn không phải là thứ tự đơn tuyến, mà là một vòng tuần hoàn, xoay vòng không ngừng. Nói tóm, Phật giáo không chỉ có tổ chức, hệ thống trong lý thuyết, mà chính trong pháp môn thực hành, cũng là tuần tự tiệm tiến, khá chặt chẽ và khoa học. 

Mặc dù sự tiến bộ của khoa học hiện đại được đổi mới từng ngày, thậm chí đã đưa người lên cung trăng, tuy có thể đổ bộ lên cung trăng, nhưng không cách nào có thể bước vào trái tim của con người; cho dù sự tiến bộ khoa học kỹ thuật trong y học hiện đại, có thể ghép thận thay tim cho con người, tuy quả tim của vật chất có thể thay thế, nhưng chân tâm bản tính của con người thì lại không có cách nào thay thế. Khoa học phương Tây cận đại quan sát và nhận ra rằng giữa “tinh thần” và “vật chất” thực tế không thể phân ly, cũng tin rằng nội hàm vạn tượng thế gian (vật chất), hãy còn nhiều đáp án đến bây giờ các nhà khoa học vẫn đang bỏ ngỏ, đây là mục tiêu mà tương lai khoa học cần nỗ lực nghiên cứu, tuy nhiên những nỗ lực này vẫn là một sự tiến hành dưới quy luật “duyên khởi tính không” mà Phật giáo đã từng đề cập. Nếu như những thành tựu của khoa học thiên về phương diện nghiên cứu “vật chất”, thì điều này chỉ có thể tạo ra sự trống rỗng và mất cân bằng trong tâm hồn nhân loại. Phật giáo nhấn mạnh đến cả hạnh lẫn giải, vốn không chỉ coi trọng sự tích lũy tri thức, mà còn coi trọng sự mở mang trí tuệ, sự độ lượng trong ý thức tinh thần. Vì vậy, Phật giáo có thể phòng trị căn bệnh của “chủ nghĩa khoa học”, đấy là một sự thật không nghi ngờ gì nữa.            
Tinh Vân - Phước Tâm dịch
Nguồn: NSGN, số 201, Tp.HCM, tháng 12/2012 




[1] Phần Tựa, tức nói rõ lý do ra đời của bản kinh hoặc thời thuyết pháp; phần Chánh tông, tức luận thuyết tôn chỉ của bản kinh; phần Lưu thông, tức nói rõ sự lợi ích của việc thọ trì bản kinh, và đồng thời khuyên đại chúng lưu truyền rộng rãi.

[2] Thông tự (mở đầu chung) của các kinh là “Như thị ngã văn”, có đủ sáu loại thành tựu, gồm:
Như vầy: Tín thành tựu. Phật pháp rộng lớn như biển cả, chỉ có niềm tin mới có thể vào, tín thọ pháp “như thị”, tức tin tưởng tuyệt không nghi ngờ những lời Phật đà thuyết, đồng thời nương vào đó để phụng hành, cho nên gọi là Tín thành tựu.
Tôi nghe: Văn thành tựu. A nan đích thân nghe Phật thuyết pháp.
Một thời: Thời thành tựu. Chỉ thời gian thuyết pháp.
Phật: Chủ thành tựu. Chỉ người chủ thuyết pháp.
Ở một nơi nào đó: Xứ thành tựu. Chỉ chỗ thuyết pháp.
      Đầy đủ một số thành phần: Chúng thành tựu. Chỉ cho đại chúng nghe pháp. Có các Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác, Thiên, Nhân vân tập nghe pháp, cho nên gọi là Chúng thành tựu.


[3] “Lục hà” trong Tân văn học ngày nay, tức chỉ: hà nhân (người nào), hà sự (việc gì), hà thời (lúc nào), hà địa (nơi nào), hà vật (vật gì), và vi hà (tại sao).
 (Trích dịch từ Phật giáo và thế tục, in trong bộ sách Phật học giáo khoa thư của Tinh Vân, NXB. Từ Thư Thượng Hải, năm 2008, trang 31-34
Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Một chút cho đời - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger