Nhận thức về Phật giáo của GS.TS Vương Hi Nguyên

Vương Hi Nguyên (王熙元), tự Mạnh Viễn (孟遠), người huyện Tương Hương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, sinh năm 1935 tại Nam Kinh. Tốt nghiệp Khoa Quốc văn Trường Đại học Sư phạm Đài Loan và Viện Nghiên cứu văn học, nhận học vị Tiến sĩ văn học quốc gia. Nguyên là Giáo sư Trường Đại học Sư phạm, chủ nhiệm Khoa Quốc văn và Trưởng Viện Nghiên cứu Quốc văn; trước sau kiêm nhiệm Giáo sư Viện Văn hóa học Trung Quốc, Trường Đại học Trung Ương, Trường Đại học Đạm Giang, Viện Nghiên cứu Khoa Trung văn Trường Đại học Đông Hải, cũng từng giảng dạy tại Trường Đại học Trung Nam quốc lập Hàn Quốc; Phó Tổng Biên tập “Trùng biên Quốc ngữ từ điển biên tập Ủy viên hội”, Chủ tịch hội đồng Hội Nghiên cứu văn học cổ điển Trung Quốc, Chủ tịch hội đồng Hội Văn tự học Trung Quốc, người sáng lập Tòa soạn Tạp chí Tuệ Cự (慧炬雜誌- Đuốc Tuệ) và là Tổng Biên tập Tạp chí Đuốc Tuệ. Từng đảm nhiệm Viện trưởng Viện Văn học Trường Đại học Sư phạm, Trưởng Ban quản lý Hội diễn thuyết nghệ thuật học dân quốc Trung Hoa, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Đuốc Tuê, Ban quản lý thường trực Hội Phật học Đuốc Tuệ Trung Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị xí nghiệp quan hệ thiên địa quốc văn. Tác phẩm sách: “Văn học tâm lộ” (文學心路), “Hồng lâu chung thanh” (紅樓鐘聲)“Lịch đại từ thoại tự lục” (歷代詞話敍綠), “Cốc lương phạm chú phát vi”(穀梁范注發微), “Cốc lương trước thuật khảo vi”(穀梁著述考微), “Vương Thủ Nhân”(王守仁), “Luận ngữ thông dịch”(論語通譯), “Cổ điển văn học tản luận”(古典文學散論), v.v… 

1. Lời nói đầu

Thông thường người ta hay có cách nhìn nông cạn và lệch lạc, cho rằng Phật giáo là một tôn giáo tiêu cực yếm thế và mang màu sắc mê tín nặng nề, điều này hoàn toàn là do chúng ta chưa thật sự thấu hiểu Phật giáo, đối với Chân đế chưa từng tiếp cận nghiên cứu. Họ chỉ nhìn thấy một bộ phận “độc thiện kỳ thân” (chỉ biết tu cho thân mình), vì chán ghét sự hỗn loạn của chốn trần gian, tỉnh ngộ ra rằng thế nhân biến hóa vô thường, bèn lẩn trốn vào cửa Không, xa cách nhân thế, trong núi thẳm rừng sâu, cổ tự minh sát để hưởng cuộc đời còn lại, cho rằng điều này là hoàn toàn thuộc hành vi yếm thế tiêu cực, hoàn toàn không có cái nhìn nhân sinh sáng tạo tích cực. Trên thực tế, đây chỉ là cái nhìn phiến diện mà thôi! Cố nhiên, một số ít đúng là vì muốn trốn tránh thời loạn lạc, cầu giải thoát mà xuất gia làm hòa thượng, nhưng toàn bộ giáo nghĩa Phật giáo vốn không phải muốn con người chạy trốn cuộc đời.

Phật giáo không những không phải là yếm thế, mà chính là coi trọng nhập thế ứng dụng. Phật-đà có chí nguyện to lớn phổ độ chúng sinh, bởi vì đối tượng của Phật giáo là chúng sinh, mục đích của Phật giáo là ở chỗ trị liệu các căn bệnh thân- tâm cho chúng sinh, chúng sinh có nỗi thống khổ sinh lão bệnh tử, có thiên tai và các tai họa chiến tranh và thiên nhiên đất nước lửa gió, những khổ não này là vô cùng tận, là không thể tránh khỏi, Phật dựa vào lòng từ bi, muốn giải cứu chúng sinh thoát ly bể khổ vô biên này. Giải thoát từ trong biển khổ mịt mùng ấy, cùng lên bờ bên kia- cõi Niết-bàn Cực lạc. Điều này hoàn toàn là xuất phát từ tấm lòng chân thành, dựa trên tinh thần lợi tha cứu đời, tích cực phục vụ vì nhân quần, phương châm ấy gọi là: “Ta không vào địa ngục, thì ai vào địa ngục?”, đây không phải là tinh thần cứu đời vô cùng vĩ đại sao! Cho nên Phật giáo chẳng những không phải yếm thế, mà còn là cứu thế, nó hoàn toàn kết thành một khối với nhân sinh hiện thực. Phật giáo lấy tinh thần xuất thế làm sự nghiệp nhập thế, gọi là: “Trên cầu Bồ-đề, dưới hóa độ chúng sinh”. Muốn con người một mặt tìm cầu lý tưởng của sinh mệnh để hoàn thành tự ngã, một mặt muốn dấn thân tham gia vào sự nghiệp cứu độ hết thảy chúng sinh.

Thứ đến, Phật giáo cũng không phải tiêu cực, như trong Đệ tứ giác tri của “Bát đại nhân giác kinh” nói: “Giải đãi trụy lạc, thường hành tinh tấn”; trong Đệ ngũ giác tri lại khuyên chúng ta: “Quảng học đa văn, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu biện tài, giáo hóa nhất thiết”. Đồng thời Phật gia chủ trương Phật tính bình đẳng, người người có thể thành Phật, điều này vốn có ý nghĩa tương đồng với tư tưởng “con người đều có thể là Nghiêu Thuấn” trong Nho gia. Mặc dù người người có thể thành Phật, nhưng mà phải nương vào chính sức mạnh tự thân, lấy trí tuệ của tự thân đi liễu tri tất cả pháp tướng thế gian, đồng thời phải tự thân thể nghiệm lĩnh ngộ. Vì vậy, muốn chứng đắc Phật quả, tất không ngừng thực hành, cần phải ở trong tinh tấn không giãi đãi để tăng trưởng trí tuệ, giáo hóa tất cả chúng sinh; cần phải ở trong sáng tạo và thực hành tích cực để liễu ngộ pháp tướng, thành tựu Chân như, điều này tất nhiên không phải tiêu cực mà là tích cực.

Còn như vấn đề mê tín, đấy là điều chẳng đáng bàn. Vốn dĩ, bất cứ tôn giáo nào cũng vẫn không tránh khỏi có thành phần mê tín, tuy nhiên đối với Phật giáo- được đánh giá là “Tôn giáo của lý trí” mà nói thì là không phải vậy. Thí như việc thờ cúng tượng Phật, điều ấy hoàn toàn là vì muốn tưởng niệm và tôn kính biểu tượng tinh thần vĩ đại của Phật, đồng thời đó cũng là sự bày tỏ lòng ngưỡng mộ chân lý vì chúng sinh chỉ thị của Phật, học tập biểu tượng tinh thần cứu đời lợi người của Phật, cho nên việc thờ cúng tượng Phật của tín đồ Phật giáo, thực sự có một ý nghĩa sâu xa, tuyệt không giống với sự tôn sùng thần tượng thông thường khác. Hơn nữa, giáo nghĩa của Phật giáo quảng bác uyên thâm, nó có nhận thức luận chặt chẽ làm cơ sở tư tưởng, đối với việc cứu cánh vũ trụ nhân sinh có những nghiên cứu thảo luân sâu sắc. Tóm lại, Phật giáo không phải xây dựng tín ngưỡng trên cơ sở mê tín, mà là muốn chúng ta “giải tín” muốn chúng ta “ngộ tín”.

2. Ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống nhân loại

Phật giáo từ lúc sáng lập đến nay, đã có lịch sử hơn 2500 năm, hơn hai ngàn năm trở lại đây, Phật giáo lưu truyền rộng rãi, đi sâu vào lòng người; hôm nay, người theo tín ngưỡng Phật giáo trên thế giới chí ít là trên 1.2 tỉ, lực lượng đông đảo sâu rộng này, thật không thể tưởng tượng nổi.

Giá trị đáng quý nhất của tôn giáo, ở chỗ hướng dẫn nhân loại hướng thượnghướng thiện, đồng thời cho con người một sự an định của sinh mệnh, từ đó thay đổi một cách vô tri vô giác, cải thiện nhân tâm và xã hội. Phật giáo chính là như thế, nó chẳng những khéo léo hướng dẫn nhân loại không ngừng truy cầu cảnh giới Niết-bàn của Chân Thiện Mỹ, mà còn bảo với mọi người: Tất cả thế gian này đều là hư huyễn, bất tất quá cố chấp, dẫn đến chỉ tăng thêm phiền não, do vậy hình thành một sức mạnh an thân lập mệnh. Sức mạnh này đối với cuộc sống hiện thế của con người đã có tầm ảnh hưởng cực lớn.

Thứ đến, tư tưởng vãng sinh và quan niệm giải thoát, khiến cho mọi người đối với vấn đề sau khi chết nhận được sự an tâm, điều này vô hình trung đã khuyến hóa mọi người: Vì muốn hạnh phúc sau khi vãng sinh mà ra sức làm việc thiện trong kiếp này, mọi người nếu như gặp phải điều gì bất hạnh, thì cứ nghĩ rằng là nghiệp báo của kiếp trước, họ an thủ vận mệnh của chính mình, nhưng không hề quăng bỏ sự khai phá sáng tạo đối với tương lai, thái độ nhân sinh này hoàn toàn là đến từ sự cảm hóa từ trong tư tưởng Phật giáo.

Ngoài ra, trong cuộc sống hiện thực của con người, có rất nhiều khổ đau, những khổ đau này không phải bao giờ cũng có thể giải trừ được nhờ sức mạnh của chính bản thân họ, bởi thế đôi lúc cần có một sức mạnh thần kỳ vượt trên sức con người để giải cứu. Lúc mọi người đối diện với nguy nan, thường hay khẩn cầu từ ân của Phật Bồ tát bảo hộ giúp đỡ, cho nên sự to lớn của niềm tin về việc cứu đời kiếp này của Như Lai Phật và Quan Thế Âm Bồ tát, khiến cho mọi người nhận được một sức an định to lớn.

Lại ví như các đức Tứ ân, Ngũ giới Thập thiện, lòng Từ bi và chúng sinh bình đẳng…trong Phật giáo, đối với cuộc sống xã hội đã phát sinh sức mạnh cảm hóa cực lớn; tư tưởng oan thân bình đẳng cũng có hiệu quả cực lớn trong việc hướng dẫn lòng dân xã hội.

Tóm lại, những ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống loài người là vô cùng sâu rộng, sức mạnh lớn nhất của nó, thật như nhà Phật học Nhật Bản Mộc-thôn Thái-hiền (Kimura Taiken, 1881-1930) nói: “Sức mạnh lớn nhất trong tư tưởng Phật giáo đang ảnh hưởng đến đời sống chúng ta, là làm cho chúng ta biết có một Thiên quốc của tự do trong tinh thần, từ đó khiến cho chúng ta thoát ra những gông cùm xiềng xích trong đời sống hiện thực, đồng thời đang nâng cao và đi đến chỗ sâu sắc hơn ý nghĩa của tự thân cuộc sống.”

3. Những tìm tòi nghiên cứu của Phật giáo đối với vũ trụ nhân sinh

Phật học trình bày chân lý vũ trụ nhân sinh, dùng “Nhân quả thuyết” và “Nhân duyên thuyết” để giải thích, cho rằng sự sinh khởi của vũ trụ nhân sinh, ở trong thời gian là không thể tách rời mối quan hệ nhân quả, ở trong không gian là do nhân duyên kết hợp mà thành.

Nhà triết học Tây phương Immanuel Kant (1724-1804) từng nói: “Người thiện có thiện báo, người ác có ác thù”. Thuyết Nhân quả báo ứng mà Phật gia chủ trương cũng cho rằng người hành thiện tất nhận được quả báo thiện, người hành ác tất nhận quả báo ác, có điều cái gọi là quả báo thiện, quả báo ác, vốn không nhất thiết hạn định ở hiện thế, hay là hiển hiện ở lai thế. Chính là nói nếu như đời này đã trồng nhân thiện nhưng trái lại chưa nhận được thiện quả, hoặc đã giao nhân xấu nhưng vẫn chưa nhận ác báo, nhưng mà trải qua ba kiếp quá khứ, hiện tại và tương lai, cuối cùng cũng sẽ hiện ra tính xác thực quy luật này, điều này gọi là Nhân quả ba đời.   

Theo cách nhìn của Phật-đà: Những gì gọi là nhân thiện quả thiện, nhân ác quả ác, đều là luật tự nhiên, hệt như việc “trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu” vậy, nó là quy luật không thể đổi thay, Phật-đà chỉ dùng quy luật này làm phương châm để giáo hóa (giáo dục cảm hóa) nhân loại hướng về nẻo thiện.

Phật lại lấy hai chữ “Nhân duyên” để giải thích vũ trụ nhân sinh, cho rằng sự sinh khởi và tồn tại của vũ trụ vạn pháp, đều là sự đệ biến (đổi dời) của nhân quả và tụ hợp (nhóm họp) của nhân duyên, chúng là giả tướng ảo hiện tạm thời, tuyệt không mảy may tồn tại tính thực tại, đấy chính là chân lý “Duyên khởi tính không” trong Phật pháp. Gọi là “Nhân duyên” chính là nguyên lý: “Cái này có mặt, thì cái kia có mặt, cái này không có mặt, thì cái kia không có mặt; cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt” mà Phật từng giải thích lấy nó thuyết minh sự tồn tại của hết thảy hiện tượng đều chỉ là sự y tồn (dựa vào nhau mà tồn tại) tương đối, không phải là sự tồn tại tuyệt đối. Nhân duyên quan này là xuất phát từ nhận thức luận, nghĩa là do cái thức chủ quan và đối tượng khách quan đối đãi nhau mà có được cái tướng tồn tại. Dựa trên thuyết “Nhân quả” và “Nhân duyên”, Phật cho rằng con người có nghiệp lực không bao giờ dập tắt, do vì hoạt động tương tục, làm cho sinh mệnh không đến mức phải mất đi, đây gọi là “Luân hồi”, nhân sinh mải miết trôi lăn trong sáu nẻo. Gọi là “Luân hồi”, chính là sự lưu chuyển của sinh mệnh, giống như cây kia từ hạt giống trải qua giai đoạn đâm chồi nảy nầm, trưởng thành phát triển, đơm hoa kết trái, sau đó lại truyền phát, nảy sinh sinh mệnh mới của nó từ hạt giống.

Phật cho rằng nhân sinh cho đến hết thảy thế tướng (tướng thế gian) đều là biến đổi, suy suyển không ngừng, sớm còn tối mất, đây chính là Thuyết “Vô thường”. Vì vậy, cho rằng sinh mệnh của con người chẳng qua chỉ là do nhân duyên hòa hợp mà tạo thành tại một thời gian nào đó từ hai yếu tố vật chất và tinh thần, cũng tức là giả tướng tạm tụ ngẫu nhiên, vốn không có sự tồn tại cái “ngã” thực sự, đấy là Thuyết “Vô ngã”. Cho nên Phật giải thích sự thật về nhân sinh là: “Chư hạnh vô thường, chư pháp vô ngã”.

Mặc dù nghiên cứu thảo luận kết quả về Chân đế nhân sinh, Phật kết luận giá trị nhân sinh là: “Nhất thiết khổ” (tất cả đều là khổ đau), nhưng vốn không trách móc, ghét bỏ nhân sinh một cách tiêu cực, mà trái lại khéo dẫn dắt mọi người lấy “giải thoát” đạt đến “Niết-bàn”, nghĩa là thoát ly hết thảy trói buộc của giả tướng, để đạt được tự do giải thoát mà thảnh thơi bước tới cảnh giới lý tưởng cao nhất.

4. Những cống hiến của Phật giáo đối với văn hóa Đông phương

Phật giáo phát triển đến hôm nay, đã trở thành một trong ba tôn giáo lớn thế giới, cùng với Cơ-đốc giáo, Hồi giáo hình thành nên thế chân vạc, Cơ-đốc giáo dung dưỡng, giúp thêm văn hóa Tây phương, Hồi giáo đã hình thành văn hóa Ả-rập (Arabian), cũng vậy, Phật giáo cũng đã bổ sung và làm phong phú cho văn hóa Đông phương.

Gọi là văn hóa Đông phương, tất nhiên là lấy văn hóa Trung Quốc làm tiêu biểu. Văn hóa Trung Quốc lâu đời phong phú, nồng hậu uyên bác, nhưng trong tế bào của văn hóa Trung Quốc, lại đang hàm chứa sâu sắc những dưỡng phần văn hóa Phật giáo, bởi vì văn hóa Trung Quốc sau Hán Ngụy, bất luận là ở trong tư tưởng, văn học, nghệ thuật, đều từng chịu sự thẩm thấu của văn hóa Phật giáo.

Như Lý học Tống Minh một thời cực thịnh, chính là sản phẩm sau khi dung hợp Phật học và văn hóa Trung Quốc. Các nhà thơ sau Ngụy Tấn như Đào Uyên Minh, Vương Ma Cật…, cho đến nhiều văn nhân nhà Nguyên, không ai không chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Thích gia, làm cho những tác phẩm của họ phô bày, thể hiện ra một ý cảnh linh hoạt kỳ ảo và phong cách tự nhiên; sự hưng thịnh của văn học sơn thủy, thiên nhiên trung Đường và Ngụy Phổ, cho đến các văn nhân đời Nguyên chán bỏ công danh phú quý của nhân thế nhưng cầu nhân sinh quan ung dung tự tại, tất cả đều là những ban tặng của tư tưởng Phật giáo. Còn trong nghệ thuật, như bích họa Đôn Hoàng, tượng Phật trong hang đá Vân Cương ở Đại Đồng, và các công trình kiến trúc nghệ thuật của Hán Đường trước nay, cũng đều là kết tinh của văn hóa Phật giáo. Chúng ta có thể nói: Văn hóa Trung Quốc sau Hán Ngụy là sự dung hợp tư tưởng của ba nhà Nho Thích Đạo, cho nên, ngày nay văn hóa Đông phương được toàn thế giới mến mộ, đấy thực ra là sự dung hợp giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa bản địa Trung Quốc mà thành.

Phật giáo sau khi truyền vào Trung Quốc từ nhà Hán, từng bước đi sâu vào xã hội nhân gian, vô hình trung đã bắt rễ trong mảnh đất màu mỡ của văn hóa Trung Quốc, điều này một mặt do vì văn hóa Trung Quốc có sức bao dung lớn lao, mặt khác do vì giáo nghĩa Phật giáo vốn sẵn có triết lý cao thượng, nó có thể phối hợp với tư tưởng Khổng Mạnh và Lão Trang của Trung Quốc, đồng thời, bản thân Phật giáo có đạo đức luân lý đôn hậu, cũng có thể phù hợp với luân thường đạo đức vốn có của Trung Quốc. Như Thuyết Báo tứ ân (cha mẹ, sư trưởng, quốc gia, và chúng sinh), so với phạm vi luân lý gia đình mẹ từ con hiếu anh thân em kính của Trung Quốc càng rộng lớn hơn; Ngũ giới của Phật giáo (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, và không uống rượu) tương cận với đạo đức xã hội Trung Quốc: Ngũ thường (nhân nghĩa lễ trí tín). Do vì giáo nghĩa của Phật giáo với tư tưởng triết học và đạo đức luân lý của Trung Quốc có sự tương nghiếp tương thông- nhiều điểm gặp gỡ nhau đến kỳ diệu, cho nên Phật giáo đã có thể rất tự nhiên lưu truyền lâu đời như thế ở Trung Quốc, hơn hai ngàn năm trở lại đây, ngoài dung nhập và hòa tan vào sinh mệnh của văn hóa Trung Quốc, dung dưỡng và giúp thêm sự tiến bộ văn hóa Trung Quốc ra, càng có thể duy trì sự hòa bình và phồn vinh của xã hội Trung Quốc, sự ảnh hưởng sâu rộng và sự cống hiến lớn lao của Phật giáo đối với văn hóa Đông phương là điều không nói cũng rõ.

5. Kết luận

Phật giáo ngoài ảnh hưởng sâu rộng đối với cuộc sống nhân loại, sự nghiên cứu tìm tòi sâu sắc đối với vũ trụ nhân sinh, những cống hiến vĩ đại đối với văn hóa Đông phương ra, điều đặc biệt đáng quý hơn cả, là nó có những ưu điểm mà các tôn giáo khác không có, ví dụ sự dạy dỗ về Trung đạo và chú trọng đến đặc sắc của thực tiễn (thực hành). Thích-ca coi trọng nhất là thực tiễn, ngài không bao giờ đi lý luận viển vong, không thiết thực, cho nên giáo lý của Phật giáo tuyệt không có chỗ sai lầm, bất công; có thể thấy Phật giáo chính là tôn giáo coi trọng và dựa vào con đường Trung đạo và chú trọng đến việc nỗ lực thực hiện những việc trong thực tiễn. Ưu điểm càng quan trọng còn là ở chỗ nó có cơ sở triết học vững chắc, sâu sắc, thâm hậu, đây là linh hồn của Phật giáo, cũng là yếu tố chính làm cho Phật giáo cao hơn các tôn giáo khác.

Tôn Trung Sơn (1866-1925) từng nói rất hay: “Phật giáo là lòng nhân ái cứu đời, Phật học là mẹ của triết học, nghiên cứu Phật học có thể bổ sung những mặt còn thiếu sót của khoa học. Phật giáo là luồng lực lượng mạnh mẽ nhất tạo dựng dân tộc và duy trì dân tộc.”. Lương Nhậm Công (1873-1929) cũng nói: “Tín ngưỡng Phật giáo là trí tín mà không phải mê tín, là kiêm thiện mà không phải độc thiện, là nhập thế mà không phải yếm thế, là vô hạn mà không phải hữu hạn, là bình đẳng mà không sai biệt, là tự lực mà không phải tha lực, đặt niềm tin ở tha giáo hoặc có thể xuất hiện thói xấu, đặt niềm tin ở Phật giáo quyết không có thói xấu.”. Ông Tôn Trung Sơn là một nhà tư tưởng lớn cận đại, Lương Nhậm Công cũng là người lỗi lạc trong giới tư tưởng; vả, họ còn là những nhà bác học thông đạt, những lời của họ, đều xuất phát từ nhận định thấu triệt, chuẩn xác, quả đáng cho chúng ta sùng bái, tôn kính.

Chung quy mà nói: Phật giáo không phải tôn giáo tiêu cực yếm thế, càng không phải tôn giáo mê tín, giáo nghĩa ấy có Phật lý quảng bác uyên thâm, có tinh thần cứu thế vĩ đại, có đặc sắc thực tiễn và con đường Trung đạo, nó coi trọng luân lý đạo đức, phù hợp nhất với nhu cầu nhân loại và tình hình trong nước, đặc biệt là ngày nay lúc mà nhân loại đang phổ biến gặp phải và hứng chịu những vụ sát hại và uy hiếp đe dọa khủng bố thảm khốc, càng cần Phật giáo đến để ngăn chặn, cản trở, chuyển hóa tà ác, tịnh hóa nhân tâm, hướng dẫn nhân quần xã hội quay về nẻo thiện, để xây dựng nên một thế giới hòa bình an lạc. Vì vậy, quá khứ của Phật giáo đã có lịch sử lưu truyền tốt đẹp như thế, tương lai càng có viễn cảnh xán lạn huy hoàng, điều này là có thể đoán trước được. Trên đây là một ít nhận thức nông cạn về Phật giáo của tôi, xin ý kiến phê bình của các bậc cao minh thạc đức.      
GS.TS. Vương Hi Nguyên - Phước Tâm dịch

(Trích dịch từ Phật học nhân duyên (《佛學因緣》) của Vương Hi Nguyên. NXB. Tuệ Cự TP. Đài Bắc, năm 1995, trang 1~10).
  Nguồn: NSGN, số 196. Tp. HCM, tháng 7/2012
Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Một chút cho đời - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger