Vài góp ý về tuyển dụng nhân sự - Nguyễn Phước Tâm

Từ những trình bày về các vấn đề giáo dục, đặc biệt là vấn đề về nhân sự của GS Ngô Bảo Châu tại Hội thảo "Cải cách giáo dục đại học 2014" do Nhóm đối thoại giáo dục phối hợp với Lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức tại Trung tâm Hoa Kỳ (TP.HCM) vào 31/7 và 1/8/2014, tôi lại nhớ đến bài viết tổng hợp ngắn trên weblog (dạng nhật ký trực tuyến) của mình có điểm na ná, cách đây gần 3 năm (2011) , nhan đề: "Một số góp ý về việc tuyển dụng nhân sự". Nay xin chuyển lưu vào trang Blog mới này như một "kỷ niệm" trong dòng chảy suy tư trăn trở của một giảng viên đại học.


 Ảnh: Internet
1. Cần loại bỏ ngay từ đầu các Hồ sơ không đạt chuẩn

Theo Luật giáo dục đại học, số 08/2012/QH13, ban hành ngày 18 tháng 6 năm 2012, tại Chương VIII, Điều 54. Giảng viên, điểm 3 ghi rõ: “Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên. Trường hợp đặc biệt ở một số ngành chuyên môn đặc thù do Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo quy định”.

Về việc tuyển dụng nhân sự là giảng viên, tại điểm này cũng được gợi ý rõ rằng: “ Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ từ thạc sĩ trở lên làm giảng viên”.

Căn cứ Luật giáo dục, số 38/2005/QH11, ban hành  ngày 14 tháng 6 năm 2005, Mục 2. Đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo, Điều 79. Nhà giáo của trường cao đẳng, trường đại học cho biết: “Nhà giáo của trường cao đẳng, trường đại học được tuyển dụng theo phương thức ưu tiên đối với sinh viên tốt nghiệp loại khá, loại giỏi, có phẩm chất tốt và người có trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có nguyện vọng trở thành nhà giáo.

Cũng ở Điều 79 này, ghi rõ: “Trước khi được giao nhiệm vụ giảng dạy, giảng viên cao đẳng, đại học phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm”.

Qua một vài trích dẫn từ Luật giáo dục trên cho thấy hai việc bất cập tại trường: 1. Về việc tuyển dụng giảng viên đại học, cao đẳng ở trường ta xưa nay tôi thấy có nhiều trường hợp không đúng Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 2. Nhiều giảng viên dạy ồ ạt nhiều môn lại dạy trong khoảng một thời gian dài trên dưới 5 năm vẫn không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (vẫn dạy bình thường, và tất nhiên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm giảng dạy), cho thấy việc học nghiệp vụ này chỉ mang tính hình thức, cho có để bổ sung vào hồ sơ như một số ý kiến trong bài viết trên báo điện tử Dân Trí “Học cho có chứng chỉ dạy đại học” (http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/hoc-cho-co-chung-chi-day-dai-hoc-661821.htm).


2. Cần hạn chế tuyển dụng nhân sự tốt nghiệp từ trường, cùng trường

Tại sao phải vậy? Tại vì những người tốt nghiệp ở trường đều là học trò của các thầy cô trong trường, theo quán tính họ sẽ tuân thủ theo mọi lời dạy và ý kiến của các thầy cô tiền bối, họ sẽ sợ hoặc ngại phản đối hay nói lên tiếng nói khác biệt; nói cách khác là không vượt ra khỏi được "cái bóng" quá lớn của những người góp phần tạo nên sự thành công và vị trí hiện nay của họ. Và như vậy, đơn vị không có sự đa dạng và khác biệt để tiến bộ. Cũng như vậy, những người cùng tốt nghiệp tại một trường làm việc chung trong một đơn vị sẽ có nhiều sự tương đồng với nhau và cùng chịu ảnh hưởng từ một người khác giống nhau, điều đó cũng không tạo nên sự đa dạng và khác biệt cần thiết cho sự phát triển. Điều này cũng được một vị GS.TS. Vương Lập Văn – Trưởng phòng Giáo dục Thường thức, Trường đại học Nguyên Trí Đài Loan (http://www.yzu.edu.tw) chia sẻ trong một lần học nhóm về cách ứng dụng Binh pháp Tôn Tử.


3. Về Hồ sơ ứng tuyển, cần coi trọng lí lịch khoa học, không câu nệ lí lịch cá nhân

Nếu cùng nhau thống nhất xác nhận như PGS. TS. Nguyễn Doãn Điền, rằng: Đổi mới giáo dục phải nên từ yếu tố con người, hay xem con người là nhân tố quyết định mọi thành bại của giáo dục (http://dantri.com.vn/c673/s701-647165/diem-danh-nhung-ngo-nhan-co-tinh-cua-giao-duc-vn.htm), thì việc tuyển dụng nhân sự là một khâu tối quan trọng, cần xem xét kĩ lưỡng, chú trọng về lí lịch khoa học, không nên câu nệ lí lịch cá nhân. Cần tuân theo một số quy định giảng viên chuẩn của một trường đại học, cao đẳng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.


Đến thời điểm này có thể thấy người cần việc rất nhiều, thì không nên viện lí do riêng tư để bào biện cho việc tuyển dụng nhân sự không đúng theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu chúng ta thấy tại địa phương tuyển không ra một số giảng viên có chuyên ngành đặc thù, thì nên đến các trường có uy tín trong nước đặt hàng, và có chế độ đặc biệt đối với họ. Với chính sách đó, tôi tin chắc rằng không khó tuyển được những giảng viên có trình độ xứng đáng với chức danh giảng viên của một trường đại học.  

Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Một chút cho đời - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger