Luân lí xử thế của Phật giáo - Nguyễn Phước Tâm dịch

Con người từ tấm bé hầu như ai cũng được dạy dỗ phải có quan niệm luận lí đạo đức, ví dụ các mĩ đức như lớn nhỏ cần có thứ tự, anh thân em kính, cư xử với người thì cần chân thành. Gọi là “luân lí”, chính là phép tắc bất thành văn hỗ tương qua lại giữa người với người. Tùy kiểu người, cá tính, thời gian và không gian (thời không) khác nhau mà có thái độ ứng xử khác nhau.

 
 Ảnh: Internet

Trên thực tế, sự tương hỗ qua lại giữa người với người không đơn thuần chỉ có một kiểu. Ví dụ: một người có thể bao gồm nhiều vai như vừa là bố, vừa là anh cả, vừa người bạn, vừa là quản lí… Như vậy, tính phức tạp của nó là không thể tránh khỏi; lại thêm vào đó là bối cảnh thời không thay đổi liên tục, tất nhiên sẽ tạo ra càng nhiều khốn cảnh cho người thời nay. Vì vậy, làm thế nào ở trong hoàn cảnh khó khăn ấy mà vẫn có thể sống được một cách tự tại viên dung, đấy mới là vấn đề quan trọng nhất đối với người hiện đại.



Nền tảng luân lí quan Phật giáo 



Phật Đà một đời hoàng pháp, chưa bao giờ xa rời “mối quan tâm đối với con người”, cũng chính là những vấn đề trong đời người chúng ta có thể sẽ vấp phải, hễ là vấn đề tình cảm, sự nghiệp, gia đình…nhất nhất đều còn giữ lại phương pháp giải quyết, cung cấp cho những ai có nguyện vọng siêu việt bản ngã có thể vận dụng nó để hóa giải mọi vấn đề đang vướng mắc, việc thảo luận lấy “con người làm trung tâm” của Phật giáo chính là nền tảng luân lí quan Phật giáo.



Con người có đặc chất quần cư (sống tụ tập, bầy nhóm), mặc dù cũng có lúc độc cư (sống một mình, đơn độc), nhưng không phải vì vậy mà không mong muốn người khác chú ý đến sự tồn tại của mình, tôn trọng mình, và cái mong muốn sau cùng là có thể sống một đời an hòa lợi lạc. Mối quan hệ hỗ tương giữa người với người trong cuộc sống ở đây, thông qua cách hiểu biết khác nhau của mỗi người, sẽ có phương thức xử lí khác nhau, tuy vậy đôi lúc vẫn xuất hiện tình trạng cư xử không hợp ý người. Phật Đà thông qua sự thuyết minh nguyên lí duyên khởi, muốn con người học tập và nhận thực một cách rõ ràng mọi chân tướng của thế gian, tiến xa hơn có thể có được tư duy, lời nói, hành vi cử chỉ đúng đắn, để cải thiện những điều bất như ý trong cuộc sống.



Phương pháp đầu tiên được đưa ra chính là Bát chính đạo (chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, và chính định), nói rõ trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta nên đối đãi, chọn lựa và hành động như thế nào cho đúng đắn, để dưỡng thành phép đối nhân xử thế một cách chân thực nhất. Mặc dù, trong lịch sử phát triển của Phật giáo, từ Ấn Độ- cội nguồn nguồn Phật giáo, cho đến các nơi trên thế giới, dù rằng các chi nhánh của Phật giáo có một vài điểm khác nhau, nhưng nền tảng của sự quan tâm đối với con người của Phật giáo thì trái lại chưa hề thay đổi.



Tính nhu cầu thiện hữu



Phật Đà nhắm vào các vấn đề của con người (Tập thánh đế), mà nêu ra con đường giải quyết (Đạo thánh đế), để mỗi một người theo đuổi đều có thể li khổ (Khổ thánh đế) đắc lạc (Diệt thánh đế). Vì vậy, Phật giáo không phải là tôn giáo chỉ bảo con người tự tìm kiếm khổ đau, mà là muốn thông qua học tập hiểu rõ pháp duyên khởi thế gian rồi thực hành và chung sống với nhau một cách hòa thuận vui vẻ và tự tại. Trong cuộc đời của con người, điều khiến cho con người đau buồn nhất, không việc gì bằng người yêu thương nhất của chúng ta lìa xa cõi nhân gian này, đấy là một loại khổ mang tên ái biệt li (thương yêu nhau nhưng phải xa lìa nhau). Điều khiến người ta bi phẫn căm uất, không việc gì bằng bị cha mẹ lừa dối, bị bạn tốt bán rẻ, thậm chí đớn đau nhất là bị người đời xa lánh, ruồng bỏ, đấy là một trong những nỗi âu lo lớn nhất của con người thời nay.



Từ nhỏ đến lớn, thường sợ nhất nghe thấy cha mẹ bán rẻ chính mình, là lúc cha mẹ nói với hàng xóm láng giềng hoặc là những bạn bè thân thích khác những lời trách móc như, rằng thành tích chúng ta chưa đủ lí tưởng, hoặc trách móc những chuyện tương tự. Hoặc là đã quyết định một chọn lựa nào đó, nhưng trái lại không được sự ủng hộ của cha mẹ, bạn bè…, trong tâm lí học y học thường nói đến tác dụng to lớn của sự ủng hộ của người thân đối với người bệnh, nó thậm chí là nhân tố chính quyết định con người có muốn tiếp tục sinh tồn nữa hay không. Ở đây nói rõ cần dùng thái độ luân lí thích hợp, thỏa đáng để xử trí các mối quan hệ như cha mẹ, anh chị em, đồng nghiệp, bạn bè…



Tiêu chuẩn của thiện hữu



Với con người đang sinh sống trong thế gian này mà nói, muốn lựa chọn thay đổi cha mẹ, anh em, chị em thực sự là điều không thể, nhưng trái lại có thể bắt đầu cải thiện từ thái độ của chúng ta. Phật Đà từng chỉ ra bạn bè có bốn loại: “Có bạn như hoa, có bạn như cân, có bạn như núi, có bạn như đất. Thế nào gọi là như hoa? Lúc tốt đẹp thì quây quần, khi suy sụp thì vứt bỏ; nếu giàu sang thì thân cận, lúc nghèo khó thì quên mất, là bạn như hoa vậy. Thế nào gọi là như cân? Vật nặng thì đầu cân chùng xuống, vật nhẹ thì võng lên; có giúp đỡ thì kính trọng, không giúp đỡ thì lạnh nhạt, là bạn như cân vậy. Thế nào gọi là như núi, ví như núi vàng, bất kể loài chim thú nào một khi đến gần đó, đều hiển lộ ánh vàng lấp lánh, loại bạn này cho dù là ai, lúc thân cận đều được thơm lây, có thể “có phước cùng hưởng”, là bạn như núi vậy. Thế nào gọi là như đất? Những thứ thải ra của chúng ta đều rơi xuống đất, lúc giận hờn còn giẩm đạp lên nó, nhưng trăm thứ ngũ cốc lương thực đều phải sinh trưởng lớn lên từ đất, trong đất cũng ẩn chứa nhiều tiền bạc châu báu, loại bạn này hào phóng bố thì, quan tâm chúng nhân, đối xử với mọi người một cách nồng hậu tử tế, không những có phước cùng hưởng với người khác, mà còn cao hơn là dù cho người ta gièm pha nói xấu họ, thì họ cũng có thể âm thầm lặng lẽ chịu đựng, bao dung như đất, chính là bạn như đất vậy” (dẫn từ “Phật Thuyết Bột Kinh Sao”).



Có một số người thì làm việc thiện là chỉ để khoe khoang, muốn cả thiên hạ ai cũng biết đến mình, cho nên chỉ muốn thêu hoa trên gấm, mà không muốn làm một người “đưa than trong tuyết” một cách thầm lặng. Có một số người tiêu chuẩn giao thiếp qua lại với người khác, là thiết lập trên của cải vật chất của đối phương. Lại có một số người nguyên tắc thân cận với người khác, là xây dựng trên quyền thế của đối phương. Tất cả những người này đều là chỉ có thể cùng nhau hưởng lạc thú, mà không thể cùng nhau chia sớt khi đối phương gặp hoạn nạn, tất nhiên sẽ tạo ra cho những người gặp phải hoạn nạn hoặc những người gặp phải hoàn cảnh khó khăn có cảm giác bị bỏ rơi, cô lập.



Đồng thể và cộng sinh  



Trên thực tế, lúc chúng ta cảm thấy cô độc, thì cần phải phản tỉnh (xét lại mình) “trước khi muốn người ta đối xử với mình như thế nào, thì đầu tiên tự hỏi mình đã đối xử với người ta như thế nào trước”. Thử nghĩ lại xem, người mà chúng ta quen biết có thể vẫn không đến một phần ngàn vạn dân số toàn cầu, cho nên nên biết rằng sự quen biết nhau giữa người này với người kia, cũng là một dạng duyên phận hiếm có và khó được, bất luận là trong hoạt động thể thao thư giản, hay là trong cơ quan đơn vị, cùng với họ chung sống và làm việc, hầu như đâu đâu cũng cần sự giúp đỡ lẫn nhau, các phương tiện và của cải để phục vụ trong cuộc sống hàng ngày như ăn uống, mang mặc, trú ngụ và đi lại…cũng đều cần mọi người cùng nhau chung sức hợp tác, tương trợ.



Vì vậy, cần trân trọng thời giờ mỗi lúc gặp gỡ nhau, cùng nhau nâng cao nội hàm và cái đẹp của sinh mệnh, thì sẽ có mối quan hệ giống như Phật Đà với quảng đại chúng sinh, đấy chính là tinh thần “tâm bao thái hư, hung hoài đại chúng” (tâm bao trùm thái hư, lòng luôn nhớ nghĩ đại chúng) mà Phật Đà đã từng thuyết, nếu được như thế thì đương nhiên sẽ không còn gặp thấy những người kiểu như người dưng nước lã nữa, trong cuộc sống này chúng ta càng không nên dùng thái độ căm thù cư xử toàn thế giới. Lấy tâm chân thành, tâm bao dung để đối diện, học tập tiếp nhận duyên phận, tạo ra duyên phận và cải thiện duyên phận. Cái gọi là “tự tịnh kì ý” trong Phật môn, chính là nhấn mạnh tính “tự giác” của con người, giác sát thái độ và hành vi của mình khi đối diện với người, việc và vật. Bạn bè là như thế, trong công việc cũng là như thế. Bởi vì trên chức trường, việc bổ trợ phối hợp làm việc nhóm với nhau đã là một nửa của thành công, mỗi một người đều cần phải cố gắng hoàn thành bổn phận của chính mình, tức có thể hiểu biết để tôn trọng và bao dung người khác.



Truy vấn giá trị sinh mệnh    



Giữa lúc đêm sâu người vắng, có thể từng nghĩ qua giá trị sinh mệnh của bản thân ở đâu? Đây là một vấn đề định nghĩa ý nghĩa tầng sâu sinh mệnh tự thân. Từ ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, con người vì giá trị quan trong cách nhìn cách nghĩ của chúng ta mà dốc toàn tâm toàn lực vào công việc, cho đến lúc đậy nắp quan tài lại rồi mới luận định, lúc ấy thì chúng ta còn lại được mấy phần giá trị? Điều này đề cập đến việc chúng ta nên định nghĩa giá trị bản thân như thế nào. Trên cõi đời này có hay không giá trị đúng đắn để có thể truy tầm? Con người sống vì cái gì? Rốt cuộc có hay không có thể nâng cao giá trị tự thân để có thể sống một cách vui vẻ tự tại?



Định nghĩa giá trị sinh mệnh



“Ta là ai?” Một người mất mát hồi tưởng có thể sẽ hỏi như thế, đối với một đứa trẻ đang trong giai đoạn trưởng thành càng không ngừng phản vấn “ta là ai?” Trên thực tế, đời người chúng ta ai cũng đang ra sức tìm kiếm định vị trong giá trị sinh mệnh tự thân. Từ nhỏ, chúng ta được xây dựng định vị của chúng ta từ trong luân lí gia đình, càng trưởng thành, mức độ tiếp xúc công việc cũng như phạm vi tìm tòi học hỏi trở nên rộng hơn. Từ trong các mối quan hệ giao tế và mở rộng ấy, giá trị sinh mệnh tự thân của chúng ta không ngừng thay đổi và được đánh giá lại. Có một vài người mong đợi tìm được giá trị từ trong sự khen ngợi và tiếng vỗ tay của người khác, hoặc là tìm kiếm thành quả trong công việc, thậm chí tiền tiết kiệm để ở trong ngân hàng hay phòng ốc, điền sản, giấy khen, huân chương cho đến việc ẩm thực mang mặc biểu trưng giá trị của bản thân. Nhưng rốt cuộc thì giá trị bản thân như thế nào mới có thể khiến cho người khác cướp không được, trộm không xong, đánh không gảy, ngược lại có thể tăng trưởng giá trị bản thân chúng ta, xa hơn là tăng thêm sự tự tại trong cuộc sống?



Đặt sai giá trị sinh mệnh



Một vật cổ vô giá, mọi người đều muốn thu thập cất giữ. Nhưng, nếu gặp thời kì chiến tranh loạn lạc, thì ngay tính mạng bản thân và gia đình còn không thể bảo vệ nỗi, làm sao có thể lấy tiền bạc để đi mua đồ cổ? Có người năm trước thu nhập được một nghìn vạn, nhưng vẫn vì thu nhập mỗi năm một vạn đồng mà liều mạng, lúc qua đời có thể mang theo được bao nhiêu thứ đáng giá. Cuối cùng cái gì mới là giá trị có thể nắm chắc trong tầm tay? Những thứ ở trong thế gian này, thứ nào có thể vĩnh hằng bất biến? Thịnh hành rồi cũng sẽ thoái trào, thị trường chứng khoán có thể sụp đổ, ngoại tệ có thể sụt giảm, cũng chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư trong chớp mặt đột nhiên chỉ còn lại hai bàn tay trắng, nhảy lầu tự vận. Họ đều đã quá xem nhẹ giá trị sinh mệnh tiềm tại cần được triển khai mở rộng, giá trị này không phải do từ bên ngoài mang lại, càng không thể từ trên trời rơi xuống, đương nhiên cũng không thể xây dựng trong tiếng vỗ tay hoặc reo hò nào. Chỉ cần có niềm tin, chịu nỗ lực, thì giá trị sinh mệnh có thể duy trì ở điểm cao nhất. Lúc bạn mất đi tất cả giá trị ngoại thân, thì chớ quên rằng bạn còn có giá trị sinh mệnh tiềm ẩn đang nằm trong tầm tay.



Giá trị chân chính của sinh mệnh



Cha đẻ phục hưng Phật giáo Ấn Độ, Tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambedkar (14/4/1891-6/12/1956) từng nói: “Mặc dù bạn nghèo đến nỗi chỉ còn lại một chiếc áo, thì bạn cũng nên giặt nó cho sạch sẽ, để cho khi mình mặc vào nhìn thấy vẻ tôn nghiêm”. Trên thực tế, những người bình thường chỉ chú ý đến mình đã đánh mất đi bao nhiêu thứ thuộc về bản thân, cũng chỉ chú ý đến “người khác có, tại sao chúng ta lại không có?” Đấy là một loại mong muốn mãnh liệt rất bình đẳng trên bề mặt bên ngoài, tất nhiên sẽ không có cách nào vượt khỏi những suy nghĩ giành giật, tranh đoạt như “phi thử tức bỉ”, kết quả vẫn cứ rơi vào vòng gông cùm xiềng xích toan tính so đo, như thế sẽ sống trọn một đời sầu ưu khổ não, mãi mãi tìm không được ý nghĩa sinh mệnh tồn tại tự thân.



Trên thực tế, từ trong sâu thẳm cõi lòng của mỗi một người, bao giờ cũng có cảm giác tự ti, cảm giác mình hơn hẳn người khác ở một vài phương diện nào đó, thường hay không chấp nhận cái tốt của người khác (vì sợ họ hơn mình), càng không chịu chấp nhận sự bất đồng ý kiến giữa ta với người, đã quên mất cần phải quý trọng những gì hiện hữu của mình. Là bởi vì ở đây chúng ta còn chưa biết học tập để thưởng thức mỗi một cá thể duy nhất, đã quên nói với chính mình phải học tập đối đãi bình đẳng với đại chúng hoặc đi cư xử tất cả việc nhân gian xung quanh một cách ôn hòa nhã nhặn, nếu thật sự có thể cư xử hết thảy người và vật như thế, thì cảm giác tự ti hoặc cảm giác tự cho mình hơn hẳn người khác sẽ đều có thể tiêu tan, sóng lòng cuộn trào dữ dội sẽ trở lại lặng yên. Lúc này, việc ăn- mặc- ở- đi lại, chúng ta sẽ có cảm giác như nhau, tức không vì mãn hán toàn tịch hay cơm thường gia đình mà khởi nên tâm niệm so sánh, trái lại sẽ vui vẻ hưởng thụ trọn bữa cơm một cách ngon lành. Trong cuộc sống, sẽ không còn truy cầu nguy nga lộng lẫy, chỉ có sự quan tâm một cách chăm chút tỉ mỉ đến sinh mệnh, mới có thể thể ngộ giá trị chân chính của sinh mệnh.



Tính khả năng của cuộc sống tự chủ   



Danh và lợi từng là sợi dây trói buộc của bao nhiêu người, từng là tảng đá lớn không thể để xuống được trong lòng của bao nhiêu người. Bởi vì, chúng ta từ hồi còn bé thơ đã được dạy dỗ cần phải tranh giành, không chịu thua kém ai, cần phải cất đầu dậy, dẫn đầu hay nổi trội, nhưng trong số chúng ta mấy ai vượt trội hơn người hoặc có thể đứng đầu lãnh đạo, chúng ta vẫn chỉ là kẻ bình thường trong muôn nghìn chúng sinh, học tập thưởng thức một chút về sự “không bình thường trong bình thường” của mình, chúng ta đều là sự kì vọng duy nhất trong con mắt của cha mẹ, hãy thầm lặng cho đi một chỗ để xoay sở. Lúc có một vài người hiểu được tính tất yếu hoàn thành mục tiêu, thì họ sẽ dốc toàn sức vào công việc, năng lực tiềm ẩn bên trong của chúng ta và đặc chất “không cho người biết” cuối cùng sẽ được triển khai và mở rộng một cách đầy đủ nhất. Thực ra, thắng thua chỉ trong một niệm, hãy thử xem bản thân từ khía cạnh nào để tự mình đánh giá mà thôi.



Sự hoàn mĩ trong bất hoàn mĩ



Sinh mệnh của mỗi người đều như là một hình cầu bị thiếu đi một góc cạnh, nêu không gặp khổ nạn chúng ta sẽ cống cao ngã mạn, nếu không trải qua bể dâu thì không kích thích được từ tâm bi nguyện tâm, thể nhận ra được rằng đời người có bất hoàn mĩ, mới có thể manh nha truy tìm nguyên động lực viên dung chân thiện mĩ.



Trong cuộc sống hàng ngày của người bình thường, bao giờ “những thứ cần thì cũng không nhiều, nhưng những thứ muốn thì trái lại rất nhiều”. Kết quả chúng ta đã vô tình đánh mất đi rất nhiều thứ. Đời người Bát nhã sẽ không nhớ nghĩ quá khứ, càng không ảo tưởng tương lai, chỉ biết trân trọng những gì hiện có; tuy vậy, làm người chúng ta thực sự không một lần mơ ước thực hiện điều gì đó tốt đẹp trong tương lai chăng? Đương nhiên là có, nhưng ước mơ ấy tất nhiên sẽ không hiện hữu những so đo toan tính không cần thiết.



Có một vị Pháp sư nhỏ một giọt mực trên tấm vải trắng, rồi hỏi các đệ tử: “Đây là cái gì?” Các đệ tử dị khẩu đồng thanh đáp: “Một chấm đen!” Pháp sư ngạc nhiên nói: “Chỉ có một chấm đen thôi sao? Có cả một tấm vải trắng lớn như thế, sao chả có ai nhìn thấy?” Người có Bát nhã xảo tuệ có thể đứng ở góc độ cởi mở để thưởng thức tha nhân, từ trong sự không hoàn mĩ có thể nhìn ra được nhiều ưu điểm, tự nhiên sẽ coi là một bộ phận sinh mệnh của chúng ta, tiếp nhận nó đồng thời khéo đối xử với nó, thì đời người càng thêm nhiều niềm vui khoát đạt.



Nhân sinh quan Bát nhã tự tại    



Đời người quả là có đến “tám chính phần mười chuyện bất như ý”? Bát nhã trí tuệ là bí kiệp xây xựng nên đời sống vui vẻ. Đã có Bát nhã, thì trong sinh mệnh có tính khả năng vô hạn, càng có dũng khí đối diện với càng nhiều thất thức trong tương lai, Bát nhã trí tuệ cần dùng thời gian và sự rèn luyện của một đời, không nên vì không có niềm tin rồi tự tìm cho mình một đóng lí do ngăn cản sự trưởng thành, đấy mới là đời sống của trí giả chân chính.  

Trần Tư Hạo 
Dịch tại Trà Vinh, ngày 14 tháng 1 năm 2012

(Dịch từ Lưỡng nguyệt san Văn hóa Phật giáo (佛教文化 – The Culture of Buddhim). Đơn vị chịu trách nhiệm chính: Sở Nghiên cứu Văn hóa Phật giáo Trung Quốc. NXB. Thành phố Bắc Kinh, kì 3 năm 2003, tr.80-83.)
Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ, số 192, 3/2012
Đăng lại:  http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-161_4-15891_5-50_6-1_17-74_14-1_15-1/
Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Một chút cho đời - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger