Quan niệm “Tín, Đạt, Nhã” và vấn đề dịch văn học chữ Hán trong nhà trường

1. Mở đầu
            
Ngày nay, khi cả thế giới cùng tiến vào hội nhập kinh tế, giao lưu văn hóa, hoạt động dịch thuật cũng trở thành một trong những điều kiện cần thiết và quan trọng góp phần đẩy nhanh sự hiểu biết lẫn nhau cũng như xích lại gần nhau hơn giữa các dân tộc, các quốc gia. Riêng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, có thể nói “phiên dịch là một biện pháp trực tiếp nhất, phổ biến nhất của ảnh hưởng và giao lưu văn học quốc tế”(1).
Nghiên cứu dịch thuật được xem là một bộ môn học thuật khá mới, giảng dạy và nghiên cứu về các lí thuyết và hiện tượng dịch thuật. Các lí thuyết dịch thuật vốn đã được manh nha từ rất sớm ở cả phương Tây lẫn phương Đông, nhưng mãi đến nửa sau thế kỉ XX mới xuất hiện các công trình mang tính tổng hợp các khái niệm và lí thuyết thuộc lĩnh vực này. Công trình The Name and Nature of Translation Studies của James Stratton Holmes công bố năm 1972 tại Copenhagen có thể xem là một tuyên ngôn của bộ môn Dịch thuật học. Sau đó, lần lượt những công trình lí thuyết dịch thuật viết bằng tiếng Anh sớm nhất được xuất bản như: The True Interpreter: A History of Translation Theory and Practice in the West của L.G.Kelly (1979), Readings in Translation Theory của Andrew Chesterman (1989), Translation, Rewriting and the Manipulation of Literary Fame của André Lefevere (1992)…
           Quan niệm “Tín, Đạt, Nhã” xuất hiện vào nửa cuối thế kỉ XIX tại Trung Quốc. Sau khi du nhập vào Việt Nam, quan niệm này có sự ảnh hưởng khá lớn đến các thế hệ dịch giả Việt Nam, đồng thời đã trở thành những chuẩn mực để đánh giá một bản dịch hay hoặc dở, đạt hay không đạt… Từ khá lâu, việc khảo sát và đánh giá hiệu quả của công việc dịch thơ văn chữ Hán sang chữ Quốc ngữ đã được nhiều nhà nghiên cứu thực hiện trên cơ sở vận dụng các lí thuyết dịch thuật Đông – Tây nói chung, các tiêu chí “Tín, Đạt, Nhã” nói riêng. Tuy nhiên, hầu như đến nay chưa có công trình nào thực sự đi sâu tìm hiểu ngọn nguồn cũng như lí giải cặn kẽ quan niệm “Tín, Đạt, Nhã”. Bài viết “Quan niệm “Tín, Đạt, Nhã” và vấn đề dịch văn học chữ Hán Trung đại trong nhà truòng” hướng tới mục đích tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển cũng như nội dung, ý nghĩa của quan niệm này, trên cơ sở đó vận dụng vào phân tích và đánh giá một số bản dịch thơ chữ Hán tiêu biểu của các thi sĩ Việt Nam thời Trung đại.
2. Nội dung
2.1. Quan niệm “Tín, Đạt, Nhã” trong lịch sử nghiên cứu dịch thuật
2.1.1. Tìm về cội nguồn
           Lịch sử dịch thuật của Trung Quốc bắt đầu từ khá sớm, với hơn 3000 năm hình thành và phát triển. Những hoạt động dịch thuật sớm nhất có thể bắt đầu từ nhà Chu (năm 1100 trước công nguyên), nhưng phổ biến và được thực hiện trên diện rộng phải tính từ thế kỉ thứ V, khi Học viện Dịch thuật Quốc gia được thành lập với mục đích biên dịch các bộ kinh Phật từ Phạn ngữ sang Hán ngữ. Có thể nói khởi sử dịch thuật của Trung Quốc gắn liền với lịch sử biên dịch kinh Phật, cùng các tên tuổi An Thế Cao, Chi Khiêm, Đạo An, Cưu-ma-la-thập. Trong thời kì đầu tiên của nền dịch thuật Trung Quốc, những vấn đề về lí thuyết dịch thuật đã được xác lập, dịch ý và dịch chữ. Hai tiêu chí chính xáctrôi chảy được hướng dẫn trong dịch kinh Phật đã trở thành những điều cốt lõi trong lí thuyết dịch thuật cổ đại, đồng thời làm cơ sở cho lí thuyết dịch thuật hiện đại Trung Quốc.
           Giai đoạn nhà Đường (618 – 907) được xem là đỉnh cao đầu tiên trong lịch sử dịch thuật Trung Quốc gắn với tên tuổi nhà sư Huyền Trang, người đã chuyển ngữ 1335 bộ kinh Phật từ tiếng Phạn sang tiếng Hán(2). Ngài đã kết hợp hài hòa lối dịch sát chữ của Đạo An và cách dịch thoát ý của Cưu-ma-la-thập để tạo nên những công trình dịch thuật trung thành với văn bản nguồn nhưng cũng không gây khó hiểu cho độc giả. Ngài đã đề ra hai yêu cầu đối với một bản dịch, đó là trung thành và dễ hiểu, nói theo cách của người đời sau chính là Tín và Đạt. Huyền Trang được xem là một trong số ít dịch giả có những cống hiến quan trọng cho nền dịch thuật Trung Quốc trên cả hai phương diện lí thuyết và ứng dụng.
           Có thể nói, những thành tựu dịch thuật ban đầu của Trung Quốc tuy tập trung chủ yếu ở mảng kinh Phật, nhưng chính những vị sư thực hiện công tác biên dịch ấy đã xây những viên gạch đầu tiên thật vững chãi cho nền dịch thuật Trung Quốc, mở ra một hướng đi đúng đắn để các dịch giả về sau tiếp bước và phát triển lên một đỉnh cao mới.
2.1.2. Quan niệm “Tín, Đạt, Nhã” của Nghiêm Phục
           Nghiêm Phục sinh năm 1853, mất năm 1921. Ông được mệnh danh là danh sư Tây học, người tiên phong mang những tư tưởng và kiến thức của phương Tây đến với người dân Trung Quốc qua các công trình dịch thuật. Một trong những dịch phẩm nổi tiếng của ông là Thiên diễn luận – được dịch từ tác phẩm Tiến hóa luận của Thomas Henry Huxley, lần đầu tiên ra mắt độc giả vào năm 1898.
           Trong lời đề tựa cho dịch phẩm Thiên diễn luận, Nghiêm Phục đã đề xuất ba tiêu chuẩn cần phải tuân thủ trong khi dịch thuật, đó là: Tín, Đạt, Nhã. Ngay sau khi xuất hiện trước công chúng cùng với tác phẩm Thiên diễn luận, “Tín, Đạt, Nhã” – trên cơ sở xác lập những tiêu chuẩn cần thiết cho một bản dịch, đã trở thành một lý thuyết nền tảng cho nền dịch thuật Trung Quốc trong suốt hơn một thế kỉ qua.
           Có nhiều cách hiểu hoặc cách giải thích khác nhau về “Tín, Đạt, Nhã”. Một phần do Nghiêm tiên sinh trình bày quan niệm trên bằng Hán văn cổ; mặt khác chính ở sự cô đọng, súc tích của một quan niệm chỉ tóm gọn trong ba chữ; do vậy cần có cách hiểu linh hoạt bản chất ba từ “Tín, Đạt, Nhã” của Nghiêm Phục.
Tín (Xin, faithfulness): đây là tiêu chuẩn quan trọng nhất. Tín có nghĩa là đúng, ý nghĩa và ngôn ngữ văn bản đích phải chính xác so với ý nghĩa và ngôn ngữ của văn bản nguồn. Chính xác ở đây là “phải dùng từng chữ, đủ từng ý và hệt với giọng của hạng người nào về thời đại nào” (3).
Đạt (Da, comprehensibility): văn bản đích phải mạch lạc và dễ hiểu. Nghiêm cho rằng mục đích cuối cùng của Đạt là để có Tín, do vậy nếu một bản dịch không thể lĩnh hội được thì coi như dịch giả thất bại.
Nhã (Ya, comformability): bản dịch phải có tính thẩm mĩ. Kiều Thanh Quế cho rằng Nhã nên hiểu theo nghĩa “điểm nhã êm tai. Có khi dịch ra tiếng ấy thì đúng, nhưng theo văn ý nước mình thì nghe lại ra thô, lại phải dùng tiếng khác cùng tính cách ấy có ý nhã hơn thay vào” (4).
           Đôi khi, để bản dịch có được “Tín, Đạt, Nhã”, dịch giả phải thực hiện công việc tái cấu trúc từ, ngữ, câu so với văn bản nguồn, nhưng vẫn giữ được ý chính của tác phẩm gốc. Trong trường hợp văn bản nguồn có những thuật ngữ mới và khó tìm thấy trong ngôn ngữ đích, dịch giả có quyền tạo ra một từ mới có nghĩa tương đương. 
           Ngay sau khi quan niệm “Tín, Đạt, Nhã” của Nghiêm Phục xuất hiện, có nhiều luồng ý kiến khác nhau tranh cãi về cội nguồn của những tiêu chuẩn này. Trong đó, chủ yếu có hai luồng ý kiến, hoặc cho rằng chịu ảnh hưởng phương Tây, hoặc khẳng định xuất phát từ chính Trung Quốc cổ xưa.
           Trước hết, một số ý kiến cho rằng ba tiêu chuẩn “Tín, Đạt, Nhã” của Nghiêm Phục có nguồn gốc từ phương Tây, cụ thể có sự tiếp thu từ Alexander Fraser Tytler. Trong Tiểu luận về các nguyên tắc dịch thuật (Essay on the principles of translation) được viết năm 1797, Tytler đã đề ra ba quy chuẩn để có bản dịch tốt: Dịch giả phải truyền đạt trọn vẹn các ý tưởng của nguyên tác; Văn phong và cách viết phải có cùng một đặc tính như của nguyên tác; Bản dịch phải mang đầy đủ phong vị tự nhiên dễ dàng trong câu chữ nguyên tác(5).
           Trong đó, hai quy tắc đầu đại diện cho hai cực, “dịch chữ” (trung thành với hình thức) và “dịch nghĩa” (trung thành với nội dung). Cũng cần lưu ý những quy tắc của Tytler có tầm quan trọng tương đối, và việc phân cấp này có một ý nghĩa rất lớn đối với quá trình xây dựng lý thuyết dịch thuật sau này. Trong trường hợp để giữ được “phong cách”, “phong vị tự nhiên dễ dàng trong câu chữ” có thể bị hy sinh, và những khi cần bảo vệ quyền lợi của ý - nghĩa nguyên tác dịch giả phải lờ đi “phong cách”.
           Những ý kiến khác cho rằng quan niệm “Tín, Đạt, Nhã” của Nghiêm có xuất phát điểm chính từ Trung Quốc cổ xưa. Ba từ “Tín, Đạt, Nhã” vốn đã được nhà sư Chi Khiêm nước Nguyệt Thị thời Tam quốc sử dụng trong “Lời đề tựa kinh Pháp cú” phổ biến năm 224(6). Hay ý kiến của Elsie Kit Ying Chan trong Luận án Tiến sĩ hoàn thành năm 2003, “Tín, Đạt, Nhã” có nguồn cội sâu xa từ Đạo Khổng. Tiếp cận từ góc độ hệ thống, “Tín, Đạt, Nhã” tương ứng những giá trị cốt lõi của thi ca Nho gia – tín, lễ, đạo (faith, decorum, virtue) (7).
Như đã trình bày ở phần trên, lịch sử dịch thuật Trung Quốc đã khởi đầu khá thành công, tạo dựng một cơ sở lí thuyết khá vững chắc, điều này ít nhiều có ảnh hưởng nhất định đến Nghiêm Phục. Tuy nhiên, bên cạnh việc tiếp thu nền học thuật nước nhà, Nghiêm cũng là người sớm được tiếp xúc với tri thức phương Tây, đồng thời là người chủ động truyền bá tư tưởng phương Tây cho dân chúng nên chắc chắn có sự tiếp thu những tư tưởng, quan điểm học thuật từ các nước này. Điều này cũng có thể thấy rõ ở cách thức Nghiêm vận dụng những tiêu chuẩn “Tín, Đạt, Nhã” vào các bản dịch thực tế của mình, có một sự uyển chuyển, linh hoạt, không hoàn toàn bó buộc trong khuôn khổ nghĩa thực của ba từ. Giới nghiên cứu đã chỉ rõ, Nghiêm đã gia (thêm thắt), giảm (bớt đi), cải (thay đổi) và án (thêm lời bình luận). Phần nhiều ông làm công việc “ý dịch” (dịch ý) có thêm các “án ngữ” là lời bình luận chủ quan của bản thân. Một số đoạn của nguyên tác được ông lược bỏ và sửa đổi khi dịch nhằm nhấn mạnh chủ đề mà dịch giả quan tâm. Có những khái niệm Hán ngữ lần đầu tiên được Nghiêm sử dụng – “gia” hay “cải” khi dịch các thuật ngữ của Tiến hóa luận đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nhà tư tưởng của phong trào Duy tân Trung Quốc.
           Quan niệm Tín, Đạt, Nhã” cũng là nguyên nhân cho những cuộc tranh luận liêp tiếp trong lĩnh vực văn hóa và dịch thuật ở Trung Quốc với ba mốc thời gian, giai đoạn 1920 – 1930; thập niên 50 của thể kỉ XX; giai đoạn 1980 và kéo dài sang tận thế kỉ XXI. Có nhiều quan điểm xoay quanh ba quy tắc, có khen, ủng hộ; đồng thời có chê, phản bác.
           Hầu hết những ý kiến đồng tình, ủng hộ quan niệm “Tín, Đạt, Nhã” của Nghiêm Phục (58% đồng ý và ủng hộ, 27% đồng ý) đều thống nhất cho rằng đây là những tiêu chuẩn cần thiết để tạo lập một văn bản dịch có giá trị(8). Dựa trên số ý kiến đồng ý và ủng hộ, có thể thấy những tiêu chuẩn của Nghiêm dù ra đời hơn một thế kỉ nhưng vẫn có một giá trị không mấy thay đổi trong đời sống dịch thuật của Trung Quốc.
           Có 25% số ý kiến phản bác những giá trị của Nghiêm, chủ yếu cho rằng đây là những khái niệm trừu tượng, giữa các khái niệm lại có sự chồng chéo về nghĩa, trong Tín đã có Đạt…, trong một số trường hợp, dịch giả cố gắng đảm bảo yếu tố Nhã thì văn bản dịch không còn độ chính xác, tin cậy nữa, hay nói cách khác không còn Tín và Đạt nữa(9).
           Đồng ý kiến này, nhà ngôn ngữ, dịch thuật Cao Xuân Hạo cũng cho rằng một bản dịch không nhất thiết phải có Nhã, bởi vì nếu nguyên tác được viết với một văn phong thô lỗ, cục cằn, xù xì (một cách có chủ ý), lại phải dịch thuật thành một văn bản tao nhã, chải chuốt, ngọt ngào, nếu thế thì còn đâu là Tín (trung thành) (10).
           Dù rằng, cho đến nay vẫn còn không ít những ý kiến phản bác, không ủng hộ các tiêu chí Nghiêm Phục đã đề xuất, nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng, đối với giới nghiên cứu, phê bình dịch thuật, quan niệm “Tín, Đạt, Nhã” vẫn có một ý nghĩa đặc biệt trong việc đánh giá hiệu quả của một bản dịch.
2.2. Quan niệm “Tín, Đạt, Nhã” trong việc dịch văn học chữ Hán Trung đại trong nhà trường
2.2.1. Tổng quan
           Văn học chữ Hán thời Trung đại là một bộ phận không tách rời nền văn học dân tộc, được sáng tác trong một giai đoạn lịch sử với bối cảnh văn hóa – xã hội đặc biệt. Bộ phận văn học này đã góp phần làm nên kho tàng di sản văn hóa phong phú của dân tộc. Cuối thế kỉ XIX, chữ Quốc ngữ xuất hiện và dần thay thế chữ Hán từ sáng tác văn học, đến lĩnh vực hành chính và sinh hoạt, bộ phận văn học chữ Hán cũng dần kết thúc sứ mệnh lịch sử, đồng thời mở ra một trang sử mới cho lịch sử dịch thuật Việt Nam – sự xuất hiện của đội ngũ dịch thuật văn bản Hán Nôm sang chữ Quốc ngữ, chủ yếu dịch các tác phẩm văn học viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm.
           Dịch từ Hán sang Việt – đó là một công việc vừa mang tính khoa học, vừa là một nghệ thuật. Công việc này đã được các bậc tiền bối tiến hành hơn một thế kỉ, đi từ cấp độ thấp đến cấp độ cao, từ trích dịch, lược dịch đến dịch toàn văn. Giáo sư Trần Nghĩa đã làm công tác thống kê số lượng các tác phẩm Hán Nôm đã được dịch, biên khảo và công bố bằng chữ Quốc ngữ trong vòng 100 năm qua, từ năm 1900 đến năm 2000 với các chuyên ngành khác nhau, trong đó ước khoảng gần 580 tác phẩm văn chương, với rất nhiều tác phẩm văn học chữ Hán thời Trung đại đã được dịch sang chữ Quốc ngữ, và được dịch khá nhiều lần.
           Khi chữ Quốc ngữ trở thành văn tự chính thức của nước ta, việc chuyển dịch các sáng tác văn thơ từ Hán sang Việt không chỉ tạo một nhịp cầu để thế hệ sau giao tiếp với những thế hệ trước, mà quan trọng hơn là truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để con cháu kế thừa và tiếp tục phát huy. Những công trình dịch thuật ban đầu chưa thật sự đạt chất lượng như mong muốn, bởi một phần hệ thống chữ Quốc ngữ chưa hoàn chỉnh, phần nữa cha ông ta dịch trong sự mày mò, dò dẫm từng bước xác lập các tiêu chuẩn, tiêu chí cho bản dịch. Nhưng qua hơn 100 năm khởi đầu và phát triển, với hàng ngàn bản dịch khác nhau của khoảng 580 tác phẩm trên, lịch sử dịch thuật văn chương từ Hán sang Việt đã cho thấy có rất nhiều dịch phẩm đạt đến mẫu mực, trở thành “khuôn vàng thước ngọc” (11) của nền dịch thuật nước nhà, bản dịch Chinh phụ ngâm khúc của Đoàn Thị Điểm là một thí dụ điển hình. Bên cạnh đó, thực tiễn dịch thuật thơ văn Hán sang Việt cuối thế kỉ XX đã dẫn đến một đòi hỏi cấp thiết cần xây dựng và thống nhất những tiêu chí, những phương pháp dịch để có được một dịch phẩm chất lượng. Xuất phát từ nhu cầu rất xác đáng trên, năm 1982, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã xuất bản tập chuyên luận “Dịch từ Hán sang Việt – một khoa học, một nghệ thuật”, tập hợp nhiều bài viết của nhiều tác giả bàn về các khía cạnh khác nhau của việc dịch từ Hán sang Việt. Trong đó, một số bài viết hướng tới xác lập các điều kiện, tiêu chuẩn để tạo nên một bản dịch tốt. Chúng tôi nhận thấy, bằng nhiều cách lập luận khác nhau, nhưng tựu trung các tác giả cũng xoay quanh ba tiêu chí mà Nghiêm Phục đã đề xuất từ cuối thế kỉ XIX ở Trung Quốc – Tín, Đạt, Nhã.
           Phải nói rằng, việc biên dịch một văn bản tiếng Việt bất kì sang một ngôn ngữ cùng hệ chữ Latinh như tiếng Anh, tiếng Pháp… hoặc ngược lại có lẽ sẽ đơn giản hơn nhiều so với công tác dịch tác phẩm văn học từ Hán sang Việt. Bởi lẽ để có được một bản dịch thơ tiếng Việt từ nguyên bản chữ Hán, dịch giả phải trải qua các công đoạn phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ, chú giải… Với bao nhiêu công việc phải làm ấy mà người dịch vẫn cứ lo sẽ không chuyển tải hết ý tình của nguyên bản đến với độc giả. Thực tế hơn 100 năm dịch văn học từ Hán sang Việt cho thấy, trong hoàn cảnh chưa xác định được những tiêu chuẩn thống nhất, các bậc tiền bối đã gần như xác lập và ngầm thống nhất về một quan niệm dịch thuật thế này: nắm lấy cái thần và dịch cho hay. Thần ở đây là dụng ý gửi tình sâu nhất, cao nhất của nhà thơ, nắm được cái thần là hiểu được ý tác giả, là trung thành nhất với nguyên tác mình dịch(12). Nói cách khác, quan niệm như thế không khác gì so với quan niệm Tín và Đạt của Nghiêm Phục, trung thành với nguyên tác nhưng phải diễn giải cho mạch lạc, dễ hiểu với độc giả.
           Trường hợp bà Đoàn Thị Điểm dịch Chinh phụ ngâm khúc có thể nói đã tóm được cái thần của tác phẩm gốc. Giá nếu không có bản dịch của nữ sĩ Hồng Hà thì người đời khó biết tới hay nhớ tới một Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn.
           Thần và Nhã có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Dịch văn học, đặc biệt là dịch thơ, nếu chỉ có Thần thôi không đủ. Nhã là đảm bảo văn bản dịch có tính nghệ thuật cao, có sức truyền cảm lớn. Những bài dịch thơ Đường của Tản Đà có độ Nhã rất cao.
Trong bối cảnh ngày nay, khi giao lưu văn hóa – văn học diễn ra mạnh mẽ trong phạm vi quốc tế, việc dịch văn học chữ Hán đã có sự tiếp cận với các lí thuyết dịch thuật Đông – Tây, các dịch giả đương đại vẫn nắm lấy cái Thần và diễn đạt trên nền Nhã, nhưng trong quá trình chuyển đổi ngôn ngữ từ văn bản nguồn sang văn bản đích, họ hướng nhiều đến phối cảnh văn hóa và đối tượng tiếp nhận. Một bản dịch hay phải có những hình thức ngôn ngữ được lựa chọn phù hợp với bối cảnh văn hóa tiếp nhận, phù hợp với tri thức, với nhu cầu cảm xúc của người đọc về chủ đề được nói đến, thể hiện được mọi khía cạnh của ý nghĩa mà người đọc có thể tiếp nhận được, và do vậy ở chừng mực nào đó, đã khác đi so với nguyên bản vốn được sáng tác trong bối cảnh văn hóa khác. Người dịch lúc này không còn là người chỉ trung thành với nguyên tác, mà là người đồng sáng tạo, mang lại một giá trị mới mẻ cho văn bản gốc.
2.2.2. Thử khảo sát và đánh giá một số bài thơ chữ Hán dịch sang Việt trong chương trình giáo dục phổ thông dựa trên quan niệm “Tín, Đạt, Nhã”
           Trong phạm vi nghiên cứu hẹp, bài viết hướng tới khảo sát và đánh giá một số bài thơ chữ Hán thời Trung đại đã được dịch và đưa vào giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay của nước ta.
Cảm hoài (còn gọi Thuật hoài) của Đặng Dung được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn 10 (nâng cao) với bản dịch của Phan Võ. Bài thơ bộc bạch nỗi lòng của tác giả, được viết với một cảm xúc chân thành, sâu sắc. Đã trải qua bao năm tháng, những thế hệ có thể đọc được nguyên tác không còn nhiều, nhưng bài thơ vẫn tiếp tục làm rung động thế hệ độc giả đương đại qua các bản dịch khác nhau.
Bản phiên âm                                                Bản dịch thơ
“Thế sự du du nại lão hà                                 “Việc thế lôi thôi tuổi tác này
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca                       Mênh mông trời đất hát và say
Thời lai đồ điếu thành công dị                        Gặp thời đồ điếu thừa nên việc
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa                         Lỡ vận anh hùng luống nuốt cay
Trí chúa hữu hoài phù địa trục                        Giúp Chúa những lăm giằng cột đất
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà                             Rửa dòng không thể vén sông mây
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch                        Quốc thù chưa báo già sao vội
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma”                Dưới nguyệt mài gươm đã mấy chày.”
(Ngữ văn 10 nâng cao - Sách giáo viên, NXB. Giáo dục, H. 2006, tr.194)
           Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Cảm hoài là một trong số ít bài thơ chữ Hán thời Trung đại được chuyển dịch sang tiếng Việt nhiều nhất, nhưng cũng đồng thời là tác phẩm khó có được bản dịch hay nhất, bởi “ý quấn quýt, tứ súc tích, lời hào hùng, khí ngạo nghễ, hồn lồng lộng của bài thơ”. Tác phẩm là một mẫu mực thơ thất ngôn bát cú Đường luật, với tám câu năm vần có đối có niêm chặt chẽ; là một bài thơ mang nét đặc trưng thể loại của văn học Trung đại, vậy nên dịch giả hết sức lưu ý những yếu tố này khi chuyển ngữ.
           Trước hết, nhìn một cách tổng quan, bản dịch của Phan Võ tuân theo nguyên tắc dịch chữ - cố gắng trung thành với nguyên tác, nhưng lại gây cho độc giả cách hiểu về một nỗi tâm sự mang nhiều oán hận, ẩn chứa một bi kịch của vị tướng tuổi đã xế chiều. Cảm hoài có chút phong vị u hoài nhưng cái cốt lõi là âm hưởng trầm tráng, có chút ngạo nghễ của thi sĩ trong dòng hồi tưởng kỷ niệm. Bản dịch giữ nguyên từ “đồ điếu” không thể hiện giá trị “Tín” đối với nguyên tác, ngược lại gây khó cho độc giả trong mạch thơ tiếng Việt. Như đã nói trên, bài thơ sáng tác trong giai đoạn Trung đại, mang những đặc trưng thể loại của văn học thời kì này, dịch giả không những đọc nhiều lần để thấu hiểu nỗi lòng của thi sĩ, mà còn phải đặt mình trong bối cảnh của thời đại ấy, để cảm sâu hơn, hiểu thấu đáo cách dùng từ như thế, đặt câu như thế của nhà thơ có dụng ý gì. Từ “du du” với hai thanh bổng cất lên giữa dòng ở hai câu đề khiến cả câu thơ đọc lên vừa êm đềm vừa du dương đầy ý vị, không gợi chút bi kịch hay u ẩn đã không được dịch giả chuyển tải trọn vẹn trong bản dịch; ngược lại từ “lôi thôi” kéo ghì ý thơ trong một cảm giác xô bồ, đời thường.
           Có thể nói, những cố gắng dịch sát chữ của Phan Võ trong bài thơ Cảm hoài không đạt được tiêu chí Tín, đồng thời cũng đánh mất giá trị Đạt và Nhã của bản dịch. Chúng tôi thiển nghĩ vẫn còn nhiều bản dịch có giá trị hơn (bản dịch của Phan Kế Bính chẳng hạn) để các nhà biên soạn có sự cân nhắc chọn lựa. Đưa tác phẩm Cảm hoài vào giảng dạy chương trình phổ thông hoàn toàn xác đáng, nhưng sẽ không hoàn toàn đạt được mục tiêu giáo dục con em hiểu được giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật của bài thơ nếu việc chọn dạy bản dịch thơ không chất lượng.
Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu cũng là một trong những tác phẩm được chọn đưa vào giảng dạy chương trình Ngữ văn 10 (tập II). Bài thơ được sáng tác từ cảm hứng chiến thắng sông Bạch Đằng – vốn là chủ đề của rất nhiều tác phẩm thơ văn chữ Hán, tuy nhiên Bạch Đằng giang phú có thể xem là một “bài ca bất hủ về địa danh chiến tích này” (13).
Bài thơ đã được nhiều dịch giả tên tuổi chuyển ngữ sang tiếng Việt như: Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Lê Trí Viễn, Nguyễn Đổng Chi, Bùi Văn Nguyên... Bản dịch đang được sử dụng giảng dạy trong chương trình phổ thông hiện nay do dịch giả Bùi Văn Nguyên thực hiện. Đối với tác phẩm này, có nhiều điều mà một dịch giả chuyên nghiệp luôn phải lưu ý đến trong khi chuyển ngữ. Trước hết, đây là một tác phẩm tiêu biểu cho thể loại phú đời Trần - “khôi kì, hùng vĩ, lưu loát, đẹp đẽ, âm vận, cách điệu giống như thể văn nhà Tống”, lời khen của Lê Quý Đôn dành cho thể loại này(14); đồng thời tác phẩm là một sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức, tác giả mượn đề tài của phú Trung Quốc để bày tỏ những suy tư, chiêm nghiệm của bản thân về nhân tình thế thái thông qua bút pháp nghệ thuật điêu luyện. Do vậy, việc chuyển dịch một công trình nghệ thuật đỉnh cao như thế vô cùng khó khăn. Có thể nói, đối với các thế hệ học sinh – sinh viên, và cả những đối tượng yêu thích thơ văn Trung đại không am hiểu chữ Hán, các bản dịch Bạch Đằng giang phú đều là những công trình tuyệt diệu với câu chữ thanh toát, lời ý nhã đạm; hầu như sáng tác của Trương Hán Siêu đọng lại trong thế hệ độc giả này chỉ là lời thơ Việt. Nói cách khác, Bạch Đằng giang phú của Trương tiên sinh được các độc giả trẻ tiếp nhận chủ yếu qua bản dịch. Điều này cho thấy sự thành công bước đầu của dịch giả. Cũng chính vì lẽ này, một thời gian dài người ta theo đuổi công việc xuất bản các bản dịch sao cho hay hơn, thu hút người đọc nhiều hơn so với các bản dịch trước đó, mà quên đi nguyên tác, quên đi công việc sơ đẳng ban đầu của hoạt động dịch thuật, so sánh đối chiếu với nguyên tác. Trong bài viết “Đọc bài Phú sông Bạch Đằng qua nguyên tác”, tác giả Đỗ Phương Lâm đã chỉ ra rằng, bản dịch đầu tiên của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến “đã khá “thoát” nguyên tác”, do vậy “sai lầm lại kế tiếp sai lầm” trong những bản dịch sau này. Người viết đã đưa ra nhiều ví dụ cho thấy các bản dịch phản ánh không đúng với nguyên tác. Có khi dịch giả thêm thắt “những mĩ từ” ở câu đầu tiên như “chơi vơi”, “mải miết”; có lúc vô tình hay cố ý bỏ quên những từ tượng thanh vốn làm nên nhạc điệu cho câu thơ khi chuyển ngữ câu “Chử địch ngạn lô, sắt sắt sâu sâu” (Bến lau, bờ lách; xào xạc, rì rào, hoặc: bờ lau xào xạc, bến lách rì rào) thành “Bờ lau san sát; Bến lách đìu hiu”; hoặc dịch giả bỏ qua công đoạn truy nguyên các điển ngữ nên khiến câu thơ dịch không chuyển trọn nghĩa của nguyên tác…
           Đứng trên quan niệm “Tín, Đạt, Nhã”, có thể nói bản dịch Bạch Đằng giang phú đang được dùng giảng dạy trong nhà trường phổ thông có đạt tiêu chí Nhã, nhưng lại không đủ Tín và Đạt. Đó là một bản dịch đẹp nhưng không thực sự mang đến cho người đọc vẻ đẹp vốn có của tác phẩm; điều này hoàn toàn ngược lại với bản dịch Cảm hoài đã trình bày trên, dịch giả cố gắng trung thành những câu chữ của nguyên tác nhưng hóa ra làm cho bài thơ mất đi độ Nhã cần thiết.
3. Kết luận
           Qua tìm hiểu các bản dịch của hai tác phẩm văn học chữ Hán tiêu biểu thời Trung đại dựa trên quan niệm “Tín, Đạt, Nhã”, người viết nhận thấy rằng dù ít hay nhiều các dịch giả cũng xuất phát từ các tiêu chí mà Nghiêm tiên sinh đã khởi xướng. Thế nhưng chuyển ngữ một tác phẩm văn học là công việc cực kì công phu, hơn thế đây còn là chuyển dịch một sáng tác bằng chữ Hán với nhiều công đoạn phức tạp, do vậy các dịch giả dù cố gắng cũng khó thỏa mãn được tiêu chuẩn một bản dịch trung thành với nguyên tác, đồng thời là một công trình nghệ thuật ngôn từ. Tuy nhiên, thực tế cũng đã cho thấy có những bản dịch đạt đến độ hoàn mĩ như công trình dịch thuật của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, thế nên điều quan trọng ở đây chính là cái tâm và cái tài của dịch giả, gắn với sự uyển chuyển trong việc vận dụng các lí thuyết dịch thuật, cụ thể là quan niệm “Tín, Đạt, Nhã”.
           Trong giai đoạn hiện nay, việc giáo dục cho học sinh – sinh viên trong lĩnh vực văn hóa, văn học, đặc biệt là các giá trị truyền thống của dân tộc trở thành một vấn đề cấp bách. Việc giảng dạy các tác phẩm văn học chữ Hán thời Trung đại trong nhà trường góp một phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của con em về giá trị di sản của dân tộc, đồng thời khơi gợi tinh thần tự hào dân tộc, tình cảm nhân văn cho thế hệ trẻ. Thế nên cần phải tổ chức khảo sát và đánh giá một cách hệ thống các bản dịch thơ văn chữ Hán Trung đại, gạn lọc những bản dịch thực sự có chất lượng, nếu cần thiết hơn, có thể tổ chức dịch thuật có hệ thống và quy củ các tác phẩm đưa vào giảng dạy chính thức trong nhà trường, hướng tới đáp ứng mục tiêu giáo dục đã đề ra.
Phạm Thị Tố Thy (TVU)
Tạp chí ĐH Sài Gòn, Bình luận văn học, niên giám 2012

Tài liệu tham khảo
1.      Đào Duy Anh (2001), Từ điển Hán – Việt, NXB KHXH.
2.      Nguyễn Thị Thanh Chung, Suy nghĩ về việc dịch thơ chữ Hán nhân đọc phần tuyển dịch Vạn lý tập trong Tuyển tập văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, http://nguvan.hnue.edu.vn/?comp=content&id=243&Suy-nghi-ve-viec-dich-tho-chu-Han.html
3.      Võ Thị Ngọc Hoa, Vài nhận xét về phiên âm và dịch thơ của một số tác phẩm chữ Hán trong chương trình Ngữ văn 7 từ góc độ văn bản, Tạp chí Hán Nôm, Số 5 (96) 2009, Tr. 68-75.
4.      Phạm Quốc Lộc, Dịch và đại tự sự, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=1890%3Adch-va-i-t-s&catid=94%3Aly-lun-va-phe-binh-vn-hc&Itemid=135&lang=vi
5.      Dương Văn Khoa, “Về các bản dịch bài thơ Cảm Hoài của Đặng Dung”, Tạp chí Hán Nôm, Số 5 (78) 2006, Tr.63-65.
6.      Trần Nghĩa, “Điểm qua tình hình dịch thuật và biên khảo thuộc lĩnh vực Hán Nôm trong thế kỉ XX”, Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (46) 2001.
7.      Ngô Linh Ngọc, “Cái “Thần” và cái “Nhã” trong dịch thơ chữ Hán”, Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (4) 1988, Tr.66-70.
8.      Ngữ văn 7 (2009), Tập I – II, NXB Giáo dục.
9.       Ngữ văn 10 (2008), Tập I – II, NXB Giáo dục.
10.   Đỗ Phương Lâm, “Đọc bài Phú sông Bạch Đằng qua nguyên tác”, Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (83) 2007, Tr.49 – 54.
11.   Nguyễn Công Lý, “Mấy nét đặc trưng về thời đại Lý – Trần”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 03- 2000.
12.   Trần Thị Phương Phương, Từ bản dịch thơ suy nghĩ về việc tiếp cận tác phẩm văn học nước ngoài, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=372%3At-mt-bn-dch-th-suy-ngh-v-vic-tip-cn-tac-phm-vn-hc-nc-ngoai&catid=64%3Avn-hc-nc-ngoai-va-vn-hc-so-sanh&Itemid=108&lang=vi
13.  Phạm Trọng Thanh, Tú Xương với tài dịch thơ chữ Hán, http://www.baomoi.com/Home/SachBaoVanTho/www.tienphong.vn/Tu-Xuong-voi-tai%C2%A0dich-tho-chu-Han/1223630.epi
14.   Trần Nho Thìn, Dấu ấn ảnh hưởng của Thiên diễn luận trong văn học của nhà Nho Việt Nam đầu thế kỷ XX, http://khoavanhoc-ussh.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=310:pgsts-trn-nho-thin&catid=42:cong-trinh-khoa-hc&Itemid=116
15.  Bassnett, S. (2006), Genre Matters: Essays in Theory and Criticism, Ed. Garin Dowd, Lesley Stevenson & Jeremy Strong, Bristol, U.K.: Intellect Inc., pp. 85-95.
16.  Xiaomei Liu (2006), A Comparative Study of Yan Fu’s Xin Da Ya and Three Western Translation Theories: Possible Implications to Document Translation, A Thesis Submitted in Fulfillment of the Requirements for the Degree of Master of Arts in Translation and Interpreting (English and Chinese) in the School of Language & Comparative Cultural Studies at the University of Queensland.
_______________________

(1)       Hồ Á Mẫn – Lê Huy Tiêu dịch (2011), Giáo trình Văn học so sánh, NXB Giáo dục Việt Nam.
(2)       Weihe Zhong (2003), “An Overview of Translation in China”, Translation Journal.
(3) (4) Kiều Thanh Quế, Kiều Thanh Quế với công việc dịch thuật, http://lyluanvanhoc.com/?p=2606
(5)       Jeremy Munday – Trịnh Lữ dịch (2009), Nhập môn nghiên cứu dịch thuật – Lý thuyết và ứng dụng, NXB Tri thức trẻ.
(6) (8) (9) Leo Tak-hung Chan (2001), “What’s Modern in Chinese Translation Theory?” Lu Xun and the Debates on Literalism and Foreignization in the May Fourth Period, http://id.erudit.org/iderudit/000576ar
(7)       Elsie Kit Ying Chan (2003), Translation as a Metaphor: Yan Fu and his translation principles, A Thesis Submitted in Parital Fulfillment of the Requirements for the Degree of Doctors of Philosophy in Translation Studies, University of Warwick.
(10)     Cao Xuân Hạo, Bàn về dịch thuật, http://vietucchau.com/tin-tuc/ban-ve-dich-thuat-cao-xuan-hao.html
(11)     Viện Nghiên cứu Hán Nôm (1982), Dịch từ Hán sang Việt, một khoa học – một nghệ thuật, NXB Khoa học Xã hội.
 (12)    Nguyễn Thị Nương, “Vài nét về việc sưu tầm, dịch thuật, giới thiệu và nghiên cứu thơ chữ Hán của Nguyễn Du “,Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (74) 2006, Tr.69-75.
(13) (14) Nguyễn Ngọc Long, “Chuyển dịch đại từ nhân xưng ngôi thứ hai Hán – Việt”, Tạp chí Hán Nôm, Số 1(92) 2009, Tr. 52 – 58.
Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Một chút cho đời - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger