Triết học là gì?

I.
Thưa tiến sĩ Adler,
Tôi không hiểu thuật ngữ “triết học” bao hàm nghĩa gì. Hình như nó không có một chủ đề xác định nào như trong các khoa học và các nghiên cứu kinh viện. Phải chăng triết học bao gồm mọi lĩnh vực tri thức? Hay nó chỉ đơn thuần là tư tưởng, không có một đối tượng riêng biệt nào? Triết học có phải là một khoa học mang đến cho ta tri thức chắc chắn và chính xác, hay chỉ là nghệ thuật suy nghĩ? Tại sao chúng ta không thể đồng thuận với nhau về mục đích của một nỗ lực mà nhân loại theo đuổi hàng ngàn năm nay?
J.P.
  J.P. thân mến,

Sở dĩ khó định nghĩa triết học là vì có quá nhiều cái nhìn khác nhau về nội dung và sứ mệnh của triết học. Một mặt, nó được trình bày như là tri thức nền tảng về bản chất của vạn vật; mặt khác, như là sự hướng dẫn đến một đời sống tốt đẹp. Thời Trung Cổ triết học bị xem như con sen của thần học; thời nay, nhiều người vẫn xem nó như một trợ thủ cho khoa học xã hội và khoa học tự nhiên.

Thuật ngữ “triết học” theo nghĩa đen là lòng yêu mến đối với sự minh triết, theo đó, triết học là một tham vọng tìm kiếm hơn là một cái kho chứa đựng tri thức tìm được và có thể truyền giao được. Socrates chỉ rõ rằng triết gia là người yêu mến sự minh triết, chứ không sở hữu nó.

Socrates còn làm cho cung cách của triết gia thêm cụ thể khi nói rằng một đời sống không được khảo chứng thì không đáng sống và chúng ta nên theo đuổi mọi chứng lý đến bất cứ nơi đâu khi chưa ngã ngũ. Luôn luôn tìm kiếm, luôn luôn nghi vấn là thái độ căn bản trong sinh hoạt triết học. Nó cũng cho thấy một ý hướng luân lý của một đời sống tốt đẹp vốn là điều cần nhấn mạnh luôn mãi trong triết học.

Aristotle trình bày nội dung của triết học bằng một khối lượng tác phẩm phong phú đồ sộ. Ông phân chia triết học thành những chuyên ngành khác nhau. Đứng trên tất cả là “đệ nhất triết học”, hay Siêu hình học, vốn là tri thức về những nguyên lý và những nguyên nhân tối hậu. Sự nhấn mạnh Siêu hình học như vậy cũng đóng vai trò chính yếu trong triết học.
Vào thời hiện đại, bản chất của tri thức và cơ cấu của tâm trí được coi là quan trọng hàng đầu. Immanuel Kant(1), người đi đầu theo đường hướng này, phân biệt một bên là tri thức thực nghiệm có sẵn đối với khoa học tự nhiên và một bên là tri thức thuần lý chỉ có thể đạt được bằng triết học. Hiện nay người ta bàn cãi rất nhiều về vai trò tương đối của triết học và khoa học. Chính là với khoa học, chứ không phải triết học, mà người ta đi tìm tri thức căn bản. Một trong những trường phái triết học mạnh mẽ nhất, chủ nghĩa Thực chứng, cho rằng chỉ có những khoa học thực nghiệm mới là tri thức thực sự, và rằng triết học chỉ còn đóng vai trò giải nghĩa và phê phán các khoa học này.

Quan điểm của tôi là, triết học là một loại tri thức đặc biệt có tính minh triết. Nó đem đến cho ta minh triết về bản chất con người, về thế giới, về Thượng Đế, về đời sống tốt đẹp và xã hội tốt đẹp. Nó đem ra ánh sáng thắc mắc căn bản về yếu tính của vạn vật và cứu cánh cuộc đời. Do đó, nó đứng trên khoa học, cả về lý thuyết lẫn thực hành, vì khoa học chỉ đề cập đến những vấn đề bên ngoài và kém quan trọng hơn.
Theo quan điểm này, triết học là mối bận tâm của tất cả mọi người. Nó không phải là một ngành học đặc biệt, đòi hỏi phải tinh thông một phương pháp luận phức tạp, toán học cấp cao, hoặc máy móc tinh vi. Triết gia đích thực là một con chim lạ hiếm, đó là vì ông ta đã dâng hiến hết mình và suốt đời cho việc theo đuổi minh triết giữa một thế giới đầy sự xao lãng. Tuy nhiên mọi người có thể đáp lại tiếng gọi này, vì chỉ có hai điều duy nhất mà một người cần có để trở thành triết gia, đó là trí tuệ được Thượng Đế ban cho và một niềm khát khao muốn biết chân lý tối hậu.
Những gì tôi vừa trình bày trên đây gợi lên những giải đáp cho tất cả các câu hỏi của bạn. Triết học không phải là một khoa học thực nghiệm theo nghĩa của Vật lý học, Hóa học, và Sinh lý học; mà nó là một khoa học thuần lý, và như toán học, nó phát triển bằng suy tư và phân tích có hệ thống. Nhà toán học lẫn nhà triết học đều không viện dẫn bất kỳ sự kiện đã quan sát được nào cả, ngoại trừ những sự kiện thuộc kinh nghiệm thông thường của mọi người. Cả hai đều tiến hành những khám phá của mình ngay tại bàn giấy; cả hai đều là những nhà tư tưởng xa-lông.

Triết học không phải là một nghệ thuật, nhưng nó sử dụng các môn học lý thuyết, đặc biệt là nghệ thuật suy luận biện chứng. Nó không phải là thần học, vì trong khi thần học lấy niềm tin tôn giáo làm khởi điểm của mình thì triết học lại bắt đầu bằng sự phán đoán thực tế, nó nỗ lực làm rõ và đào sâu sự hiểu biết về một thế giới còn ẩn tàng trong phán đoán thực tế đó.

Hoàn toàn không đến trước khoa học, triết học đến sau khoa học. Mặc dù, như lịch sử cho thấy, sự tra hỏi triết lý bắt đầu từ rất lâu trước thí nghiệm khoa học, nó cũng sẽ tiếp tục lâu dài sau khi chúng ta đã đạt đến những giới hạn của tri thức thực nghiệm. Các khoa học thực nghiệm đã hoàn thiện rồi, và có những biểu hiện cho thấy ở những thời điểm nào đó chúng đã đi xa đến mức có thể. Nhưng triết học vẫn còn ở tuổi ấu thơ của nó. Sự phát triển đầy đủ của nó nằm ở nhiều thiên niên kỷ phía trước.
(1) Immanuel Kant 1724 – 1804): Triết gia Đức, là người làm đảo lộn đường hướng triết học Tây phương với tác phẩm Critique of Pure Reason (“Phê phán Lý tính thuần túy”; 1781)

II.
 Triết học là một trong những hình thái ý thức xã hội, hệ thống các quan điểm chung nhất của con người về thế giới và sự nhận thức thế giới ấy.
Theo: http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn/
Triết học là một trong những hình thái ý thức xã hội, hệ thống các quan điểm chung nhất của con người về thế giới và sự nhận thức thế giới ấy. Vấn đề quan hệ giữa vật chất và ý thức (tinh thần) là vấn đề cơ bản của TH. Nó có hai mặt: mặt thứ nhất giải quyết vấn đề vật chất và ý thức, cái nào có trước, cái nào có sau; mặt thứ hai giải quyết vấn đề con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không. Tuỳ theo cách giải quyết mặt thứ nhất của vấn đề cơ bản mà các nhà triết học chia làm hai phe chính: những người theo chủ nghĩa duy tâm và những người theo chủ nghĩa duy vật. Tuỳ theo cách giải quyết vấn đề thứ hai mà các nhà triết học chia thành những người thừa nhận con người có thể nhận thức được thế giới (khả tri) và những người phủ nhận khả năng ấy (bất khả tri). TH ra đời rất sớm, ngay từ khi mới ra đời, TH đã phân làm hai phe đối lập nhau là chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, và sự đấu tranh giữa hai phe ấy đã trở thành quy luật phát triển của TH. Cùng với cuộc đấu tranh ấy, trong quá trình phát triển của TH, cũng xuất hiện và ngày càng biểu hiện sâu sắc hơn sự đối lập giữa hai phương pháp tư duy: biện chứng và siêu hình. Các trào lưu TH trong lịch sử đã có thể có những biến dạng khác nhau nhưng không thoát ra khỏi những sự đối lập ấy. Lịch sử phát triển của TH là lịch sử đấu tranh giữa thế giới quan duy vật và thế giới quan duy tâm, giữa phương pháp biện chứng và phương pháp siêu hình. Chính cuộc đấu tranh giữa hai phái duy vật và duy tâm đã thể hiện tính đảng của TH. TH là thế giới quan của một lực lượng xã hội, một giai cấp nhất định, cho nên cuộc đấu tranh trên mặt trận TH cũng phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp về mặt tư tưởng và chính trị. TH macxit ra đời trên cơ sở kế thừa những di sản quý báu trong lịch sử phát triển của TH và văn minh nhân loại, trên cơ sở khái quát thực tiễn xã hội hiện đại, là TH duy vật biện chứng - khoa học về những mối liên hệ phổ biến và các quy luật vận động và phát triển chung nhất của cả tự nhiên, xã hội và tư duy. TH macxit là thế giới quan, đồng thời là vũ khí lí luận của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh giải phóng bản thân và giải phóng những người lao động khỏi áp bức và bóc lột.
Nguồn: http://fpe.hnue.edu.vn/index.php?showpost=418

III.
 "Triết" theo từ nguyên chữ Hán có nghĩa là trí, bao hàm sự hiểu biết sâu sắc về sự vật, hiện tượng và đạo lý. Thuật ngữ "triết học" (philosophy), gốc tiếng Hy Lạp có nghĩa là "yêu mến sự thông thái".
Theo quan điểm mácxít, triết học là một hệ thống những quan điểm, quan niệm chung nhất của con người về thế giới và vai trò, vị trí của con người trong thế giới đó. Triết học là thế giới quan của một giai cấp nhất định trong lịch sử. Triết học ra đời cách đây hơn hai ngàn năm trong các nền văn minh cổ đại như: Ấn Độ, Trung Hoa, Ai Cập, Babilon, Hy Lạp, La Mã, v.v., với hai nguồn gốc chủ yếu sau:

Nguồn gốc nhận thức. Khi nền văn minh cổ đại đã khá phát triển, các ngành khoa học đầu tiên của nhân loại như: thiên văn học, toán học, cơ học... đã tích lũy được một khối lượng tri thức to lớn, các nhà khoa học đã bắt đầu đề cập đến những vấn đề chung nhất như: Bản chất của thế giới là gì? Các hiện tượng, sự vật trong thế giới tồn tại ra sao? Con người có vai trò và vị trí như thế nào trong thế giới ấy?... Việc giải quyết những vấn đề đó đã dẫn tới hình thành một hệ thống tri thức sâu sắc của con người, đó là triết học.

Nguồn gốc xã hội. Đó là sự xuất hiện phân công lao động xã hội giữa lao động trí óc và lao động chân tay. Khi sản xuất xã hội đã phát triển, tạo ra được "sản phẩm thặng dư", nhờ đó đã hình thành được một lớp người không cần phải lao động chân tay mà vẫn sống được - những người chuyên lao động trí óc. Chính họ đã khái quát hóa các tri thức mà loài người đã tích lũy thành một hệ thống những quan điểm, quan niệm chung nhất về thế giới, nhằm giải quyết những vấn đề chủ yếu nhất của thế giới quan. Những tri thức đó là triết học.
Nguồn: http://www.vn-zoom.com/f362/triet-hoc-la-gi-1397739.html
Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Một chút cho đời - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger