Phản biện xã hội và lối sống "tiểu xảo"

Nếu như trên thế giới, người ta coi bậc trí thức sinh ra để nghiên cứu, sáng tạo và phản biện xã hội thì tại Việt Nam, hình như phần nhiều các trí thức chỉ bắt đầu học cách phản biện khi thôi làm quan chức. Vì cơ chế này không khuyến khích họ đánh đổi giữa những ham muốn cá nhân và lợi ích cộng đồng.
Đương nhiên, một xã hội chậm phát triển là một xã hội thiếu nhiều ... cơ sở cho sự phát triển. Trong đó, không thể không nhắc tới "phản biện xã hội". Thậm chí đây còn là một tiền đề tối quan trọng trong việc mãi dẫm chân dưới vũng lầy hay cất cánh bay lên.
Vì sao phản biện vẫn là khái niệm xa xỉ?
Bài viết này xin mạo muội nêu lên một giả thuyết, lý giải tại sao ở nhiều quốc gia, từ lâu "phản biện xã hội" là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thì tại Việt Nam, nó vẫn là một khái niệm xa xỉ của đa số trí thức, đừng nói là nhân dân.
Hãy bắt đầu từ câu chuyện văn hóa. Có đứa bé 5 tuổi nhất định đòi cha nó phải giữ lời hứa từ tuần trước, là chủ nhật này đưa cả gia đình đi chơi Thảo cầm viên. Oái oăm thay, người bố lại coi việc tụ tập, bù khú với bạn bè trong ngày nghỉ quan trọng hơn là giữ lời với con trẻ. Thế là ông mắng "Im ngay! Để tao nói mẹ mày ra chợ mua đền cho món đồ chơi!". Nó vẫn không chịu.
A! Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư!... Thế là thằng bé bị nọc ra tặng cho mấy con lươn vào mông đít. Lần này nó xin tha rối rít để tránh bị ăn thêm đòn chứ chẳng còn chút ý kiến ý cò gì về việc đi sở thú nữa, và thấy mong muốn ấy là một sai lầm khiến phải mang vạ vào thân.
Văn hóa ứng xử tại Việt Nam cơ bản là thế. Người trẻ buộc phải nghe người già, kẻ dưới tự nguyện với người trên, mặc nhiên coi những phát biểu của bậc đi trước là "chân lý".
Thế mới có chuyện cả nghìn năm nay, chúng ta coi đạo Nho là khuôn vàng thước ngọc mà chẳng thèm để ý đến những tì vết dù là nho nhỏ trong cái hệ thống ấy.
Cho mãi tới thời đại ngày nay mới mang máng nhận ra sự bất hợp lý, ví như quan điểm ủng hộ chế độ độc tài (Vua là con trời), cổ súy cho cách học tầm chương trích cú, hay khuyến khích lối ứng xử mang nặng tính bất bình đẳng giới (trọng nam khinh nữ), v...v...
Trở lại với câu chuyện trên, giả sử đây là trường hợp xảy ra tại một quốc gia phương Tây, chắc chắn người hạ roi xuống đứa trẻ sẽ phải lo sốt vó, vì biết đâu chừng, thằng nhóc lại nhấc điện thoại lên nhờ cảnh sát can thiệp vào hành động trấn áp vô lý của người sinh ra nó.


Sự hình thành một nhân cách phụ thuộc rất nhiều vào quá trình "xã hội hóa" của cá nhân giai đoạn còn nhỏ tuổi. 
Lối sống "tiểu xảo" hay "con đường ứng xử"?
Câu chuyện về văn hóa lại kéo theo câu chuyện về giáo dục. Một nền học mà cái "danh" nhiều hơn cái thực, đã khiến cho nhà trường đôi khi lại trở thành cha mẹ của các bậc phụ huynh có con em từ lớp Chồi tới bậc tiểu học.
Để khi xin được cho chúng nó vào trường rồi thì lại muốn "con của tớ là đứa học giỏi nhất nhì lớp". Mà trong muôn ngàn cách lấy thành tích học tập thì việc ngoan ngoãn nghe lời giáo viên vẫn là một "tiểu xảo" phổ biến. Lâu dần, "tiểu xảo" ấy mặc nhiên được chấp nhận như là một dạng của thiết chế.  - thầy đã nói thì cấm có sai!
Thế là tiếng nói độc lập của cá nhân khi còn trẻ lại bị vùi thêm một lớp sóng nữa.
Được biết, sự hình thành một nhân cách phụ thuộc rất nhiều vào quá trình "xã hội hóa" của cá nhân giai đoạn còn nhỏ tuổi. Ở Thụy Điển, người ta coi đây là "thời kỳ vàng của cuộc đời". Tại Nhật Bản, học sinh đến trường tưởng chơi nhiều mà hóa ra lại học chất lượng. Từ mỗi trò nghịch ngợm mà các em tự xây dựng tư duy và cách tiếp nhận kiến thức cho riêng mình để không trở thành bản sao của ai hết,...
Do vậy, hình thành hay không hình thành tư duy phản biện cũng manh nha từ lứa tuổi này.
Văn hóa Việt Nam, giáo dục Việt Nam góp phần tạo nên xã hội Việt Nam. Một xã hội mà "câu chuyện cơ chế" luôn là một đề tài nóng hổi. Trong nhiều trường hợp, đường lối của Nhà nước (có thể) đúng đắn nhưng cấp thi hành lại thực hiện ngả nghiêng.
Bởi họ không có hay không dám cất lên tiếng nói phản biện công khai nên chỉ dám "bày tỏ ý kiến" thông qua việc chui qua những lỗ hổng của cơ chế để làm lợi cho bản thân.
Câu khẩu hiệu: "Phê bình, tự phê bình" chúng ta nghe đã quá quen, song thử hỏi có mấy tổ chức hay cá nhân làm tốt? Bởi nền văn hóa và kinh nghiệm trong môi trường giáo dục trước đó đã cho họ những "con đường" ứng xử rồi.
Nếu như trên thế giới, người ta coi bậc trí thức sinh ra để nghiên cứu, sáng tạo và phản biện xã hội thì tại Việt Nam, hình như phần nhiều các trí thức chỉ bắt đầu học cách phản biện khi thôi làm quan chức. Vì cơ chế này không khuyến khích họ đánh đổi giữa những ham muốn cá nhân và lợi ích cộng đồng.
Đương nhiên, một xã hội muốn phát triển phải cần rất nhiều yếu tố, song không thể không có sự song hành của "phản biện xã hội". Khi nào để điều đó không còn là một khái niệm xa xỉ tại Việt Nam? Như trên vừa nói, với nền văn hóa ấy, với đặc điểm giáo dục ấy, với cơ chế ấy... tôi nghĩ là còn lâu lắm.
Nhưng vẫn mong nhận xét trên chỉ là võ đoán.

Trần Anh Tuấn
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/61655/phan-bien-xa-hoi-va-loi-song--tieu-xao-.html
Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Một chút cho đời - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger