"Kẻ sĩ, người trí thức mà không nói được
tiếng nói của chính mình...
thì suy cho cùng, nào có khác gì
con sáo bị cụt mất đầu lưỡi đâu?"
(Giáo sư Tương Lai)
"Lời nói thật thà có thể bị buộc tội
Lời nịnh hót dối lừa
có thể được tuyên dương"
(Nhà thơ Nguyễn Duy)
Nói thẳng, nói
thật tưởng dễ mà đâu có dễ. Để thấy rõ điều này, xin mời nghe bà Sáu Trầu,
nguyên đại biểu quốc hội khóa VII[1], tâm sự: "trước phiên họp[2] (thứ 10, năm 1985, cách nay đã 35 năm có
lẻ) một đồng chí trong đoàn kéo tôi lại ái ngại: chị có trăng trối gì với
mấy đứa nhỏ ở nhà không?"[3]. Đấy là lần bà Sáu được phân công thay mặt
đoàn đại biểu quốc hội tỉnh lên phát biểu chất vẫn chính phủ trước Quốc hội
(khóa VII).
Nói thẳng, nói
thật là một yếu tố biểu hiện QUYỀN LÀM CHỦ CỦA DÂN. Dân chủ XHCN - như ta thường
được nghe giảng, "dân chủ gấp vạn lần dân chủ tư sản".
Biểu hiện đầu tiên của dân chủ chính là tự do. Tự do là khát vọng
lớn nhất của con người mọi thời đại (Bác Hồ nói: Không có gì quý hơn độc lập
tự do).
Trong đó, tự do
nói lên sự thật, nói thẳng sự thật, được bày tỏ suy nghĩ của mình, ước nguyện của
mình... chính là khát vọng thường trực[4]! Nhưng, nói thẳng sự thật - tưởng
dễ mà khó! Đâu phải cứ muốn nói thẳng là ta có thể nói thẳng được? Người thấy
sao nói thế, người nghe sao nói vậy, cứ nghĩ mình là người thẳng
thắn, hóa ra không phải! Bởi thấy và nghe là những hành vi dễ
nhất mà mỗi người có thể làm được, ngoại trừ những người khiếm thị, khiếm thính
(nhưng những người này lại thường có linh cảm đặc biệt mà người sáng mắt, sáng
tai không dễ gì qua mặt!). Thấy và nghe mới chỉ là nhận ra cái vẻ bề ngoài, cái
hình thức của sự vật - mà ai cũng hiểu, hình thức nhiều khi không phản ánh đúng
bản chất nội dung.
Thấy phải bằng
đôi mắt tinh tường, nghe phải được nghe bằng cả hai tai!
Ngược với thấy
sao nói thế, nghe sao nói vậy là loại người... thấy rõ mười mươi mà
không dám nói, nghe rõ mồn một mà giả điếc làm ngơ!
Cho nên, thấy
và nghe chỉ là bước đầu tiên để nhận thức bản chất: bước thu thập thông tin. Bởi
vì nói thẳng bao giờ cũng đi đôi với nói thật, nên vấn đề nhận thức đúng bản chất
mới là điều vô cùng quan thiết. Muốn vậy, trước tiên phải có kiến thức về lĩnh
vực mình muốn nói. Dân ta có câu: Biết thời thưa thốt, không biết, dựa cột
mà nghe!. Cùng với kiến thức, là tư duy khoa học, là biết đánh giá một cách
toàn diện, khách quan - đừng như lũ thầy bói xem voi; đồng thời phải xuất
phát từ một cái tâm trong sáng - để thẳng không thành cong, để méo
không hóa tròn, để bé không xé ra to, để to không vo thành bé...
Nhận thức đúng
bản chất - cần thiết, nhưng chưa đủ! Còn phải có dũng khí dám nói sự thật, đừng
để miếng thịt bịt miệng! (Cần nói thêm rằng, không dám nói sự thật không
chỉ là hành vi của kẻ hèn yếu, mà nhiều khi còn đồng nghĩa với ngậm miệng ăn
tiền. Thực tế cuộc sống không hiếm kẻ tiến thân rất nhanh bằng con đường ngậm
miệng: "Ngậm hàm thì tiến"! Dân gian đã nói như thế!). Sinh thời,
Phùng Quán từng viết: Yêu ai cứ bảo là yêu- Ghét ai cứ bảo là ghét- Dù ai
ngon ngọt nuông chiều- Cũng không nói yêu thành ghét- Dù ai cầm dao dọa giết-
Cũng không nói ghét thành yêu...
Tuy nhiên,
trong thực tế cuộc sống, không phải lúc nào cũng phải... nói đúng sự thật! Một
bác sĩ, khi phát hiện ca bệnh hiểm nghèo, có nên nói trực tiếp sự thật đó với bệnh
nhân không? - Không trong trường hợp này, nhiều khi lại là đức nghề nghiệp
cần thiết đối với một lương y! Vấn đề là ở chỗ: Không phải sự thật nào cũng
nên nói; nhưng một khi đã có thể nói, thì phải nói đúng sự thật! Đấy có thể
coi là những tiêu chí để đánh giá phẩm chất một người-biết-nói-thẳng.
Có người-biết-nói-thẳng
không thôi, chưa đủ, còn cần phải có người-biết-nghe-nói-thẳng.
Không phải ai
ai cũng muốn nghe lời nói thẳng, bởi trung ngôn nghịch nhĩ (tuy bề
ngoài, người nào cũng tỏ ra sẵn sàng nghe nói thẳng, nói thật!). Mặt khác,
không phải ai đó tuyên bố sẵn sàng nghe nói thẳng nói thật, sẽ lập tức được đáp
ứng!
Một người muốn
nghe người khác nói lên sự thật, người đó mới chỉ là người-dám-nghe-nói-thẳng
- Vâng! Rất đáng trân trọng! Nhưng chỉ... dám không thôi thì chưa đủ.
Người muốn nghe lời nói thẳng, trước hết, dù ở cương vị nào, người đó cũng phải
có được phẩm chất cần thiết như những tiêu chí đã nêu đối với người-biết-nói-thẳng
(thậm chí còn phải ở mức cao hơn), nhất là sự dũng cảm (đặc biệt là khi điều được
nghe lại đụng chạm đến... người thân, đến chính bản thân!) - Để không bị nhầm, bị
lừa, bị bẫy... người nghe còn phải có kinh nghiệm nghe lại phải biết đích
thân kiểm tra tính đúng đắn của những điều nghe được ấy. Người như thế, có thể
đặt cho cái tên là người-biết-nghe-nói-thẳng hoặc người-nghe-nói-thẳng-được!
Như vậy, thực tế
tồn tại một lô-gic sau: người-biết-nói-thẳng, khi có dịp được nói thẳng,
người đó sẽ đủ tự tin để nói-thẳng-được! Tương tự, người muốn nghe nói thẳng,
chỉ thật sự được nghe, khi người đó... nghe-nói-thẳng-được, tức là khi biết-nghe-nói-thẳng!
Xưa nay thiếu gì "kẻ sĩ" đã "mai danh ẩn tích" chính vì không
muốn "đem đàn gẩy tai trâu".
Một đất nước
phát triển, một xã hội dân chủ và văn minh, rất cần những người-biết-nói-thẳng
- được nói thẳng! Càng rất cần những người-nghe-nói-thẳng-được - được nghe nói
thẳng! Đó chính là mục tiêu hàng đầu của giáo dục. Và đó cũng là cái gốc của nền
văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Thật vậy! Làm sao có thể được coi là
một nước văn minh, dân chủ, khi trong nước đó, người-biết-nói-thật và người-nghe-nói-thật-được,
chỉ như lá mùa thu.
Trần Huy Thuận
Nguồn:
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-01-16-noi-thang-va-nghe-noi-thang-
[1] người mới đây được Vietnamnet gọi là "NGƯỜI MỞ KỶ NGUYÊN NÓI THẲNG,
NÓI THẬT TRÊN NGHỊ TRƯỜNG"
[2] tức là trước khi bà thay mặt đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Cửu Long lên đọc
tham luận "nói thẳng, nói thật"
[3] ngày 06 tháng 01 năm 2011
[4] "Tự do phát ngôn thì cứ tự do phát ngôn, nhưng quyền tự do sau phát
ngôn thì tôi không bảo đảm" - TS. Lê Đăng Doanh đã có lần trả lời vị Hiệu
trưởng một Trường Đại học Singapore
như vậy!
Đăng nhận xét