Dịch giả thời @

Một số “cây đa cây đề” trong làng dịch thuật cho rằng công việc chuyển ngữ không chỉ có dịch mà còn phải am hiểu tiếng Việt cũng như có bản lĩnh văn hóa. Còn với dịch giả trẻ, họ đến với bản dịch đơn giản vì yêu thích và để trau dồi... ngoại ngữ, văn hóa, như dịch giả tiếng Trung Nguyễn Tôn Nhan phát biểu: “Dịch là học!”. 
Thời gian gần đây xuất hiện nhiều tác phẩm văn học dịch nổi đình nổi đám của nhiều dịch giả trẻ như bộ tiểu thuyết Tru Tiên của Tiêu Đỉnh do Đào Bạch Liên dịch hay tiểu thuyết Xin lỗi, em chỉ là con đĩ của Tào Đình do Trang Hạ dịch... Liệu có thể khẳng định, nền dịch thuật VN đã có đội ngũ kế thừa?
Nuôi đam mê...
Trương Quế Chi.
Trương Quế Chi.
Nhiều người biết đến nhà thơ nữ Trương Quế Chi (sinh năm 1987) nhưng cũng không quên Chi là một dịch giả. Những năm còn học THCS (Trương Quế Chi học tiếng Pháp từ năm vào lớp 1), Chi đã dịch ba tác phẩm dành cho thiếu nhi: Con cá voi có đôi mắt vàng, Cô bé và đàn sói hoang trong năm 2001 và Một chuyến phiêu lưu - NXB Kim Đồng 2002. Những tác phẩm cho thiếu nhi với ngữ nghĩa đơn giản chưa thể minh chứng được điều gì về tài năng dịch thuật của Chi nhưng có thể giúp Chi trau dồi thêm văn hóa và hứa hẹn một tương lai.
Cách đây vài năm, tại các nhà sách xuất hiện bộ tiểu thuyết Tầm Tần ký (NXB Văn học, 2004) khá đồ sộ trong khi ít người biết tác giả dịch bộ sách này lại rất trẻ - Hồ Tiến Huân (SN 1980). Để đến được với công việc dịch thuật, chàng trai này khá vất vả trong việc tiếp cận Trung văn. Sinh ra ở vùng đất “gió như Phang, nắng như Rang” (Phan Rang), Hồ Tiến Huân chỉ có cơ hội học tiếng Trung khi đặt chân vào đại học, vì trước đó anh là học sinh giỏi tiếng Anh toàn quốc. Cách học của anh không chỉ là sự chăm chỉ trên quyển từ điển mà anh vừa học vừa dịch và nuôi khát vọng dịch văn. Đầu tiên Hồ Tiến Huân nhận dịch các sách “thị trường” như giáo dục giới tính, bởi theo anh, “nó đơn giản”, rồi đến sách biên khảo về võ hiệp Kim Dung. Sau nữa, để dịch văn, anh đã khăn gói lang thang sang Trung Quốc điền dã văn hóa, chuẩn bị nội lực cho một “cuộc đi dài”. Đến nay anh đã dịch khoảng 10 bộ truyện võ hiệp và nhiều thể loại khác.
Những cái tên như Nguyễn Lệ Chi, Trang Hạ, Đào Bạch Liên... phần nào nói lên diện mạo một thế hệ dịch giả mới – đang nuôi đam mê và không ngừng tự hoàn thiện.
Tìm nguồn sống
Nguyễn Lệ Chi.
Nguyễn Lệ Chi.
Chuyện đam mê, yêu nghề khỏi phải bàn nữa, dịch giả Nguyễn Lệ Chi (SN 1976) khẳng định: “Ở đây tôi gạt yếu tố yêu nghề sang một bên vì đó là điều đương nhiên. Nếu không yêu nghề, người ta không bao giờ đeo đuổi với nghề, bất chấp mọi khó khăn vất vả. Tôi chỉ nói tới việc làm sao để sống thọ với nghề. Nếu kiên nhẫn, dịch giả trẻ mới gạt được mọi thú vui, chịu bỏ hàng giờ đồng hồ ngồi chăm chút cho từng câu chữ”.
Những nhà dịch thuật lớn tuổi ở ta còn xem công việc này là rất khổ hạnh, cô đơn. Và vì vậy, các dịch giả đạt tầm chuyên nghiệp sống được với nghề rất hiếm nếu không muốn nói có “cơm ăn” toàn nhờ “tay trái”. Nguyễn Lệ Chi là một trường hợp đặc biệt, chị có đến 3 bằng ĐH, một bằng thạc sĩ toàn các ngành nghề thời thượng như ngành quan hệ quốc tế nhưng hiện đang làm trưởng ban dịch thuật và khai thác bản quyền thuộc Công ty Văn hóa Phương Nam. Tạm gác lại những bằng cấp để theo đuổi sở thích, Nguyễn Lệ Chi khẳng định được vị trí của mình trên từng tác phẩm và đương nhiên phải “sống được bằng nhuận bút” (thu nhập bao gồm cả viết báo, dịch sách, tổ chức sản xuất phim, dịch vụ liên quan đến phim ảnh). Như đã nói, dịch văn học rất khó, nên sống bằng nghề dịch sách văn học là chuyện gần như phù phiếm so với mức thù lao khiêm tốn được trả. Khoảng năm 2004, Nguyễn Lệ Chi đến với nghề dịch bằng các tác phẩm giảng dạy chuyên ngành điện ảnh của Trung Quốc. Đó là bước “mào đầu” để chị đến với nghề dịch một cách nghiêm túc.
Để đến với đam mê vô vụ lợi, nhiều dịch giả trẻ chấp nhận “đồng sàng dị mộng” với cơm áo mưu sinh. Dịch giả Đào Bạch Liên (SN 1979) tốt nghiệp ĐH Ngoại thương Hà Nội hiện làm việc cho Công ty The Yasuda Ware House của Nhật. Còn Hồ Tiến Huân vẫn đang nuôi mộng dịch thuật nhưng bây giờ VN đã vào Công ước Berne, nên việc anh tự đi mua bản quyền về dịch rồi đi “chào hàng” là rất khó. Hồ Tiến Huân ta thán: “Dịch sách làm sao sống nổi khi mình chỉ dịch những gì mình thích? Thêm nữa, nhuận bút đâu đủ để đi bụi sang nước sở tại tìm hiểu văn hóa. Vì mê tìm hiểu văn hóa và dịch nên mình lúc nào cũng cháy túi”. Làm một nghề gần với dịch thuật là nghề báo như dịch giả Trang Hạ (SN 1975) có vẻ thuận lợi hơn, chị hiện đang là phóng viên thường trú của một tờ báo trong nước ở Đài Loan. Dịch giả không thể “húp cháo loãng” cầm hơi bên cạnh trang bản thảo hứa hẹn mức nhuận bút “tượng trưng”. Vì dịch sách văn học đâu thể làm việc như cái máy “đẻ” liên tục, mà phải dành thời gian tìm kiếm tác phẩm đồng điệu với cảm xúc của người dịch.
Thế mạnh của người trẻ
Đào Bạch Liên.
Đào Bạch Liên.
Đầu tiên phải nói đến lợi ích của Internet giúp các dịch giả thế hệ thời @ tìm kiếm tác phẩm thuộc dòng văn học Ling Lei. Hai tác phẩm Xin lỗi, em chỉ con đĩ của Tào Đình, Tru Tiên của Tiêu Đỉnh do Trang Hạ và Đào Bạch Liên dịch có nguyên tác xuất thân từ mạng. Hàng loạt tác phẩm gần đây do Nguyễn Lệ Chi dịch của An Ni Bảo Bối, Bì Bì... cũng xuất thân từ đó. Các dịch giả trẻ được đào tạo căn cơ về ngoại ngữ chứ hiếm người mày mò tự học vừa dịch vừa tra từ điển như các thế hệ trước nên đã giúp rút ngắn thời gian từ nguyên tác đến độc giả VN. Như bộ tiểu thuyết Tru Tiên, Đào Bạch Liên đã tiếp cận và bắt đầu dịch nguyên tác vào cuối năm 2005 nhưng chỉ đến đầu năm nay đã có sách in tại VN. Thêm nữa, môi trường xuất bản hiện đang rất thoáng cho các tác phẩm dịch thuật chứ không đợi chờ “xếp hàng” như trước đây. Các nhà làm sách “nhanh nhạy” và “sắc bén” trong việc thăm dò thị hiếu người đọc khiến những tác phẩm đang “sốt” ở đâu đó lập tức in rào rào ở VN.
Ưu thế trẻ, việc nắm tâm lý cũng như bối cảnh văn hóa hiện đại sẽ thuận lợi hơn cho các dịch giả trẻ. Tuy nhiên, muốn dịch giỏi đâu chỉ vậy, nhà văn Nguyên Ngọc - người sáng lập quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh vào đầu năm nay - đã hóm hỉnh: “Nhiều dịch giả nói tiếng Tây giỏi nhưng tiếng ta lại dở”.
(Nguồn: Người Lao Động)
http://evan.vnexpress.net/News/phe-binh/dich-thuat/2007/05/3B9AD804/
Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Một chút cho đời - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger